Các nền kinh tế hàng đầu châu Á sẽ xáo trộn lớn

07:00 | 18/04/2013

1,759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Báo cáo công bố ngày 16/4 của IMF vẽ nên bức tranh xáo trộn về các nền kinh tế hàng đầu châu Á, với việc giảm mức dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc; tiên đoán kích thích tài chính của Nhật Bản sẽ cứu vãn tình trạng tăng trưởng trì trệ hiện nay ở nước này và Ấn Độ sẽ tăng tốc trong phát triển kinh tế.

 

IMF họp báo công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới ngày 16/4

Dự báo một cách tổng quan về tình hình khu vực, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng "chỉ ở mức khiêm tốn" khoảng 5,75% trong năm nay. Mức tăng này một phần nhờ sự hồi phục về nhu cầu ở ngoài khu vực, cùng đầu tư và tiêu dùng ở khu vực tư nhân nội địa.

Tuy nhiên, báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF cũng cảnh báo rằng những nguy cơ tiềm ẩn cả ở trong và ngoài khu vực có thể phá vỡ kịch bản tích cực này.

"Các tác động của những rủi ro tiềm ẩn ngoài khu vực vẫn còn rất đáng kể. Trong trường hợp xảy ra suy thoái toàn cầu nghiêm trọng, lượng cầu bên ngoài giảm sẽ tạo lực cản nặng cho các nền kinh tế mở nhất ở châu Á"- báo cáo viết.

Báo cáo cũng viện dẫn sự mất cân đối về tài chính cùng giá tài sản tăng cao như một nguy cơ; đồng thời, cảnh báo khả năng "gián đoạn thương mại do tranh chấp lãnh thổ", ngụ ý đến những tranh chấp lãnh hải đang diễn ra giữa Trung Quốc với Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á.

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, bị IMF hạ từ mức 8,2% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 1/2013, xuống còn 8%, đúng một ngày sau khi Bắc Kinh đột ngột tuyên bố về tình hình suy thoái trong quý I/2013.

IMF không đưa ra lý do cắt giảm dự báo nhưng cho biết tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay tăng nhẹ so với mức tăng trưởng thực tế 7,8% hồi năm ngoái, với lý do "nhu cầu trong nước tăng mạnh trong cả tiêu dùng và đầu tư, cùng những nhu cầu mới đến từ bên ngoài ".

Hôm 15/4, Trung Quốc công bố tăng trưởng kinh tế nước này đã chậm lại một cách đáng ngạc nhiên, chỉ đạt 7,7% trong ba tháng đầu năm nay. Chỉ số tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 3/2013 của Trung Quốc là thấp hơn so với mức trung bình được dự báo là 8,0% trong một cuộc tham khảo ý kiến các nhà kinh tế của hãng tin AFP, đánh dấu sự sụt giảm so với mức 7,9% ở quý trước đó.

Năm 2012, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,8%, mức thấp nhất trong 13 năm qua, giữa bối cảnh khó khăn đến từ cả thị trường trong và ngoài nước. Tháng trước, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7,5%.

IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2014 từ 8,5% còn 8,2%.

Hôm 16/4, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đã hạ bậc xếp hạng của Trung Quốc từ mức “tích cực” xuống còn “ổn định”, với quan ngại về nợ xấu của chính quyền địa phương, tăng trưởng nóng tín dụng và đình trệ trong cải cách kinh tế.

IMF lạc quan hơn về Nhật Bản, với dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 1,6% năm 2013 và 1,4% năm 2014, tăng so với mức dự báo lần lượt là 0,4% và 0,7% đưa ra hồi tháng Một.

Báo cáo của IMF cũng cho biết giá tiêu dùng ở Nhật sẽ tăng nhẹ 0,1% năm 2013, nhưng sẽ tăng 3% vào năm 2014, so với mức 0,0% năm 2012, nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ vừa được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan - BOJ) công bố tháng này.

"Sau nhiều năm giảm phát, với ít hoặc không có tăng trưởng, chính phủ mới của Nhật Bản đã công bố chính sách mới, dựa trên biện pháp định lượng nới lỏng, đặt mục tiêu lạm phát tích cực, kích thích tài chính và cải cách cơ cấu”- IMF cho biết. "Chính sách này sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn" và được phản ánh trong dự báo mới nhất, báo cáo viết.

Tuy hoan nghênh chính sách nới lỏng tiền tệ của BOJ nhưng IMF cũng bổ sung thêm rằng "nới lỏng phải đi cùng với mục tiêu tăng trưởng cao và cải cách tài chính nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững và giảm thiểu rủi ro tài chính".

Với Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, IMF cho rằng tăng trưởng sẽ tăng từ 4% hồi năm ngoái lên 5,75% năm nay và 6,2% năm tới, nhờ tăng cầu từ bên ngoài và "các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng" gần đây.

IMF dự báo tăng trưởng của năm nước đang phát triển vào loại lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia ở mức 5,9% năm nay, giảm nhẹ so với con số 6,1% năm 2012.

Nh.Thạch (Theo AFP)