Ai Cập vẫn rối như canh hẹ

17:23 | 08/07/2013

470 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong khi giới lãnh đạo mới ở Ai Cập đang tranh cãi về việc chọn tân thủ tướng lâm thời, cả hai phía ủng hộ và chống cựu Tổng thống Morsi hôm qua đều kêu gọi người của mình chuẩn bị xuống đường biểu tình, tạo sự lo ngại sẽ tiếp tục có bạo động.

 

Hai phe ủng hộ và chống đối tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi đụng độ nhau ở Cairo ngày 5/7

Trong hai ngày cuối tuần qua, các cuộc biểu tình giữa 2 phe đối nghịch, một bên là ủng hộ cựu Tổng thống Morsi và bên kia là phản đối, đã dẫn đến các vụ đụng độ  khiến ít nhất 36 người chết và hơn 1.000 người bị thương trên khắp nước. Hiện tại hai phe vẫn tụ tập trên đường phố và không bên nào tỏ ra lùi bước. Cả 2 phía đều đang thật sự biểu lộ lập trường cứng rắn, và không bên nào dường như có thể lay chuyển. Những người nhóm Huynh đệ Hồi giáo ủng hộ cựu Tổng thống Morsi nói rằng họ sẽ không tham gia bất cứ hình thức hòa giải quốc gia nào, rằng ông Morsi là người được bầu lên một cách dân chủ và ông nên được phục hồi chức vụ.

Quân đội Ai Cập đã bắt giữ ông Morsi, tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách độc lập, và bắt các nhà lãnh đạo của nhóm Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập hồi tuần trước. Quân đội nói rằng các hành động này là cần thiết, nhằm ngăn một cuộc nổi dậy của quần chúng, những người chống đối tố cáo ông Morsi phản bội cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ ông Hosni Mubarak, người đã cai trị Ai Cập trong 30 năm.

Hiện tại quân đội vẫn là những người làm chủ các đường phố Ai Cập sau khi giải tán những vụ giao tranh trên đường phố giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống bị lật đổ Morsi. Tuy nhiên, người biểu tình của cả hai phe vẫn còn đó. Một phát ngôn viên quân đội Ai Cập nói với hãng tin AFP rằng các binh sĩ đã không đứng về phía phe nào nhưng họ ở đó để bảo vệ đời sống nhân dân. Quân đội cho hay họ đang tăng cường an ninh và cảnh cáo sẽ có hành động cương quyết chống lại sự khiêu khích. Mọi kẻ vi phạm luật pháp “sẽ bị trừng trị thích đáng”.

Quân đội Ai Cập giải tán người biểu tình ngày 5/7

Tình trạng chia rẽ giữa hai phe càng thêm gay gắt khi mà quyết định ai sẽ là thủ tướng lâm thời của Ai Cập vẫn chưa được đưa ra. Điều này gây lo sợ sẽ có thêm các vụ bạo động xảy ra giữa 2 phe trong những ngày tới.

Tối 6/7, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn của quyền Tổng thống Ai Cập tuyên bố rút lại quyết định bổ nhiệm ông Mohamed ElBaradei, một nhà ngoại giao từng được trao giải Nobel Hòa bình, làm thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên chỉ trước đó vài giờ, hãng thông tấn chính thức Mena và đài phát thanh và truyền hình của Nhà nước Ai Cập lại loan tin về việc ông Mohamed el-Baradei đã được bổ nhiệm.

Quyết định được hủy bỏ trên của văn phòng Tổng thống lâm thời Adly Mansour được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo đảng Al-Nour, một đảng bảo thủ cực đoan thuộc phe Hồi giáo đã hỗ trợ quân đội thực hiện vụ đảo chính, đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ nếu ông ElBaradei được bổ nhiệm. Nhiều người Hồi giáo xem việc chọn ông ElBaradei, một nhân vật có chủ trương thế tục, là một sự lựa chọn không thể chấp nhận được vì các quan điểm cấp tiến của ông.

Giới phân tích cho rằng giải thích duy nhất cho điều này là phủ Tống thống Ai Cập đã đốt cháy giai đoạn. Trên thực tế ông Mohamed el-Baradei là ứng cử viên của phong trào thanh niên Tamarud, đồng thời là lãnh đạo Mặt trận Cứu nguy Dân tộc, tổ chức tập hợp các đảng phái phi tôn giáo.

Phủ Tổng thống Ai Cập đã đánh giá thấp sự bất đồng của các lực lượng chính trị Hồi giáo, như đảng Masr al-Qawiya của cựu lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo Abdel Moneim About Foutouh và đặc biệt là đảng Salafiste al-Nour (một đảng theo hệ phái Hồi giáo Sunni). Đảng Hồi giáo theo chủ trương bảo thủ này chưa bao giờ ưa thích ông Mohamed el-Baradei. Đảng này vốn giữ vị trí trung lập trong các xung đột giữa những người ủng hộ và những người chống cựu Tổng thống Morsi.

Giải Nobel Hòa bình Mohamed el-Baradei bị phe Hồi giáo lên án là một “người thế tục cực đoan”. Trên các truyền thông mạng, thậm chí đã diễn ra cả một chiến dịch đả kích gia đình ông Mohamed el-Baradei, cho thấy con gái ông trong bộ đồ tắm hay cựu giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA ngồi bên bàn ăn, với một ly rượu vang trước mặt.

Các thương thuyết để thuyết phục đảng salafiste rõ ràng đã thất bại. Đảng này đã chính thức tuyên bố không chấp nhận việc bổ nhiệm ông Mohamed el-Baradei. Phủ Tổng thống Ai Cập thông báo là việc bổ nhiệm tân Thủ tướng sẽ thể theo sự đồng thuận quốc gia. Phải chăng như vậy là ông Mohamed el-Baradei sẽ ra đi?

Trong thời kỳ quá độ tại Ai Cập, kéo dài trong bao lâu vẫn chưa rõ, thủ tướng sẽ là người có quyền hạn rộng lớn trong việc cai trị, trong khi tổng thống được cho là một chức vụ phần lớn mang tính biểu tượng.

 

Ông Mohamed ElBaradei, người được đề cử làm thủ tướng lâm thời Ai Cập, nhưng sau đó lại bị hủy

Vào lúc này cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình Ai Cập. Phát biểu khi đang ở thăm Astana, Kazakhstan, ngày 7/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ai Cập đang ở bên bờ vực nội chiến. “Thật đáng buồn là ở Syria đã bị nội chiến bao trùm và Ai Cập đang chuyển động theo hướng như vậy. Rất mong muốn để nhân dân Ai Cập tránh được điều đó" - nguyên thủ Nga nhận định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ quan ngại về tình trạng phân cực chính trị tiếp diễn ở Ai Cập. Ông lập lại rằng Mỹ không liên kết và cũng không ủng hộ bất cứ đảng phái hay phe nhóm chính trị cá biệt nào ở Ai Cập.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ muốn thấy quá trình chuyển tiếp dân chủ đang diễn ra ở Ai Cập thành công.  Ông nói giải pháp duy nhất nhằm giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay là tất các các đảng phái cùng làm việc một cách ôn hòa để giải quyết các mối lo ngại và nhu cầu của nhân dân Ai Cập, và bảo đảm Ai Cập có một chính phủ đáp ứng các nguyện vọng của những người xuống đường biểu tình.

H.Phan (Tổng hợp)