Kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 - 2:

Người đàn ông thách đấu với... "ma sống"

11:03 | 27/02/2014

4,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số những bệnh nhân được ông Nguyễn Hữu Hiệp điều trị, có người bị gia đình coi như đã vô phương cứu chữa, cáng đến nhà ông chỉ còn thoi thóp thở, nguy kịch đến mức người ta đã phải bỏ lông gà vào mũi xem có còn thở nữa hay không... Tất cả không quá một tháng sau khi đến nhà ông, những “con ma sống” đã được hồi sinh một cách kỳ diệu và rời xa được “nàng tiên nâu”..

Người “gieo mầm sống” trong “cái chết trắng”

Đó là câu nói của mọi người khi nhắc đến ông Nguyễn Hữu Hiệp trú tại thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Sở dĩ mọi người gọi ông như vậy là bởi trong khi ông có thể an nhàn với công việc bốc thuốc chữa bệnh thì ông lại tự bỏ tiền bạc và công sức để nghiên cứu thuốc chữa nghiện. Phương thuốc của ông đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất cao, nhanh dứt cơn và ít tái nghiện.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Bài thuốc của tôi được rút ra từ 8 thầy thuốc khắp cả miền Bắc này, chỉ cần mất 20 ngày là “con nghiện” dứt được thuốc”.

Với thông tin ít ỏi, địa chỉ chung chung, nhưng không khó để chúng tôi tìm được đến nhà người đàn ông “đặc biệt” có tên Nguyễn Hữu Hiệp ấy. Dù sống trong con ngõ nhỏ, nhưng lúc nào trong nhà ông cũng chật kín người vào ra. Tranh thủ lúc rảnh, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời, cũng như cái “duyên” giúp ông có ý tưởng rồi bào chế thành công bài thuốc cai nghiện trong thời gian cực ngắn…

Nhìn những bệnh nhân với thân hình gầy nhẳng, tiều tụy hết sức sống, trên người xăm trổ nhằng nhịt các hình dị hợm, ông Hiệp cười cười bảo: “Những “ca” này chưa ăn thua gì với một số trường hợp đến nhờ tôi giúp đỡ trước đây. Có bệnh nhân phải do người nhà cáng đến, thoi thóp chờ chết, nhiều trường hợp nguy kịch đến mức, gia đình phải để lông gà vào mũi xem có thở nữa không. Trường hợp khác gia đình phải xích tay chân lại rồi mấy người khiêng đến đây cầu cứu. Thậm chí có trường hợp người nhà còn phải dùng que găng mồm bệnh nhân vì sợ họ cắn lưỡi… Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân đến đây, được tôi động viên, khuyên nhủ, nói những điều hay lẽ phải, kết hợp với việc cho họ uống thuốc, tận tâm xoa bóp, bấm huyệt, chưa đầy một tháng sau những con nghiện đó đều không còn vật vã hay thèm ma túy nữa…”.

Ông Hiệp cho biết, trước đây ông đã từng đi lính, đánh giặc, bảo vệ quê hương sau đó ông trở về quê hương và tham gia vào Hội đông y Hà Nội. Ở đây ông đã mày mò nghiên cứu các vị thuốc, thứ nhất để giúp tự chữa bệnh cho mình, sau là cho anh em họ hàng, làng xóm. Với niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi, chẳng mấy chốc tên tuổi của ông được nhiều người biết đến, cứ người này truyền tai người kia. Thế nhưng, cái thời mà mọi người cho rằng ông đã ở đỉnh cao ấy, cứ bám lấy nghề không những chẳng đói mà còn giúp ông và gia đình sống tốt nữa, thì đùng một cái ông rẽ ngang, chuyển hướng khi đi tìm bài thuốc… chữa nghiện.

Bút ký của bệnh nhân cảm ơn Lương y sau ngày được hồi sinh

“Khi làm nghề, tôi đã chứng kiến biết bao con người, biết bao gia đình tan nát vì ma túy. Một người nghiện ma túy sẽ kéo theo nhiều người khổ theo, tệ nạn xã hội cũng gia tăng. Không những thế, ai đã dính vào rồi thì rất khó mà dứt ra được, dù có đưa đi cai nghiện, nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Chính vì vậy tôi đã tự nhủ, là một người thầy thuốc, mình không nên đứng ngoài cuộc. Với suy nghĩ đó, tôi quyết tâm lao vào nghiên cứu, tìm hiểu để bào chế ra bài thuốc chữa nghiện hiệu nghiệm, dù biết rằng phía trước đầy rẫy chông gai…”, ông Hiệp vừa nói chuyện vừa đưa ánh mắt trìu mến nhìn những bệnh nhân của mình.

Ông Hiệp tâm sự: “Đầu tiên khi đi vào nghiên cứu, tôi thấy khó khăn trăm bề. Thứ nhất là những tài liệu liên quan đến cắt cơn nghiện ở nước ta và thế giới chưa nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực Đông y thì càng hiếm. Do đó tôi bắt nghiên cứu về biểu hiện của người nghiện, về chất gây nghiện, cũng như xem họ sợ nhất điều gì…”. Bên cạnh việc tìm ra bài thuốc chữa nghiện, điều mà ông quan tâm khác là nguyên nhân, tâm lý của người nghiện. Theo ông, việc một người đi vào con đường nghiện ngập không chỉ có việc đua đòi, bị dụ dỗ mà phần nhiều do bị một cú sốc tâm lý dẫn đến việc chán nản. Tuy nhiên, dù là ai đi nữa thì trong tâm hồn của họ vẫn có ý hướng thiện, vấn đề là mình biết khơi dậy cái sự hướng thiện, ham sống của họ hay không?

Giấy chứng nhận của những bệnh nhân đầu tiên đã hết nghiện của công an xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ông Hiệp đã kết hợp 8 vị thuốc khác nhau của 8 thầy thuốc giỏi ở Bắc - Trung - Nam. Ông cho biết: “Thật ra nguyên liệu của bài thuốc của tôi phần nhiều là những loại cây cỏ quanh ta. Tuy nhiên, phải biết kết hợp chúng lại, với hàm lượng nhất định, chuẩn xác. Với phương thuốc ấy, khi người bệnh uống, nó sẽ có tác dụng đào thải chất nghiện từ trong xương tủy, và chỉ bát đầu tiên, họ sẽ không còn cảm thấy thèm, hay vật vã nữa…”.

Sự sống đã hồi sinh trong “cái chết trắng”

“Anh Hiệp, xin anh mở lòng cứu giúp cậu con trai của tôi”, ông Hiệp vẫn nhớ như in lời khẩn khoản của ông bạn đồng nghiệp cùng sinh hoạt trong Hội đông y Hà Nội. Chẳng là, người bạn kia có cậu con trai độc nhất, vì đua đòi nên đã ngã vào tay “nàng tiên nâu”. Dù đã sử dụng mọi phương pháp, từ tự cai, đến đi cải tạo, nhưng chỉ được một thời gian, cậu thanh niên kia lại “ngựa quen đường cũ”. Gần như bất lực với cậu con trai, người bạn đành tìm đến ông Hiệp điều trị. Chưa đầy 20 ngày điều trị, cùng ăn, cùng ngủ, thức khuya dậy sớm cùng cậu thanh niên kia, ông Hiệp đã “trả lại” cho đồng nghiệp của mình cậu con trai khỏe mạnh, dứt bỏ được hoàn toàn ma túy.

Ông Hiệp kể, trong số rất nhiều con nghiện được ông chữa khỏi, ông ấn tượng nhất với bệnh nhân Trần Trọng Dung ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định. “Bệnh nhân này nghiện rất nặng. Gia đình không còn cách nào khác phải dựng cho ông một căn nhà phía sau để ở riêng, hằng ngày phải thuốc thang đầy đủ. Mãi đến 76 tuổi, qua một người thân ở Thường Tín giới thiệu mới tìm đến tôi. Sau gần một tháng điều trị cụ Dung đã hoàn toàn dứt được cơn thèm thuốc. Sau đó, cụ Dung đã bỏ hẳn được ma túy. Hiện cụ đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và sống cùng con cháu”, ông Hiệp chia sẻ.

Bằng khen của Trung ương Hội châm cứu tặng ông Hiệp

Cho đến nay, nhờ phương thuốc do mình chế ra, ông Hiệp cũng chẳng nhớ đã giúp bao nhiều người dứt cơn nghiện và trở về cuộc sống bình thường. Thỉnh thoảng, người dân thôn Văn Giáp vẫn thấy một số vợ chồng đến gặp ông cảm tạ. Trong đó có cả nhưng người giờ là doanh nhân thành đạt, ông chủ lớn. Họ gọi ông là cha, coi ông như người tái sinh ra mình thêm lần nữa.

Theo lời lãnh đạo xã Văn Bình, huyện Thường Tín, ông Nguyễn Hữu Hiệp hoạt động chữa nghiện từ năm 2004 đến nay. Bản thân ông Hiệp đã có giấy hành nghề do Hội Đông y Hà Nội cấp. Chúng tôi không nắm được số người được ông Hiệp chữa trị, chỉ biết có rất nhiều người đã cai nghiện thành công nhờ bài thuốc của ông ấy. Từ trước đến nay chính quyền địa phương cũng chưa hề nhận được một phản ánh tiêu cực nào liên quan đến công việc khám chữa bệnh, cũng như từ những bệnh nhân đến đây chữa nghiện cả.

Nhiều bệnh nhân sau khi đến nhờ ông Hiệp chữa bệnh đã thoát khỏi sự ám ảnh của “nàng tiên nâu”. Ai đến với ông cũng đều được ông đón nhận, chăm sóc như những người thân yêu trong gia đình. Bất kể giờ giấc, ông đều đến vỗ về, chăm sóc, hỏi han từng bữa ăn giấc ngủ của bệnh nhân, theo dõi quá trình chữa bệnh, để giúp họ mau chóng hòa nhập trở về với cộng đồng và gia đình.

Điều đáng nói, phương pháp điều trị của ông rất tiện lợi cho những người nghiện ma túy bởi liệu pháp của ông chỉ cần chữa trị trong vòng có 20 ngày là có thể cắt cơn giúp người nghiện dần dần hồi phục.

Ông Hiệp thấy rất vui khi cứu giúp được ai đó thoát ra được sự ám ảnh, cám dỗ đến mê muội của ma túy. Nhiều người đã viết thư cám ơn “Thầy Hiệp đức độ và có bài thuốc vàng” và tặng thầy câu thơ: “Tiều phu đốn củi sinh quý dược. Tiếu diện hào hoa phúc trường tồn”.

Thảo Phượng

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps