Những tập tục hôn nhân lạ trên đỉnh Ngọc Linh

07:00 | 21/05/2013

741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Với người Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh (xã Trà Linh) giáp ranh giữa Quảng Nam và Kon Tum, thì cho đến bây giờ, nhiều luật tục trong hôn nhân vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Ở nơi đó có những tập tục hôn nhân lạ lẫm với mọi người nhưng được người dân nơi đây rất mực tôn trọng.

Chiếc vòng cầu hôn

Sau một chặng đường dài gần 300km từ Đà Nẵng ngược lên vùng sâm Ngọc Linh nổi tiếng thế giới với những vệt bùn lầy bắn vương vãi khắp người, chúng tôi vào nhà anh Hồ Văn Lon (thôn 3). Người Xê Đăng nơi đây rất mến khách. “Mấy khi có người Kinh (Juan) lên chơi với mình! Phải tiếp đãi chu đáo chứ!” - anh Lon bảo thế khi chúng tôi ngồi quây quần bên chén rượu cần được ủ mấy tháng.

Anh Lon đã có vợ và 3 đứa con, mặc dù anh mới có 23 tuổi. Anh "gãi đầu" khi tôi bảo thế là lấy vợ sớm đấy.

Người Xê Đăng nơi đây đàn ông và đàn bà đều thích uống rượu. Vợ của anh Lon là chị Hồ Thị Mây cũng uống cùng khách. Nhìn cổ tay trắng muốt của cô sơn nữ 3 con có một chiếc vòng rất đẹp, tôi tò mò định mượn lấy xem, nhưng một thanh niên ngồi bên cạnh vội ngăn lại và giải thích: “Đó là vòng C’râu la (vòng hôn ước) đấy. Trai gái ở đây ai lấy vợ lấy chồng đều được già làng thay mặt Yàng đeo vào, coi như đó là lời nguyền với trời đất. Ai không phải chồng hay người yêu thì không được chạm tay vào vòng ấy đâu! Nếu không sẽ bị làng phạt vạ đấy!”.

Tôi giật mình vì suýt nữa chỉ vì tính tò mò mà phạm vào luật làng, một điều rất cấm kỵ của người dân miền núi.

Chị B’linh và câu chuyện luật tục chan chứa tình người

Già làng Hồ Văn Chính giải thích, chiếc vòng đeo C’râu la ở tay bằng bạc hoặc đồng hay được làm bằng ngà voi, sừng thú, gỗ quý có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, sinh hoạt tâm linh của cộng đồng buôn làng Xê Đăng xưa. Chiếc vòng khi đeo vào đôi tay sẽ như cầu nối để đấng bề trên ban sức khỏe, niềm vui, sự may mắn cho người đeo. Không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức của buôn làng luôn coi chiếc vòng C’râu la là vật thiêng được trao tặng trong các buổi lễ tế thần linh, cầu thần rừng, thần núi và là kỷ vật vô giá nếu ông bà, cha mẹ truyền lại.

Ngoài giá trị tâm linh thì chiếc vòng C’râu la còn đóng vai trò như “chiếc vòng cầu hôn”, “vòng đính ước” của lứa đôi trai gái Xê Đăng thay cho lời thề nguyền thủy chung, son sắt. Nếu một chàng trai hay một cô gái Xê Đăng mà đã tự mình đeo vào tay người bạn khác giới chiếc vòng tẻ thì coi như họ đã trao tặng cho đối phương cả cuộc đời mình... và với dân làng, người đó đã được coi là có chồng, có vợ rồi. Những thanh niên khác nếu nhìn thấy chiếc vòng trên tay người con trai con gái Xê Đăng thì cũng biết là không nên tán tỉnh nữa. Chiếc vòng chính là “tờ hôn thú” trước luật làng của người dân bởi đã được Yàng chứng giám rồi.

Đeo vòng C’râu la trên tay có một thời đã trở thành tiêu chuẩn để cộng đồng người Xê Đăng căn cứ vào đó đánh giá mỗi cá nhân. Chẳng thế mà trong quan niệm đã rất xa xưa ở buôn làng thì ai không đeo khuyên tai, không mang vòng tức là đã dám đi ngược với phong tục, là thách thức với thần linh và sẽ bị cộng đồng chê trách, phản ứng; khó cưới được vợ; không được đi ngang hàng với mọi người trong buôn làng và khi chết thì “hồn” không được về với tổ tiên, ông bà ở thế giới bên kia.

Vòng C’râu la thường làm bằng các chất liệu từ gỗ, chì, đồng, bạc, vàng, ngà voi... tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Những người Xê Đăng giàu có, thường đeo C’râu la làm bằng ngà voi, mỗi cặp như vậy trị giá bằng cả con trâu mộng hoặc một chiếc ché cổ. Với người nghèo, C’râu la để đeo có thể bằng gỗ, hoặc ai đó học sang thì đeo bằng ngà voi giả làm từ củ sắn phơi khô, trông xa y như ngà thật.

Không phân biệt là phụ nữ hay đàn ông, người Xê Đăng chỉ đeo vòng C’râu la những khi rảnh rỗi, lúc làm việc trong nhà, khi đi ra đường hoặc lúc dự lễ hội của buôn làng, còn hễ đã lên rẫy, vào rừng lao động hay làm việc nặng nhọc thì C’râu la phải được cất ở nhà, vì nếu mất sẽ bị phạt rất nặng...

Đời sống hôn nhân độc đáo của người Xê Đăng

Tôi chú ý nhìn vào cổ tay già Chính thấy cũng đeo một cái, già cười bảo: "Lệ làng là vậy, con gái lên 9, lên 10 đã phải theo mẹ vào rừng trồng lanh, tước lanh để mang về dệt vải. Vải dệt xong dùng để may váy áo cho bản thân, may chăn để biếu cha mẹ già khi đi lấy chồng rồi biếu chăn cho bố mẹ chồng. Từ lúc biết dệt cho đến khi lấy chồng, các cô phải may ít nhất là 5 cái chăn.

Ngoài ra, các cô còn phải tự tay làm cho mình một đôi vòng để ngày cưới đặt lên bàn thờ cho thầy mo cúng, rồi già làng sẽ đeo vào tay như một chứng nhận về cuộc sống vợ chồng của họ đã bắt đầu. Theo tục lệ thì cô gái sẽ theo chồng về nhà chồng ở 3 năm, sau đó chàng trai lại theo cô gái về nhà vợ ở 3 năm, cứ như vậy luân phiên cho đến lúc bố mẹ khuất núi thì thôi".

Anh Lon bế đứa con mới sinh của mình để vợ ngồi uống rượu với mọi người

Nghe già Chính kể đến đây, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau ra ý thắc mắc, già liền bảo: “Tục này có từ xưa rồi. Làm như vậy để cả vợ và chồng đều có trách nhiệm với hai bên bố mẹ. Ở làng này, từ bao đời nay không có chuyện con trai, con gái ngoại tình vì với người Xê Đăng chúng tôi đó là trọng tội.

Ngoài bị phạt trâu bò, rượu, vải để cúng Yàng thì người phạm lỗi còn bị đuổi ra khỏi làng, vĩnh viễn không được quay về nên nếu như có ai lấy phải người không vừa ý cũng không dám đi ngoại tình”.

Trai gái đến tuổi kết hôn, làng có riêng một khu đất, trên đó dựng rất nhiều lều để họ thoải mái hẹn hò nhau. Nhưng tuyệt đối không được đi quá giới hạn, đôi nào "ăn cơm trước kẻng" dù có cưới nhau, làng cũng phạt vạ! Luật lệ nghiêm khắc nhưng vẫn chan chứa tình người. Với những thủ tục khắt khe về hôn nhân như vậy, những tưởng làng sẽ không có ai dám phạm luật nhưng vẫn có người lách luật.

Chúng tôi theo chân già Chính đi xuống cuối làng nơi có khu rừng thiêng một năm chỉ mở cửa một lần để cúng thần rừng. Nơi ấy gia đình chị B’linh đang sống. Lúc chúng tôi đến, chị đang lúi húi vun đống lá khô để đốt xua muỗi. Thấy khách lạ, chị hơi rụt rè nhưng sau khi nghe già Chính giới thiệu, chị mời chúng tôi vào nhà.

Căn nhà sàn đơn sơ, ngay giữa nhà là một khung cửi to nhẵn bóng màu bồ hóng. Chị B’linh năm nay 42 tuổi. Chị lấy chồng từ thuở 15, chồng chị là người cùng làng, hơn chị 2 tuổi. Lấy nhau được hai năm thì anh đi bộ đội, chị ở nhà làm rẫy, dệt vải và cứ 3 năm một lần, chị lại thay chồng về ở với bố mẹ đẻ.

Chiến tranh kết thúc, chị nhận được tin báo chồng chị sẽ trở về trong vài ngày nữa. Nhưng khi anh về, ngoài chiếc ba lô trên vai, anh còn dắt theo một bé trai có khuôn mặt giống anh như đúc. Mắt chị mờ đi khi khóc vì buồn và vì sợ có tội với làng.

Với người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh, đàn ông và phụ nữ đều rất thích uống rượu

 

Chuyện anh Binh, chồng chị có con riêng với người phụ nữ khác như một tiếng sét của Yàng làm chấn động cả làng. Già Chính lúc đó là Trưởng buôn đã vội vã họp các cụ cao niên trong làng, rồi một hình phạt đã được sắp sẵn. Tối hôm đó, bên đống lửa đốt giữa sân nhà rông, anh Binh nghẹn ngào kể lại lý do sự có mặt của cậu con trai.

Vào bộ đội, anh đóng quân ở Đắk Nông và bị thương trong một lần tìm diệt Phul-rô. Những ngày tháng ở bệnh viện dã chiến, anh đã phải lòng cô y tá người Bana. Anh biết làm như vậy là trái với luật làng nhưng không cưỡng lại được lý lẽ của con tim. Cô y tá người Bana chấp nhận chuyện anh đã có vợ và họ đã hứa sẽ về làng tạ tội với vợ anh và chịu mọi hình phạt của làng. Thế nhưng, người phụ nữ ấy đã ra đi vì sốt rét rừng khi chỉ còn vài ngày nữa là anh nhận được giấy ra quân.

Nghe xong câu chuyện của anh, cả làng lặng đi, không biết phải làm thế nào thì chị B’linh đã quỳ xuống khóc xin cho anh Binh vì dẫu sao đó cũng là con của anh, và cũng vì hoàn cảnh nên anh mới phải làm thế. Chị sẵn sàng chấp nhận đứa trẻ, chấp nhận bị làng phạt vạ, chỉ xin cho chị và anh Binh được ở lại làng cho dù bị tách biệt với mọi người cũng được. Sau hai ngày họp bàn, các già đã quyết định vì hoàn cảnh nên anh Binh đã vi phạm lệ làng nhưng xét vì nhiều lý do nên làng sẽ đồng ý cho vợ chồng anh ở lại nhưng với điều kiện phải dọn ra ở cạnh bìa rừng.

Nghe già Chính kể chuyện của mình nãy giờ, chị B’Ho lúc này mới lên tiếng: “Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng càng nghĩ càng thương, giờ đã là vợ là chồng, bỏ sao được, mà đứa trẻ nó đã mất mẹ, nếu nó không cha nữa thì sống làm sao!”. Bây giờ đứa trẻ ấy đã khôn lớn, chuẩn bị lấy vợ nhưng lúc nào cũng rất coi trọng hai vợ chồng chị. Chị cũng lấy đó làm niềm vui.

Nghe câu chuyện về cuộc đời và những luật tục hôn nhân ở đây, tôi thấy dẫu đó là những luật tục khắc nghiệt nhưng những con người có nụ cười đôn hậu nơi đây vẫn cư xử bằng tình người với nhau. Phải chăng vì họ luôn biết đặt chữ tình trong mọi hoàn cảnh nên mọi tình huống trong cuộc sống luôn được họ giải quyết một cách nhẹ nhàng và đầy tình người đến thế.

 

Gia Ly – Minh Ngọc