Những tiếng rao dài mơ cổ tích

10:52 | 02/05/2013

889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta vẫn thấy họ hằng ngày, nhưng một điều đặc biệt ở họ là những người không có khái niệm thời gian. Mà dường như họ cũng không có khái niệm gì về không gian nốt. Thời gian của họ là mùi của bữa cơm đạm bạc sau một buổi dài mệt nhọc vác bó chổi mò mẫm dò tìm lối đi khắp nẻo. Không gian của họ là một vòm bóng tối cùng những âm thanh, tiếng nói quen thuộc của những gương mặt chưa bao giờ nhìn thấy nhau... Cuộc đời họ dường như thật buồn, nhưng họ sống mạnh mẽ và yêu đời.

Những tiếng rao trên hè phố

Chuẩn bị vào hè, trời miền Trung nóng như đổ lửa, thi thoảng đổ mưa. Cái nắng hắt xuống mặt đường nhựa càng thêm bỏng rát khi bất chợt nhìn thấy một người mù vác bó chổi đót chống gậy lọ mọ đi dưới cái nóng xứ nhiệt đới. Tiếng rao: Chổi đây! Chổi đây!... như kéo dài cổ tích. Ông là Phạm Ba, một thành viên của Hội Người mù thành phố Tam Kỳ, ngày lại ngày ông vẫn rong ruổi trên đường với chiếc gậy đã mòn vẹt vì chống xuống đường, trên vai ông là những chiếc chổi được “sản xuất” cũng chính từ đôi bàn tay của những người mù trong hội.

Ngày nào cũng thế, chiếc gậy thay cho đôi mắt, giúp ông dò dẫm từng bước đi giữa phố phường nêm chật xe cộ.

Ông bỏ bó chổi xuống khi tôi hỏi mua, lần sờ dây buộc, ông chia sẻ: “Là con người được sống đã tốt lắm rồi! Mình khiếm khuyết một phần thân thể, nhưng tâm hồn mình lúc nào cũng đầy tràn tình yêu thương, đó là điều khiến mình cố gắng hơn!”

Tôi hỏi ông đi bán mỗi ngày thu nhập được bao nhiêu, ông cười: “Nhiều lắm đó chú, hàng ngày bán dạo như vầy tiền lời kiếm được từ 25.000 - 30.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng kiếm được vậy đâu, vì người bán thì nhiều mà người xài thì có phải ai cũng mua xong xài là hư ngay đâu...”.

Rồi ông cũng kể, trong hội cũng có nhiều người mù, tuổi đã cao, vác bó chổi nặng từ 25 - 30kg từ miệt ngoại thành len lỏi vào các hẻm phố để bán. Mỗi chiếc chổi chỉ với giá 15 ngàn, nhưng đó là sự cố gắng của rất nhiều người trong hội, của những bước chân chậm chạp trên phố đông của những người như ông Ba, là tấm lòng của những con người chia sẻ với nhau đầy tình người trong cuộc sống khốn khó này.

Ông Phạm Ba với bó chổi giữa trưa nắng

Thường thì người mù không sợ bóng đêm nhưng họ sợ tiếng ồn, vì tất cả cảm giác của họ khi di chuyển đều phụ thuộc vào âm thanh và tín hiệu dò dẫm phát ra từ hai bàn tay, từ bước chân... Những ngày phố xá ồn ào, tấp nập cũng là những ngày kiếm sống tốt nhất của người bán chổi, người bán vé số, người bán hàng rong... nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguy hiểm lại rình rập người mù ở mọi lúc mọi nơi như thế!

Ông Ba ngậm ngùi kể: "Trong nhóm của tôi cũng có một ông năm nay đã ngoài 60, ông ấy cũng có con cái đầy đủ nhưng vì nghèo khổ quá và không muốn sống phụ thuộc, vậy là đi, đi đến khi nào không đi được mới thôi. Cách đây mấy hôm, ông ấy bị ngã xuống hố trụ điện toàn đá hộc, vậy là gãy chân, xước mặt, chảy máu. Trúng mấy ngày nhiễm mưa, thấy ông ấy nằm rên mà thương quá! Mà khổ nỗi mình cũng nghèo như ông ấy, chẳng biết giúp gì! Thôi thì có chung chén cháo, tô canh cùng nhau cũng được".

Tôi mua 5 cây chổi, mỗi cây 15.000 đồng và sau đó tặng lại ông 4 cây. Ông mừng lắm. Ông cho tôi biết thêm rằng, ngày hôm nay ông đã quá “trúng mánh” vì trong mỗi cây chổi ông chỉ lãi từ 3.000 - 5.000 đồng. Trước khi ra về, tôi không quên nhấc thử bó chổi, tôi giật mình vì nó quá nặng, có thể lên đến 35kg và hơn chứ không phải như ông nói 25kg. Tôi hỏi ông: “Nặng kinh khủng vậy sao bác nói 25kg?”, ông Ba cười khà khà: “Thì nói vậy cho nó nhẹ bớt, chứ nếu mình nghĩ mình mù mãi làm sao dám đi ra đường và nghĩ nó nặng quá thì vác mau mệt".

Nói rồi ông lại vác bó chổi lên vai, lầm lũi đi với chiếc gậy là đôi mắt đồng hành, tiếng rao lại cất lên: “Chổi đây! Ai chổi…” trong tiếng ồn ào của phố xá.

Trong vùng bóng tối

Tôi đến thăm một cơ sở người mù, cảm giác đầu tiên ập vào tôi là không khí vắng lặng, dù đã hơn 6 giờ tối mà không thấy đèn đóm nào thắp lên. Ấn tượng mạnh hơn nữa là giọng hát nữ vang ra từ một căn phòng tối om: “Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam...”. Hóa ra chị vừa nhặt rau, vừa nấu cơm trong bóng tối một cách rất thành thục. Mà với người mù thì tất cả chỉ là bóng tối chứ có hơn gì khi bật đèn sáng lên!

Vợ chồng anh Huỳnh Kim Rầy và cậu con trai

 

Một người mù nói với tôi: “Ở đây chỉ có món chổi đót là nhiều và phong phú nhất, nhưng món này không ăn được. Nhà nước xây dựng Hội, hỗ trợ cho học chữ bờ-ray (brind) vậy là quý quá rồi. Những người mù già yếu, hoàn toàn không nơi nương tựa thì được cấp 360.000 đồng/tháng. Còn lại thì có vài người được 180.000 đồng/tháng. Chủ yếu là đi bán chổi mà sống chú ơi!...”.

Ông nói thêm: “Hội bỏ mối chổi cho các hội viên với giá gốc 12.000 đồng, bán ra thị trường được 15.000 đồng, lãi cao nhất 3.000 đồng/cây chổi. Mỗi tháng nếu làm giỏi thì kiếm cũng được 700.000 đồng/người. Có người lấy thêm chổi bên ngoài có chất lượng tốt hơn để bán và lãi cũng cao hơn chút đỉnh”. Tôi hỏi ông có ai kiếm được mỗi tháng chừng 900.000 đồng không, ông lắc đầu nói dứt khoát: “Chắc chắn là không có, trừ khi trúng mánh được người ta cho kia, nhưng có mấy ai có cái phước đó?”…

Câu chuyện như chùng xuống. Tôi im lặng, chào tạm biệt ông và những anh em mù trong căn phòng mà đèn đóm chỉ được thắp lên khi có khách.

Những tiếng rao dài mơ cổ tích

Không chỉ có ông Ba bán chổi, còn nhiều nữa những người bán vé số trong thân phận tật nguyền như thế nữa ở đâu đó quanh đây?!... Họ rao bán những giấc mơ cổ tích cho mọi người, và cả niềm mơ ước về một bữa cơm có thịt, có cá cho mình.

Tôi gặp hai vợ chồng anh Huỳnh Kim Rầy (SN 1960) và Đỗ Thị Sít (SN 1970), trú tại tổ 3, thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam khi hai vợ chồng dắt díu nhau vừa bán chổi, vừa bán vé số, bán tăm, đũa và nhiều thứ khác nữa. Tiếng rao của họ lọt thỏm vào trong dòng xe cộ ồn ào, nhưng sâu lắng lạ thường. Ngày qua ngày, người ta vẫn thường thấy hai vợ chồng mò mẫm đi bộ hàng chục cây số để bán từng cây chổi, lo từng miếng cơm manh áo qua ngày.

Để chăm lo cho cuộc mưu sinh và hai con đang tuổi ăn học, ngoài đi bán chổi ban ngày, đêm về hai vợ chồng còn nhận thêm việc gia công tăm xỉa răng để kiếm thêm thu nhập. “Đi bán hàng cảm thấy cuộc sống xung quanh mình còn nhiều người tốt. Nhiều lần đi bán chổi, khát nước nên ghé vào quán nước uống giải khát. Uống xong trả tiền chủ quán không lấy. Người chủ quán tốt bụng kia còn mua ủng hộ, cho thêm tiền!”, chị Sít xúc động.

Ngày mưa giông hay nắng cháy, người ta vẫn thấy đôi vợ chồng mù cần mẫn dò dẫm từng bước một trên đường phố. 4 giờ sáng dậy chuẩn bị cơm nước cho con cái đi học. Đến giờ lại xách bao, cầm gậy dìu nhau đi bộ cả chục cây số lên tận thành phố để lấy chổi vác đi bán. Đi nhiều thành quán tính, thói quen nên mọi ngõ ngách của thành phố đều in dấu chân hai anh chị. Anh chị nhớ rất rõ những cung đường mà mình nhiều lần đi qua.

Một cơ sở làm chổi của hội người mù

 

Anh Rầy tâm sự: “Cả ngày đi bộ rụng rời chân tay nhưng chỉ kiếm được không quá 30.000-40.000 đồng. Ngày nào trời thương thì cũng kiếm được 50.000 đồng, nhưng hiếm lắm, có nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít, vả lại chừng đó cũng đủ cho cả nhà ăn trong một ngày rồi. Chúng tôi không cầu mong gì hơn ngoài sức khỏe, có sức khỏe là có thể sống được!”.

Hiện anh Huỳnh Kim Rầy là hội viên tích cực của Hội Người mù TP Tam Kỳ. Tháng 7/2012 vừa qua, anh Rầy được Hội Người mù tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng” nhằm ghi nhận tấm gương nghị lực của anh.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình anh chị luôn rộn vang tiếng cười. Niềm vui lớn đối với anh chị là hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Vì các con biết hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mẹ mù nên đã phấn đấu học tập đạt thành tích giỏi nhiều năm liền, luôn nhận nhiều phần thưởng, suất học bổng của nhà trường và xã hội. Đó là niềm tin và động lực lớn lao để vợ chồng anh Rầy lao động.

Hạnh phúc tưởng chừng không thể thực hiện được của đôi vợ chồng mù lòa, nhưng anh chị đã vượt qua gian khó cuộc đời để chứng minh cho mọi người thấy tình yêu có thể thắng được mọi khó khăn... Nó sẽ chiến thắng tất cả như anh chị đã chiến thắng số phận nghiệt ngã.

Cứ thế, bất chấp trời nắng rát hay những buổi mưa muối mặt, trên các con đường của TP Tam Kỳ và nhiều thị trấn khác ở Quảng Nam, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh cảm động khi đôi vợ chồng mù dắt díu nhau đi bán chổi, bán tăm tre, thi thoảng dưới những bóng cây mát, người phụ nữ dừng lại lấy khăn trong túi áo ra lau mồ hôi trên khuôn mặt chồng, nói với chồng một câu gì đó rồi cả hai cười tủm tỉm với nhau. Và sau đó họ lại dắt nhau đi, thong dong nhẹ nhàng như với họ chỉ có nhau trong đời với niềm hạnh phúc khôn nguôi...

Để có một công việc ổn định, có một khoản thu nhập để tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình là mong ước rất thiết thực của những người khuyết tật nơi đây. Nhưng để làm được điều đó, ngoài sự cố gắng từ bản thân thì sự động viên của gia đình, sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội là động lực để giúp họ vững bước trên con đường mưu sinh nhọc nhằn đầy chông gai và thử thách này.

Nhà nước luôn khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm. Doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ.


 

Hữu Cường