Xung quanh dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên:

Hãy đến để hiểu rõ hơn!

13:44 | 19/06/2013

1,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Suốt những năm qua, cuộc tranh cãi về hai dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là Nhân Cơ và Tân Rai luôn diễn ra trong căng thẳng trên bàn hội nghị hay bên lề các cuộc họp. Và không ít ý kiến phản đối với nhiều lý lẽ được đưa ra để kêu gọi phải dừng các dự án này. Có thể nói, mọi sự cảnh báo sẽ không bao giờ là thừa với hai dự án nhạy cảm và mang tính thí điểm như Nhân Cơ và Tân Rai. Song, tất cả mọi phản biện sẽ ý nghĩa và thuyết phục hơn nếu như nó được đưa ra từ những chuyến khảo sát, điều tra thực tế, cụ thể tại các dự án.

1. Dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ và Tân Rai của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, có rất nhiều thông tin trái chiều xoay quanh vấn đề hiệu quả kinh tế, môi trường, an ninh chính trị của hai dự án này. Tuy nhiên, theo ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Nhân Cơ, là một sĩ quan biệt phái của Bộ Quốc phòng công tác tại dự án này cho biết: “Nhiều người nói theo cảm tính, thậm chí ác cảm, nhưng… chẳng ai đến đây cả!”. Những năm qua đã có hàng trăm bài viết mang tính “đánh đập” hai dự án này mà hiếm có ai đến khảo sát thực địa, tiếp xúc trực tiếp với những người đang thực hiện dự án thì đó là một thông tin gây “sốc” thật sự.

Ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhân Cơ

Bao giờ cũng vậy, chỉ khi tận mắt chứng kiến thì mới có thể đánh giá một sự vật, hiện tượng trung thực và khách quan được. Tôi có dịp chứng kiến một trường hợp ngay trong chuyến khảo sát thực địa vừa qua: Hai đồng nghiệp ở báo bạn đã có bài viết ngay sau khi có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Tiến tại BQL Nhà máy Nhân Cơ. Tuy nhiên, khi đọc được bài báo này, ông Nguyễn Ngọc Lân - Phó chánh Văn phòng TKV đã có những “cải chính” trực tiếp với phóng viên về những nội dung phản ánh sai do hiểu nhầm hoặc chưa hiểu rõ về thông tin mà BQLDA cung cấp. Điều đó cho thấy, ngay cả khi tai nghe, mắt thấy còn viết sai hiểu sai nữa thì với những thông tin được viết ra từ những người chỉ “ngồi ghế salon” mức độ trung thực và khách quan còn thấp đến thế nào!?

Nói như thế không phải là phủ nhận với tất cả những bài viết tranh luận về hai dự án này vừa qua. Trong cuộc trao đổi riêng với ông Bùi Quang Tiến về những quan điểm trái ngược này, ông có nói rằng bản thân ông xem đó là những lời cảnh báo tích cực để những người trong BQLDA tính toán, thực hiện các hạng mục dự án một cách tỉ mỉ, an toàn nhất có thể. Tôi rất hoan nghênh suy nghĩ tích cực ấy của ông Tiến. Mà thật sự, đó không phải chỉ là lý thuyết suông mà là rất cụ thể, điển hình nhất đó là công trình hồ bùn đỏ, một công trình thu hút được sự quan tâm bậc nhất của dư luận. Công trình Nhà máy Nhân Cơ chậm tiến độ 2 năm một phần quan trọng là do việc thiết kế, thi công công trình hồ bùn đỏ phải đầu tư và chỉnh sửa để phù hợp và đảm bảo an toàn nhất.

Có thể thấy, trong suốt quá trình thực hiện hai dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ và Tân Rai, sự tranh luận chủ yếu xung quanh mấy vấn đề sau: Thứ nhất, đó là về môi trường; Thứ hai, hiệu quả kinh tế và kế đến là an ninh quốc phòng. Trong đó, về môi trường thì gồm có vấn đề về rừng, nhiều người bảo khai thác bô-xít sẽ phá nát rừng. Kế đến là mất đất vì khai thác bô-xít sẽ xới tung đất của cả Tây Nguyên lên. Và còn một vấn đề đặc biệt nhất đó chính là bùn đỏ, người ta lo ngại về nguy cơ vỡ khu chứa bùn đỏ và môi trường sẽ bị hủy hoại vì chất dioxin, chất phóng xạ trong đó...

Trước tiên phải thừa nhận rằng, những lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Việc khai thác bô-xít thì phải dính đến chuyện đào bới đất đai, mà lâu nay chuyện đào bới vốn không có nhiều cái nhìn thiện cảm. Sản xuất ra alumin thì thải ra bùn đỏ và dĩ nhiên người ta không thể bàng quan trước sự cố tràn hồ bùn đỏ đã xảy ra ở Hungary. Giá đầu tư cho hai dự án này lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, chủ yếu là từ nguồn vốn vay trong và ngoài nước nên những lo ngại về hiệu quả kinh tế là rất cần thiết. Nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công hạng mục công trình, trong đó có hàng nghìn chuyên viên cùng công nhân người Trung Quốc làm việc tại nhà máy nên vấn đề an ninh quốc phòng được đặt ra cũng là chuyện dễ dàng hiểu được…

Song, nếu như chúng ta đến tận nơi hai dự án nhà máy này, trực tiếp trao đổi với những người trong BQLDA, tận mắt chứng kiến cảnh khai thác, vận chuyển bô-xít, sống cùng những người dân xung quanh nhà máy… thì có lẽ những tranh cãi không diễn ra mãi như thời gian qua!

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai

2. Vấn đề về rừng, thì tại khu vực Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai không còn rừng  nguyên sinh nữa. Bản đồ vùng bô-xít Đắk Nông, Lâm Đồng mà BQLDA cung cấp cho chúng tôi cũng thể hiện rất rõ điều đó. Ở Lâm Đồng có khoảng 4ha rừng cây sao do người dân trồng nhưng theo thông tin mới nhất thì hiện tại chỉ còn hơn 100 cây sao để bảo quản. Ở khu vực bô-xít Lâm Đồng cũng tương tự, một diện tích nhỏ của rừng còn lại đều là rừng thông do dân trồng. Ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết, rừng thông trồng này cũng đã đến tuổi khai thác. Và theo quy định của tỉnh thì nhà máy khai thác bao nhiêu đất rừng thì phải có trách nhiệm trồng lại bấy nhiêu theo đúng quy định và việc trồng lại rừng này sẽ được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, khi đặt chân đến những khu vực mỏ bô-xít mới thấy rằng, hầu hết những khu vực này là vùng đất “trọc”, diện tích đất trồng cây công nghiệp như chè, cà phê cũng rất ít vì đa số là vùng bô-xít lộ thiên. Hơn nữa, đất đã có quặng bô-xít thì không trồng được bất cứ loại cây công nghiệp nào; và rừng cũng còi cọc, cằn cỗi…

Về diện tích đất đai khai thác bô-xít, theo tính toán của Dự án Nhà máy Nhân Cơ thì mỗi năm, cần diện tích 50-60ha để khai thác mỏ. Như vậy trong vòng 10 năm sử dụng 6km2 và tính cả vòng đời dự án là 30 năm thì sử dụng khoảng 20km2. Diện tích này chẳng đáng gì so với diện tích rừng của toàn tỉnh Đắk Nông là 6.500km2. Ở Tân Rai thì diện tích đất cho khai thác mỏ tương đối nhỏ hơn nhiều so với Nhân Cơ, 5 năm đầu là khoảng 615ha. Những con số trên chỉ ra rằng, diện tích khai thác mỏ của cả hai dự án này là rất nhỏ so với tổng diện tích của vùng, chứ không phải hai dự án sẽ xới tung đất Tây Nguyên như nhiều người vẫn hay lo lắng!

Ông Lê Việt Quang (giữa) và kỹ sư (phải) chia sẻ với các nhà báo ngay tại trên lớp bùn đỏ đã khô trong hồ chứa

Có thể nói, chỉ khi nào ra khai trường bô-xít thì mới có thể hiểu hết được quá trình khai thác là như thế nào?! Đầu tiên, khu vực khai thác mỏ được phân chia ra các ô để khai thác, thường là 3 ô song song với nhau. Bước đầu, lớp đất mặt ở lô khai thác sẽ được thu lại cho sang ô kế bên. Sau đó quặng bô-xít được công nhân khai thác dùng máy xúc đưa lên xe tải chở về nhà máy tuyển. Sau khi ô khai thác hết quặng, lớp đất ban đầu được máy xúc trả lại, rải đều trên bề mặt diện tích vừa lấy bô-xít, đây gọi là công đoạn hoàn thổ. Công tác khai thác quặng và hoàn thổ được tiến hành đồng thời theo kiểu “cuốn chiếu”, khai thác xong là tiến hành hoàn thổ ngay. Cũng chính vì thế mà khai trường bô-xít không trở thành một khu hỗn độn, đất đai bị đào xới tung lên như trong suy nghĩ của nhiều người chưa đến khai trường.

Khi lấy quặng bô-xít ra khỏi lòng đất thì đất được cải tạo và khi ấy mới có thể sử dụng được. Đó là điều mà BQLDA đang phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá kết quả. Một số diện tích đất hoàn thổ sau khai thác tại khu vực mỏ của Nhà máy Alumin Tân Rai đã cho tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loại cây. Trong đó, theo quan sát của chúng tôi thì cây bạch đàn là loài cây đang thích ứng tốt nhất trên vùng đất này. Và so sánh những cây cùng loại được trồng trên đất còn chứa bô-xít với cây được trồng trên đất hoàn thổ thì cây trồng trên đất hoàn thổ phát triển mạnh hơn, lý do là đất tơi xốp hơn… 

Việc xử lý bùn đỏ được quan tâm đặc biệt nhất trong các vấn đề liên quan môi trường. Bùn đỏ được tạo ra sau quá trình sử dụng nước và xút theo nồng độ đã tính toán, đưa nhiệt độ lên 145 độ, để tạo phản ứng tạo ra ôxít nhôm. Bùn đỏ thực tế là không nguy hiểm, mà chính là nước xút có độ PH cao mới gây nguy hiểm cho môi trường nước và đất. Nhưng nhà thầu cam kết độ PH của bùn đỏ luôn được kiểm soát dưới 11, đây là mức độ an toàn theo quy định pháp luật.

Bùn đỏ sau khi thải ra được đưa vào khu chứa bùn đỏ được chia thành nhiều khoang. Lâu nay mọi người nghe đến hồ bùn đỏ thì hay liên tưởng đến hồ chứa loại bùn loãng, nhiều nước và có thể tràn ra ngoài bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa đến. Thế nhưng, sự thật là hoàn toàn khác, người ta có thể đi dạo, thậm chí là chơi bóng trên khu chứa bùn đỏ. Bởi, bùn đỏ sau khi thải ra sẽ nhanh chóng khô lại và có độ cứng cao, còn lượng xút và nước thì được thu lại qua hệ thống thu đặt dưới hệ thống khu chứa bùn đỏ để tái sử dụng.

Đứng trên lớp bùn đỏ đã khô tại khu chứa bùn đỏ của nhà máy, ông Lê Việt Quang chia sẻ với chúng tôi rằng, bùn đỏ này rất cứng và bền, nước mưa không thể hòa tan được. Chung quanh mỗi khoang chứa là hệ thống mương bêtông, tất cả nước mưa sẽ chảy vào mương này và ra ngoài chứ không vào khu bùn đỏ. Xung quanh hệ thống khoang chứa bùn đỏ là những trạm quan trắc nước ngầm được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đến lấy mẫu nước kiểm tra định kỳ.

Ông Quang giải thích thêm về nguyên tắc thải bùn đỏ ở Việt Nam rằng: Bùn sẽ được thải trồng lớp, cao dần lên. Sau khi khoang chứa đầy thì sẽ thực hiện công tác hoàn thổ, tức phủ lên bề mặt một lớp đất trồng và tiến hành trồng cây. Ngoài ra thì bùn đỏ cũng đang được nhà máy cùng các nhà khoa học nghiên cứu để sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên do chi phí này còn cao, chưa mang lại hiệu quả nên bước đầu sẽ chỉ thực hiện chôn lấp bùn đỏ.

3. Vừa qua, TKV đã có cuộc họp báo công bố những đánh giá về hiệu quả kinh tế của hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai tại Hà Nội. Rất nhiều bài viết đã phản ánh chi tiết vấn đề này, trong bài viết này, chúng tôi không đề cập lại chi tiết những công bố đó. Nhưng thiết nghĩ, với một dự án được đầu tư rất lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng như hai dự án này thì chắc chắn chuyện lời - lỗ, hay nói chính xác hơn là chuyện thu hồi vốn và có lãi không thể nào tính toán theo kiểu của các dự án kinh doanh nhỏ lẻ thông thường. Như ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc TKV từng chia sẻ: “Hiệu quả một dự án cần xét trên vòng đời tổng thể” là vậy. Hiện tại Nhà máy Tân Rai đã xuất khẩu những lô alumin đầu tiên ra thế giới. Mọi việc đều thuận lợi, hiệu quả khả quan. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi tại Nhân Cơ, ông Bùi Quang Tiến chia sẻ trong niềm tin rằng: “Tôi tin vào tương lai sáng cho ngành công nghiệp này”.

Sản phẩm alumin ra lò được đóng gói lại và chờ xuất khẩu

Theo thông tin từ Vinacomin thì giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 dự báo dao động trong khoảng 300USD/tấn đến 640USD/tấn. Với yếu tố thuận lợi về giá này cùng các biện pháp tiết giảm chi phí thì về lâu dài, Dự án Tân Rai - Lâm Đồng sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể.

Về vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể, chúng tôi đã có những trao đổi với ông Trần Văn Cảng, Trưởng ban Tuyên giáo, Huyện ủy Bảo Lâm. Ông cho biết, dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Cụ thể, công trình
bô-xít Tân Rai là 1 trong 2 dự án chủ chốt của tỉnh Lâm Đồng, khi triển khai dự án đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện. Huyện này chủ yếu trồng trà và cà phê, thì nay cơ cấu kinh tế đã chuyển từ nông lâm nghiệp sang công nông lâm nghiệp và dịch vụ.

Kế đến là cơ sở hạ tầng mà dự án đã xây dựng vừa phục vụ dự án vừa phục vụ dân sinh trên địa bàn như: cầu đường, thủy lợi… Hai dự án bô-xít đã góp phần đào tạo nghề và giải quyết lao động nghề cho một số bộ phận lao động địa phương. Khi triển khai dự án, giá trị đất cũng tăng lên rất cao giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân. Đồng bào dân tộc tại chỗ, người nghèo và chịu trực tiếp tác động của dự án là bị thu hồi đất thì dự án cũng phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng nhà, kế hoạch là 40 căn và đến nay đã xây dựng được gần 30 căn. Đặc biệt, hiện nay nhà máy mới đi vào sản xuất thử nhưng ngay từ khi thực hiện dự án đến nay đã tăng ngân sách cho huyện, tỉnh từ thuế tài nguyên, thuế doanh nghiệp, thuế xây dựng cơ bản, thuế nhập khẩu thiết bị…

Cho đến thời điểm này thì vấn đề an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn vẫn luôn được đảm bảo. Người Trung Quốc trong dự án ở khu riêng, chấp hành quy định pháp luật và Giám đốc BQLDA trực tiếp quản lý những lao động nước ngoài này. Không có chuyện công nhân Trung Quốc lấy vợ, lập làng… như nhiều lời đồn đoán. Ông Lê Việt Quang cho biết, ở Nhà máy Tân Rai vào thời điểm cao điểm nhất là có trên 1.500 lao động người Trung Quốc, nhưng hiện tại thì chỉ còn lại ít chuyên gia ở lại để thực hiện chuyển giao kỹ thuật.

Nhà máy Tân Rai đã xuất khẩu những tấn sản phẩm alumin đầu tiên, Nhân Cơ đang trong quá trình hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động. Nhưng những tranh luận xung quanh hai dự án này vẫn diễn ra hằng ngày. Thiết nghĩ, hãy để nhà đầu tư có thời gian chứng minh được hiệu quả kinh tế của dự án mình và hãy để họ chịu trách nhiệm về quyết định của mình thay vì cứ tranh cãi nhau về chuyện nên hay không, trong khi dự án đã bắt đầu cho sản phẩm!

Trúc Vân