Ngoại cảm - một góc nhìn mới (Bài 2)

14:04 | 18/02/2014

12,467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lý giải về những hiện tượng tâm linh bằng khoa học đôi khi cho những kết quả rất bất ngờ, thú vị. Lý giải về cơ chế sinh ra hiện tượng ngoại cảm, TS Vũ Bằng khẳng định chắc nịch: “Không hề có linh hồn”.

>> Ngoại cảm - một góc nhìn mới (Bài 1)

 

Bài 2: Ngoại cảm dưới góc nhìn của khoa học

Luận giải về vong nhập

TS Bằng cho rằng, về mặt cấu trúc, chức năng các bộ phận của con người đã được định hình rõ ràng, nghiêm ngặt và hoàn toàn ổn định. Nếu có gì đột biến khác thường diễn ra trong cơ thể con người (ví như mọc ra cái gọi là “giác quan thứ 6”) thì lập tức hoặc là bị đào thải hoặc cơ thể sinh bệnh. Điều này cũng giống như khi xuất hiện tế bào lạ trong cơ thể để gây ra bệnh ung thư.

Còn trong trường hợp được cho rằng, sau tai nạn nghiêm trọng nào đó (tai nạn lao động, giao thông, điện giật, đột quỵ, chết đi sống lại…) nhiều người có “khả năng đặc biệt” thường được gọi là “ngoại cảm”. Về điều này, TS Bằng cho rằng: “Điều này là đúng, nhưng những thứ xuất hiện không phải là “ngoại cảm” hay “giác quan thứ 6” theo nghĩa đen như nhiều người tưởng. Nó chỉ dừng ở mức “nhạy cảm” hơn trước đó mà thôi. Sự nhạy cảm này chỉ tương thích với một yếu tố môi trường sống nhất định nào đó khi nó thay đổi. Ví dụ hôm nay không ít người thấy toàn thân đau mỏi, biết ngay ngày mai có gió mùa đông bắc về, không ít người hôm nay thấy hắt hơi sổ mũi liên tục, biết ngay ngày mai có mưa do độ ẩm không khí tăng cao)... Những trường hợp này gọi là “nhạy cảm”, chính xác hơn gọi là phản ứng của cơ thể trước môi trường sống”.

Một người gào khóc điên loạn khi áp vong

Vấn đề ở đây đặt ra là, các nhà ngoại cảm đã và vẫn đang tìm được mộ, tuy tỷ lệ chính xác không thể tuyệt đối nhưng việc tìm được mộ là khó có thể phủ nhận. Đương nhiên, tính chính xác cũng đã được thông qua xét nghiệm ADN. Nói về điều này, TS Bằng khẳng định: Đúng là có trường hợp nhà ngoại cảm tìm mộ. Thực chất là phát hiện có mồ mả hài cốt. Cũng như những ví dụ đã nêu, đây là phản ứng của cơ thể nhà ngoại cảm trước “trường vong”, mà “trường vong” là một trường vật lý không gì khác là từ trường. Nhờ có phản ứng này khi đi vào khu vực có mồ mả hài cốt, nhà ngoại cảm mơ mơ hồ hồ nhận ra ngay quanh khu vực có trường từ. Nhưng không thể biết đó là trường từ, chỉ biết cái ớn lạnh trong cơ thể, cái liêng biêng trong đầu óc... mách bảo họ đó là mồ mả hài cốt. Vài lần gặp như vậy họ rút ra quy luật. Và những lần tiếp sau diễn ra như thế họ có thể khẳng định đó là mồ mả, hài cốt.

Vậy, tại sao những nhà ngoại cảm lại nhạy cảm hơn người thường và cơ chế phản ứng trong cơ thể họ là như thế nào. Lý giải về điều này, TS Bằng nhận định rằng, cơ thể “nhà ngoại cảm” thuộc loại chất thuận từ (paramagnetic substances), tức là có moment từ nguyên tử và không liên kết, nên các moment này không tương tác với nhau, do đó khi ở trạng thái thường, tổng moment từ bằng 0.

Khi đặt vào từ trường ngoài (trường vong), các mômen từ này có xu hướng xoay theo chiều của từ trường ngoài, tức là sinh ra từ trường phụ. Ngoài ra, hệ thần kinh và tim mạch của người thuận từ xuất hiện những vùng từ nhỏ gọi là domain từ. Xung động thần kinh truyền đi trong nơron theo cơ chế điện học với tốc độ dẫn truyền trong sợi trục 50-100m/s.

Hai cơ chế này của hệ thần kinh rất dễ bị từ hóa khi có từ trường ngoài, gây nghẽn mạch (đoản mạch). Từ trường riêng của các domain từ trong nơron lúc đầu xắp xếp hỗn loạn (tổng từ trường ở bộ não bằng không). Khi có từ trường ngoài tác dụng lập tức chúng định hướng theo từ trường ngoài (trường vong). Việc này làm cho sự dẫn truyền xung động thần kinh vừa chậm, vừa mất phương hướng, rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê.

Trong khi đó, tốc độ tuần hoàn của máu ở động mạch chủ là 0.5m/s và 0,0003-0.0005m/s ở mao mạch. Ngoài ra, trong máu có hàm lượng sắt nhất định (chiếm 0.004% trọng lượng cơ thể). Sắt là nguyên tố vi lượng tham gia vào cấu tạo thành phần hemoglobin của hồng cầu, myoglobin của cơ vân và các sắc tố hô hấp ở mô bào và trong các enzim như: catalaz, peroxidaza… Sắt là thành phần quan trọng của nhân tế bào. Do đó người thuận từ khi đi vào vùng từ trường ngoài (trường vong) đủ lớn sẽ làm hệ tim mạch rơi vào trạng thái tốc độ truyền dẫn máu chậm lại, gây co thắt ngực, khó thở, choáng, ngất, sợ sệt…

Nhà ngoại cảm lúc đó đi không vững, sợ sệt, khóc lóc, nói năng huyên thuyên, chỉ trỏ lung tung… Hiện tượng này được giới đồng cô gọi là hồn nhập.

Không có linh hồn?

“Tôi khẳng định ngay rằng: Không có “linh hồn”, không có “thế giới bên kia”, nên khả năng “giao tiếp với người chết” của nhà ngoại cảm là phi khoa học nếu không muốn nói đó là sự lừa mị, bịa đặt không thể chấp nhận được”, TS Bằng quả quyết.

Khoa học chứng minh rằng: bộ óc sản sinh ra nhận thức, ý thức, tinh thần, tư tưởng, tình cảm, sáng tạo… của con người. Khi bộ óc cùng với cơ thể ngừng hoạt động (tức là chết) thì những thứ gọi là linh hồn ấy hết tồn tại, tức là không còn nguồn sản sinh nữa. Nó chỉ còn lại cái gọi là hài cốt và trường điện và trường từ (trường điện từ) thuộc 1 trong 4 trường chuẩn có trong tự nhiên như vật lý học hiện đại xác định. Đặc biệt, trong đó trường từ thuộc loại nổi bật nhất làm cho hài cốt tựa nam châm lưỡng cực vĩnh cửu.

Cái chết của con người tựa cái chết của những siêu sao hình thành lỗ đen - tuân theo quy luật “Thiên nhân tương ứng” và hình thành trường lực hấp dẫn mạnh. Khi chết người ta chết đi, do đổi áp xuất khiến cho toàn bộ năng lượng lúc sống đổ sụp vào trong thi hài và cô đặc lại, tạo nên lực hấp dẫn mạnh.

Nhà vật lý học người Ba Lan, Slawinski phát hiện ra khả năng bức xạ photon của cơ thể lúc còn sống với cường độ cỡ 10-1000 photon/s/cm2. Khi chết, bức xạ này tăng lên gấp hơn 1000 lần. Sự lóe sáng này chính là để tăng năng lượng cho sự “suy sụp hấp dẫn” nói trên, tăng cường độ cho trường tổng của cơ thể con người khi chết.

Như vậy, hài cốt là một khối vật chất nằm trong hệ kín là đất. Ngoài từ trường vốn có của cơ thể sống để lại sau khi chết và được cô đặc tức khắc để tăng lên hơn 1.000 lần như nhà vật lý Ba Lan - Slawinski đo được còn có thêm 3 từ trường thứ sinh nữa khi hài cốt nằm trong môi trường đất đặc biệt nằm trong từ trường trái đất. Nó không những bị phân cực mà cường độ từ trường tổng tăng lên dữ dội trở thành thỏi nam châm mạnh. Điều này đã được chúng tôi chứng minh trên cơ sở thuyết trường bức xạ từ thứ cấp cũng như máy BXT-13 nhận biết được trường từ này từ xa hàng trăm mét theo nguyên lý tương tác điện - từ , cảm ứng điện - từ và từ - từ.

Tóm lại, khi người chết đi chỉ còn lại là quá trình phân hủy và tồn tại trường từ mạnh bức xạ ra từ hài cốt này. Tuyệt nhiên không có cái gọi là “linh hồn” - “hồn” của người chết giồng như “hồn” của người sống mà thôi.

Nhà ngoại cảm có thể phát hiện ra mồ mả, hài cốt là do sự tương tác qua lại giữa từ trường của hài cốt với các domain từ của cơ thể bản thân. Quá trình này hình thành từ trường phụ, cộng với việc làm nghẽn mạch dẫn truyền xung động thần kinh, truyền máu chậm lại gây cho cơ thể “nhà ngoại cảm” rơi vào trạng thái rối loạn nhận thức không điều kiển được bản thân, người mê tín gọi là “ma nhập”.

Theo TS Bằng, thực ra, có thể gọi đây chính là quá trình phản ứng của cơ thể nhà ngoại cảm khi đi vào khu vực có mồ mả hài cốt, hay nói cách khác dễ hiểu hơn là “nhà ngoại cảm” nhạy cảm trước “trường vong - trường từ” hơn người bình thường. Và như vậy khả năng của “nhà ngoại cảm” chỉ dừng lại ở mức ấy mà thôi và đương nhiên họ không thể biết được hài cốt đó là của ai, càng không thể biết được tên của xác chết đó.

Minh Tiến