Người cứu rỗi các sinh linh bé bỏng

07:05 | 02/04/2014

27,951,400 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 6 năm qua, ông Nguyễn Văn Nho ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã làm một việc “điên rồ”. Ông cần mẫn đi xin xác những hài nhi xấu số bị người ta bỏ rơi để đem về chôn cất, đồng thời nhận nuôi những đứa trẻ còn sống mà cha mẹ chúng bỏ rơi. Việc làm ấy xuất phát từ thiện tâm của ông mà người bình thường chắc chẳng ai làm được.

Năng lượng Mới số 308

Người đàn ông “ma nhập”

Câu chuyện kỳ lạ của ông Nho bắt đầu từ một ngày đầu năm 2008. Ông đến nhà người bạn chơi và lạnh người khi thấy trong chậu thức ăn của đàn lợn có những thứ thật kinh sợ: bào thai non… Hỏi ra ông mới biết, người bạn xin những thứ đó từ trong bệnh viện về cho lợn ăn.

Về nhà, đêm nằm ngủ, những hình ảnh đó cứ ám ảnh, dằn vặt ông. Ông đau khổ như thể chính ông là người làm ra những tội ác. Cả đêm thức trắng, như có điều gì thôi thúc, đến tờ mờ sáng, ông quyết định sẽ đến các bệnh viện, phòng khám xin xác hài nhi về mai táng ở nghĩa trang Từ Châu.

Ông Nguyễn Văn Nho, người hơn 6 năm đi xin xác hài nhi về chôn cất

Ông Nho quyết định và làm thật. Thế nhưng, việc làm của ông Nho gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Vợ con ông hết lời can ngăn, còn hàng xóm thì dị nghị, tưởng ông bị… ma nhập. Chẳng những thế, nghi ngờ việc làm của ông mà có cán bộ công an tìm đến… tìm hiểu và căn vặn. Họ nghi ngờ ông đang có một âm mưu ghê rợn gì đó. Ông kể: “Có lần, một anh công an từ Hà Nội về, vừa ngồi nói chuyện với tôi, vừa lắc lắc cái còng số tám. Lúc đó, tôi cảm thấy mình đang bị xúc phạm và tổn thương ghê gớm. Tôi nói qua về công việc mình làm và  nói với đồng chí công an rằng, tôi là người đàng hoàng, muốn nói chuyện thì phải tử tế chứ không nên dọa tôi như vậy. Sau khi nghe tôi nói, đồng chí công an này bỏ ra ngoài và về luôn”.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Linh không khỏi trăn trở khi nói về việc làm của chồng. Bà bảo, trước đây hai vợ chồng cãi nhau suốt ngày vì việc làm “quái dị” của ông ấy. Dần dần, rồi bà cũng hiễu cái “lý lẽ” của ông và bây giờ thì ủng hộ ông. Gặp tôi, bà Linh hồ hởi nói: “Thôi đành chịu ông ấy chứ biết làm sao bây giờ. Chỉ mong người đời có cái nhìn tích cực hơn về việc làm của ông ấy”.

Hơn 6 năm cần mẫn, ông đã có hàng nghìn chuyến đi về các phòng khám, bệnh viện trong địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi chuyến đi là một lần chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Ông đi xe máy, chuẩn bị sẵn thùng xốp để bỏ xác hài nhi đem về. Có nhiều lần, khi nhìn thấy xác một hài nhi, ông bật khóc nức nở. Là bởi đứa bé đẹp như một thiên thần, khuôn mặt còn nguyên sắc. “Số nó hẩm hiu không được làm người, nếu nó được sống, chắc hẳn tương lai sẽ rạng ngời biết bao. Nghĩ thế mà đau lòng không chịu nổi”, ông Nho nói.

Lần lượt xác các hài nhi xấu số ông đều đưa về mai táng trong nghĩa trang xã. Bao năm nay, có một ngôi mộ trong nghĩa trang này lúc nào cũng được cắm hoa trắng và hương khói nghi ngút. Đó là điều khác biệt so với hàng nghìn ngôi mộ khác rất ít khi được thắp hương vì đây là nghĩa trang của người công giáo. Đó là ngôi mộ chung của các hài nhi.

Ngôi mộ này không có tên, không có bia nhưng người ta có thể dễ dàng nhận ra bởi những tấm nắp bê tông xám xịt, trên đó là cây Thánh giá trầm mặc. Ngôi mộ chung của các em là một ô lớn, ô này được phân ra nhiều ô nhỏ, sâu chừng 2m. Cứ chôn lớp nọ xếp lên lớp kia cho đến khi đầy ô. Hết ô này sẽ chuyển qua ô khác. Sau một hồi cộng tính, ông Nho bảo, đã có 24.480 hài nhi được an táng trong các ngôi mộ này.

Đến bao giờ kết thúc

Không những một mình làm công việc này, ông Nho còn vận động những bạn bè của mình cùng làm và thành lập nhóm Bắc Ái. Nhóm này thành lập từ tháng 4-2008, với số lượng thành viên ban đầu chỉ vài ba người, đến nay đã có trên 40 thành viên.

Ông Nho là người giữ đầu mối liên lạc của các thành viên. Ông nói rất ít về các thành viên, vì sợ nói ra khiến nhiều người không hiểu lại ghê sợ và nghĩ sai về việc làm của nhóm. Chính vì thế, khi người viết mong muốn tiếp xúc với các thành viên khác, ông xin phép từ chối không tiết lộ “vì một số thành viên hiện đang đi học hoặc làm trong các cơ quan Nhà nước. Họ âm thầm làm việc thiện nhưng không muốn lộ danh tính”.

Các thành viên của nhóm Bắc Ái sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh đặc biệt để họ không phá bỏ thai nhi. Đến khi mẹ tròn con vuông, nếu họ nghĩ lại thì mang con về nuôi, còn vì một lý do nào đó, sẽ có người nhận con về nuôi thay. Tuy con số cực kỳ nhỏ nhoi, nhưng trong 5 năm qua, nhóm Bắc Ái đã giúp đỡ được 11 trường hợp như thế.

Ông kể nhóm ông gặp một cô gái ở độ tuổi rất trẻ, chỉ 18, 19 ở quận Hai Bà Trưng đến phòng khám để phá thai. Do cái thai quá lớn, nên chi phí và thuốc thang khá cao, cô gái hoảng loạn định nhảy lầu tự tử. Một trong số thành viên có mặt để khuyên răn và hứa sẽ giúp đỡ cô gái “mẹ tròn, con vuông” và cô gái nghe lời không nhảy lầu nữa. Sau khi hạ sinh một bé gái xinh xắn, cô đã thay đổi ý nghĩ và đem con về nuôi. Đến nay, bé gái đã được 4 tuổi.

Để có kinh phí làm những việc thiện nguyện này, ít ai biết rằng, trong những năm qua, nhóm Bắc Ái phải tự xoay sở nhiều cách: Chia nhau ra đi bán bóng bay ở các nhà thờ, dựa vào tấm lòng hảo tâm của người dân, đi gom phế thải… Số tiền thu được tuy không nhiều, nhưng chi phí bỏ ra cho hoạt động này cũng khá lớn. Chỉ riêng việc xây dựng ngôi mộ cũng phải mất tới 50-60 triệu đồng, tiền mua dụng cụ vệ sinh để các thành viên làm, thùng xốp, tủ lạnh, xăng xe, hương khói cũng không phải ít.

Có một điều trớ trêu là, việc làm của ông Nho và các cộng sự của ông là vô cùng thiện tâm nhưng cũng gặp không ít cản trở. Một số người trong bệnh viện bảo rằng, nhóm Bắc Ái đã “cướp” việc làm của họ. Đến cả ngôi mộ trong khu nghĩa trang, trước đây ông Nho cũng phải xin xỏ đủ thứ mới được mảnh đất nho nhỏ. Đến nay, việc làm của các thành viên trong nhóm tuy đã được người khác nhìn nhận một cách tích cực hơn, nhưng cũng không ít ánh mắt dò xét, dị nghị. Nhiều thành viên tham gia tích cực nhưng lại không bao giờ giám hé lộ về công việc mình đang làm, chỉ có những ông bà già 70-80 tuổi là đủ “can đảm”.

Để công việc được thuận lợi, ông Nho phải mua một cái “nhà tạm” cho các em, là cái tủ đông lạnh. Cứ khi nào các thành viên đưa các em về, ông lại khâm liệm, quấn vải trắng để các em nằm trong đó. Khi đã hòm hòm, ông mới đưa các em đi mai táng. Vì là người theo đạo Thiên Chúa giáo, nên trước khi chôn cất, ông cũng làm lễ Thánh, rửa tội cho các sinh linh bé bỏng này.

“Tôi cũng đã già, sức khỏe đã yếu, chỉ mong một ngày được kết thúc công việc này. Nhưng không biết đến bao giờ...”, ông Nho thở dài nói.

Hải Hậu