Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ cuối)

07:00 | 15/09/2013

3,543 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một điều kỳ lạ rằng, người dân phố cổ Hà Nội đang sống chui rúc, chật chội trong những căn nhà cũ nát nhưng khi nói đến chuyện di dời sang khu tái định cư lại cứ giãy nảy lên như “đỉa phải vôi”. Có nhiều hộ gia đình thực hiện tiêu chí “ba không”: không đồng tình, không nhận tiền, không chấp nhận phương án đền bù và “tuyệt giao” với các cán bộ đến vận động. Chính vì thế, nỗi khổ của Ban Quản lý phố cổ và các cán bộ địa chính quận Hoàn Kiếm là không nhỏ.

>> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 2)

>> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 1)

Bài toán phức tạp từ chính sách “ba không”

Cảnh sống nhem nhuốc, chật chội, xập xệ tới mức nguy hiểm ở phố cổ không phải các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội không biết, thậm chí là biết rất rõ. Rõ ràng, khu vực trung tâm của thủ đô mà vẫn sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu làm méo mó hình ảnh của thủ đô là điều khó có thể chấp nhận. Thủ đô Hà Nội đã quyết tâm thay đổi trong nhiều năm, nhưng chuyện ấy lại chưa thể thực hiện được ngay bởi vướng phải những lý do cũng hết sức “kỳ lạ”.

Mới đây nhất, Đề án “Giãn dân phố cổ” của TP Hà Nội đã được quận Hoàn Kiếm “gật đầu” từ 6/2013. Hà Nội sẽ làm mọi cách để giảm mật độ dân cư phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người.

Ai cũng đều khẳng định rằng, để thực hiện thành công đề án này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ, từ ngân sách eo hẹp… và trong số đó, khó khăn cơ bản vẫn xuất phát từ chính người dân.

Cụ Nguyễn Thị Thuận, 70 tuổi luôn ước mơ được sống trong một căn nhà rộng rãi

Cũng cần phải nói thêm rằng, người dân sống ở phố cổ đa phần đều đã mấy đời sinh nhai ở đây. Chính vì thế, họ đã quá quen với những con phố này. Nhịp sinh hoạt cùng thói quen thâm căn cố đế dường như đã ăn vào máu tủy của họ. Một chốc một loáng mà chuyển đi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ quả là không dễ dàng gì. Chính vì thế, việc vận động người dân đổi nơi ở gặp rất nhiều khó khăn.

Với những hộ gia đình mà cả hai vợ chồng đều là cán bộ hưu trí thì họ lại mong muốn được chuyển nhà ngay lập tức. Là bởi, họ đã có lương hưu, sống ở đâu mà chả được, cần gì cứ phải ở phố cổ. Nhưng với những gia đình mà thu nhập của họ phụ thuộc vào vỉa hè phố phường thì vận động họ chuyển đi là chuyện vô cùng nan giải.

Phố cổ thì quả là tấc đất, tấc vàng. Chỉ cần một quán trà đá, một mẹt rau nhỏ hay hãn hữu lắm chỉ cần một âu cà muối bán buổi chiều thôi thì cũng đã đủ sống rồi. Những hộ gia đình may mắn có nửa mét vuông mặt đường thì bảo nhau quyết tâm “bám đất” đến cùng. Như bà Nguyễn Thị Muội, 68 tuổi ở ngõ Tạm Thương thì quyết tâm bám đất lúc nào cũng “hừng hực”. Nhà bà Muội chỉ có 7m2 nhưng chỉ có nửa mét cửa là chìa ra mặt ngõ. Bà cùng hai cô con dâu mở quán bán nem chua rán đã mười mấy năm nay, khách đông nườm nượp. Mỗi ngày bà Muội bán được gần chục cân nem, cộng thêm nước nôi nữa cũng để ra được hơn 5 trăm nghìn. Dù 5 người phải chui rúc trong căn nhà bé tẹo nhưng hễ cứ động đến chuyện di dời là bà giậm chân bành bạch, nói như hắt nước vào mặt người hỏi.

Nhà bà đã xuống cấp trầm trọng, nằm trong diện phải di dời đợt tới nhưng bà luôn miệng bảo: “Cha ông để lại cho mảnh đất hương hỏa, có chết tôi cũng không chuyển đi, muốn ra sao thì ra”.

Không riêng gì bà Muội, hiện cũng có rất nhiều hộ gia đình đang thực hiện tiêu chí “ba không”: không đồng tình, không nhận tiền, không chấp nhận phương án đền bù. Người dân làm thế cũng có một phần lý của họ. Giá tiền đền bù cho các hộ gia đình ở phố cổ phải theo quy định của Nhà nước và đó là quy định chung. Nhiều người dân cho rằng, số tiền đền bù chênh lệch quá lớn với giá trị thực mà nơi ở cũ đem lại. Điều đó quả thực cũng không phải là không có lý nhưng người dân cần hiểu rằng, khung đền bù do Nhà nước đề ra là khung chung, không thể nói rằng, nhà tôi làm ăn tốt trên mảnh đất đó, phải đền bù cho tôi nhiều hơn.

Ở trong những căn nhà cũ nát như thế này nhưng nhiều người không muốn chuyển đi (Ảnh: Đức Long)

Trong bất cứ dự án nào, việc khó nhất thường là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Rõ ràng là, chính sách là chính sách chung, còn nhà dân thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Để làm thỏa mãn hàng nghìn hộ dân trong một cuộc đại di cư nào đó là chuyện không tưởng. Ở phố cổ cũng vậy, chuyện giải tỏa giãn dân phố cổ là một câu chuyện dài, cần nhiều thời gian chứ không thể một sớm một chiều mà hoàn tất.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội kể rằng, những phức tạp trong việc giãn dân phố cổ không phải là không có cách giải quyết. Phải giải quyết vấn đề thật mềm dẻo, linh hoạt và không có bất cứ công thức nào. Có những biện pháp đã được Ban Quản lý phố cổ Hà Nội áp dụng rất hiệu quả.

Theo ông Long, một trong những cách được coi là hiệu quả nhất là biện pháp tuyên truyền đến bà con sống trong phố cổ với nội dung: cuộc sống tái định cư là ổn định! Và một trong những biện pháp tuyên truyền mạnh nhất không phải là loa phường, không phải là truyền hình hay in báo mà là… phát tờ rơi. Những tờ rơi được in 4 màu hẳn hoi, như kiểu một trang họa báo về nội thất. Ban Quản lý phố cổ cắt cử nhân viên cầm tờ rơi đến tận nhà, gặp bằng được chủ nhà để đưa tờ rơi tận tay họ.

Anh Long cho chúng tôi xem những tờ rơi mà anh và các nhân viên của mình đã phát cho rất nhiều bà con phố cổ để vận động họ yên lòng bàn giao nhà cho Nhà nước mà đến nơi ở mới. Tờ rơi có đầy đủ thông tin về những hộ gia đình đã chuyển đi, mô tả qua cuộc sống hiện tại của họ và đặc biệt là có rất nhiều ảnh. Ảnh chủ yếu là chụp nội thất với quanh cảnh sạch sẽ, thoáng đã và đương nhiên, nó đối lập với cảnh sống chật chội, tăm tối hiện tại trong phố cổ.

Điển hình của những hộ gia đình đã chuyển đi là gia đình ông Phạm Bá Bảo. Gia đình ông Bảo, 75 tuổi là một trong 25 hộ dân được di dời và nhận nhà chung cư tại ngõ 67 Đức Giang, Quận Long Biên. Trước đây, căn hộ của gia đình ông Bảo chỉ có 15m2 nhưng có đến 4 người cùng sinh sống trong khuôn viên Đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc. Trong tờ rơi còn in rõ ràng lời “phát biểu” của ông Bảo: “Trước đây ở phố Hàng Bạc chật chội quá, mọi việc sinh hoạt thì hạn chế, bây giờ Nhà nước cho sang đây chúng tôi vui mừng lắm, không khí trong lành, nhà cửa rộng rãi và tôi thấy người khỏe hẳn ra. Nói thật là thời gian đầu sang đây chúng tôi cũng rất buồn vì đang quen với không khí nhộn nhịp của phố cổ, song ở đây lâu thì giờ đã quen rồi”.

Ông Trần Văn Thạch - cán bộ về hưu ở ngõ Phất Lộc chỉ mong sớm được chuyển đến nơi ở mới

Còn gia đình ông bà Châu ở khu vực chùa Vĩnh Trù thì nói: “Không riêng gì gia đình nhà tôi mà còn các hộ gia đình khác được giãn dân về khu chung cư Nam Trung Yên này rất phấn khởi. Nói chung là về đây chúng tôi sống vui khỏe. Như trước đây ở khu vực chùa Vĩnh Trù trong căn hộ 15m2 mà có 2 hộ sống cùng nhau thì khổ vô cùng. Nhưng từ khi chuyển về đây, với diện tích mỗi hộ là 40m2 nên rất thoải mái. Chúng tôi phấn khởi lắm, xin cảm ơn Đảng và Nhà nước”.

Ảnh ông bà Châu ngồi giữa căn nhà rộng rãi được căng to, mọi thứ trong nhà đều sạch sẽ. Và đến bây giờ, căn hộ của ông bà Châu hay căn hộ của ông Phạm Bá Bảo trở thành một điểm tham quan bất đắc dĩ. Anh Long cũng đã sang tận đó để nhờ vả vài hộ gia đình “tiếp” khách “tham quan” hộ. Cứ thứ Bảy hay Chủ nhật là lại có dăm đoàn “tham quan” nhà ông bà, ngó nghiêng để xác nhận thông tin trên tờ rơi. Họ muốn tận mục sở thị cuộc sống tương lai của mình và chắc chắn lại một lần nữa để có thêm quyết tâm chuyển đi.

Ấy vậy mà biện pháp có vẻ thủ công này lại có hiệu quả rất cao. Nhiều gia đình lúc đầu còn tỏ ra lo lắng, thậm chí chống đối chính sách của Nhà nước thì nay lại răm rắp đồng ý chuyển đi. Họ còn đi vận động những gia đình khác, tạo điều kiện cho Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện nhiệm vụ của mình.

Một cuộc đại di cư

Mới đây nhất, đề án giãn dân phố cổ giải đoạn 1 từ quý II/2013 đến quý IV/2016 đã bắt đầu triển khai những bước đầu tiên. Đây được coi là một đại dự án và một cuộc đại di cư dành cho dân phố cổ sắp bắt đầu.

Bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban Quản lý Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội cho biết: Đề án được thực hiện làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng. Giai đoạn thứ hai, quận Hoàn Kiếm sẽ xin 30ha đất để xây dựng khu giãn dân phố cổ tại các quận nội thành và tổ chức di chuyển hơn 5.000 hộ dân trong khu phố cổ sang khu đất giãn dân.

Mục đích của đề án này cũng tương đối rõ ràng. Việc giãn dân sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân phố cổ, làm phố cổ khang trang hơn, khách du lịch sẽ đến phố cổ nhiều hơn. Hiện tại, dự án đang được thực hiện ở giai đoạn 1 (2013-2016) với 2 dự án thành phần gồm khảo sát, lập phương án đền bù, hỗ trợ và tổ chức di chuyển 1.530 hộ dân sang khu đô thị mới và đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại Việt Hưng.

Dù chật chội, tối tăm nhưng phố cổ vẫn là nơi không khó để mưu sinh (Ảnh: Đức Long)

Cụ thể hơn nữa, vừa mới đây thôi, thông tin chính thức từ UBND TP Hà Nôi đã khẳng định, TP  quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng khu nhà ở dãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng. Quy mô rất hoành tráng bao gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng và có đầy đủ khu nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, vườn hoa, cây xanh.

Dự án có mức tổng mức đầu tư ngót 5.000 tỉ đồng và năm 2017 sẽ có thể ở được.

Đối tượng giãn dân là các hộ dân sinh sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các chung cư xuống cấp nguy hiểm, các hộ dân sống trong phạm vi cần giải phóng mặt bằng theo các dự án của thành phố và các hộ dân tự nguyện di chuyển.

Tóm lại, một bộ phận người dân phố cổ sẽ bàn giao nhà và đến nơi ở mới, đương nhiên, sẽ rộng rãi và sạch sẽ hơn gấp nhiều lần!

Gút mắc lớn nhất là chuẩn bị việc làm cho người dân khi họ chuyển đến nơi ở mới. Việc ấy chẳng phải là dễ dàng gì. Bà Quỳnh Anh cho biết, với đề án này, khó khăn là đương nhiên vì đây là đề án lớn, có tính chất đặc thù và chưa làm bao giờ. Lý do của người dân đưa ra là chính đáng, đó là điều bất cứ ai đều nghĩ đến rằng, người ta muốn cái cần câu hơn là muốn con cá. Người ta cần công việc ổn định để duy trì cuộc sống hơn là căn nhà rộng rãi nhưng quanh năm “đói”.

Việc xác định chính xác các đối tượng di dời và vận động người dân tự nguyện di dời cũng là việc muôn trùng khó khăn. Các hộ thuộc đối tượng bắt buộc phải di chuyển sẽ hưởng các chế độ theo quy định rõ ràng về đền bù giải  phóng mặt bằng như được bồi thường, hỗ trợ về đất, bồi thường giá trị nhà, tài sản trên đất, được mua nhà tái định cư tại khu giãn dân phố cổ. Còn các hộ tự nguyện giãn dân sẽ được mua 1 căn hộ theo số nhân khẩu phù hợp với giá ưu đãi. Như vậy, những hộ gia đình bắt buộc di dời thì đi đằng một nhẽ nhưng những hộ tự nguyện di dời thì còn quá ít. Có vẻ như, đa phần người dân còn do dự và một căn nhà mới khang trang, rộng rãi vẫn chưa hấp dẫn được họ?

Và “lùng nhùng” có vẻ chưa giải quyết xong. Tại ngõ 44 Hàng Buồm, có khoảng 100 nhân khẩu sinh sống hiện đang dùng chung 3 nhà vệ sinh, tuy diện tích mỗi nhà đều chật hẹp nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí để chuyển đi chỗ khác. Chính bản thân anh Xuân cũng bảo rằng: “Nếu Nhà nước tạo điều kiện để người dân chuyển đến chỗ mới thì chúng tôi rất mừng, nhưng cần có phương án với những hộ dân như chúng tôi chứ chỉ hỗ trợ hoặc phải bỏ tiền ra toàn bộ tôi cũng không biết lấy ở đâu”.

Với người dân, điều quan trọng khi chuyển đến nơi ở mới là việc đảm bảo cuộc sống sau này. Mặc dù ở phố cổ là thảm cảnh nhưng dân phố cổ vẫn kiếm được miếng ăn, nếu nơi ở mới không đảm bảo cuộc sống thì họ vẫn muốn ở lại đất cũ. Kế sinh nhai là lý do duy nhất khiến nhiều hộ dân băn khoăn trước việc di dời đến nơi ở mới, vẫn muốn bám trụ ở lại nơi được coi như “phố khổ”!

Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý Dự án phố cổ đánh giá, đây là dự án mang tính xã hội cao, có tính chất đặc thù. Dự án kéo dài nhiều năm vì phải vừa làm vừa nghiên cứu, đề xuất cơ chế.

Ước tính chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước hơn 1.590 tỉ đồng. Các hộ dân sẽ di dời đến địa điểm mới là “Khu nhà ở giãn dân phố cổ” tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Sau khi nhận căn hộ tại khu nhà ở giãn dân, các hộ dân có trách nhiệm di chuyển chỗ ở và cắt hộ khẩu tại nơi ở cũ, đồng thời chuyển ngay hộ khẩu về nơi ở mới theo đúng quy định. Dự án dự kiến được triển khai từ quý II/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016.


Phóng sự của Vũ Minh Tiến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps