“Sái sẩm” Khau Liêu

06:50 | 24/02/2014

4,477 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỏ vàng Pác Lạng (hay còn gọi Ma Nu) nằm trên ngọn núi cao nhất, thuộc địa bàn hai xã Thượng Quan và Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Vào năm 1991, có cả vạn người đến đào vàng. Người đông, kéo theo là dịch vụ từ cái kim sợi chỉ, thuốc nổ phá đá khai thác vàng đến mát xa mát gần và cả ma túy nữa... Gỉ gì gi cái gì cũng có, đã buộc chính quyền phải vất vả với nhiều cuộc truy quét, giải tỏa diễn ra liên tục, tốn kém nhưng... vẫn chỉ là bắt cóc bỏ đĩa; sau đó mọi việc diễn ra tại ngọn núi này vẫn thế và chưa khi nào bình yên...

Làng đi dẹo

Trên ngọn núi cao nhất của xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có một khu dân cư khá đông đúc, nhà dân nhấp nhô bám theo sườn núi, có tên là Khau Liêu. Mặc dù dốc đứng, đến người đi bộ cũng không có 3 bước bằng, trong năm không quá 3 ngày nắng ráo. Nơi đây không ruộng, không rẫy và trăm bề khó khăn là thế, nhưng người dân dặt dẹo ở nơi khác vẫn miệt mài đến xin tạm trú, tạm vắng càng làm cho Khau Liêu luôn đông đúc như phố núi...

Phải mất hơn chục kilômét đường đất lầy lội, trơn trượt, có lúc cứ như vén mây để vượt qua mưa rừng gió núi nơi đỉnh cao nhất của vòng cung Ngân Sơn, những ngày đầu năm Giáp Ngọ này, cuối cùng tôi cũng đến với thôn Khau Liêu. Trời mưa, gió rét như cắt vào từng thớ da thớ thịt, nên nhà nào cũng cửa đóng then cài, mây mù giăng kín lối, thi thoảng có tiếng lộp cộp của những người đi mót sái trên núi về và tiếng nói rả rích của nhóm người nào đó vớ được bao sái tốt (loại đá thải có nhiều vàng) đã phá tan bầu không khí lạnh nặng nề nơi đây.

Một sàng tuyển lọc quặng vàng ở Khau Liêu

Chúng tôi phải nhích từng bước từ đầu thôn đến cuối thôn, nhiều lần trượt ngã với bùn đất bê bết, sau nhiều lần hỏi thăm mới đến được nhà anh Triệu Văn Trung - Trưởng thôn Khau Liêu. Đúng lúc mọi người đang quây quần bên bếp lửa hồng nướng sắn, thấy chúng tôi xuất hiện, một thói quen với những người trong thôn này là nhường lại chỗ ngồi cho những vị khách bất đắc dĩ, giúp họ sưởi ấm sau khi lặn lội đến với gia chủ.

Rót chén rượu nóng mời khách, vẻ mặt ông chủ nhà khá vui vì có người lạ đến chơi, chúng tôi đã tranh thủ hỏi thăm về tình hình đời sống người dân trong thôn, ông Trung cho biết:“...Khau Liêu được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, ban đầu do những người đi mót sái vàng cắm trụ lại lâu ngày nên mới thành thôn như hôm nay, chứ hồi đó dân Khau Liêu có biết làm vàng là gì đâu, họ chỉ biết sang đây bán ngô, sắn, rượu men lá cho người đi đào vàng, dần dần học được nghề mót đá sái về nghiền lấy vàng bán đổi mua gạo, thế là một số hộ đồng bào dân tộc Dao ở các ngọn núi này cũng đến định cư ở đây làm nghề mót sái vàng”.

Cứ như vậy, lúc đầu chỉ có vài hộ gia đình cư trú, sau khi bãi vàng này bị giải tỏa thì Khau Liêu càng đông đúc, vì người đến cư trú nhặt sái quặng ngày càng đông. Đến nay đã là 47 hộ gia đình, 187 nhân khẩu thường trú.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng hạn chế người dân nơi khác đến xin tạm trú, nhưng số nhân khẩu di chuyển theo mùa vụ vẫn tăng, Trưởng thôn như ông Trung cũng không nắm rõ, vì họ chỉ xin tạm trú nhà người thân quen để thuận tiện cho việc đi dẹo (ngôn từ của người làm vàng dành cho người đi mót nhặt sái) ở mỏ vàng này.

Ở Khau Liêu mùa nào cũng vậy, mở mắt ra nhìn thấy mây trắng xóa bủa vây gốc cây, từ sáng sớm người nông dân với một điệp khúc quen thuộc là cắp nách vỏ bao tải dứa, bên trong có cái búa đinh nhỏ, họ leo đến những nơi có các đống đá từ trong hang vàng đổ bỏ, họ ngó nghiêng nhặt nhạnh, bóc gõ từng hòn đá to bằng cái nồi cơm, để gọt lấy những viên đá có quặng vàng nhỏ như ngón tay, cái chén rồi bỏ vào bao tải, được khoảng 15 đến 20kg (gọi là một xách) họ gùi về nhà.

Khi nào được đủ mẻ sát, họ nổ máy nghiền, bỏ đá vào xay như lúa gạo, có điều phải nghiền mịn như bột, rồi tua qua nước lấy những hạt vàng nhỏ li ti, gom lại rồi dùng ngọn lửa khò cô thành viên đem bán. Phần quặng đá lắng lại đầu máng nước (còn gọi là mòi) họ lại thu gom rồi ngâm vào bể nước, rồi thả chất xyanua tạo lắng để tách lấy vàng. Công việc nhặt đá trên núi không hề dễ dàng, vừa phải có kinh nghiệm, có cả quan hệ nữa mọi việc mới được hanh thông.

Còn anh Phạm Văn Sinh quê ở mãi Nam Sách, tỉnh Hải Dương đến mỏ Pác Lạng từ năm 2000. Thấy nghề mót nhặt sái sẩm cũng tạm sống được, đã lấy cô vợ người thôn Khau Liêu và định cư luôn ở đây cho thuận nghề nhặt sái kiếm sống. Trong căn nhà xây cấp 4 thấp lè tè, nhưng gia đình anh là nhất hộ khấm khá của thôn này, vì trong nhà cũng đầy đủ tiện nghi từ xe máy, tivi, tủ lạnh cùng các loại đồ dùng làm sái vàng như máy nghiền đá, bể lắng, cho thấy gia chủ là người yêu nghề mót sái vàng đến nhường nào.

Anh Sinh cho biết: “...Bọn tôi sống ở đây quen rồi, dân Khau Liêu nghèo nhưng đoàn kết và thương yêu nhau lắm, nếu bây giờ bảo chúng tôi đi làm việc khác cũng chẳng biết làm gì, nghề nghiệp không có, thôi thì đành leo núi đi dẹo, được tí nào hay tí đó, mọi người trong thôn này ai cũng mong muốn kiếm được chút vốn liếng để chuyển nghề khác, chứ cứ thế này thì tương lai cũng mù mịt lắm các anh ạ”.

Nói xong, anh nín lặng nhìn ra cửa, nơi có mấy con ngan đang mò mẫm dưới vũng bùn trước cửa nhà. Với quan sát của tôi, anh vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ khác, khi đã có nhà xây cửa kín để chống lại cái lạnh buốt nơi ngọn núi khắc nghiệt này.

Có xe máy là… thoát nghèo!

Ở những thôn vùng đồng bằng, phần nhiều là họ gắng đua tranh lấy “xuất hộ nghèo” cho cá nhân mình hay cho người thân, vì kèm theo là các phúc lợi khác. Thế nhưng, ở Khau Liêu lại khác. Người dân hầu hết còn rất nghèo, nhưng họ đã không hèn, vì trong các thôn phải có tiêu chí để xếp hộ nghèo, vì thế cả thôn đi đến thống nhất, đằng nào thì cũng chẳng có hộ nào có ruộng, rẫy nên cứ hộ nào may mắn lúc đi dẹo mà tích lũy mua được xe gắn máy là không phải hộ nghèo.

Để minh chứng cho việc các nhà đều gắn bó với nghề đi dẹo trên núi vàng mà vẫn thoát nghèo, ông Trung quả quyết: “Cả thôn Khau Liêu ai cũng phải đi mót quặng vàng, nhặt đá sái thì mới có cơm ăn, anh bảo ở đây không có ruộng, đất trồng ngô cũng ít lắm, chẳng đủ cho người già làm, bọn trẻ phải đi dẹo trên núi mới có tiền mua gạo. Sống ở giữa mỏ vàng Pác Lạng nhưng không có hộ nào giàu đâu, chỉ có điều, nếu có sức khỏe, chịu khó thì chẳng ai bị đói bữa cơm nào”.

Nhà ở thôn Khau Liêu được phủ kín bạt chống gió lạnh

Chính vì thôn 3 không (không vườn, không ao, không chuồng) nên nhà nào cũng cơ cấu phương tiện sản xuất gồm: bao tải, búa đinh, cuốc xẻng, xà beng và máy nổ nghiền đá, bể lắng ngâm ủ hóa chất, cuối cùng là bộ đồ khò hơi để cô vàng. Từ cơ cấu sản xuất chính là nhặt sái, nhặt đá trên núi kiếm ăn qua ngày, cuộc sống tuy cơ cực, nhưng mọi người trong thôn khá đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Mỗi khi có bãi đá nào có thể kiếm cơm được, họ gọi nhau đến cùng hưởng, với hy vọng ai cũng có cái ăn qua ngày.

Khi tôi đến Khau Liêu đúng ngày mưa phùn, gió rét như cắt vào da thịt, mây mù tỏa kín lối đi, nên ít người đi dẹo. Đám phụ nữ thì tập trung túm năm, tụm ba quanh bếp lửa sưởi tán ngẫu. Cánh đàn ông thì quây quần uống rượu rôm rả. Còn ai không biết uống rượu thì mở máy nghiền ra lau dầu, bơm mỡ các vòng bi. Tôi hỏi một thanh niên: “Có học sửa chữa máy nổ không mà tháo giỏi thế?”. Anh trả lời rất thản nhiên: “Đàn ông ở đất vàng này ai cũng là thợ máy nổ, nếu không biết sửa chữa có mà chết đói”.

Câu chuyện nghèo và tiêu chí xóa nghèo ở Khau Liêu cũng rất khác. Nếu như các địa phương khác căn cứ vào nhân lực, tư liệu sản xuất, tai nạn rủi ro để được nằm trong “tốp” hộ nghèo thì Khau Liêu xóa nghèo theo vật chất hiện có.

Cùng cảnh mót sái sẩm trên non xanh có được như thế nào, có lẽ chỉ có chúa mới biết. Chính vì vậy, việc xóa nghèo dựa trên sự thật thà của từng gia chủ. Vì không có các căn cứ chính xác để tính xếp hộ nghèo, mỗi khi xã “giao chỉ tiêu xóa nghèo” thì dân Khau Liêu đều nhìn vào tài sản phát sinh của các gia đình để bình bầu mỗi dịp cuối năm. Ví dụ năm 2013 này, thôn Khau Liêu vừa bình xét cho mấy hộ được thoát nghèo, vì cả thôn đều nhìn thấy mỗi hộ nghèo này đã mua được hẳn hai xe máy mới trong năm, nên kiên quyết không xếp họ vào diện nghèo nữa.

Vàng mãi bị đào bới

Năm 1990, mỏ vàng Pác Lạng (trước năm 1997 thuộc tỉnh Cao Bằng) phát lộ. Lời truyền miệng rằng, có những người làm vàng ở Pác Lạng đã trúng tới vài chục cân, thậm chí vài tạ vàng. Tin trúng vàng ngày đó cứ truyền tai nhau làm cho các bưởng khắp nơi huy động đông đảo phu vàng đổ về khai thác.

Vàng lộ thiên nhiều, người đến hôi của trời cho cũng đông như kiến, các cuộc thị uy tranh giành lãnh địa liên tục diễn ra, thậm chí cả cướp, chém giết lẫn nhau. Trước sự hỗn loạn đó, buộc chính quyền tỉnh Cao Bằng phải dùng đến lực lượng quân đội làm công tác giải tỏa và bảo vệ mỏ Pác Lạng, sau đó bàn giao cho một công ty phía quân đội vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa thăm dò đánh giá trữ lượng (gọi là Công ty 392).

Trưởng thôn Triệu Văn Trung đang khò vàng

Tuy nhiên, việc thăm dò suốt 7 năm với công tác bảo vệ được gác trực thường xuyên, nhưng địa bàn rộng, rừng rậm rạp, vàng tặc vẫn lén lút khai thác. Sau thời gian thăm dò không hiệu quả, Công ty 392 bàn giao lại cho tỉnh quản lý. Được dịp các bưởng tự do oanh tạc mạnh hơn, càng làm cho tài nguyên bị thất thoát nghiêm trọng.

Đến năm 1997, khi tỉnh Bắc Kạn tái thành lập, mỏ vàng Pác Lạng được chuyển về Bắc Kạn theo chỉ giới hành chính, lúc giao thời vấn nạn khai thác vàng thổ phỉ vốn dĩ tồn tại, nay chúng được đà bùng phát mạnh mẽ, các hang hố tiếp tục mở thêm chi chít trên sườn núi, các bể chứa nước ngâm quặng vàng be đắp từ chân lên đến gần đỉnh núi để tuyển vàng. Nạn vàng thổ phỉ gia tăng, chính quyền lại một lần nữa “lép vế”, vì lực lượng truy quét ra về chúng lại tiếp tục dựng lán lắp máy nghiền.

Thấy quá tốn kém và không hiệu quả, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đành tạm giao cho Tổ hợp Khai thác vàng Ma Nu do ông Trường làm Tổ hợp trưởng. Tổ vàng có nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh tại khu vực mỏ, được phép tận thu khoáng sản vàng và trách nhiệm thu phí các lán khai thác vàng tại Pác Lạng để nộp thuế, phí tài nguyên cho tỉnh theo mức ấn định hằng năm.

Suốt mấy năm thực hiện, tổ hợp này đã không thể làm được công tác thu nộp thuế tài nguyên và đảm bảo an ninh trật tự. Đến năm 2001, mỏ Pác Lạng được tỉnh Bắc Kạn tạm thời chuyển giao cho Công ty TNHH Thanh Bình tổ chức tận thu khoáng sản và thu nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước, mô hình này tồn tại ổn định đến cuối năm 2006 thì chấm dứt, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có thông báo giao mỏ Pác Lạng cho một công ty nước ngoài đến thăm dò.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Ngân Sơn, mỏ Pác Lạng chỉ tạm thời bình yên từ giai đoạn năm 2001 đến 2006, do Công ty TNHH Thanh Bình quản lý. Tức là việc thu nộp ngân sách được diễn ra đều, đủ theo mức khoán đã ấn định theo từng năm, tình hình an ninh trật tự tạm ổn định, các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm hạn chế.

Mặc dù trong thời gian 5 năm, Công ty Thanh Bình chỉ nộp ngân sách Nhà nước được hơn 7 tỉ đồng, nhưng có góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động và giảm thiểu nạn khai thác vàng thổ phỉ. Còn những năm trước và sau đó, giao mỏ cho các đơn vị làm thăm dò thì Pác Lạng đã bị đục khoét tan tác. Phía Nhà nước chẳng thu được đồng nào, đã thế tệ nạn xã hội càng phát triển như nấm sau mưa trong bãi vàng này.

Vàng mất, môi trường ô nhiễm nặng

Hơn 20 năm oằn mình chịu trận khai thác vừa trái phép và cả lúc có giấy phép tận thu, thế nhưng số tiền thuế Nhà nước thu được từ mỏ vàng này chỉ có mấy tỉ đồng, chẳng thấm gì so với sức tàn phá môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái rừng phòng hộ và hậu quả nặng nề chính là các bể ngâm hóa chất tách vàng trong sỏi đá, ngấm chảy xuống các con suối sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cư dân sống nơi hạ lưu. Chưa ai biết nó độc hại ra sao, nhưng khỏe như con trâu, bò, hễ uống phải nước làm vàng Pác Lạng cũng lăn đùng ra chết.

Theo tài liệu hiện có, mỏ vàng Pác Lạng rộng 35,6km2 bám theo phía đông sườn núi Ma Nu. Ngày 30-8-2007, Bộ TN&MT đã có Công văn số 1301/GP-BTNMT cho phép Công ty Archipelago Resources PLC của nước Anh (gọi tắt ARP) phối hợp với Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin và Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn thực hiện thăm dò quặng vàng trên toàn bộ diện tích trong 2 năm.

Đến năm 2010, liên doanh này lại tiếp tục được giấy phép gia hạn thêm 2 năm nữa, nhưng phạm vi hẹp hơn, chỉ còn 24,87km2. Khi nhận bàn giao thăm dò, Công ty ARP và liên doanh đã thuê một công ty có chức năng bảo vệ, thế nhưng nạn khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra, thậm chí số người xin tạm trú ở thôn Khau Liêu để hợp thức việc khai thác quặng vàng trái phép còn tăng lên.

Sau 4 năm thăm dò, Công ty ARP không đánh giá được trữ lượng, đã trả lại kết quả thăm dò mỏ Pác Lạng cho Bộ TN&MT. Để đảm bảo theo quy định, Bộ TN&MT đã giao cho tỉnh Bắc Kạn thực hiện quản lý khu vực mỏ. Tuy nhiên, suốt thời gian thực hiện thăm dò, nạn khai thác trái phép vẫn diễn ra liên tục. Mặc dù khai thác vàng trái phép ở Pác Lạng đã diễn ra liên miên từ nhiều năm qua, thế nhưng phía người dân Khau Liêu mãi vẫn chỉ là những người mót sái sẩm, họ cầu mong kiếm được bát cơn từ những đống bỏ đi của những tốp thợ đào vàng trái phép chuyên nghiệp.

Tạm biệt thôn Khau Liêu cũng là lúc mưa xuân đã ngớt, chút nắng sáng nhạt mong làm khô bớt con đường lầy lội trong thôn, hoa đào trên núi Pác Lạng bắt đầu héo dần, người dân Khau Liêu lại chuẩn bị đồ nghề để lên đường đi mót nhặt những bao sái cuối cùng để gom góp những mạt vàng nhỏ li ti, mong sao đổi bán để đắp đổi qua ngày. Đó cũng là niềm hạnh phúc với những người lỡ theo nghề sái sẩm này.

Phóng sự của Phúc Hoàng