"Người hùng vụ án Năm Cam" bắt người để "đòi nợ thuê" (Kỳ I)

08:42 | 08/04/2014

10,391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ án Năm Cam xảy ra đã lâu, nhưng cho đến tận bây giờ hậu quả vẫn dai dẳng do một số cán bộ công an biến chất. Sắp tới đây, những "người hùng” lại tiếp tục bị đưa ra xét xử do tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

“Người hùng” bắt người trái thẩm quyền  

Năm 2002, Bộ Công an thụ lý điều tra Chuyên án mang bí số Z.501. Nguyễn Văn Nên khi đó là Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và Nguyễn Văn Dũng, điều tra viên cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang cùng một số điều tra viên khác được điều động tham gia chuyên án.

Sau khi chuyên án Z.501 kết thúc, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Một góc Khu công nghiệp Đồng An và Nguyễn Văn Nên (ảnh nhỏ).

Trước đó, năm 2000, có một vụ gây rối trật tự xảy ra tại công ty Gas tỉnh Bình Dương. Nên và Dũng được phân công tham gia điều tra vụ án này. Cũng cần nói thêm, công ty Gas tỉnh Bình Dương có trụ sở thuê tại Khu Công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Dương) do công ty cổ phần Hưng Thịnh (gọi tắt: công ty Hưng Thịnh) làm chủ đầu tư.

Trong quá trình công tác, Nên và Dũng biết việc ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc công ty Hưng Thịnh đang xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất với vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu, ông Nguyễn Văn Cư (ngụ quận 10, TP HCM). Nên và Dũng đã “bán mình” đứng ra đòi nợ thuê cho vợ chồng bà Thu và ông Cư trong phi vụ tranh chấp quyền sử dụng đất nói trên.

Ngay sau đó, ngày 29/4/2003, Nên ký lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Lân và ông Phạm Văn Hướng, Phó Giám đốc công ty cổ phần Hưng Thịnh về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nên còn ký lệnh bắt tạm giữ đối với ông Đỗ Cao Bằng, Phó Giám đốc công ty Hưng Thịnh và 4 người khác.

Cũng cần phải nói thêm về vụ tranh chấp được Nên và Dũng nhiệt tình đứng ra dàn xếp. Vốn dĩ, từ trước năm 2003, vợ chồng ông Cư - bà Thu có tranh chấp quyền sử dụng 23.383 m2 đất tại huyện Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với công ty Hưng Thịnh. Nguồn gốc thửa đất này là từ năm 1994, bà Thu được UBND tỉnh Sông Bé (cũ) cấp 23.383 m2 đất tại xã An Bình, huyện Thuận An (nay thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Năm 1996, UBND tỉnh yêu cầu bà Thu nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước, nếu không nộp sẽ bị thu hồi. Do không có tiền nộp, bà Thu cùng chồng là ông Cư đã đồng ý để công ty Hưng Thịnh do ông Lân làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc nộp thay và công ty Hưng Thịnh được quản lý sử dụng thửa đất này,

Sau đó, bà Thu và ông Cư đã tự ý cho công ty Diên Hùng mượn thế chấp vay tiền ngân hàng Công thương (chi nhánh TP HCM). Sự việc này liên quan trong vụ án Epco – Minh Phụng. Khi xét xử vụ Epco – Minh Phụng, cả 2 cấp xét xử đều tuyên trả 23.383 m2 đất cho công ty Hưng Thịnh theo hình thức góp vốn cổ phần và đã trở thành tài sản của công ty.

Công ty cổ phần Hưng Thịnh.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT năm 2000 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP HCM giao lại cho công ty Hưng Thịnh 561.782 m2 (kể cả 23.383 m2 đất đứng tên bà Thu góp vốn cho công ty Hưng Thịnh) tại Khu công nghiệp Đồng An và công ty Hưng Thịnh hoàn trả lại cho ngân hàng Công thương chi nhánh TP HCM trên 40 tỉ đồng.

Do vi phạm thỏa thuận nên Hội đồng quản trị công ty Hưng Thịnh đã quyết định tước tư cách cổ đông của bà Thu. Năm 2001, bà Thu và ông Cư có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Dĩ An đòi lại thửa đất 23.383 m2 nói trên. Tòa án nhân dân huyện Dĩ An đã vào sổ thụ lý ngày 21/11/2001 giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trở lại phi vụ “đòi nợ thuê”, trong khi cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” thì vợ chồng bà Thu, ông Cư đã tố cáo ông Lân lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thửa đất 23.383 m2 gửi tới Ban chuyên án. Nên và Dũng được giao giải quyết đơn tố giác.

Trong quá trình giải quyết, Nên và Dũng biết vụ việc bà Thu, ông Cư tố cáo là tranh chấp dân sự đã được khởi kiện theo thủ tục dân sự và đang được Tòa án nhân dân huyện Dĩ An thụ lý giải quyết theo thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra. Thửa đất 23.383 bị tranh chấp thuộc địa phận huyện Dĩ An cũng không liên quan đến vụ án “Gây rối trật tự công cộng”. Mặc dù vậy, Nên và Dũng vẫn “hăng hái” đứng ra thụ lý đơn để “đòi nợ” giùm cho đương sự.

“Khuyến mãi” thời hạn tạm giam để có thời gian “đòi nợ” (?!)

Cũng trong thời gian ông Lân bị bắt tạm giam, Ban chuyên án nhận được tin báo về việc phạm nhân Liên Khui Thìn, nguyên Tổng giám đốc công ty Epco, bị can trong vụ án “Epco – Minh Phụng” đang thụ hình án tù chung thân tố cáo ông Lân có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt khoảng 60 tỉ đồng của công ty Epco.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định vụ việc trên là do Liên Khui Thìn nhầm lẫn và công ty Hưng Thịnh không nợ, không chiếm đoạt khoản tiền nào của công ty Epco. Tuy nhiên, Nên và Dũng vẫn ép ông Lân khai nhận có chiếm đoạt của Liên Khui Thìn khoảng 8 tỉ đồng và động viên ông Lân bán nhà riêng ở số 98B Nguyễn Văn Trỗi (phường 8, quận Phú Nhuận, TP HCM) dự kiến trên 5 tỉ đồng.

Nên và Dũng cũng nói với ông Lân: “Ông nhiều đất, trả lại bớt 23.383 m2 không ảnh hưởng gì. Trả lại để nhận 3 tỉ đồng do họ trả lại mà được về làm ăn”. Trước áp lực đó, ông Lân đã phải nhận cả hành vi phạm tội chiếm đoạt trên 8 tỉ đồng của Liên Khui Thìn.

Ngày 7/8/2003, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết thúc đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố ông Lân và 6 bị can khác về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Cũng trong ngày này, Nên và Dũng vẫn trích xuất bị can Lân ra cho gặp vợ chồng bà Thu, ông Cư.

Nên đã nhân danh Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và Dũng nhân danh Điều tra viên của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang để “đòi nợ thuê”. Lúc này, Nên và Dũng tiến hành lập biên bản về việc tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp lô đất 23.383 m2 giữa bị can Lân với bà Thu và ông Cư.

Theo đó, ông Lân đồng ý trả lại quyền sử dụng 23.383 m2 đất cho vợ chồng bà Thu - ông Cư và ngược lại ông Lân nhận được 3 tỉ đồng. Hai bên thống nhất thời gian nộp tiền và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang vào ngày 25/8/2003.

Kết thúc biên bản, Dũng với tư cách Điều tra viên nên lập biên bản cho ông Lân ký tên dưới mục “Bị can” và vợ chồng bà Thu, ông Cư ký dưới mục “Đương sự”. Nên ký tên rồi lấy con dấu đóng vào biên bản với tư cách Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang.

Ngày 27/8/2003, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nghiên cứu hồ sơ vụ án “Gây rối trật tự công cộng” và có quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các bị can Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình. Cùng ngày, Kiểm sát viên đã giao các quyết định nói trên cho Nguyễn Văn Nên, thành viên Ban chuyên án yêu cầu thực hiện. Nên đã giao các quyết định trên cho Dũng nhưng “ém hồ sơ” để xin ý kiến Lãnh đạo Ban chuyên án mới thực hiện.

Nên xin ý kiến ông Nguyễn Việt Thành, Trưởng Ban chuyên án và nêu lý do thả Bùi Mạnh Lân sẽ khó khăn cho việc điều tra mở rộng án về việc chiếm đoạt 8 tỉ đồng của công ty Epco và chiếm đoạt 23.383 m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu. Chính vì đi “xin ý kiến" của Nguyễn Việt Thành nên ông Lân, ông Bằng và ông Bình bị giam “lố” 5 đến 6 ngày.

Trước đó, ngày 12/6/2003, Nên và Dũng cũng vin vào lý do “xin ý kiến" ông Nguyễn Việt Thành, không thực hiện quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn của Phó Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để kéo dài việc tạm giam bị can Phạm Văn Hướng đến ngày 7/7/2003. Tức là, ông Hướng được Nên và Dũng “khuyến mãi” thêm 26 ngày tạm giam.

Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát tối cao nhận định, Nguyễn Văn Nên có hành vi ký lệnh bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng, ông Bằng cùng một số người khác trái thẩm quyền. Ngoài ra, Nên và Dũng còn có hành vi để kéo dài thời gian tạm giam các bị can. Hành vi trên của Nên và Dũng có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự nhưng xét thấy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao không xem xét hành vi này.

 

(Còn tiếp...)

Nhóm phóng viên PetroTimes