Kỳ diệu chuyện hà hơi chữa gãy xương?

17:44 | 03/04/2013

5,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ở vào thời buổi mà những trò chữa bệnh ma mị tâm linh mọc lên như nấm thì thông tin một cụ bà ở Hòa Bình có biệt tài: nhai trầu, hà hơi chữa gãy xương cũng bàng bạc và huyễn hoặc. Thế nhưng, cũng chỉ vì quá đỗi tò mò, tôi đã mò mẫm vào tận nhà cụ xem thực hư thế nào. Hóa ra việc chữa gãy xương bằng công năng đặc dị kia là có thật và có người quả quyết rằng họ đã được chữa liền xương. Vấn đề là, xương bệnh nhân tự khỏi hay phải nhờ hơi thở kỳ diệu của bà cụ.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến
(NLM số 209)

Hà hơi liền xương

Phải thú thực rằng, bản thân tôi đã có không biết bao nhiều lần được chứng kiến những khả năng được coi là “dị biệt” của con người. Từ việc hoang tưởng bậc nhất là phép xuất hồn thoát xác đến việc ngộ nhận khả năng ngoại cảm siêu phàm của những kẻ rỗi việc, thừa sức. Thật đáng tiếc, những lần ấy tôi đều thất vọng tràn trề.

Họ, chỉ qua một thời gian ngắn tập luyện theo những tài liệu giời ơi đất hỡi mà chẳng có một thứ nguồn gốc nào, hoặc chỉ qua một đêm mơ ngủ tỉnh dậy đã thành người giời, có khả năng mà cả loài người chỉ đếm trên đầu ngón tay được vài người như họ. Đã có lúc, tôi mạnh miệng khuyên họ là thay vì tiếp tục xả công tập luyện, họ nên đi… viện tâm thần để chữa bệnh hoang tưởng cho chính mình.

Khi niềm tin về cuộc sống hiện tại đã lẫn lộn tâm linh hư thực, người ta rất dễ ảo tưởng về khả năng, ảo tưởng về phận số của một người cứu thế, sinh ra để làm những việc thánh thần mà không ai làm được.

Trước khi nghe thông tin và định tìm đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Quyết ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, tôi vẫn đinh ninh rằng đây có lẽ lại là một trường hợp “một đêm hóa thánh”, hoặc tin ấy chỉ tồn tại là dạng tin đồn không có thực.

Cụ Quyết đang hà hơi chữa bệnh cho anh Nguyễn Văn Tú gãy xương do bị tai nạn giao thông

Nhưng rồi, tôi đã có phần áy náy vì chuyện ấy.

Lòng vòng hỏi thăm một hồi, tôi mới đến được xóm Mỏ Ngô, xã Hợp Thành, nơi cụ Quyết đang sinh sống. Căn nhà xập xệ của gia đình cụ Quyết nằm lọt thỏm dưới triền đồi, bạt ngàn ngô đang mùa vào sữa. Cụ Quyết năm nay 81 tuổi, người gầy nhỏ, vẻ mặt thật thà chân chất thường thấy của người miền núi. Cụ nghiện trầu không nặng, từ lúc sáng bảnh mắt đến tận lúc bỏ màn đi ngủ miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai. Tôi để ý dưới chân phản gỗ nhà cụ xếp cả dãy dài nào là cơi đồng đựng trầu, ống vôi, ống nhổ, dao con… Mùi trầu không, thuốc lào sực cả gian nhà.

Tuyệt chiêu làm liền xương của cụ Quyết chỉ cần nói ngắn gọn trong một câu: Nhai trầu, hà hơi và đọc thần chú. Tất cả các ca bệnh nặng hay nhẹ cũng chỉ có một bí kíp giản đơn này.

Khi biết tôi là phóng viên, muốn tìm hiểu việc chữa xương khớp, cụ thẳng thắn từ chối với lý do: “Mế đã nhiều tuổi rồi, bệnh nhân đến không chữa thì áy náy, mà chữa thì không có thời gian nghỉ ngơi, vất vả quá”.

Tôi phải mất hồi lâu thuyết phục, cũng như nhờ sự động viên của cô con gái, cụ mới miễn cưỡng chia sẻ.

Theo lời cụ, bí kíp thần thông này không phải trên trời rơi xuống mà là do mẹ chồng cụ truyền lại. Có điều lạ là phải đến khi bà 60 tuổi, con cái trưởng thành hết thì mẹ chồng mới truyền nghề cho cụ. Cho đến tận bây giờ, cụ cũng không biết mẹ chồng học được nghề chữa bệnh từ đâu, chỉ biết rằng khi về làm dâu đã thấy chữa bệnh rồi. Điều đặc biệt nữa là, khi truyền “bí kíp” chữa bệnh cho con, mẹ chồng của bà chỉ nói một lần, còn tiếp thu được bao nhiêu thì tùy. Chính vì cách truyền nghề đặc biệt này mà không phải ai cũng có thể học được phương thuốc bí truyền ấy.

Theo cụ Quyết thì phải có căn duyên thì mới học được. Có lẽ vì thế mà dù mẹ chồng sinh được 6 người con, cả dâu rể là 12 người nhưng chỉ có một mình cụ lĩnh hội được bí kíp ấy. Đến đời bà, bà sinh được 8 người con, nhưng cũng chỉ có cô con gái thứ 3 mới tiếp thu được phần nào bí quyết gia truyền kia, còn những người khác không tài nào học được.

Cụ Quyết thật thà: “Mế cũng chả hiểu là tại sao mình lại chữa được bệnh. Thuốc này chỉ có thể chữa được mụn nhọt, bỏng, chó cắn, chảy máu, gãy xương, vôi, gai… Nhưng quan trọng là ở câu thần chú, mỗi ca bệnh nặng nhẹ sẽ có một câu thần chú khác nhau”.

Tôi kín đáo bật máy ghi âm và đề nghị cụ Quyết đọc lại vài câu thần chú với ý định sẽ mang về nhờ các chuyên gia lý giải. Thế nhưng, cụ Quyết đã từ chối.

Lần giở cuốn sổ cũ kỹ, bạc màu thời gian dùng để ghi chép thông tin về những bệnh nhân đến đây điều trị, tôi thấy không chỉ người dân trong tỉnh mà cả những người từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh…, thậm chí cả nước ngoài cũng tìm về đây chữa bệnh. Họ đều để lại những dòng lưu bút tạ ơn cụ Quyết đã cứu chữa cho mình.

Cụ Quyết bảo, khi dạy bài thuốc cho cụ, mẹ chồng dặn rằng, việc chữa bệnh là làm phúc giúp người chứ không phải là nghề để kiếm sống. Bệnh nhân đến chữa, cụ Quyết không đòi hỏi tiền công hay bất kỳ điều gì cả. Ai có lòng thì đặt lên ban thờ vài chục nghìn đồng hay ít hoa quả làm lễ trước hoặc sau khi chữa bệnh. “Nếu tôi lấy tiền người bệnh thì gia đình tôi phải có bạc tỉ. Chả phải làm gì cả, chỉ ở nhà chữa bệnh lấy tiền thiên hạ. Hằng ngày tôi vẫn băm rau, thái chuối nấu cám nuôi lợn. Đó cũng là niềm vui của tôi”, cụ Quyết cho hay.

Một điều nữa cần nhắc đến là đối với những trường hợp bệnh nhân ở xa, không có điều kiện đến tận nơi để điều trị thì chỉ cần gửi kết luận bệnh tình đến, bà sẽ niệm thần chú vào miếng trầu cau và gửi ngược lại cho cùng với hướng dẫn cách thổi. Tuy cách này không hiệu quả bằng việc bà trực tiếp thổi nhưng cũng cho kết quả rất tốt.

Như trường hợp của một bà Việt kiều 72 tuổi ở Đức bị ngã gãy xương chậu, dù chạy chữa nhiều bệnh viện lớn nhỏ nhưng cơn đau vẫn không dứt. Nhưng khi bà chuyển thuốc qua, sử dụng một thời gian thì không còn cảm thấy đau nữa. Ngay cả khi trái gió trở trời, cơn đau cũng không còn hành hạ bà Việt kiều kia nữa. Hay như trường hợp của một phụ nữ trong Đắk Lắk khi đi chặt cây bị cây đổ đè lên người, gãy xương ngực cũng nhờ bà chữa mà khỏi…

Hơi thở ma thuật?

Hơn 20 năm cứu giúp người bệnh, cụ Quyết không thể nhớ hết đã chữa cho bao nhiêu người. Cụ nhẩm tính, mỗi ngày bình quân cũng có vài ca gãy xương đến nhờ cụ thổi.

Với mong muốn tìm ra sự thật và ngọn nguồn khả năng của cụ Quyết, tôi đã tìm đến nhà một bệnh nhân từng được cụ chữa khỏi với thương tích trầm trọng: dập 3 đốt sống cổ.

Anh Quang năm nay mới 33 tuổi, nhà bên xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn. Trong một lần đi rừng, anh bị ngã xuống khe núi. Người làng phát hiện khiêng anh ra bệnh viện huyện. Bác sĩ bảo: Ở đây chúng tôi chịu rồi, phải đưa ngay xuống Bệnh viện Việt - Đức để phẫu thuật, không thì sẽ liệt toàn thân vĩnh viễn.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Thành

Vợ Quang nghe tin như sét đánh ngang tai. Nhà vốn đã nghèo, xuống Việt - Đức phẫu thuật 3 đốt sống cổ, tính qua cũng ngót 100 triệu đồng, đào đâu ra. Quang đang vạm vỡ, sung sức là vậy nhưng giờ thành phế nhân, sạt nghiệp rồi vẫn phải ăn bám vợ con dài dài. Điều đó làm Quang ái ngại nhất. Có lúc quẫn trí, Quang khuyên người nhà đưa mình về… chôn sống cho đỡ tốn tiền.

Để chắc chắn hơn nữa, tôi đề nghị được xem bệnh án của Quang. Tất cả đều còn nguyên vẹn, không thiếu một thứ giấy tờ gì, từ tập phim chụp X-quang, bệnh án từ huyện đến tỉnh, đơn thuốc… Điều đó cho thấy, việc bệnh nhân Quang bị dập 3 đốt sống cổ là có thật, xuống Bệnh viện Việt - Đức là có thật và nếu không phẫu thuật ngay thì có thể bị liệt là có thật.

Đúng lúc gia đình Quang túng quẫn chạy vạy khắp nơi mà chưa đủ tiền phẫu thuật thì có người giới thiệu anh đến cụ Quyết. Quang kể: “Thú thực, lúc đó tớ chẳng tin. Tớ ngã vẹo cả cổ, đến nói còn chẳng nói được, đầu óc nửa mê nửa tỉnh, bệnh viện còn vã mồ hôi nữa là bà cụ ấy. Nhưng khi đó, tớ đánh liều nhờ cụ vì không có tiền. Đã định, không chữa được thì thôi, chấp nhận liệt. Vậy mà, bà cụ đã cứu được tớ…”.

Cụ Quyết bỏm bẻm nhai trầu, hà hơi trong 3 ngày. Sức khỏe của Quang vẫn không có tí ti gì biến chuyển. Nhưng sang ngày thứ 4, bất ngờ đã xảy ra: Quang đã có thể cử động được các ngón tay, rồi những ngày sau đó anh đã nói được, chân dần có cảm giác và cổ có thể cựa quậy nhẹ.

Qua 3 tuần liên tiếp như vậy, Quang có thể đứng dậy đi lại và đến giờ, tuy không thể hoàn toàn bình phục như trước kia nhưng cơ bản Quang đã có thể lao động nhẹ.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Tú, người cùng xã với cụ Quyết. Anh Tú cho biết: “Cách đây 3 năm vợ chồng tôi xuống Hà Nội đi công tác. Trên đường đi bị chiếc xe tải mất lái đâm vào, vợ chồng tôi ngất tại chỗ. Chúng tôi được người thân đưa vào Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) chụp chiếu, chân trái tôi bị dập nát, chân phải vợ tôi cũng bị gãy. Vợ chồng tôi được bệnh viện mổ và bó bột. Nhưng do tôi không kiêng cữ được, đi lại nhiều nên xương khó liền. Sau này nhờ người thân giới thiệu tôi được cụ Quyết thổi lá trầu. Cụ nhai trầu và thổi vào vết thương của tôi, thời gian sau tôi thấy dễ chịu, sự đau đớn giảm dần và khỏi”.

Tương tự, ông Nguyễn Bá Bờm ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn cũng đã được chữa cho liền xương như thế. Ông Bờm nhớ lại: “Cách đây mấy năm, trong một lần đi đốn gỗ trong rừng, do bất cẩn tôi bị cây gỗ đổ đè lên người. Một bên xương mông bị dập nát, các con tôi đã đưa đến nhờ cụ Quyết chữa. Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ việc chữa bệnh của cụ ấy, vì thấy cụ không có thuốc thang gì, chỉ lấy cau trầu ra nhai. Vừa nhai cụ vừa thổi vào vết thương thì làm sao có thể liền xương được. Nhưng lạ kỳ thay, khi cụ thổi được gần một tuần thì thấy đỡ nhức dần, vết thương ngoài da liền lại, khoảng tháng sau tôi có thể đi lại được. Sau này tôi đi khám ở bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán xương đã được nối liền”.

Tất cả những ca bệnh này, tôi đều cố gắng ghi nhận thông tin một cách thật khách quan và kiểm tra bệnh án của họ từ các bệnh viện cho thật kỹ. Việc cụ Quyết tác động tích cực vào những ca bệnh này là hoàn toàn có thể khẳng định. Tuy nhiên, mức độ tác động ấy như thế nào thì rất khó để kiểm chứng.

Có thể có nhiều cụ Quyết?

Nói về chuyện chữa gãy xương, tôi cũng có lần từng nghe chuyện về ông lang Thanh ở mạn Ngọc Hà, Hà Nội có bó lá mà chữa khỏi gãy xương. Tiếng là bó lá nhưng thực chất thuốc bó của ông lang Thanh lại là… xôi, gà và thuốc. Nghiền nát mấy thứ ấy, đánh cho thật dẻo thành một thứ bột hỗn hợp rồi bó cho bệnh nhân. Nhiều người nghe tiếng đã đập bột của bệnh viện, đến nhà ông bó bột xôi gà cho mau lành.

Tuy nhiên, phương pháp của ông lang Thanh dù sao cũng là phương pháp bó thuốc vào khu vực vết thương. Thuốc có thời gian ngấm và khớp xương và tác động này là rõ ràng. Nó khác hẳn với việc nhai trầu hà hơi trong một thời gian rất ngắn mà chữa bệnh như kiểu của cụ Quyết.

Anh Tú đã được cụ Quyết chữa khỏi bệnh

Tôi hỏi chuyện ông Lương Văn Vưỡng, một thầy thuốc đông y có tiếng ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình về trường hợp của cụ Quyết. Ông Vưỡng cho biết: Bài thuốc của cụ Quyết ông đã nghe nói từ lâu. Thực tế, không chỉ người dân địa phương mà nhiều người ở nơi khác đến chữa cũng rất nhiều. Còn tác dụng, hiệu quả của bài thuốc này như thế nào thì ông không rõ lắm. Nhưng có một điều tôi biết là bạn đồng nghiệp của tôi, hồi nhỏ đã từng bị gãy chân và đến cụ Quyết nhờ chữa và được chữa khỏi. Tuy nhiên, tôi khuyên mọi người nếu chẳng may bị gãy chân, gãy tay thì nên đi bệnh viện là tốt nhất. Bởi lẽ, đến nay chưa ai lý giải một cách khoa học về bài thuốc của cụ Quyết”.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hợp Thành cho biết: Với khả năng của tôi, tôi không thể lý giải được thực chất phương pháp chữa xương của cụ Quyết. Phương pháp ấy hiệu quả đến đâu, có tác dụng phụ gì hay không thì chắc phải cần các nhà khoa học giải đáp. Tuy nhiên, có một điều tôi chắc chắn rằng, đã có rất nhiều người bị các bệnh liên quan đến xương, bị thương, gãy xương, liệt, trấn thương sọ não… đều được cụ chữa khỏi.

Để minh chứng cụ thể, bà Nhung còn lấy dẫn chứng cụ thể với những người ở địa phương, cũng như chính em chồng và chồng của mình khỏi bệnh cũng là nhờ cụ Quyết.

Cũng theo bà Nhung thì, cụ Quyết chữa bệnh về xương giỏi không chỉ người địa phương biết mà rất nhiều người ở các tỉnh thành cũng tìm đến đây. Từ trước đến nay, chưa từng nghe nói cụ Quyết chữa bệnh lừa đảo, gây mất an ninh trật tự của địa phương hay vụ lợi tiền nong gì. Cụ chữa bệnh không đòi hỏi tiền nong, ai thành tâm dăm ba nghìn cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Tùy vào mỗi bệnh mà có thời gian điều trị khác nhau, có thể vài hôm, nhưng có khi vào tuần, vài tháng. Tuy nhiên, người bệnh không cần thiết phải nằm điều trị tại đây mà có thể đem thuốc về nhà dùng cũng được. Lúc dùng thuốc, người bệnh chỉ cần kiêng tôm, thịt gà, cá quả, rau muống, cải bắp mà thôi…

Suy cho cùng, người dân, đặc biệt là dân nghèo họ không đủ kiến thức để hiểu cho rành rẽ về những khả năng kỳ lạ như khả năng của cụ Quyết. Họ chỉ cần quan tâm đến chuyện bệnh tình của mình có được chữa khỏi hay không, chi phí chữa bệnh là đắt hay rẻ mà thôi. Khả năng của cụ Quyết về cơ bản có thể truyền lại được cho người khác tức là nó không phải hoàn toàn do thiên tạo. Đã truyền lại nghề được sao lại không thể nghiên cứu nhân rộng phương pháp ấy ra hoặc chí ít cũng cần xem xét thực chất khả năng ấy. Điều này là cần thiết bởi hiện cụ Quyết cũng đã ở tuổi gần đất, xa trời.

V.M.T

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps