Báo Pháp vạch mặt Trung Quốc ở Biển Đông

17:00 | 27/06/2014

1,898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với tấm ảnh chiếm 1/3 trang nhất cho thấy rõ cảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, Le Monde, nhật báo lớn nhất tại Pháp, giật tít “Bắc Kinh gia tăng khiêu khích và đe dọa hòa bình trên Biển Đông”.

Hồ sơ 2 trang gồm nhiều bài trên báo Le Monde số ra ngày 24/6 được phóng viên thường trú châu Á Brice Pedroletti phụ trách. Nhà báo Pedroletti cho hay được sự đồng ý của chính phủ, một số phóng viên quốc tế, trong đó có tác giả bài viết, được tham gia chuyến ra Hoàng Sa cùng cảnh sát biển Việt Nam. Theo tác giả, mục đích của chính quyền Việt Nam cho phép giới báo chí nước ngoài tham gia cùng các lực lượng tuần duyên là nhằm chứng tỏ với quốc tế chiến dịch phản đối hằng ngày của Việt Nam là ôn hòa và chứng minh rằng phản ứng của Bắc Kinh là hung hăng.

Tác giả nêu rõ, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ ngàn năm lịch sử. Việt Nam từng bị nhà Hán đô hộ đến gần 1000 năm, rồi đến cuộc chiến Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam diễn ra khốc liệt vào năm 1974 hay cuộc chiến biên giới đẫm máu năm 1979.

Trên trang 3, tờ báo đăng bức ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, kèm theo đó là bài viết mang tựa đề “Cuộc truy đuổi trên quần đảo Hoàng Sa”. Cuộc truy đuổi trên Biển Đông được tác giả mô tả giống như màn trình diễn ba-lê trên biển. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc tỏ vẻ hung hăng và đầy vẻ đe dọa.

Báo Pháp vạch mặt Trung Quốc ở Biển Đông

Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước với áp lực mạnh làm hỏng hóc thiết bị, vỡ cửa kính của tàu kiểm ngư Việt Nam

Còn trong bài viết đề tựa “Bắc Kinh áp đặt điều kiện của mình trên Biển Đông”, Brice Pedroletti nhận định Trung Quốc đang chơi trò “cưỡng ép và răn đe” đối với các nước láng giềng trong các xung đột lãnh hải gần đây như Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines.

Hành động thái quá đó được giải thích bởi hai yếu tố: Chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ và khao khát trở thành một cường quốc hải quân của Trung Quốc. Theo tác giả, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chủ đạo trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012.

Theo một chuyên gia phương Tây về hải quân, Bắc Kinh có bốn động cơ trong công cuộc chinh phục không gian lãnh hải: 1) lối vào vùng biển sâu cho các cơ sở hàng hải và tàu ngầm hạt nhân tại Hải Nam, phía nam đất nước, 2) bảo vệ tuyến lưu thông hàng hải, 3) bảo đảm nguồn thủy sản và tài nguyên thiên nhiên và 4) thỏa mãn nhu cầu chủ nghĩa dân tộc của công chúng.

Le Monde dẫn lời một nhà nghiên cứu thuộc Stimson Center Washington cho biết, sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc được tiến hành bằng hành động “cưỡng bức” và “răn đe”. Bắc Kinh sẽ làm tất cả để “thắng mà không cần đánh” (theo binh pháp của Tôn Tử) và “duy trì hòa bình bằng vũ lực”.

Không chỉ bằng sức mạnh quân sự, Bắc Kinh còn dùng đòn kinh tế để đe dọa các quốc gia đối nghịch như Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines. Hành động này đã làm lộ rõ thái độ hung hăng của Bắc Kinh.

Nhà báo Pháp cho rằng cách tiếp cận này đã được ông Tập Cận Bình trình bày tại Thượng Hải hôm 21/5 vừa qua như là một “khái niệm mới về an ninh”. Bắc Kinh muốn xúc tiến ý tưởng “Phát triển và Hợp tác”, theo đó Trung Quốc tự cho mình là nhà cung cấp hàng đầu cho các nước láng giềng châu Á, tạo thành “dạng an ninh cao quý nhất” bất chấp trật tự và những nguyên tắc lỗi thời do Mỹ thiết lập. Có điều chưa chắc các quốc gia đó với tinh thần dân tộc dâng cao sẽ tham gia vào hiệp ước hòa bình này.

Ngoài Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp số ra ngày 26/6 cho rằng với kiểu chiến lược “sự đã rồi”, Bắc Kinh đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc không còn cách nào khác là thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả mà sẽ có những điều chỉnh lối ứng xử của mình.

Les Echos trích dẫn nhận định của bà Valérie Niquet thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược cho rằng: “Nếu họ phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ giảm nhẹ vị thế, còn nếu họ (các quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh) không phản ứng gì, trong trường hợp đó Trung Quốc rộng đường hành động”. Còn đối với ông Jean-François Di Meglio, Trung tâm châu Á, Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “Tiến ba bước rồi lùi lại hai bước”.

Theo quan sát của giới chuyên gia nước ngoài, các vụ tranh chấp liên tục gia tăng trên Biển Đông hàm chứa nhiều hệ quả hơn là các tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Cũng giống như Le Monde, ngoài việc thử phản ứng của các nước liên can, Les Echos nhận định mục đích khiêu khích của Bắc Kinh lần này là còn để thăm dò ý tứ của Mỹ và chiến lược xoay trục của họ. Cho đến giờ chưa thấy Washington có hành động tái cân bằng quân rầm rộ về phía châu Á. Đổi lại nhiều thỏa thuận về quân sự đã đạt được như cung cấp trang thiết bị và tổ chức các cuộc tập trận chung trong khu vực.

Cuối cùng tờ báo cho rằng chọn “trọng tài” để giải quyết các tranh chấp là hướng nên theo. Bởi vì, “trọng tài áp đặt quy định về quyền, xuất phát từ một định chế được cho là độc lập”. Theo hướng này, Manila sẽ không là quốc gia duy nhất phản đối công khai chiến lược Bắc Kinh. Việt Nam cũng đang chuẩn bị các thủ tục và có thể tham gia vào cùng trận tuyến với Philippines.

Nh.Thạch

tổng hợp