Bài 2: "Đại chiến châu Âu" ở Crimea và Sevastopol

13:00 | 29/03/2014

11,068 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Crimea (Crưm) và Sevastopol đã về với nước Nga sau cuộc trưng cầu dân ý trong tháng 3/2014. Người ta vẫn gọi đây là sự "trở về với đất mẹ", vì trong lịch sử, vùng đất này là của nước Nga, của người Nga. Đã có lúc đại chiến châu Âu diễn ra ở Crimea. Có thể nói Crimea là một phần lịch sử của nước Nga. Đó là lý do vì sao Nga đã không từ bỏ cơ hội của mình để đưa vùng đất này từ Ukraine quay trở về.

>> Trước khủng hoảng Nga - Ukraine, đã từng có "châu Âu đại chiến" ở Crimea

Chiến hạm Nga ở Sevastopol.

 

Hải chiến

Thủ tướng Anh George Hamilton-Gordon gửi Stratford Canning sang khuyên Abdul Mejid I của Ottoman bác bỏ hiệp ước với Nga. Khi hoàng đế Nga hay tin Menshikov làm hỏng chuyện liền viện cớ thay mặt sultan Ottoman để giải quyết vấn để tôn giáo, kéo quân vào vùng Moldavia và Wallachia thuộc miền đông châu Âu. Khu vực này tuy thuộc Ottoman nhưng với nhiều giáo dân Chính Thống giáo, lâu nay vẫn nằm dưới quyền bảo hộ của Nga.

Hoàng đế Nga hy vọng những cường quốc châu Âu, nhất là Đế quốc Áo là nước láng giềng, sẽ không phản đối việc Nga xâm chiếm các lãnh thổ thuộc Ottoman này. Chính phủ Anh phản ứng đưa hạm đội tiếp ứng cho hải quân Pháp tại eo biển Dardanelles (đường biển nối biển Đen và Địa Trung Hải phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ). Thế lực quân sự châu Âu lúc này cũng đang mong hòa giải, chỉ biểu dương quân lực chứ chưa muốn gây chiến.

Đại diện chính phủ 4 nước lớn Anh, Pháp, Áo và Phổ sau đó họp mặt tại Viên viết thư giảng hòa giữa Nga và Ottoman. Nga chấp thuận các điều kiện trong thư nhưng Ottoman từ chối. Khi Anh, Pháp và Áo đề nghị sửa lại các điền kiện thì Nga lại phản đối. Tuy Áo và Phổ muốn tiếp tục thương lượng, Anh và Pháp cho rằng Nga ngoan cố. Sultan Abdul Mejid I, khi thấy thương lượng không xong bèn kéo quân ra đánh quân Nga đang đóng tại sông Danube.

Ngày 30 tháng 11 năm 1853 hoàng đế Nikolai trả miếng đem chiến hạm đến bắn tan tành đoàn tàu chiến của Ottoman đang neo tại cảng Sinope (Thổ Nhĩ Kỳ). Hoàng đế Nga cũng không chịu rút quân ra khỏi hai lãnh thổ khu vực sông Danube. Pháp và Anh chính thức tuyên chiến với Nga để ủng hộ Ottoman.

Hoàng đế Nga nghĩ rằng Áo sẽ theo phe Nga, vì Nga đã từng giúp Áo đánh dẹp cuộc nổi dậy năm 1848. Nhưng Áo lại sợ Nga lợi dụng lấn quyền nên từ chối không theo, và cũng không hứa sẽ giữ thế trung lập.

Anh và Pháp đưa ra 4 điều kiện hòa giải với Nga:

  1. Nga phải bỏ chủ quyền ở các lãnh thổ vùng sông Danube mà họ mới cưỡng chiếm.
  2. Nga phải bỏ các quyền bảo hộ với giáo dân Chính thống giáo trong Ottoman;
  3. Luật quy ước hàng hải năm 1841 phải được xem lại và sửa đổi;
  4. Quốc gia nào cũng được quyền sử dụng sông Danube.

Khi hoàng đế Nikolai I từ chối các điều kiện này, chiến tranh vùng Krym bắt đầu.

Chiến hạm Nga bắn chìm tầu của quân Thổ Ottoman tại Sinope - Tranh Ivan Aivazovsky

Bao vây Sevastopol

Ngày 17 tháng 10 năm 1854, quân Anh-Pháp đổ bộ lên bán đảo Krym bao vây thủ phủ Sevastopol là căn cứ chính của hạm đội Đế quốc Nga tại Biển Đen với mục tiêu là ngăn chặn không cho chiến hạm Nga vào Địa Trung Hải. Trên đường tới Sevastopol liên quân gặp một đạo quân Nga đang đóng trên các điểm cao tại Alma và mau chóng đánh tan đạo quân này. Dù vậy chiến thắng ở Alma cho thấy Liên quân có ưu thế vượt trội về kỹ thuật hơn là kỷ luật hay tài thao lược.

Trong nỗ lực giải vây cho Sevastopol, quân Nga mở cuộc tiến công lớn vào Liên quân tại Inkerman nhưng thất bại. Quân Nga chết và bị thương lên tới 12.000 so với 3.000 người của Liên quân. Quân Nga phải huy động chiến thuyền, dùng pháo hải quân và cho thủy thủ chiến đấu như lính thủy đánh bộ.

Quân đội Nga thiệt hại 4 chiến hạm lớn (3 tầng, 110 súng), 12 chiến hạm trung (2 tầng, 60 súng) và nhiều chiến thuyền nhỏ. Đề đốc Nga là Pavel Stepanovich Nakhimov bị bắn trúng đầu và chết ngày 30 tháng 6 năm 1855. Sevastopol thất thủ vào ngày 11 tháng 9 năm 1855, sau gần 11 tháng bị bao vây.

Cùng năm, quân Nga bao vây và chiếm đồn Kars của Ottoman...

(Còn tiếp)

H.C.T (Tổng hợp)