Biểu tình - “bệnh dịch” lan rộng

07:00 | 21/06/2013

481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi các cuộc biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn âm ỉ, Brazil lại đang chứng kiến làn sóng biểu tình dâng cao như một thứ bệnh dịch nguy hiểm.

Người đàn ông này biểu tình bằng cách ngồi im một chỗ và đọc sách trên Quảng trường Taksim, Thổ Nhĩ Kỳ

Sau 3 tuần lễ chiếm giữ các đường phố và quảng trường ở thủ đô Istanbul, người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển sang hình thức phản kháng mới, mọi nơi công cộng đầy những người đứng, ngồi yên tại chỗ, không làm gì. Sự chuyển hướng này diễn ra sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nếu người biểu tình không giải tán họ sẽ dùng quân đội để giải quyết.

Những người biểu tình chống chính quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nói rằng lực lượng an ninh có thể đẩy họ khỏi công viên Gezi Park ở trung tâm thành phố Istanbul, nơi họ từng chiếm đóng trong hơn hai tuần lễ, tuy nhiên ông Erdogan không thể cấm họ đứng yên tại chỗ.

Ngày 18/6, hơn một nghìn người kéo đến Quảng trường Taksim, đứng lặng yên và chăm chú nhìn vào bức chân dung khổng lồ của người thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ mà lực  lượng an ninh đem đến treo tuần qua trước một tòa nhà.

Cách phản đối mới nhất này đã được khởi xướng bởi một nghệ sĩ trình diễn, sau khi ông ta lần đầu tiên thực hiện vào tối ngày 17/6 ở Quảng trường Taksim, ngày có hơn 80 người bị bắt vì chống chính quyền.

Đám đông hơn 100.000 người biểu tình tuần hành ở Sao Paulo, Brazil, ngày 17/6

Khi biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa dứt thì tại Brazil, làn sóng biểu tình đang làm nóng tin tức thời sự quốc tế. Trong các cuộc xuống đường biểu tình được coi là lớn nhất kể từ khi chấm dứt thời đại của chế độ độc tài từ năm 1964 đến 1985 ở Brazil, cả trăm ngàn người dân quốc gia này, bất mãn vì sự điều hành yếu kém của chính phủ, từ dịch vụ chuyên chở, y tế, giáo dục và an ninh, dù rằng đánh thuế cao, đã cùng nhau bày tỏ thái độ của họ trên khắp Brazil.

Hơn 100.000 người đã xuống đường hôm 17/6 trong các cuộc biểu tình có tính cách ôn hòa tại ít nhất tám thành phố lớn. Tuy nhiên, ở Rio de Janeiro và Belo Horizonte đã có tình trạng bạo động và hôi của cũng như đụng độ với cảnh sát. Có khoảng hơn 20 người được báo cáo là bị thương.

Đợt biểu tình này khởi sự sau khi có việc tăng giá vé xe buýt, cũng như vì hình ảnh cảnh sát Sao Paulo đánh đập cũng như bắn đạn cao su vào đám đông khoảng 5.000 xuống đường phản đối chính phủ.

Báo chí và các chương trình truyền hình buổi sáng ngày 18/6 tràn ngập các hình ảnh về các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở Rio, Porto Alegre, Belo Horizonte. Đa số người biểu tình ở Rio đã giữ trật tự  nhưng có một số nhỏ tấn công tòa nhà lập pháp tiểu bang, đốt xe và có các hành động phá hoại khác. Tờ báo O Globo trích dẫn nguồn tin từ giới chức an ninh cho hay có ít nhất 20 cảnh sát viên và 10 người biểu tình bị thương tại đây.

Trước tình hình này, ngày 19/6, lãnh đạo tại 2 thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo và Rio de Janeiro, đã hủy bỏ kế hoạch tăng giá vé dịch vụ chuyên chở công cộng, là nguyên nhân đã khởi phát các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ trên khắp quốc gia Nam Mỹ này.

Nhiều thành phố khác của Brazil trước đó cũng đã rút lại kế hoạch tăng giá vé.

Người biểu tình Brazil phá đổ một cột đèn giao thông trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động gần Estadio Castelao, Fortaleza, ngày 19/6/2013

Bất chấp sự nhượng bộ đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trên một số khu vực của Brazil hôm 19/6.

Cảnh sát chống bạo động xung đột với hàng trăm người biểu tình tại thành phố Niteroi giữa lúc họ tìm cách phong tỏa một cây cầu nối liền Niteroi với Rio de Janeiro.

Một người biểu tình tên Leandro Pergula nói rằng biểu tình không phải chỉ vì tăng giá vé xe buýt, mà dân Brazil biểu tình là để đòi các quyền của mình. Người này nói dân chúng đã thức tỉnh. Việc chính phủ tăng giá vé là thời điểm người dân thức tỉnh, và nay họ đang đấu tranh để đòi cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế, đòi tăng cường an ninh và gia tăng cơ hội giáo dục.

Các cuộc biểu tình tại Brazil đã chuyển thành sự phẫn nộ trước những chi tiêu xa hoa của chính phủ để xây các sân vận động mới để Brazil đăng cai cuộc tranh tài World Cup vào năm tới, trong khi lại lơ là các dịch vụ công, và giữa lúc nạn tham nhũng tràn lan.

 

Một người la lớn trong cuộc biểu tình ở Sao Paulo, Brazil, ngày 17/6

Toàn giới chính trị Brazil ngạc nhiên về sự kiện này. Hiện tại, Tổng thống Brazil cố gắng xoa dịu căng thẳng trên đường phố. Ngoài công bố giảm giá vé phương tiện công cộng, dường như đã quá trễ, bà Dilma Rousseff cố gắng lấy lòng những người biểu tình bằng những lời lẽ ôn hòa và nhận định các cuộc “biểu tình là hợp pháp”, “đúng với nền dân chủ”. Nhưng bất lực vì không thể chặn đứng được phong trào, chính phủ liên bang sáng 19/6 đã loan báo gửi lực lượng cảnh sát tăng viện để bảo vệ an ninh cho 6 thành phố Brazil đang tổ chức Cúp Liên đoàn các châu lục.

S.Phương (Theo AFP)