Nỗi kinh hoàng mang tên… bệnh viện (Kỳ 2)

07:00 | 03/08/2013

1,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với ô nhiễm không khí thì chính thói quen bừa bãi trong sinh hoạt của nhiều người đã làm cho môi trường ở bệnh viện trở nên vô cùng nguy hiểm do nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm cao. Và đáng tiếc, thói quen ấy, không chỉ của người nhà bệnh nhân mà của cả ngay một số cán bộ y tế.

Tú Anh - Mạnh Kiên (NLM số 243)

 

>> Nỗi kinh hoàng mang tên… bệnh viện (Kỳ 1)

Kỳ 2: Sống chung với rác...

Từ chỗ nào cũng thấy rác...

Bước chân vào bệnh viện, vốn đã bức bối, ngột ngạt… lại càng trở nên ngột ngạt, căng thẳng hơn khi đi đến đâu cũng thấy rác là rác, trong đó có cả rác y tế và rác sinh hoạt. Như đến các bệnh viện sản ở Hà Nội, đặc biệt là những nơi tập trung người nhà bệnh nhân thì ở đó đầy rẫy túi nilon, vỏ bánh, kẹo, đầu mẩu thuốc lá thì là vỏ bao thuốc lá, giấy báo, cốc giấy, hộp xốp đựng thức ăn v.v… vứt đầy dưới đất. Những thứ rác đó, bình thường cũng đã là loại rác độc hại, có thể gây bệnh cho con người. Nhưng trong môi trường vốn đã bức bí về cả không gian đến sự lưu thông không khí… như bệnh viện thì nó càng trở nên độc hại hơn, mang nguy cơ truyền nhiễm bệnh tật cao hơn.

Rác ở ngoài rồi rác vào cả đến tận trong phòng các bệnh nhân hoặc nơi điều trị, đặc biệt là những nơi chứa rác. Rác ngập ngụa có khi tràn cả ra ngoài. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Khoa Điều trị tự nguyện hẳn hoi (ở khu nhà D), nhưng chỉ trừ lúc sáng sớm khi mới được dọn dẹp, thùng rác còn vệ sinh, được giữ gìn sạch sẽ, còn sau đó, rác lúc nào cũng cao hơn thùng đến nỗi tràn ra cả khu vực xung quanh. Thậm chí, có lúc trớ trêu thế này: thùng rác thì rỗng, nhưng rác lại vứt đầy dưới đất. Mà rác đó, không đơn giản chỉ là rác sinh hoạt mà còn là rác của một giai đoạn “hậu sinh”, cho nên vô cùng gớm ghiếc và làm cho môi trường trong bệnh viện ô nhiễm nặng. 

Rác vứt bỏ bừa bãi từ ngoài vào trong Bệnh viện K

Tương tự, ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiếng cũng là phòng điều trị tự nguyện, “mặt tiền” sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, bố cục khép kín y như phòng khách sạn. Tuy nhiên, vào đến khu phụ của phòng điều trị tự nguyện đó thì ôi thôi, bông băng vệ sinh… đủ thứ mà sản phụ thải ra. Tôi đã chứng kiến cảnh một sản phụ ở phòng điều trị tự nguyện, đúng khi điều dưỡng viên vào làm công việc chăm sóc, vệ sinh cho chị thì chỉ có mỗi mình chị trong phòng. Thế là sau khi làm nhiệm vụ của mình xong, bao nhiêu rác rưởi từ công việc chăm sóc, làm vệ sinh ấy, nữ điều dưỡng vứt nguyên ngay dưới đất giữa phòng, mặc cho nó bốc mùi xú uế, làm ô nhiễm cả gian phòng gồm cả sản phụ và trẻ sơ sinh nằm trong đó; mặc cho mất vệ sinh, mỹ quan… Chắc nữ điều dưỡng này quan niệm, công việc của chị chấm dứt khi việc chăm sóc bệnh nhân kết thúc, ngoài ra không làm việc gì khác. Kể cả trong trường hợp bệnh nhân không dậy được để có thể dọn dẹp vệ sinh do vừa được mổ bắt con như sản phụ trên đây, người nhà cũng không có bên cạnh…

...đến nước thải chảy vòng quanh

Nhiễm khuẩn mắc phải do không tuân thủ các quy định xử lý rác thải tại các bệnh viện là vấn đề hết sức bức xúc của ngành y tế, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế cho người bệnh, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, kháng sinh trong bệnh viện, tăng sản sinh các chủng vi khuẩn kháng thuốc, tăng chi phí điều trị... Do những tác hại đó, việc chống nhiễm khuẩn bệnh viện trong những năm gần đây mặc dù được quan tâm hơn, tuy nhiên cũng chỉ mới dừng ở các hình thức xử lý đơn giản chất thải y tế, chưa có những số liệu, cụ thể và chi tiết về nhiễm khuẩn bệnh viện. Hơn nữa, thực trạng quá tải đã làm cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện thêm chồng chất khó khăn, đây là thực trạng chung của không ít các bệnh viện tại Hà Nội.

Lấy dẫn chứng từ Bệnh viện U bướu Trung ương (Bệnh viện K), sự quá tải trầm trọng trong khám chữa bệnh từ lâu trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ người bệnh nào đã từng đến khám và điều trị tại đây. Bệnh viện vốn đã chật hẹp, chịu sức ép do quá tải nay lại thêm nỗi bức xúc mang tên “rác thải”. Có mặt ở bệnh viện vào lúc sáng sớm, thời điểm số lượng bệnh nhân đổ dồn về đông nhất, chúng tôi không khỏi giật mình vì đồ ăn, thức uống nhếch nhác rải từ ngoài cổng đến tận… khu dành cho lãnh đạo bệnh viện. Nói không quá, Bệnh viện K “bẩn” từ ngoài vào trong. Phía đường Hai Bà Trưng có một bãi gửi xe và một phòng khám thì ngay liền kề là khu chứa rác thải sinh hoạt, bốc mùi khó chịu. Đáng chú ý là khu vực tập kết rác thải này nằm cách khu điều trị chỉ vài bước chân. Từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30 hằng ngày rác mới được Công ty Môi trường đô thị, Chi nhánh Hoàn Kiếm (Công ty MTĐT Hoàn Kiếm) thu dọn.

Và mỗi lần dọn dẹp xong, từ cánh cửa sắt khu chứa rác, nước rác rỉ ra với màu đen kịt rồi chảy từ đây ra đoạn cống lộ thiên chạy vòng quanh bệnh viện. Nước thải còn dây rớt, tạo thành những vệt loang lổ lấn sang phần đường dành cho các phương tiện tham gia giao thông, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, lan tỏa khắp phố đến tận hôm sau.

Cổng chính đi từ phía phố Quán Sứ, chúng tôi lại chứng kiến một cảnh tượng khác. Dưới nền đất ngay dưới chân của hàng trăm người nhà bệnh nhân đang vạ vật chờ đợi là ngập ngụa vỏ bánh, hoa quả, đồ ăn thức uống vứt bừa bãi ngay sát hàng rào bệnh viện. Nhiều người thiếu ý thức đến mức xả cả rác sang phía vỉa hè Đài Tiếng nói Việt Nam khiến nhân viên bảo vệ liên tục phải canh chừng nhắc nhở. Một người nhà bệnh nhân cho biết, để giữ một chỗ nghỉ ngơi ở cổng bệnh viện rất khó, đành phải ăn tại chỗ, tiện thì bỏ rác luôn gần đó nếu không là người khác chiếm mất. Được thể, người này nói ráo hoảnh: “Muốn sạch cũng không được, đằng nào nhân viên môi trường chẳng tới dọn”.

Việc bố trí các thùng đựng rác ở hành lang các khu điều trị trong viện cũng chưa hợp lý, nhiều chỗ đặt khuất sau cánh cửa làm nhiều người không để ý tới. Có chỗ thùng rác đặt ngay trước mắt song nhiều người vẫn bỏ rác không đúng quy định, thậm chí khạc nhổ, ném bông băng ra sàn.  Các thùng rác lại quá nhỏ, chốc chốc nhân viên vệ sinh lại phải vun rác cho vào thùng. Vào Khoa Xạ trị, bà T, quê Thái Nguyên bức xúc nói: Ở quê khổ thật nhưng lên Hà Nội chữa bệnh còn khổ gấp vạn lần. Nước nôi không có, tắm gội cũng “nhịn”, 2-3 ngày mới dám tắm. Nhà vệ sinh ngay trước buồng bệnh lúc nào cũng bốc mùi vì thiếu nước và lượng rác ứ đọng đặt bên trong.

Bên ngoài sân, mặc dù có các thùng đựng rác thải, nhưng tất cả đều là thùng xanh, nghĩa là chỉ dùng cho rác thải sinh hoạt. Chúng tôi cũng thấy một số túi nilon màu xanh đựng lẫn vỏ chai nước suối và chai dịch truyền, thuốc kháng sinh. Được biết, công tác thu gom được các nhân viên y tế thực hiện ở các khoa, phòng dưới sự giám sát hằng ngày của Khoa Chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Trả lời về nguồn nước thải chảy từ phía đường Hai Bà Trưng, một bác sĩ ở đây cho biết, bệnh viện thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt về xử lý nguồn nước thải. Nguồn nước thải “bốc mùi” chắc chắn xuất phát từ nguồn khác. Tuy nhiên đại diện Bệnh viện K cũng thừa nhận những thiết sót: “Chúng tôi thực hiện hợp đồng thu gom rác thải hằng năm với Công ty MTĐT Hoàn Kiếm, để có con số cụ thể, thực tế không nắm hết quy trình xử lý, thu gom rác đã đúng tiêu chuẩn hay chưa. Và khó khăn nhất đó là thực trạng quá tải nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của bệnh viện.

Bà Trần Tuyết Mai, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện K cho hay, tổng khối lượng rác thải y tế bệnh viện xử lý khoảng 200-300kg/ngày, rác thải sinh hoạt 500-600 kg/ngày, lượng nước thải xử lý khép kín 300m3/ngày.Mặc dù hàng tháng bệnh viện phải tổ chức thêm các lớp tập huấn cho người nhà bệnh nhân về việc giữ gìn vệ sinh, phân loại rác theo đúng quy định. Tuy nhiên, không thể khắc phục, kiểm soát được việc xả rác bừa bãi vì lượng người đến bệnh viện quá đông, lại thiếu ý thức trong việc giữ vệ sinh chung. “Chuyện bệnh nhân vứt bỏ ống truyền nước vào rác sinh hoạt xảy ra như cơm bữa, cán bộ giám sát, nhân viên y tế phải làm việc hết sức vất vả”, bà Mai nói.

Hiện bệnh viện chưa có lò đốt rác thải rắn do vị trí chật hẹp, chỉ có hệ thống xử lý nước thải với công suất 300m3/ngày đêm bằng nghệ xử lý sinh học tích hợp. Các thiết bị cho phép thực hiện các quá trình xử lý nước thải với tốc độ cao, an toàn và tự động thông qua hệ thống điều khiển tự động, cho phép quyết định và duy trì các chế độ vận hành khác nhau, thích nghi từng bước với quy luật diễn biến phức tạp của nước thải bệnh viện không gây tiếng ồn và mùi.

Biện pháp này về cơ bản vẫn đảm bảo được vệ sinh nguồn nước, môi trường, song nếu quá trình xử lý nước thải chưa sạch, không được giám sát thường xuyên rất dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, nhiều chất độc hại trong nước thải bệnh viện chưa được xử lý kỹ đã đổ vào môi trường, là nguồn lây truyền bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, hệ thống xử lý nước thải và khu chứa rác của Bệnh viện K có khoảng cách gần với các khu khám chữa bệnh, chưa đạt đủ tiêu chuẩn.

Có thể nói, ở bệnh viện, rác là một khâu mà được tính toán không kém phần quan trọng so với quy trình, các phòng điều trị bệnh từ khi bắt đầu thải ra cho đến lúc xử lý để trở nên an toàn. Người ta phải sắp xếp sao cho từ chỗ vứt rác - chứa rác - xử lý rác không những phù hợp, bảo đảm môi trường chữa trị (kể cả người điều trị và được điều trị) mà còn cho cả môi trường dân sinh xung quanh. Thế nhưng với “bức tranh” về rác thải ở bệnh viện trên đây, có thể thấy đây là nguyên nhân ô nhiễm cho môi trường đáng ra phải được giữ gìn trong sạch. Bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có tổng cộng 60 bệnh viện trực thuộc thành phố, bao gồm 40 bệnh viện công và 20 bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 14/40 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn, 15 đơn vị đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo công nghệ lắng lọc. Lượng chất thải từ các bệnh viện chiếm 1,76% tổng số chất thải của toàn thành phố Hà Nội. Mỗi ngày trung bình 1 giường bệnh thải ra khoảng 2,27kg rác, trong đó có tới 25% là rác thải nguy hại.

Nguy hiểm nhất là các bệnh phẩm, gồm các tế bào, các mô bị cắt bỏ trong phẫu thuật, tiểu phẫu, các găng tay, bông gạc có dính máu, mủ, nước lau rửa từ các phòng điều trị, phòng mổ, khoa lây, khí thoát ra từ các kho chứa, nhất là kho chứa radium, khí hơi từ các lò thiêu, hóa chất xạ trị... Sau đó là các chất thải do dụng cụ phục vụ như kim tiêm, ống thuốc, dao mổ, lọ xét nghiệm, túi ôxy... chất thải hóa chất sinh ra độc hại như dung môi hữu cơ, huyết thanh quá hạn, hóa chất xét nghiệm... cuối cùng mới tới nước thải và nước thải sinh hoạt. Sự nguy hiểm của rác thải bệnh viện, qua một xét nghiệm khoa học cho thấy, mỗi một gram bệnh phẩm như: mủ, đờm... nếu không được xử lý thì sẽ truyền 11 tỉ vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.

Tú Anh - Mạnh Kiên