Trường THPT Việt Đức Hà Nội:

Đừng biến nơi "trồng người' thành... chợ!

06:00 | 21/05/2013

1,243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trường Việt Đức Hà Nội không chỉ biến sân chơi của học sinh thành bãi đỗ xe mà còn "xẻ thịt" khuôn viên nhà trường để cho thuê, thu lợi nhuận.

Ban biên tập PetroTimes đã nhận được phản ánh của người dân về việc: Ban Giám hiệu (BGH) trường THPT Việt Đức Hà Nội (số 47 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giao cho bảo vệ của trường mở dịch vụ trông giữ xe trái phép trong sân trường và cho người ngoài vào dựng lều lán trong khuôn viên để bán hàng…

Biến sân trường thành điểm trông giữ xe

Theo phản ánh, thời gian vừa qua, tại trường THPT Việt Đức xuất hiện 20 - 30 chiếc xe ô tô đỗ trong khuôn viên trường, đủ chủng loại từ 5 chỗ, 7 chỗ đến 12 chỗ ngồi. Đây là những xe ô tô của người dân quanh khu vực mang đến gửi suốt ngày đêm. Học sinh muốn vui chơi giải trí hay hoạt động ngoại khóa thì cứ “tự nhiên” nhưng chọn chỗ nào không có ô tô mà chơi hoặc chấp nhận nô đùa bên những chiếc xế hộp đắt tiền.

Theo tìm hiểu của PetroTimes, trường THPT Việt Đức mỗi năm có khoảng 2.000 học sinh nhưng lại không có khu vui chơi, thể thao riêng biệt. Viện lý do diện tích đất quá hẹp nên không thể xây dựng những khu riêng biệt để học sinh hoạt động thể thao hay ngoại khóa; thế nhưng nhà trường lại cho mở dịch vụ trông giữ xe ngày đêm như “chợ búa” khiến khu vực sinh hoạt của học sinh trở nên chật chội hơn. Lợi ích nhỏ từ việc trông giữ xe đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động học tập và vui chơi của học sinh.

Ô tô đỗ la liệt trong khuôn viên trường.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong sân trường THPT Việt Đức có không dưới 50 chiếc xe ô tô với đầy đủ chủng loại, xe đỗ tràn lan trong sân trường, mỗi nơi một chiếc. Chủ nhân của những chiếc xe này đều chọn cho mình một vị trí thích hợp, xe thì đỗ dưới gốc cây, xe thì nằm giáp tường nhà và có nhiều xe thì án ngữ giữa sân chính của trường. Và cả ngay chiếc sân tập bóng rổ của học sinh cũng được dành làm bãi đỗ xe.

Thêm vào đó, những chiếc xe này được đỗ một cách tự phát, không quy hoạch cụ thể và không có rào chắn, phân biệt giữa khu vực đỗ xe và khu vực sinh hoạt của học sinh. Nhìn từ xa vào trường thì không khác gì nhìn vào... cái chợ nào đó trên địa bàn Hà Nội.

Dạo qua một khuôn viên trường, chúng tôi không thể nào tìm thấy nhà xe của học sinh và cán bộ giáo viên trong trường. Khi hỏi về nơi để xe của giáo viên và học sinh thì một nam sinh lớp 11 nhanh nhẹn chỉ về hướng ngoài cổng và bảo: “Thầy cô giáo để xe ở lối đi ngay từ cống chính của trường anh ạ. Còn tụi em đi xe đạp thì để ở trước cửa dãy nhà cấp 4, đó cũng là dãy nhà mà chúng em học”.

Khi hỏi về khu vui chơi hay học thể chất, nam sinh này nói: “Làm gì có chỗ nào cố định hả anh, chỗ nào không có ô tô thì chơi và học thể chất ạ”.

Một vài chiếc xe ngang nhiên đỗ giữa sân trường.

Điều mà khiến tôi kinh ngạc nhất đó là các em học sinh “vô tư” vui đùa ở giữa hai hàng xe đạp, được xếp ngay ngắn ở một cái hành lanh rộng chưa đầy 3 mét trước của dãy nhà cấp bốn. Thỉnh thoảng lại có học sinh trượt chân nên đập cả cánh tay vào ghi - đông xe đạp.

Khoảnh sân rộng chưa đầy 3m vừa là chỗ để xe, vừa là khu vui chơi của học sinh.

Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là những chiếc xe của cán bộ giáo viên nhà trường, của cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội và của các đơn vị đối tác có quan hệ với nhà trường. Có cả xe được người dân đưa đến gửi”.

Liên quan đến thông tin nhà trường tổ chức trông xe ngày đêm có thu phí, ông Nguyễn Quốc Bình cũng khẳng định, đơn tố cáo phản ánh về việc trường trông xe thu phí là có và khiêm tốn cho rằng: “Chỉ thu phí trông giữ có 9 chiếc xe ô tô thôi”.

Học sinh chỉ được sinh hoạt ở nơi không có ô tô.

Nói về khoản kinh phí thu được từ việc trông giữ xe, ông Nguyễn Quốc Bình cũng thẳng thắn tiết lộ về cách sử dụng tiền từ việc trông xe. Theo đó, khoản tiền thu được từ việc trông giữ xe tại sân trường, được ăn chia theo tỉ lệ 40% cho nhà trường và 60% cho bảo vệ.

Ngoài ra, vị Hiệu trưởng nhà trường này cũng cho biết, "việc tổ chức trông giữ xe chúng tôi đã có văn bản giải trình với Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội". Tuy nhiên, khi PetroTimes đề nghị được xem về nội dung giải trình để thông tin tới bạn đọc một cách khách quan nhất thì vị Hiệu trưởng sẵng giọng cho rằng: “Báo chí không phải cơ quan quản lý chúng tôi” và từ chối thẳng thừng việc tiết lộ “bí kíp” giải thích với cấp trên về việc biến sân trường thành bãi trông giữ xe.

Nhìn về những chiếc xe ô tô đang nằm ì trên sân trường, chứng tôi đã liên tưởng tới vụ việc chiếc xe ô tô Audi Q5 mất lái, đâm vào 2 xe ô tô đang đỗ trong sân trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 22/4 vừa qua. Nếu như, những chiếc xe vô hồn kia, vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên mất lái lao vào nhóm học sinh đang nô đùa ở sân trường thì việc gì sẽ xảy ra? Đồng tiền có mua được tính mạng các em hay không? Ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm trước tính mạng học sinh?

Bảo vệ đưa cả... vợ vào trường dựng lều, mở quán?!

Không dừng lại ở việc tổ chức trông giữ xe trong khuôn viên trường học, ông Nguyễn Quốc Bình cũng thẳng thắn kể về việc, nhà trường đồng ý cho một người phụ nữ tên Loan (vợ ông Nguyễn Thanh Bình - Tổ trưởng Tổ bảo vệ trường) chiếm dụng một gian nhà gần 20m2 để dựng lều làm kho chứa đồ đạc và tổ chức bán hàng trong trường.

Theo đơn tố cáo, khi “chui” được vào trường, thực phẩm, hàng hóa của bà Loan bán cho các em học sinh không được bất cứ ai từ BGH hay người chuyên trách của trường kiểm tra và giám sát về chất lượng hay thời hạn sử dụng. Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, xa hơn nữa là do không ai quản lý nên bà Loan và chồng có thể lợi dụng bán các loại thuốc lá cho học sinh.

Trong khi đó, BGH đã quy định rõ và chỉ cho phép căng tin của nhà trường bán các loại hàng hóa cho học sinh, căng tin của trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ bởi BGH, các giáo viên và công đoàn trường khi đưa các chủng loại hàng hóa vào bán, và đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Căn phòng nhà trường cho bà Loan "mượn" làm nơi chứa đồ.

Giải thích về việc cho phép người ngoài vào chiếm dụng cơ sở vật chất và kinh doanh trong trường, ông Nguyễn Quốc Bình cho biết: “Bà Loan - vợ ông Nguyễn Thanh Bình không có việc làm, lại có con nhỏ thường xuyên đau ốm. Nghĩ về hoàn cảnh khó khăn, công với lá đơn của vị tổ trưởng tổ bảo vệ đề nghị cho vợ được bán bánh mì, nước ngọt, sau 18h00 hàng ngày cho các học viên học tối, sau lúc tan trường. Trước hoàn cảnh của vị trưởng ban bảo vệ trường, Liên tịch nhà trường đã đồng ý cho bà Loan được bán hàng. Từ ngày bán hàng đến nay, bà Loan thực hiện đúng các quy định của nhà trường, không vi phạm gì”.

Về việc bà Loan sử dụng căn phòng rộng gần 20m2 để chứa đồ, ông Bình khẳng định, việc này “đã được sự đồng ý của Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất, vì căn phòng này dột nát, hỏng, nhà trường không thể dùng vào việc gì”.

Mang bản chất trung thực của người thầy giáo, vị Hiệu trưởng cũng tiện miệng kể luôn việc nhà trường ký hợp đồng cho một công ty bánh ngọt thuê một ngôi nhà ngay sát cổng trưởng để kinh doanh. Đó là cửa hàng bánh ngọt – bánh mì Fresh Garden có quy mô 2 tầng, diện tích sàn 40m2, nằm cách cổng chính của trường khoảng 5m và có cùng địa chỉ số 47 phố Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm với trường THPT Việt Đức.

Cửa hàng bánh ngọt Fresh Garden là của trường THPT Việt Đức cho công ty bên ngoài thuê để kinh doanh.

Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Bình về việc cho cửa hàng bánh ngọt – bánh mì Fresh Garden thuê là do “lỗi của lịch sử”.

Vị Hiệu trưởng này cũng cho hay: “Từ ngày xưa, ngôi nhà này cho một người thuê làm cửa hàng kinh doanh điện tử. Sau thời gian thuê, làm ăn không hiệu quả, người này không thuê lại nữa. Do diện tích hẹp, không sử dụng vào việc gì nên nhà trường là nhà kho chứa tài liệu, đồ đạc... Và thấy việc làm nhà kho lãng phí nên ký với công ty bánh ngọt để họ làm cửa hàng bánh”.

Thật khó chấp nhận được lời "đổ lỗi cho lịch sử" của vị Hiệu trưởng một trường học có uy tín và lâu năm trên địa bàn Thủ đô. Thiết nghĩ, đã là môi trường “trồng người” thì cần phải tách bạch với việc kinh doanh và chợ búa. Nhìn vào ngôi trường có bề dày lịch sử mà người ta cứ hình dung một ngôi chợ nào đó đã từng đi qua...

Phải chăng, để các em học sinh có điều kiện học tập, cần sự vào cuộc của các quan chức năng, để “gột rửa” và trả về cho học sinh trường THPT Việt Đức môi trường giáo dục lành mạnh.

Thiên Minh – Vương Tâm