Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 15)

07:00 | 06/09/2014

7,764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Số em may thật ông anh ạ. Cưới vợ xong, ông bố vợ thương thằng con rể làm công an, mà lại là cảnh sát bảo vệ. Ông cụ sợ sau này nghèo quá, vợ chồng sinh chuyện, nên cho hơn 100m2 đất.

Năng lượng Mới số 352+353

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 16)  

Hai người ngồi ngoài sốt ruột chờ đợi. Bỗng cánh cửa phòng đẻ mở, một chị bác sĩ ngó ra:

- Ai là chồng sản phụ Nguyễn Thị Thục?

Lân đứng phắt dậy:

- Tôi... à quên!

- Anh vào đây.

Mai nghe thấy vậy thì bưng miệng cười. Lân ngượng ngùng đi vào.

Chị bác sĩ nói:

- Cô ấy sinh cháu trai rồi. Hai cân rưỡi.

- Thế thì mừng quá. Cám ơn bác sĩ.

Bà bác sĩ nhìn Lân từ đầu đến chân rồi hỏi:

- Ngày xưa anh có đi bộ đội ở chiến trường B không?

 Lân thoáng ngần ngừ rồi đáp liều:

- Vâng ạ.

- Tôi sợ anh đã bị nhiễm chất độc điôxin. Cháu bé có rất nhiều thứ không bình thường.

Lân nghệt mặt:

- Có cách nào cứu được cháu không?

- Không. Tôi cũng thành thật khuyên anh... khuyên anh không nên cố gắng đẻ con nữa. Chúng cũng sẽ bị tàn tật hết thôi.

Lân buồn bã quay ra. Mai túm lấy anh:

- Sao vậy. Có chuyện gì thế?

- Thằng bé bị dị dạng vì bố nó nhiễm chất độc điôxin.

Vừa lúc đó, Vũ lao vào:

- Vợ tớ thế nào rồi? Sinh con trai phải không?

- Sao cậu về sớm thế?

- Án phá xong rồi. Cứ thấy nóng ruột Về nhà mới biết vợ đi đẻ. Cám ơn cậu quá. cám ơn chị Mai. Sao, vợ tớ sinh chưa.

- Sinh rồi, con trai. Nhưng... nhưng số cậu khổ quá Vũ ơi. Nó bị nhiễm chất độc từ cậu.

Vũ tái mặt, ngồi phịch xuống ghế.

 

 Kim đồng hồ trong phòng trực ban quản giáo khu D chỉ 21h30.

***

Quản giáo Tự và ba cảnh sát đang ngồi chơi tiến lên. Họ đánh bằng tiền hẳn hoi, nhưng ghi điểm vào sổ. Ai thua phải mời tất cả đi ăn sáng.

Ván bài hết, một anh thiếu úy nhăn nhó:

- Lại bét rồi!

 Tự nói:

- Chuyện vặt, nghe nói tuần trước chú mày bán lô đất, được hơn năm trăm triệu, sướng thế còn gì.

Nghe nói thế, anh thiếu úy tươi hơn hớn:

- Số em may thật ông anh ạ. Cưới vợ xong, ông bố vợ thương thằng con rể làm công an, mà lại là cảnh sát bảo vệ. Ông cụ sợ sau này nghèo quá, vợ chồng sinh chuyện, nên cho hơn 100m2 đất. Nói thật với ông anh, khi nhìn mảnh đất, em cũng chán ngấy vì quá xấu, lại không có đường vào, phải đi nhờ qua một chủ khác. Ðùng một cái, cuối năm ngoái, Nhà nước mở đường vào khu công nghiệp, thế là cái mảnh đất nhà em thành đất mặt đường. Thế là đất của em thành vàng, bán đi được hơn 1 tỉ. Em mua căn hộ chung cư tám chục mét, sắm được đầy đủ đồ đạc, xe pháo, còn dư được gần hai trăm triệu, cho vợ đóng cổ phần vào một siêu thị. Thế là mỗi tháng có được gần chục triệu

- Chuyện ấy anh biết rồi, thế còn mới bán lô đất thì sao?

- Cũng là gặp may. Em nghiến răng vào mua một mảnh đất hơn 80m2 ở trong làng. Nhưng khi chuyển từ xã lên phường, thế là đất tăng giá gấp mười lần, kiếm được mớ khá lắm. Giờ thì em cóc sợ bố con thằng nào. Vợ đẻ con trai, nhà cửa đàng hoàng, có dăm trăm triệu phòng thân.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 15)

- May hơn khôn. Thôi, thế thì mai cho anh em ăn sáng tử tế một chút nhé.

- Bắn chúng nó xong, em đưa ông anh đi chiêu đãi. Cũng mấy lần muốn khao cả đội, nhưng cứ sợ mang tiếng là lắm tiền.

- Anh có ăn hối lộ, có chạy án đâu mà sợ - Một cảnh sát trẻ nói - Trưa mai sẽ khao món gì nhỉ?

- Thịt chó nhé?

- Hay đấy. Gió mùa đông bắc về, ăn thịt chó có lý lắm.

Bỗng Tự trầm ngâm:

- Này, mấy anh em mình  mời bố Vân làm bữa chia tay trước được không?

Anh thiếu úy gật gù:

- Phải đấy. Anh đứng ra mời nhé.

Có tiếng gào hét của Phan Hồng Hải từ xa vẳng lại:  “Cán bộ ơi, cho tôi xin khai... Tôi biết một điều quan trọng lắm! Cán bộ ơi, cho tôi xin khai... Tôi xin gặp cán bộ điều tra!”.

Mọi người yên lặng lắng nghe. Tự thắc mắc:

- Quái lạ, tại sao nó biết sáng mai bị tử hình nhỉ?

- Cũng có thể do linh cảm hay là do hối hận.

- Tôi không tin lắm về sự hối hận của những kẻ đã giết người vì mục đích của đồng tiền.

Quản giáo Tự nói với ba người:

- Các cậu đi xuống dưới đó xem sao. Nếu cần thì tìm cách động viên nó đừng có gào thét nữa. Sáng mai tính sau. Nó muốn khai gì thì khai với hội đồng xử án.

***

Trong phòng làm việc đồng thời cũng là nơi để ngủ của mình, giường ông Vân đã buông màn, nhưng vẫn ngồi ở bàn trầm tư suy nghĩ. Ông mở tủ lấy ra những chiếc băng bịt mắt tử tù xếp ra bàn. Ngắm nghía những cái băng như thể một thứ đồ chơi một lát, ông lấy một chai rượu nhỏ, tợp mấy ngụm rồi chui vào màn.

Nhưng cũng chỉ được vài phút ông lại vén màn chui ra. Nét mặt ông bần thần biểu lộ đang lo lắng một điều gì đó.

Ông mở cửa sổ. Gió lạnh và mưa thốc vào làm ông rùng mình. Ông vớ chiếc áo bạt cảnh sát treo trên mắc mặc vào rồi đi xuống khu C. Thấy Tự ngồi một mình, ông hỏi:

- Mọi người đi đâu hết cả rồi?

Tự đang xem tivi ngoảnh ra thấy ông, reo lên nho nhỏ:

- Ôi chú Vân. Sao chú không nghỉ đi.

Ông Vân cởi áo mưa, nói như thể đang nói với ai: Lạ thật đấy. Mình làm cái công việc này đã thành chai sạn trong đầu rồi thế mà hôm nay cứ thấy hồi hộp, thậm chí lo lo. Có lẽ vì đây là buổi thi hành án cuối cùng của chú. Người ta khi giã từ một công việc thì bao giờ chả có chút bâng khuâng. Tôi thì không bâng khuâng, luyến tiếc gì bởi mình sẽ được giải thoát khỏi cái công việc nặng nề, u ám này. Chú mày có thuốc lá không?

- Cháu không có. Chúng cháu ký cam kết cai thuốc lâu rồi.

Ông Vân thở dài:

- Trời cứ mưa mãi thế này, ngoài trường bắn không khéo nước ngập đến đầu gối. Chiều nay đào huyệt cho ba đứa, tôi bảo mấy tay dân quân phải đào sâu hơn. Bây giờ chắc thành ao rồi. Sáng mai phải cho người ra sớm tát nước đi, chứ cái cảnh phải dìm quan tài xuống, ghê lắm.

Tự nói:

- Không hiểu sao thằng Phan Hồng Hải cứ kêu gào đòi gặp cán bộ điều tra để xin khai thêm. Lúc nãy khi anh em xuống phòng giam nó còn bảo sáng mai nó bị bắn rồi, cho nên xin được khai sớm.

Ông Vân trầm ngâm:

- Có lẽ vì việc này đây.

Tự hỏi:

- Chú bảo về việc gì?

- Hình như đây là lần thứ hai chú có cảm giác này. Cách đây năm năm, anh có nhớ trong vụ thi hành án tử hình thằng Thành, cả đêm mình không ngủ được cứ hồi hộp, lo lắng. Ðến sáng hôm sau trước lúc ra trường bắn nó mới khai ra thủ phạm chính của vụ án. Thế là nó thoát chết. Liệu vụ này có phải như thế không?

***

Ba cảnh sát bảo vệ xuống phòng giam của Phan Hồng Hải. Một người nhấc tấm sắt che lỗ tò vò nói vào:

- Hải ơi, mày ngủ đi chứ. Có ai bắn mày đâu mà cứ gào thét lên như vậy?

Trong phòng giam Hải chồm lên, nói lạc cả giọng:

- Cán bộ ơi, xin cán bộ cho tôi được gặp ông giám thị. Tôi có điều cơ mật lắm muốn khai.

- Thì đến mai khai cũng được chứ sao.

- Xin cán bộ đừng lừa tôi, tôi biết sáng mai tôi bị bắn rồi. Liệu lúc ấy có ai người ta nghe tôi không. Cán bộ ơi, xin cứu tôi, cho tôi được gặp ông giám thị.

Một anh nói:

- Hôm nay giám thị nghỉ trực. Sáng mai anh sẽ được gặp sớm.

Hải lại gào lên:

- Tôi sắp chết rồi, sao các ông còn ác thế không cho tôi được khai.

- Thôi được chúng tôi sẽ báo cáo lên lãnh đạo ngay bây giờ. Nhưng anh không được la hét nữa đấy.

Ba anh quản giáo lại đi về phòng trực ban.

Thấy ông Vân, một anh mau mắn nói:

- Chú ạ, thằng Hải chỉ xin gặp trưởng giám thị để khai điều gì đó mà nó bảo là cơ mật lắm.

Ông Vân hỏi lại:

- Thái độ nó ra sao?

- Nó hoảng loạn từ lúc tối rồi.

- Vậy là nó biết sẽ bị bắn sáng mai. Nhưng cũng có thể trước đây nó vẫn chôn giấu điều bí mật nào đó nay mới quyết định khai để cứu mạng mình.

Ông quay sang Tự:

- Theo tôi, anh cứ gọi điện báo cáo trưởng giám thị. Mình hãy làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình. Còn nó sống hay chết thì điều ấy không ai biết hơn chính nó.

Tự nhấc máy điện thoại, bấm số máy của giám thị:

- Alô, báo cáo anh, em Tự đây ạ!... Thằng Hải cứ kêu gào đòi xin gặp anh để khai thêm... Vâng, nó la hét từ tối đến giờ. Vâng... chúng em cũng nhiều lần xuống động viên nhưng không được. Dạ... chú Vân cũng ở đây. Anh nói chuyện với chú Vân nhé.

Tự chuyển máy cho ông Vân. Ông điềm tĩnh nói:

- Báo cáo anh, theo tôi đúng là có việc không bình thường. Ðiều này tôi linh cảm thấy. Anh cứ tin tôi đi. Biết đâu chúng ta lại chả cứu được một mạng người.

Ông Vân đặt máy, nét mặt có vẻ tươi hơn:

- Thế là yên tâm rồi. Anh ấy sẽ báo cáo giám đốc ngay bây giờ.

Một anh quản giáo pha trà mời ông Vân:

- Chú xơi nước. Ngày mai là chú được giã từ cái công việc chẳng thích thú gì. Lúc nãy anh em chúng cháu vừa bàn là trưa mai mời chú ăn bữa cơm chia tay trước. Chú đừng từ chối đấy nhé.

- Ðể hôm khác đi. Sáng vừa đi thi hành án tử hình 3 người, trưa lại kéo nhau đi rượu chè. Nghe thế nào ấy.

Tự rụt rè:

- Hôm nay chúng cháu muốn hỏi chú một câu chuyện nhưng chú phải tha lỗi trước cháu mới dám nói.

- Có gì mà phải rào đón ghê thế?

- Từ lâu cháu đã nghe được chuyện rằng, ngày xưa chú tham gia thi hành án tử hình lần đầu tiên. Người đó chính là cô người yêu cũ của chú có phải thế không?

Ông Vân thần mặt ra.

Thấy thái độ của ông, mấy anh em nhìn nhau có vẻ sợ hãi.

Một lát, ông Vân thở dài:

- Chuyện thì dài lắm. Nhưng đại để là thế này. Ngày xưa, chú là con nhà nghèo, học mới chỉ hết lớp 5. Nhưng bù lại là có sức khỏe và rất giỏi vật. Năm nào hội làng chú cũng được giải vật. Năm chú được 17 tuổi thì công an về tuyển người và chú trúng tuyển. Vào công an làm đủ các thứ việc từ đi nuôi chó, làm cảnh sát giao thông, rồi làm cảnh sát hình sự rồi chả hiểu sui khiến thế nào lại về làm cảnh sát trại giam. Cố gắng lắm cũng học được đến cái lớp 10 bổ túc nhưng số mình không có đường quan lộ nên cứ làm lính mãi. Hồi ở quê còn thanh niên cũng có yêu một cô gái. Nhưng khi chú vào công an thì cô ấy ở nhà lấy chồng là một anh cán bộ ủy ban nhân dân huyện hẳn hoi. Họ sống với nhau được hai mặt con. Thế rồi anh chồng mê gái và ruồng rẫy vợ. Uất quá, cô ta cho cả chồng con uống thuộc độc chết hết. Khi ra tòa cô ấy bị kết án tử hình. Trớ trêu thế nào, hôm gắp thăm chọn tiểu đội đi thi hành án lại đúng tiểu đội của chú. Mà chú là tiểu đội phó thì không thể chạy đi đâu được. Hồi ấy nếu không nhận nhiệm vụ dễ bị nâng quan điểm lắm.

Lúc làm thủ tục bắn, cô ấy nhận ra chú và nói thế này: “Anh có còn thương em thì bắn thật trúng cho em chết ngay nhé”.

Khi ra pháp trường, chú đã tự nhủ trong lòng là phải bắn lên giời. Nhưng số chú nó khốn nạn thế. Bảy người bắn thì sáu người bắn đi đâu ấy còn riêng chú thì bắn rất trúng. Anh đội trưởng thi hành án bắn ở bên ngoài theo dõi các nòng súng và biết ngay ai bắn lên giời...

Tối hôm đó, khi sinh hoạt tiểu đội, sáu anh cố tình bắn lên giời bị kỷ luật. Riêng chú thì được biểu dương nào là dũng cảm, nào là có ý chí... và thế là từ đó mỗi lần thi hành án người ta lại nghĩ đến chú.

Con người ta như đôi giày mới cứ giữ gìn lúc chưa bẩn. Nhưng đã một lần dẫm bùn, rồi lại một lần nữa.... thế là đâm quen. Và rồi sau này chú tự an ủi rằng, thôi thì người ta làm nên tội, người ta phải chết thì cố giúp cho người ta chết nhanh, chết thanh thản.

***

Buổi tối ở nhà ông Hiển.

 Lân đang mài mực Tàu để viết cho ông Hiển ba chữ treo ở phòng làm việc. Lân giảng giải:

- Trong phòng làm việc của bố không nên treo chữ Phúc. Chữ đó ai cũng treo được.

- Tao thấy chữ đó lành.

- Không được, chữ ấy không hợp với bố. Con sẽ viết biếu bố ba chữ “Quan Vạn Lý”.

- Thì tao đã là “quan” rõ ràng đây rồi. Không mong gì hơn nữa.

- Không, “quan” đây là “quan sát”, là “xem xét”. Bố là chủ tịch tỉnh, vì thế phải có tầm nhìn xa vạn dặm.

Ông Hiển gật gù:

- Cũng được. Hay đấy... có lý lắm con ạ.

Lân mài mực xong, lấy bút viết thử một chữ, rồi giơ lên ngắm nghía ra vẻ hài lòng. Rồi Lân vung bút viết ba chữ “Quan Vạn Lý”. Nét chữ chân phương rắn rỏi. Ở dưới, Lân đề dòng lạc khoản: “Con trai kính tặng bố. Tháng Trọng Xuân, năm Kỷ Mão”.

Vừa lúc đó, có tiếng chuông. Vợ ông Hiển ra mở cửa. Ðó là Thượng tá Luân, Phó giám đốc Công an tỉnh.

- Chào Chủ tịch. Chào anh Luân. Thế nào lại gặp nhau cả ở đây

Lân vẫn tập trung ngắm ba chữ mình vừa viết. Luân tấm tắc:

- Chữ đẹp quá. Ðúng là “thư trung hữu họa”!

Lân hỏi:

- Chú cũng biết chữ Nho à?

- Biết không đáng kể. Nghe người ta cứ nói  chữ  Trung Quốc viết đẹp là nom như tranh.

- Vâng, đó phải là các nhà thư pháp.

- Nhà chú vừa làm lại ban thờ cho nên phải lên Hà Nội đặt bức hoành phi... Nghĩ mãi không ra chữ, cuối cùng chọn: “Ẩm thủy tư nguyên”.

Lân nghiêm sắc mặt:

- Chú là con thứ mấy trong nhà?

- Chú là thứ năm. Ông anh cả năm nay sắp bảy mươi rồi.

Lân lắc đầu:

- Bây giờ người ta sính treo hoành phi câu đối chữ Hán. Nhưng không phải ai cũng biết chọn chữ thế nào cho đúng. Chú là con út, thì không nên treo “ẩm thủy tư nguyên”, chữ đó dành cho nhà thờ ông trưởng họ, trưởng tộc... Mà cũng không ai gọi là “ẩm thủy” mà phải gọi là “ẩm hà”. “Ẩm thủy” là “uống nước”. Nhưng mà là nước gì? Nước cống, nước ao ta cũng gọi là nước ư? Phải là “ẩm hà” - uống nước sông. Mà sông thì mới có nguồn. Thế mới gọi là uống nước sông nhớ nguồn. Chú về vứt ngay bốn chữ đó đi, cháu sẽ chọn cho chú chữ khác.

Thượng tá Luân khâm phục:

- Cứ nghe đồn thằng Lân giỏi chữ Nho, hôm nay mới biết. Thế anh chọn cho chú chữ gì treo trên ban thờ.

- Chú làm công an. Công an là phải công tâm, công minh, công bằng... Thế thì cháu cho chú bốn chữ: “Dĩ Công Vi Thượng” - Làm việc công là trên hết.

Luân vỗ đùi:

- Giỏi, giỏi thật. Mày quá tài!

Ông Hiển và bà vợ cũng cười rạng rỡ. Bà Hiển pha trà mời khách rồi lại lẩn vào phòng sau xem tivi.

Ông Hiển:

- Việc chú mua nhà chung cư trên Hà Nội đến đâu rồi?

- Dạ, xong rồi ạ! Em mua được căn hộ chung cư hơn 80m2 ở khu Mỹ Ðình. Cháu nó ở đấy, đi vào Trường đại học Sư phạm I cũng gần. Nói thật với anh, mình còn sức lực, còn kiếm ra được thì cố mà lo cho con cái. Con bé lớn nhà em, nói thật với ông anh, nhan sắc thì có hạn, tài thì hèn, mình là bố nó mình biết chứ. Thôi thì cứ cho nó một ngôi nhà tử tế, sau cũng dễ có tấm chồng.

Ông Hiển bật cười:

- Chú lo xa quá đấy. Mà tôi thấy nó cũng đến nỗi nào đâu?

- Anh thấy học đại học năm thứ hai rồi mà chẳng thấy có thằng bạn trai nào? Vả lại, con gái đi học, cho đi thuê nhà trọ, em lo lắm. Sinh viên sống với nhau như vợ chồng giờ trở thành tệ nạn rồi. Em mua nhà cho nó, thuê thêm một người trông nom cơm nước giúp cháu.

- Tôi nghe nói nước dùng ở khu đó toàn nhiễm sắt.

- Vâng, nước đểu anh ạ. Vì thế em phải mua nước tinh khiết loại 30 lít một bình về cho cháu nó sinh hoạt.

- Thế thì tốn kém quá. Nhưng nghe nói chú có nhiều nguồn làm ăn...?

- Vâng, cũng có tốn, nhưng nhờ anh em bạn bè, mỗi người giúp chút ít, mà chả giấu gì ông anh, em có góp cổ phần ở sân gôn Ðồng Quan, tháng cũng được chia lãi hơn 8.000USD.

Ông Hiển nghiêm mặt:

- Chú liều thật, sao dám mua cổ phần ở đó. Việc mà lộ ra, họ truy nguồn tài chính là chú đứt đấy.

Luân cười sằng sặc, chỉ vào Lân:

- Thằng Lân, mày thấy tư duy ông già cũ không? Anh thấy tất cả cán bộ chủ chốt ở tỉnh này, khi kê tài sản, hầu hết là không có gì? Ðúng không nào?

Ông Hiển gật đầu. Luân tiếp:

- Nhưng thưa anh, họ có bao nhiêu biệt thự, đất đai trên Hà Nội, thậm chí cả ở thành phố Hồ Chí Minh, có cơ quan nào tìm ra được không. Cứ bảo cái ông nhà văn, nhà thơ lãng mạn, nhưng em thấy lãng mạn nhất là ai đẻ ra cái quy định kê khai tài sản của công chức. Em nói thật với ông anh, tài sản lớn, ai dại gì đứng tên mình. Ðứng tên vợ, tên con, tên cháu, tên họ hàng ở tận đẩu tận đâu...

 (Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P