Quan hệ Trung - Ấn:

"Cái bắt tay ngang dãy Himalayas"

06:46 | 26/05/2013

1,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không lén lút lợi dụng một đêm không trăng để phái một trung đội đột nhập biên giới Ấn Độ như sự kiện xảy ra vào giữa tháng 4/2013 và cũng không đến Ấn Độ với tư cách một lãnh đạo đoàn thanh niên như cách đây 25 năm, ông Lý Khắc Cường đã có chuyến công du ồn ào kéo dài 3 ngày đến New Delhi, lần đầu tiên, với tư cách Thủ tướng - chuyến đi mà theo ông Lý là nhằm “đưa ra cái bắt tay ngang dãy Himalayas”. Tại sao cần phải có một cái bắt tay như thế?

Lợi ích kinh tế quốc gia là quan trọng nhất?

Khi rời New Delhi sáng thứ Tư ngày 22/5/2013, Lý Khắc Cường đã mang theo 8 bản ghi nhớ cùng một tuyên bố chung 35 điểm. Tổng quát, có thể lược lại như sau. Về vấn đề biên giới, Thủ tướng Ấn Manmohan Singh nhấn mạnh rằng quan hệ hợp tác song phương chỉ có thể phát triển khi nó dựa vào “hòa bình và ổn định trên khu vực biên giới chúng ta”; và Lý thủ tướng cũng “đồng ý rằng điều đó phải nhất thiết được duy trì”, vì “Hòa bình thế giới và ổn định khu vực không thể thành hiện thực mà không có sự tin cậy chiến lược lẫn nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc; nói cách khác, sự phát triển và thịnh vượng thế giới không thể thành hiện thực mà không có sự hợp tác và phát triển đồng bộ của Trung Quốc và Ấn Độ”.

Ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du Ấn Độ đầu tiên với tư cách Thủ tướng Trung Quốc

Trong cuộc gặp Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, ông Lý cũng lặp lại: “Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược và láng giềng thân thiện”... Thực chất thì chuyến công du của ông Lý cũng chỉ dừng lại ở những phát biểu xã giao tương tự, với “nội dung” của nó được giới hạn chủ yếu trong phạm vi kinh tế, khi hai bên thỏa thuận đạt mục tiêu tăng mậu dịch song phương từ 61,5-66 tỉ USD năm 2012 lên 100 tỉ USD năm 2015. Cần biết, Trung Quốc đã trở thành đối tác mậu dịch lớn nhất đối với Ấn Độ từ năm 2011, với mậu dịch song phương có lúc từng đạt 79,3 tỉ USD (Trung Quốc xuất sang Ấn Độ nhiều hơn so với chiều ngược lại, khiến cán cân thâm hụt nghiêng về Ấn Độ).

Tuy nhiên, “ý nghĩa” của chuyến đi không giới hạn trong “nội dung” của nó. Hồ Sĩ Thắng, chuyên gia nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, đã huỵch toẹt: “Chúng tôi không muốn thấy Ấn Độ trở thành công cụ của các nước lớn khác, đặc biệt là Mỹ, để làm đối trọng kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi muốn, qua mối bang giao gần gũi hơn, ủng hộ chính sách New Delhi trong việc duy trì khoảng cách tương đồng. Thật không thực tế khi mong đợi rằng Ấn Độ sẽ gần hơn với nước này hay nước kia” (Reuters 21/5/2013).

Phát biểu này có phải là một nhận thức muộn màng sau khi Bắc Kinh nhận ra rằng chính sách ngoại giao bá quyền chỉ khiến Trung Quốc không chỉ mất đi đồng minh mà còn đẩy nhiều nước xích lại gần hơn với Mỹ? Và những “ly mật” kinh tế mà Lý thủ tướng vừa mang đến New Delhi sẽ kích thích sự quần tụ trở lại của những “con ong” trong khu vực, đặc biệt với một đối tác quan trọng hàng đầu tại Nam Á như Ấn Độ, tất nhiên không chỉ về mặt kinh tế?

Một phép thử và cái “mụn trứng cá”

Bắc Kinh trong thực tế đã làm một bài toán thử về mức độ hiệu quả của lợi ích kinh tế (mà nhiều quốc gia đang xem nó như một trọng tâm của chính sách ngoại giao hiện đại). Đó là sự kiện đưa lính tràn sâu 19km qua biên giới Ấn Độ vào ngày 15/4/2013. Dù 5 năm qua, lính Trung Quốc đã nhiều lần “đi lạc” qua tuyến biên giới dài đến 4.000km giữa hai nước (chỉ trong năm 2012 đã là 400 lần) nhưng sự kiện 15/4 vẫn được chú ý nhiều bởi nó được đạo diễn để cho xảy ra không lâu trước chuyến kinh lý New Delhi của họ Lý.

Một cuộc biểu tình của người dân Ấn Độ trước sự kiện Trung Quốc thâm nhập biên giới

Bài toán thử dường như có kết quả rất lạc quan đối với Bắc Kinh, qua phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid, khi ông không những không chỉ trích Bắc Kinh mà còn nói rằng nó “chỉ là một mụn trứng cá nhỏ xíu không thể khiến người ta có thể nói rằng nó làm cho khuôn mặt thanh tú bớt xinh hơn. Cái mụn trứng cá đó có thể được chữa đơn giản bằng cách bôi lên ít kem”.

Bắc Kinh lại càng “chắc ăn” với phép thử “liệu pháp sốc”, khi ngay cả Thủ tướng Manmohan Singh cũng nói rằng sự kiện trên “chỉ là vấn đề địa phương” và New Delhi không muốn “làm to chuyện”. Liệu có phải New Delhi thật sự “sợ” Bắc Kinh đến độ họ phản ứng “nhu nhược” như vậy? Liệu có phải, đúng như Bắc Kinh tiên liệu, rằng Ấn Độ không dám làm lớn chuyện bởi không muốn ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế quốc gia?

Thái độ yếu ớt của New Delhi còn thể hiện khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thản nhiên nói, lính Trung Quốc không hề xâm nhập qua đất Ấn Độ mà họ chỉ đi tuần tra theo thông lệ; rồi tiếp đó tờ Nhân Dân nhật báo đập thêm một cú khi bình luận: Trung Quốc không nên tiếp tục “chiều chuộng” những “thói quen xấu” của Ấn Độ, đặc biệt những lời “dối trá’ của báo chí Ấn Độ… Với bối cảnh như vậy, họ Lý đã đến New Delhi trên “tâm thế” của kẻ trên cơ và không màng nhắc lại, giải thích hay phân trần về sự kiện 15/4/2013, xem nó cũng chỉ là một sự kiện nhỏ nhặt không đáng bận tâm, như cái… “mụn trứng cá”!

Phản ứng thật sự của Ấn Độ

Cần biết, đến nay, sau 15 vòng đàm phán kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước, vấn đề phân định biên giới Ấn - Trung vẫn chưa ngã ngũ (lần gần đây nhất là phiên đàm phán ngày 14/1/2013 tại Bắc Kinh - theo Rediff 3/5/2013). Ấn Độ nói rằng, Trung Quốc đang chiếm 38.000km2 trên cao nguyên Aksai Chin ở phía tây Himalayas, trong khi Trung Quốc “khẳng định” rằng khoảng 90.000km2 thuộc bang Arunachal Pradesh ở phía Đông bắc Ấn Độ là của họ (AP 2/5/2013). Khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình từng đề xuất 5 đề nghị cải thiện bang giao với Ấn Độ trong đó có việc “tạm gác qua những khác biệt về nhiều mắc mứu trong đó có tranh chấp biên giới để cùng giải quyết những vấn đề mang tính lợi ích chung”.

Nói rõ hơn, chiến lược Bắc Kinh với New Delhi (cũng như với nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam) là giảm nhẹ xung đột tranh chấp biên giới trong khi làm đậm vấn đề hợp tác kinh tế. Vấn đề ở chỗ, điều đó chỉ xuất hiện trong các cuộc gặp ngoại giao chính thức chứ không thể hiện trong hành xử. Thực tế Bắc Kinh lại làm khác đi. Và đòn kích động đối phương đang được sử dụng như một chiến thuật dò đường. Năm 2006, một đặc sứ Trung Quốc từng khiến cả nước Ấn Độ giận dữ khi tuyên bố rằng, toàn bộ bang Arunanchal Pradesh là thuộc về Trung Quốc! Cuối năm 2012, Bắc Kinh thậm chí “hiện thực hóa” phát biểu trên bằng cách cho phát hành hộ chiếu in rõ bang Arunanchal Pradesh lẫn cao nguyên Aksai Chin thuộc Himalayas là “một phần của lãnh thổ Trung Quốc”!

Cái lối nói một đằng làm một nẻo, biết sai nhưng cứ nói bừa, được bổ sung gia giảm với liều lượng tùy theo tình hình bằng những trò kích động tâm lý, đang trở thành chủ thuyết ngoại giao của Trung Quốc. Kích động để đối phương phản ứng và dựa vào cái cách phản ứng để bày binh bố trận cho một đòn thế tiếp theo đang là xu hướng đối ngoại của Trung Quốc. Với những tay yếu bóng vía, họ có thể dễ dàng mắc bẫy và vô hình trung bị cuốn vào trò chơi hiểm độc này. New Delhi tất nhiên không phải không thấy. Do đó, cách mà họ phản ứng “nhẹ hều” trước những sự kiện khiêu khích như vụ đột nhập biên giới ngày 15/4/2013 rất có thể là bằng chứng cho thấy sự “đi guốc trong bụng” đối phương của Ấn Độ. New Delhi dường như đã quá “thuộc bài” trước những đòn dứ “vô chiêu thắng hữu chiêu” của người bạn Bắc Kinh? Với New Delhi, nói không bằng làm. Và họ đã làm gì?

Chính sách “Hướng về phía đông”, bằng việc tiếp cận Biển Đông (với những kế hoạch khai thác dầu hỏa) cũng như xây dựng bang giao các nước khu vực, là một bản thiết kế của đấu pháp kìm hãm Trung Quốc của Ấn Độ. New Delhi chắc chắn không “mù” khi không nhận ra những “chuỗi hạt” trong chiến lược “nhất xuyến trân châu” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Với biên giới đất liền, trên “nguyên tắc chung” và “nhất trí chung giữa hai nước” trong đó có việc đề cao “đàm phán chứ không sử dụng vũ lực”, Ấn Độ cũng đã không mắc lừa để bị “dụ” vào những cuộc đấu khẩu ồn ào. Càng phản ứng mạnh, càng dễ “lộ bài”!

Và họ âm thầm triển khai những gì cần làm để bảo vệ biên giới quốc gia: từ năm 2011, Ấn Độ bắt đầu thực hiện chương trình “Kế hoạch 5 năm củng cố biên giới” với chi phí đến 13 tỉ USD (!), với việc rải 4 sư đoàn và 2 lữ đoàn (tổng cộng 100.000 quân) tại các điểm huyết mạch biên giới, chưa kể việc xây phi trường quân sự trên những đỉnh núi chót vót, dựng pháo đài, mở rộng đường xá, tăng cường phát triển pháo binh... Về đối ngoại, Ấn Độ tiếp tục hâm nóng quan hệ với Mỹ, tỏ ra ủng hộ chính sách “cắm cọc” và “tái cân bằng” châu Á của Washington. New Delhi cũng thân thiện hơn với các nước láng giềng châu Á (vài ngày sau khi Lý Khắc Cường rời New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh sẽ kinh lý sang Nhật).

Thế cho nên, chẳng lẽ New Delhi không hiểu ý nghĩa “cái bắt tay ngang dãy Himalayas” mà Lý Khắc Cường đang chìa ra?! Với Ấn Độ (tương tự với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…), Trung Quốc bây giờ vẫn đang còn có giá trị như một thị trường lớn nhất thế giới. Chừng nào cái giá trị hữu hình này còn khai thác, còn hốt bạc được, người ta còn nhân nhượng, còn chịu nhịn một bước. Một khi cái giá trị đó phai mờ, mà điều này đang bắt đầu xảy ra rõ rệt, thì cái lá bùa kinh tế mà Bắc Kinh sử dụng như một ưu thế áp đảo, để “trấn yểm” trong gần như mọi cuộc đàm phán, chắc chắn sẽ hết “linh”! Mất đi lá bùa kinh tế, Trung Quốc sẽ trở lại nguyên hình với giá trị thật của nó, như vào thời “tiền phát triển” trước cuộc cải cách năm 1979! Có ai còn sợ một thằng khố rách áo ôm thích đi làm càn?

Mạnh Kim