Hồng nhan đa truân (Kỳ 66)

07:00 | 21/04/2014

3,855 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong lúc Diệu Linh đang tu thiền ở chùa Sùng Khánh thì ở bên ngoài biết bao nhiêu sự cố đã xảy ra.

>> Hồng nhan đa truân (Kỳ 65)

Năng lượng Mới số 314

Sư thầy Đàm Tuệ Minh hết sức ngạc nhiên khi thấy Diệu Linh học tinh tấn thật không ngờ. Chỉ vài ngày cô đã có thể ngồi thiền cả tiếng đồng hồ và mặc cho những con muỗi đốt sau gáy. Cô cũng đã có thể làm cho lòng mình chìm xuống và những suy nghĩ bấn loạn trong đầu không còn nữa. Cô cũng bắt đầu hiểu thế nào là nghiệp, thế nào là nhân quả và thế nào là tứ diệu đế. Cô đã hiểu được nguồn gốc của nỗi khổ và làm thế nào để diệt được nỗi khổ đó. Nhưng cô vẫn cứ băn khoăn một điều, không hiểu mình có thể trở thành một người mê tín hay không, nhưng không dám hỏi sư thầy.

Một sáng, sư thầy nói với Diệu Linh:

- Diệu Linh ạ, chị thấy em rất có duyên với Phật giáo. Nhưng hình như em vẫn nghĩ rằng đây là mê tín?

Diệu Linh giật mình nhìn sư thầy:

- Trời ạ. Càng ngày em càng thấy chị đúng là người Trời, người của Phật. Không có cái gì có thể giấu được chị.

***

Trong những ngày ấy, hầu như ngày nào Quân cũng đến thăm Diệu Linh và có lần đưa cả ông Tường tới nữa. Diệu Linh không thể nào quên được mỗi một lần ông đến, ông nhìn cô với một ánh mắt xót xa vô cùng. Và trong thâm tâm, cô thấy rằng ông rất sợ con gái từ bỏ tất cả để vào chùa quy y.

Một lần, ông hỏi Diệu Linh:

- Con định ở chùa cho hết đời hay sao?

Diệu Linh trả lời:

- Nếu như con ở chùa hết đời thì bố thấy thế nào? Bố có đồng ý không?

Ông Tường nói:

- Bố chẳng hiểu gì về Phật pháp, nhưng thôi con làm gì thì làm. Nếu như con được bình an thì bố thấy mãn nguyện rồi.

***

Những ngày trong trại giam đã giúp Quân trưởng thành rất nhiều.

Một lần Quân nói với Diệu Linh:

- Chị biết không, em bây giờ nhìn cái gì cũng theo không gian ba chiều, chứ không phải một, hai chiều. Những ngày ở trong trại giam, em tiếp xúc với nhiều người. Trong đó, những người ở trại của em thì hầu hết đều là những cán bộ, nhiều người đã có quá khứ vinh quang. Nghe họ nói về quá khứ mà cũng thấy tự hào. Nhưng rồi họ mắc vòng lao lý, cũng bởi vì họ không biết thế nào là đủ, thế nào là nhân - quả.

Nghe Quân nói về nhân - quả, Diệu Linh giật mình.

Cô hỏi:

- Em nghiên cứu về Phật giáo à?

Quân cười:

- Em có được nghiên cứu đâu. Trong những ngày ở trại, có mấy lần được sư thầy vào dạy Thiền cho phạm nhân, em cũng thấy ở đời làm cái gì ác thì rồi cũng sẽ phải trả giá. Lẽ đời công bằng lắm. Em đọc Tam quốc đến đoạn Lưu Bị trước khi mất viết chiếu gửi con cho Khổng Minh. Trong chiếu có đoạn viết là: “Các con chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm”. Càng ngẫm bây giờ càng thấy đúng.

***

Có thể nói Diệu Linh học tập tiến bộ đến từng ngày.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh nói với Diệu Linh:

- Em học một ngày mà những người khác học cả năm. Đây là điều chị ngạc nhiên nhất. Bây giờ chị biết nghiệp trần của em đối với cuộc đời chưa hết được. Nhưng chị sẽ mở tuệ nhãn cho em, để em nhìn thấy về người khác và nhìn thấy chính bản thân mình.

Để học được, để làm được như sư thầy nói là mở được tuệ nhãn là cả một quá trình học tập, rèn luyện. Nhiều bậc cao tăng đã mất hàng chục năm, thậm chí cả đời người cũng không mở được tuệ nhãn. Sư thầy dạy Diệu Linh bằng cách đặt trước mặt một chậu hoa và bắt Diệu Linh nhìn vào chậu hoa đấy. Sư thầy nói rằng khi nào nhìn chậu hoa đấy mà thấy rằng chậu hoa đấy không còn nữa thì nói cho thầy biết.

***

Trong lúc Diệu Linh đang tu thiền ở chùa Sùng Khánh thì ở bên ngoài biết bao nhiêu sự cố đã xảy ra.

Nhật Chiêu sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, vừa lo sợ bị bắt, vừa lo sợ bị bọn giang hồ, bị những kẻ buôn bán bất động sản mà trước đây anh ta ăn tiền của họ mà không thực hiện được trả thù. Cơ quan công an cũng đã tìm ra được chứng cứ về việc Chiêu gán lại hai ngôi nhà cho bọn chúng và thu lại. Chính vì thế, Nhật Chiêu càng lâm vào tình cảnh khó khăn. Việc gì đến phải đến. Sau một quá trình điều tra ngắn, cơ quan công an đã tìm đủ chứng cứ phạm tội của Nhật Chiêu và Viện Kiểm sát thành phố đã ra lệnh khởi tố bắt tạm giam Chiêu.

Một hôm, tại bàn hỏi cung, có Nhật Chiêu, một cán bộ của Viện Kiểm sát và hai cán bộ điều tra.

Một sĩ quan công an đeo cấp hàm Trung tá hỏi Nhật Chiêu:

- Anh Chiêu ạ, hôm nay chúng tôi muốn hỏi anh về việc anh và cô hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh. Anh có biết cô ấy bây giờ đang ở đâu không?

Nhật Chiêu nói:

- Thưa cán bộ, tôi không được biết. Sau một lần vợ chồng tôi cãi nhau, cô ấy đã bỏ đi và từ ấy tôi không biết cô ấy đi đâu.

Anh Trung tá nói:

- Vậy tôi đặt ra những câu hỏi, những vấn đề như thế này để anh tự giải đáp nhé. Theo như tính toán của cơ quan công an thì anh chưa hết tiền và anh còn giấu được một số lượng tiền không phải là nhỏ. Hiện nay số tiền đấy anh để đâu?

Một suy nghĩ lóe lên trong đầu Nhật Chiêu. Chiêu hình dung ra cảnh mình mang vali tiền đến gửi ở nhà nghỉ.

Chiêu nói:

- Dạ thưa cán bộ. Tôi không giấu được ít nào cả.

Chiêu đóng kịch rất giỏi bằng sự lúng túng và hoảng hốt của mình. Sự đóng kịch ấy đã lừa được các cán bộ công an.

Một anh đeo cấp hàm Thiếu tá hỏi:

- Anh Chiêu ạ, anh lý giải vì sao về chuyện anh vội vàng gán hai căn nhà đấy cho bọn chúng? Chúng tôi đã bắt và chúng đã khai rằng, số tiền đấy là chúng lấy lại chỗ tiền mà gọi là “vốn đầu tư” cho anh.

Nhật Chiêu trả lời:

- Dạ thưa cán bộ, những gì cán bộ hỏi tôi đã khai hết. Đúng là tôi đã nhận tiền của chúng. Nhưng tôi không thực hiện được lời hứa nên tôi phải trả lại. Nhưng vì tôi không có tiền, cho nên tôi phải gán lại nhà.

Một cán bộ nói:

- Chúng tôi không thể tin được chuyện anh và cô Diệu Linh cãi nhau. Trong lúc bụng mang dạ chửa như thế mà cô ấy phải bỏ đi. Bây giờ tôi hỏi anh, anh đưa cho cô Linh bao nhiêu tiền để Linh mang đi giấu?

Nhật Chiêu nói:

- Thưa các anh, nói ra thì thật xấu hổ. Tôi không đưa cho cô ấy. Nhưng đúng là tôi có giấu được một số tiền và một hôm tôi phát hiện ra số tiền đó đã mất.

Anh Trung tá hỏi:

- Sau khi mất xong mấy ngày thì cô ấy đi?

Chiêu bịa chuyện:

- Dạ, mất xong 3 ngày thì cô ấy đùng đùng bỏ đi.

Anh Trung tá hỏi:

- Vậy anh giấu tiền ở đâu mà cô ấy lại biết được?

Chiêu cười nhăn nhó:

- Thưa cán bộ, vợ chồng ở với nhau thì có việc gì phải giấu đâu. Tôi tin cô ấy như tin bản thân tôi. Tất cả tay hòm chìa khóa ở trong nhà là tôi giao cho cô ấy hết.

Anh Trung tá nói:

- Trong nhà anh không có một cái két nào. Vậy anh giấu tiền ở chỗ nào?

Chiêu nói:

- Dạ, tôi có một cái tủ bí mật ở sau bức tranh trong phòng ngủ của tôi.

Ngay sau đó, Chiêu được dẫn về nhà và chỉ cho các cán bộ điều tra thấy tủ bí mật giấu sau một bức tranh phong cảnh.

Anh Trung tá hỏi Chiêu:

- Cô Linh cũng có chìa khóa này à?

Nhật Chiêu nói:

- Dạ thưa cán bộ, chìa khóa này thì nhà tôi không có.

- Vậy, căn cứ vào đâu mà anh nói rằng cô ấy lấy tiền của anh?

Chiêu thở dài:

- Cái khóa đấy rất đơn giản. Tôi cũng không biết nữa, nhưng một hôm tôi về mở ngăn tủ ấy ra thì tôi thấy không còn tiền. Tôi có hỏi thì cô ấy nói là không biết gì cả. Cô ấy còn mắng mỏ tôi rằng là có tủ riêng, két riêng mà giấu vợ. Nhưng tôi biết, ngoài Diệu Linh thì không ai biết được ngăn tủ đấy.

***

Ngay sau đó tại cơ quan điều tra, một cuộc họp của Ban Chuyên án được tổ chức do Đại tá, Cục phó Cục Cảnh sát kinh tế chủ trì.

Ông nói:

- Như vậy là có hai khả năng. Khả năng thứ nhất là Nhật Chiêu biết rằng mình sẽ bị xử lý cho nên đã tẩu tán tài sản bằng cách cho Diệu Linh mang đi giấu và số tiền đó, theo như Chiêu nói thì khoảng hơn 5 tỉ đồng. Đây là một số tiền rất lớn. Nếu như số tiền đó là đôla thì cũng phải một vali, mà nếu là tiền Việt thì có khi phải là cả một bao tải. Liệu có khả năng cô ta gửi số tiền đó ở ngân hàng không?

Một sĩ quan đeo cấp hàm Thượng tá nói:

- Báo cáo anh, theo xác minh, tài khoản của Linh ở Ngân hàng Vietcombank vỏn vẹn chỉ có 50 triệu đồng. Nhưng đó là số tiền cô ấy gửi từ rất lâu rồi. Còn các ngân hàng khác thì cô ấy không có tài khoản.

Anh Đại tá nói:

- Vậy các đồng chí nghĩ thế nào về việc cô Diệu Linh phải bỏ trốn? Theo như dư luận và sự trình bày của một số cán bộ thì hai người bỏ nhau chỉ vì đối tượng Chiêu mắc bệnh ghen tuông khủng khiếp và là người cực kỳ keo kiệt. Và cũng có thể là vì xấu hổ trước việc chồng đã làm đơn vu cáo Bí thư quận ủy nên cô Diệu Linh đã phải bỏ đi.

Một sĩ quan đeo cấp hàm Đại úy nói:

- Báo cáo thủ trưởng và các anh, tôi thì tôi tin rằng cô ả này ôm món tiền đấy đi trốn rồi.

Anh Đại tá nói:

- Bây giờ thế này, các đồng chí đến hỏi ông cụ nhà cô Diệu Linh, động viên bác ấy nói chỗ Diệu Linh đang ở. Nhưng mà phải nói cho khéo. Tôi cũng đề nghị các đồng chí, tất cả những thông tin về việc nghi ngờ cô Diệu Linh ôm tiền bỏ trốn phải hết sức giữ bí mật. Trong thâm tâm tôi không tin lắm về chuyện này. Nếu như cô ta ôm món tiền ấy đi, thì có thể là cô ta trốn đi nước ngoài. Nhưng trốn đi nước ngoài thì cũng không thể mang theo một số tiền khổng lồ như vậy. Mà các đồng chí thấy đấy, Nhật Chiêu là người hết sức keo kiệt. Anh ta tính toán hằng tháng vợ tiêu bao tiền và đưa cho vợ ngần ấy, rồi lại đặt máy ghi âm để nghe trộm vợ nói chuyện. Thậm chí, hai người lái xe của anh ta cũng đã khai rằng anh ta dùng họ lái xe và đồng thời để giám sát Diệu Linh xem cô ta quan hệ với những ai, nói những chuyện gì. Khả năng anh ta đưa tiền cho vợ mang đi trốn là tôi hơi nghi ngờ. Các đồng chí phải hỏi hết sức cẩn thận. Tôi nhắc lại, tuyệt đối không được lộ thông tin này ra ngoài.

Một cán bộ nói:

- Báo cáo anh, không để lộ thông tin ra ngoài thì khó thật đấy. Anh thấy đấy, vừa rồi có cuộc họp của lãnh đạo bàn việc sắp xếp cán bộ, chỉ có mấy người họp thôi mà 2 tiếng đồng hồ sau đã có tờ báo điện tử đưa tin rồi. Theo tôi, chúng ta cứ tung tin để cho báo chí biết. Biết đâu áp lực của báo chí cũng là một tác nhân để thúc đẩy cô Diệu Linh phải khai ra sự thật.

Ông Đại tá nói:

- Không được. Tôi không đồng ý với cách dùng báo chí để gây áp lực với đối tượng và cơ quan điều tra. Tôi hỏi các đồng chí, nếu bây giờ chuyện này lộ ra, báo chí sẽ suy diễn và bêu riếu, đến lúc không tìm ra được chứng cứ cô Diệu Linh lấy tiền mang đi thì liệu người ta có đặt câu hỏi rằng chúng ta đã ăn gì, uống gì của cô ấy để xóa đi việc ấy không? Chẳng lẽ cứ suốt ngày đi thanh minh với báo chí à? Tôi nhắc lại, tôi cấm tuyệt đối. Đồng chí nào để lộ thông tin cho báo chí sẽ phải chịu kỷ luật.

Cuộc họp tan. Hai cán bộ điều tra được lệnh đến nhà ông Tường. Nhưng khi họ đến thì lại có một nhóm làm phim tài liệu của Đài Truyền hình đang quay ở bên ngoài nhà ông Tường. Trong số những phóng viên truyền hình đang làm việc ở đấy có một người biết hai sĩ quan công an.

Nhìn thấy hai người vào, anh ta nói với một đồng nghiệp:

- Này các ông ở Cục Cảnh sát kinh tế đến nhà ông Tường đấy. Làm thế nào để hỏi xem họ đến có việc gì nhỉ? Ông Tưởng có dính gì đến vụ thằng Chiêu đâu.

Họ bắt đầu để ý ở bên ngoài. Buổi trưa, đoàn làm phim nghỉ thì hai phóng viên mua bánh mỳ ngồi ăn ở bên vệ đường để trông chừng xem khi nào hai anh cảnh sát đi ra.

***

Ở trong nhà, hai anh cảnh sát đặt vấn đề với ông Tường:

- Bác ạ, hôm nay chúng cháu đến đây để nhờ bác. Chúng cháu muốn bác cho bọn cháu biết thêm một việc?

Ông Tường bình thản hỏi:

- Có việc gì vậy các anh? Chắc lại là việc liên quan đến con Diệu Linh nhà tôi?

Một anh cảnh sát nói:

- Dạ, vâng ạ. Đúng là việc liên quan đến cô Diệu Linh. Chúng cháu có một số việc muốn gặp cô ấy để hỏi, nhưng bây giờ không biết cô ấy trốn ở đâu hay cô ấy đi đâu ở rồi? Bác có thể cho chúng cháu biết Diệu Linh đang ở đâu không ạ?

Ông Tường ngạc nhiên hỏi:

- Ơ, tôi tưởng các anh biết chỗ nó ở rồi chứ.

Anh cảnh sát nói:

- Dạ, không. Chúng cháu không biết. Nếu biết đã không phải đến đấy quấy quả bác như thế này.

Ông Tường thật thà nói:

- Trời ạ. Tôi lại cứ tưởng nó đi ở chỗ khác là cả thiên hạ phải biết. Chẳng là sau khi vợ chồng nó cãi nhau và nó không chịu nổi thằng Chiêu nữa, mà các anh có biết nó không chịu nổi về chuyện gì không? Khi nó nói với chồng nó là có thai, cái thằng khốn nạn ấy lại bảo không chắc đã phải là con của nó. Nó bảo chỉ công nhận đứa con ấy sau khi đẻ ra và đi giám định ADN.

Anh cảnh sát tròn mắt:

- Trời ạ. Có chuyện đấy hả bác?

Ông Tường thở dài:

- Có chuyện đấy đấy. Các anh gặp cái Diệu Linh rồi hỏi, nó sẽ nói cho các anh biết. Bây giờ nó đang ở chùa Sùng Khánh. Chẳng là có một sư thầy là Đàm Tuệ Minh thương nó và nhìn thấy những nỗi khổ của nó nên cho về chùa ở và dạy tu thiền. Thầy cũng biết là nếu bây giờ nó ở ngoài mà việc chồng nó như thế này thì nó chịu không nổi, rồi ảnh hưởng đến đứa con.

Cách nói của ông Tường làm hai anh cảnh sát hết sức ngạc nhiên.

Một anh hỏi:

- Đúng là ở chùa Sùng Khánh hả bác? Và thầy Đàm Tuệ Minh đang dạy cô ấy ạ?

Ông Tường nói:

- Đúng. Tôi vừa đi thăm nó hôm qua về mà. Mà thầy khen nó lắm. Thầy bảo rằng người ta học một biết hai, nhưng nó học một biết một trăm. Thế mới lạ chứ. Nhưng tôi lại lo. Khéo nó quy y cửa Phật mất.

Một sĩ quan cười:

- Ôi, chẳng có chuyện ấy đâu bác. Một người đẹp như cô ấy làm sao mà đã dứt bụi trần được.

Một anh hỏi:

- Chúng cháu hỏi bác cái này, mong bác tha lỗi trước cho.

Ông Tường nói:

- Được rồi. Các anh cứ nói đi. Có việc gì mà sao phải đắn đo thế?

Hai anh cảnh sát nhìn nhau.

Một anh nói:

- Thế trước khi đi vào chùa thì Diệu Linh có gửi bác thứ gì không? Có mang về nhà để cái gì không?

Ông Tường:

- Không có. Nó chẳng mang cái gì về cả. Thậm chí nó đi vào chùa tôi cũng không biết. Sau đó mấy ngày tôi lo lắm. Nó sợ tôi suy nghĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe nên nhờ một cô bạn thân là cô Miên - cũng là á hậu trong cuộc thi cùng với nó - đến đây nói rằng nó đang ở chùa Sùng Khánh. Lúc đấy tôi mới biết đấy chứ. Nó không gửi cái gì cả.

Anh cảnh sát gặng hỏi:

- Bác cố nhớ kỹ giúp chúng cháu xem. Bởi vì hiện nay chúng cháu đang rất cần tìm một thứ tài liệu rất quan trọng, liên quan đến chuyện làm ăn của chồng Diệu Linh.

Ông Tường nhăn nhó:

- Tôi lấy danh dự của một người đã có 40 năm tuổi Đảng để nói với các anh là nó không mang một cái gì về nhà này. Còn nếu như các anh không tin, tôi đồng ý để cá anh cho người đến đây khám nhà luôn. Không phải lệnh, không phải có quyết định gì của các cơ quan pháp luật cả. Ngay bây giờ các anh khám luôn cũng được.

Một anh cảnh sát nói:

- Chúng cháu cảm ơn bác. Những điều bác nói chúng cháu tin. Chúng cháu sẽ đến chùa gặp cô Linh, nhưng mà bác giúp chúng cháu một việc nữa nhé.

Ông Tường vui vẻ:

- Được rồi. Có gì giúp được các anh, tôi sẵn sàng.

- Dạ, xin bác đừng gọi điện thoại cho cô ấy vội. Để chúng cháu đến gặp trước đã.

Ông Tường nói:

- Thôi thế này, tôi biết các anh làm nghề công an nên cứ phải nghi ngờ. Mà cái đó cũng đúng thôi. Khi mà chứng cứ chưa rõ ràng thì phải nghi ngờ. Làm công an mà không biết nghi ngờ thì làm công an làm gì. Tất nhiên là nghi ngờ chỗ đúng phải không anh. Bây giờ thế này nhé: một anh ngồi đây với tôi, giám sát tôi, còn một anh về báo cáo cấp trên rồi đến thẳng chùa Sùng Khánh mà gặp nó.

Hai anh cảnh sát nhìn nhau, rồi một anh nói:

- Ôi, bác nói như thế thì tổn thọ chúng cháu. Thôi được rồi ạ, chúng cháu xin phép bác.

Hai người vừa định đứng dậy thì ông Tường nói:

- Tôi có một điều này xin các anh. Con gái tôi thì cuộc đời nó khổ quá rồi. Đúng là người ta bảo “hồng nhan đa truân”. Nó có sắc đẹp, nó là đứa thông minh, ngày xưa học hành giỏi giang. Chỉ vì cuộc thi hoa hậu thổ tả mà cuộc đời nó bây giờ gian truân, vất vả như thế này. Mà làm sao một người như nó mà gặp ai, yêu ai, sống với ai thì toàn những kẻ không ra gì. Bây giờ nó đang bụng mang dạ chửa như thế, tôi mong các anh làm gì thì làm, các anh hãy nghĩ đến đứa bé trong bụng nó. Mẹ nó đã khổ nhục rồi, bây giờ lại đến đứa bé nữa. Nó ở trong bụng mẹ, chưa biết gì mà cũng đã phải chịu nỗi khổ này.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P