Vietnam Airlines và “đường bay ấp ủ”? (Kỳ 3)

07:00 | 15/08/2014

3,265 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không ai có thể ngờ rằng, thời gian khởi hành của một chuyến bay (từ lúc cất hòn chèn từ sân bay đi cho tới khi hạ hòn chèn ở sân bay đến) của ngày hôm nay, lại “ngang ngang” với thời gian cách đây hơn 30 năm? Mặc dù máy bay bây giờ tốc độ cao hơn nhiều?

>> Vietnam Airlines và “đường bay ấp ủ”?

>> Vietnam Airlines và “đường bay ấp ủ”? (Kỳ 2)

Chuyện bay xưa và... nay?

Hành khách đi máy bay thường được nghe cơ trưởng thông báo là chuyến bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dự định bay trong 1h45'. Đây là thời gian từ lúc máy bay rời mặt đất, cho đến khi máy bay tiếp đất chứ không phải là thời gian khởi hành. Thời gian khởi hành của một chuyến bay được tính từ khi rút hòn chèn, máy bay được kéo ra đường lăn, và cho đến lúc máy bay vào sân đỗ và hòn chèn được đặt trước bánh mũi. Nếu cộng thời gian từ lúc rút hòn chèn, cho đến khi máy bay lấy đà cất cánh và cho đến khi máy bay vào sân đỗ thì phải thêm ít nhất 30 phút nữa. Trong trường hợp đường lăn bị chật, xảy ra ùn tắc ở đường lăn thì thời gian có khi còn kéo thêm nhiều gấp đôi. Thậm chí có khi chờ cả tiếng đồng hồ mới cất cánh được.

Hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều có tình trạng mật độ máy bay trên đường lăn quá dày, nên phải chờ, hay nói vui là đã xảy ra tình trạng “ùn tắc trên đường lăn”. Mà tiết kiệm thời gian ra đường băng cũng cực kỳ quan trọng như tiết kiệm phút bay trên trời. Chính vì vậy mà đang phải gấp rút xây dựng thêm đường lăn. Vài tháng nữa, hai sân bay này có thêm đường lăn thì có lẽ nạn ùn tắc sẽ giảm bớt.

Phi công lái máy bay Boeing 777 - 200ER của Vietnam Airlines.

Nói chuyện bay trên trời, tôi chợt giật mình và thấy rằng, thời gian của một chuyến bay ngày hôm nay so với thời gian của một chuyến bay cách đây hơn 30 năm chẳng hơn kém nhau là bao nhiêu (nếu tính từ thời gian rút hòn chèn cho đến khi đặt hòn chèn).

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trên tuyến đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chủ yếu là máy bay TU-134A và TU-134B, IL- 18, đôi khi còn có cả AN-26, IAK-40. Những chiếc máy bay này do Liên Xô cũ chế tạo. Bay IL-18 thì mất gần 2 giờ 15 phút, TU-134 thì cũng 2 giờ. Còn AN-26 thì phải gần 3 giờ.

Giá vé máy bay ngày ấy cho một lượt bay tương đương 1 chỉ vàng. Nếu lấy giá vàng làm chuẩn thì giá vé hiện nay còn rẻ hơn so với ngày xưa. Thời gian bay trên trời thì dài hơn bây giờ khá nhiều, nhưng nếu tính thời gian từ lúc cất hòn chèn đến lúc hạ hòn chèn thì cũng “ngang ngang” nhau. Bởi lẽ, ngày ấy chắc chắn không có tình trạng ùn tắc trên đường lăn như bây giờ.

Những ai đã từng đi máy bay thời bao cấp thì hẳn phải nhớ rõ một điều, đi máy bay ngày ấy khổ hơn bây giờ rất nhiều, nhưng cũng “sướng” hơn bây giờ rất nhiều.

Cái khổ thứ nhất là chầu chực mua được cái vé là rất mất thời gian. Xếp hàng, đăng ký có khi mất cả tuần. Rồi có khi phải “chạy” hết cửa này tới cửa khác mới mua nổi tấm vé.

Cái khổ thứ hai là khi ra sân bay, phải đi trước thậm chí đến nửa ngày và khâu làm thủ tục bay. Ngày ấy thì không có máy tính điện tử như bây giờ, nên nhân viên phải đối chiếu vé với một bản danh sách hành khách được đánh máy. Đến cửa an ninh, tất cả hành lý đều phải bị lục tung ra để kiểm tra. Mỗi ngày chỉ có khoảng 2-3 chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Nhưng bay ngày ấy cũng có cái khoái, ấy là các suất ăn trên máy bay thật tuyệt vời. Thật không còn cảm giác gì sung sướng hơn khi được bay trên trời, ngắm nhìn non sông cẩm tú qua ô cửa. (Máy bay ngày ấy bay ở độ cao thấp nên nhìn rõ xe đạp chạy dưới đường, nhất là bay trên IL-18). Và khi bữa ăn được dọn ra, thì đó là một “bữa cỗ”,  với một bát xôi đầy tú ụ, một khoanh giò lụa dày khoảng 1,2cm, rồi tráng miệng là trái cây như cam Bố Hạ, bánh gato, rồi cà phê, bia và… được hút thuốc lá phì phèo trên máy bay.

Thời bao cấp, thiếu thốn đủ bề, được xơi cả một khoanh giò lụa thì thật là “quá xa xỉ”. Giá trị của suất ăn thời ấy thì có lẽ  phải gấp ba lần suất ăn hiện nay. Mà được đi máy bay thời bao cấp là cả một niềm “vinh dự và tự hào”, chứ đâu có phải là chuyện thường. Kiếm đồng tiền khi đó cực kỳ khó khăn, giá trị của vàng rất cao. Vài  chỉ vàng có thể mua được căn nhà tử tế, hoặc mảnh đất to vật. Cho nên dám bỏ ra một chỉ vàng để mua vé máy bay là cả một vấn đề. Cán bộ Nhà nước, muốn đi máy bay thì cũng phải cỡ Vụ trưởng, Cục trưởng trở lên… Còn dân thường, có tiền cũng chưa chắc mua được vé. Đi tàu Thống Nhất thì cũng cơ khổ. Trung bình là 3 ngày 2 đêm, hoặc 3 ngày 3 đêm cho quãng đường hơn ngàn cây số. Cho nên, cái cảm giác được “cưỡi” máy bay, thật sung sướng, mãn nguyện đến khó tả.

Mà nói chuyện đi máy bay thời đó, bây giờ, sẽ rất nhiều người cho rằng chuyện… bịa của nhà báo.

Những sân bay như Pleiku, Buôn Ma Thuột… thì bò diễu thành hàng tung tăng trên đường băng, hoặc lấy đường băng làm nơi… nghỉ chân. Sân bay thì chẳng có loa, đài, có màn hình… Cho nên, khi nào thấy nhân viên bảo vệ phóng xe máy đi xua bò, thì biết rằng máy bay sắp… hạ cánh.

Còn chuyện đi YAK 40, gặp lúc trời mưa, nước rỏ xuống đầu hành khách, cũng chẳng hiếm.

Tôi không thể nào quên được một lần bay từ tân Sơn Nhất lên Pleiku bằng AN 26. Máy bay không thả được càng… và cứ lượn trên trời. Phi công xử lý bằng cách cho máy bay lắc qua bên phải, rồi lắc qua bên trái để bánh xe… rơi ra. Ai cũng sợ, duy có cô tiếp viên vẫn tỉnh queo, giải thích: “Nó vẫn thi thoảng bị như thế. Lắc vài lần là ra ngay”. Quả nhiên, sau vài cú “chao đảo”, càng bánh xe thò ra và máy bay tiếp đất như không có chuyện gì xảy ra.

Từ khi Đảng, Nhà nước bắt đầu công cuộc Đổi mới kinh tế xây dựng đất nước, ngành Hàng không đã có những bước phát triển như vũ bão. Tần suất bay ngày một tăng. Chính vì vậy mà làm thế nào để rút ngắn được thời gian bay là điều trăn trở của những người lãnh đạo Cục Hàng không và các hãng hàng không. Và thực sự, họ cũng đang làm hết sức mình để sớm có những đường bay mới.

Nhưng ở đời, khổ nỗi, có phải cứ muốn là làm được đâu. Có những việc xảy ra hoàn toàn không theo ý muốn chủ quan của con người. Chính vì vậy mà cái chuyện tại sao không “bay được thẳng” và tại sao cứ phải bay “ngoằn ngoèo” là câu chuyện rất không đơn giản. Và đáng tiếc là không phải ai cũng biết, mà họ cứ nghĩ, trên Giời, mênh mông như thế, cứ kẻ một đường thẳng… thế là xong?

Nghĩ cũng khổ cho mấy ông “e-lai”.

Nguyễn Như Phong