Chuyện phục sinh của người mang hai họ

07:00 | 27/01/2014

2,604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể về cuộc đời mình, nét mặt ông Tưởng Đăng Minh ở làng Khe Bố, xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) biểu lộ thật nhiều cung bậc cảm xúc. Ở đó có nỗi buồn tủi, khao khát tìm lại cội nguồn, sự tri ân với cuộc đời và niềm hạnh phúc đoàn tụ. Bởi lẽ, tưởng chừng như đã hóa thân thành cát bụi từ hơn 60 năm trước nhưng duyên nợ cuộc đời đã giữ ông ở lại với trần gian để tìm lại những người ruột thịt.

Năng lượng Mới số 293

Đứa trẻ ngoài nghĩa địa

Mở đầu câu chuyện, ông Tưởng Đăng Minh tâm sự: “Có lẽ, trong cuộc đời không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui đoàn tụ. Vì thế, con người ta dù làm gì, ở đâu cũng luôn mong muốn được tìm về với nguồn cội như con chim tìm về tổ ấm. Để có được niềm vui ấy, tôi phải chờ đợi và tìm kiếm hơn 60 năm...”.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày đầu năm 1952, khi đứa con trai đầu lòng khoảng 1 tuổi của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Tứ và bà Nguyễn Thị Em (xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An) đang chơi ngoài sân bỗng dưng nằm sõng xoài rồi tắt thở. Những người cao tuổi cho rằng, đây là sự việc bất thường, nếu để lâu có thể làm ảnh hưởng đến dòng họ nên phải chôn cất ngay lập tức. Việc chôn cất không được bất cứ ai trong dòng họ đụng tay vào mà phải thuê người khác làm thay.

Lúc bấy giờ, trong làng có một người đàn ông tính khí không bình thường, dở khôn dở dại, chuyên hành nghề chôn cất người chết, kể cả những người vô gia cư. Người này được gọi đến, vợ chồng ông Tứ chỉ kịp đưa tấm khăn bông to để bọc con mình trước lúc đem chôn. Đứa bé được đem ra nghĩa địa, các cụ cao tuổi không cho phép vợ chồng ông Tứ ngoái nhìn theo, vì sợ “ma ranh” sẽ về quấy nhiễu gia đình, dòng họ, không cho sống yên ổn. Dù hết mực xót thương đứa con dứt ruột đẻ ra nhưng ông Tứ, bà Em chẳng biết làm gì hơn là mỗi người tìm một góc nhà khóc nức nở và cầu mong linh hồn đứa trẻ được siêu thoát.

Niềm vui của bố con cụ Nguyễn Trọng Tứ khi kể về câu chuyện của mình

Buổi tối hôm ấy, ông Lê Trọng Hợi và Dương Phú Ngọ đi họp chi bộ về qua khu nghĩa địa gần cánh đồng mía thôn Dương Liễu (xã Nam Trung) bỗng dưng nghe thấy âm thanh lạ, nghe giống như tiếng khóc của một đứa trẻ bị kiệt sức, tuy hơi sợ nhưng hai ông quyết định luồn qua ruộng mía, lần theo tiếng khóc để tìm hiểu thực hư. Thật bất ngờ, khi đến cạnh khu vực mộ tổ của một dòng họ, ông Hợi và ông Ngọ phát hiện có một cái bọc đang cựa quậy và tiếng khóc nãy giờ là trong cái bọc này phát ra. Ông cẩn thận mở tấm khăn bông và mớ tã lót quấn quanh, hai ông thấy một đứa trẻ lạnh ngắt, hơi thở yếu ớt.

Bàn tính một lúc, ông Hợi và ông Ngọ quyết định bồng đứa trẻ về cho vợ chồng ông Tưởng Đăng Vượng và bà Nguyễn Thị Huân (dân làng thường gọi ông bà Cai Vượng). Vợ chồng ông Cai Vượng lấy nhau đã nhiều năm, tuổi đã lớn nhưng vẫn chưa sinh được con trẻ, nên khi người làng bồng đứa bé đến cho thì mừng ra mặt, xem đó là của báu trời cho. Ngay ngày hôm sau, bà Cai Vượng bế đứa trẻ về quê ngoại (xã Thanh Yên, Thanh Chương) để nuôi nấng và đặt tên là Tưởng Đăng Minh. Là đứa trẻ đã bị “chết”, người ta đem bỏ đi, giời cho sống lại làm người, nhưng thể trạng của Minh rất yếu, cậu bé ốm đau bệnh tật thường xuyên, vợ chồng Cai Vượng hết lòng chăm sóc và xem như con ruột. Tình yêu thương và tấm lòng của bố mẹ nuôi đã giúp cậu bé Tưởng Đăng Minh nhiều lần qua cơn nguy kịch để đứng vững giữa cuộc đời.

Ông Tưởng Đăng Vượng lúc ấy là cán bộ ngành giao thông, năm 1955, ông được điều chuyển công tác lên địa bàn Con Cuông. Cậu bé Tưởng Đăng Minh lúc đó đã gần 4 tuổi và theo bố mẹ nuôi lên sinh sống ở vùng đất mới. Ông bà Cai Vượng quyết chăm sóc, nuôi dưỡng và cho Minh ăn học nên người để nương tựa tuổi già. Tốt nghiệp THPT (lớp 10), được bố nuôi xin cho vào ngành giao thông với mong muốn có đứa con nối nghiệp khai phá những con đường miền Tây xứ Nghệ. Rồi Minh tiếp tục thực hiện mơ ước trở thành kỹ sư công trình giao thông khi đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Trường đại học Giao thông.

Tốt nghiệp ra trường, Tưởng Đăng Minh về nhận công tác tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4, sau đó chuyển về làm cán bộ Sở Giao thông Vận tải Nghệ An. Thời gian Minh theo học đại học cũng là lúc ông bố nuôi của Tưởng Đăng Minh đổ bệnh và ông đột ngột qua đời sau một ca phẫu thuật vùng bụng tại bệnh viện vào năm 1964. Nỗi đau không gì bù đắp nổi, lúc đó Minh chỉ muốn nghỉ học để ở nhà chăm sóc mẹ. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi từ mẹ nuôi mà Minh đã cố gắng học tập thật tốt để không phụ công cha. Từ đó, mẹ con bà Cai Vượng tiếp tục đùm bọc, sẻ chia và đỡ đần nhau vượt qua bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống thời chiến cũng như thời bình. Bà Cai Vượng (Nguyễn Thị Huân) vừa mất cách đây chưa đầy 1 tháng (thọ trên 90 tuổi) trong sự yêu thương, chăm sóc tận tình của vợ chồng ông Minh và con cháu, dâu rể trong gia đình.

Niềm vui của vợ chồng ông Minh trong ngày đoàn tụ

Có một sự trùng lặp là cuộc đời Tưởng Đăng Minh có 2 lần khai sinh và mang 2 dòng họ, đến chuyện vợ con của ông cũng lại phải lần hai mới trọn vẹn. Thoạt tiên ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Thương, con gái một cán bộ người miền Nam tập kết ra Bắc. Hai người sống với nhau một thời gian khá dài và sinh được 2 người con, sau đó đứa con đầu lòng bị chết đột ngột. Mảnh đất miền Tây xứ Nghệ đầy nắng gió và tình cảm của ông Tưởng Đăng Minh đã không giữ nổi bước chân bà Thương. Một ngày, bà quyết định rời xa ông để ôm con gái trở về quê cũ sinh sống. Sau đó, năm 1983, ông Minh được cử lên công tác tại địa bàn huyện Kỳ Sơn để thực hiện nhiệm vụ khảo sát các tuyến đường nội huyện.

Tại đây, ông gặp và đem lòng yêu thương cô giáo Nguyễn Thị Khánh (quê xã Tam Quang, Tương Dương). Biết rõ hoàn cảnh của ông, cô giáo Khánh đã sẵn lòng chia sẻ và quyết định nên duyên vợ chồng với ông. Sau khi cưới nhau, hai người về vùng Khe Bố, Tam Quang để sinh cơ lập nghiệp. Xem ra, “chuyến đò hôn nhân” thứ hai ông Minh đã tìm được bến đậu, tìm được niềm hạnh phúc đích thực của mình. Đến nay, sau hơn 30 năm chung sống, vợ chồng ông Minh - bà Khánh có 4 người con (1 gái, 3 trai), tất cả đều có việc làm và thu nhập ổn định, ông bà đã có cháu nội - ngoại đề huề. Cuộc sống giờ đây không còn quá nặng chuyện mưu sinh, nếu không muốn nói là đã khá đủ đầy.

Tìm lại cội nguồn

Đến đây, chắc hẳn không ít bạn đọc đang nóng lòng và đặt câu hỏi: Liệu đứa trẻ của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Tứ đã đem đi an táng và cậu bé Tưởng Đăng Minh có mối liên hệ gì không? Và ông Minh đã làm cách nào để tìm được những người đã sinh thành ra mình cũng như cội nguồn dòng họ? Chúng tôi xin được tiếp mục mạch câu chuyện để giải đáp những câu hỏi nêu trên. Đó là năm lên 10 tuổi, mỗi lần cậu bé Tưởng Đăng Minh theo mẹ về quê, người dân Thanh Yên thường ghé tai mách nhỏ rằng, cậu không phải là con đẻ của ông bà Cai Vượng, mà chỉ là đứa bé ông bà nhặt được rồi đem về nuôi.

Lúc đầu, Minh không tin, nhưng về sau càng nghe nhiều lời đồn đại, trong tâm trí cậu bắt đầu xuất hiện mối nghi ngờ. Một hôm, Minh hỏi mẹ về những lời đồn đại. Bà Cai Vượng đã nói hết sự tình để cậu được rõ. Rằng, cậu không phải do bà đẻ ra, mà là đứa trẻ do hai người cùng làng nhặt được ngoài nghĩa địa đem về cho vợ chồng bà. Tuy không dứt ruột đẻ ra nhưng ông bà vẫn xem cậu như con, chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ và quyết tâm nuôi dạy cậu lớn khôn. Sau này, khi ông Cai Vượng qua đời, bản thân đã ổn định công việc và có gia đình yên ấm, phát đạt, Tưởng Đăng Minh bắt đầu nghĩ đến việc tìm lại tổ tông.

Niềm vui của đại gia đình cụ Tứ trong ngày đoàn tụ (ảnh do gia đình cung cấp)

Theo lời ông, con người ta thật khó thanh thản khi không biết rõ nguồn gốc của mình, bố mẹ sinh ra mình là ai, còn sống hay đã chết? Nhưng biết tìm nơi đâu khi bản thân không có bất cứ một dữ kiện nào? Cuối cùng, ông Minh đành phải tìm đến phương pháp tâm linh. Và ông đã gặp may khi người ta bảo rằng, ông là người của dòng họ Nguyễn Trọng, song thân của ông vẫn vẹn toàn nhưng không biết ông còn sống. Nhưng họ Nguyễn Trọng sinh sống khắp nơi, biết ông ở chi nào mà tìm? May mắn lại đến khi có người bày ông về tìm ở chi ba, họ Nguyễn Trọng thuộc xóm 4, xã Nam Trung (Nam Đàn) để tìm. Lần theo địa chỉ, vợ chồng ông Minh tìm về xã Nam Trung và được biết cuốn gia phả của chi ba ông Nguyễn Trọng Huấn đang giữ.

Hiện ông Huấn đang sống cùng gia đình ở thành phố Vinh. Vợ chồng ông Minh lại xuống Vinh để tận mắt xem cuốn gia phả. Lần đầu nhìn thấy ông Minh bước vào nhà, bà Liên - vợ ông Huấn có linh tính giữa vị khách này và chồng bà có quan hệ huyết thống, vì giống nhau từ dáng đi, giọng nói, điệu cười. Sau khi khách trình bày mục đích cuộc viếng thăm, ông Huấn mở cuốn gia phả để lần tìm và thấy rằng, trước ông còn có một người anh là Nguyễn Trọng Tùng. Nhưng ông Huấn chưa bao giờ được nghe bố mẹ mình nhắc đến ai có tên Nguyễn Trọng Tùng, vậy phải chăng đây là một ẩn số?

Theo suy đoán của ông Huấn, người khách này và ông có mối quan hệ ruột thịt nhưng có thể người này thuộc diện “ngoài luồng”. Để xác định là “chính thống” hay “ngoài luồng” thực ra không khó, vì vợ chồng cụ Nguyễn Trọng Tứ vẫn còn sống và minh mẫn dù đã sang tuổi 86. Hai cụ hiện đang ở với con trai thứ là Nguyễn Trọng Thanh ở tận Bình Dương. Ông Huấn quyết định vào Bình Dương để gặp bố và tìm hiểu nguồn cơn. Cụ Tứ một mực khẳng định không bao giờ có chuyện có con “ngoài luồng”, người tìm về nhận họ ấy rất có thể là Nguyễn Trọng Tùng, con trai đầu chết lúc 1 tuổi. Do một căn nguyên nào đó, có thể Tùng chưa chết, nay tìm về với tổ tông. Trước thông tin này, vợ chồng cụ Tứ quyết định vượt chặng đường ngót 2.000km trở về quê để mong làm sáng tỏ mọi chuyện.

Thêm một điều may mắn là vào dịp tháng 10/2013, bà Nguyễn Thị Huân (bà Cai Vượng) và ông Lê Trọng Hợi - một trong hai người nhặt được đứa trẻ ngoài nghĩa địa hơn 60 năm trước vẫn còn sống (vì không lâu sau đó 1 trong 2 người này qua đời). Tất cả mọi người cùng chắp nối những sự việc năm xưa và cho biết đứa trẻ năm ấy được quấn bằng chiếc khăn bông to đẹp cùng một ít tã lót. Chi tiết này đã khẳng định đứa trẻ vứt ngoài nghĩa địa chính là Nguyễn Trọng Tùng, con trai đầu cụ Tứ, sau này là Tưởng Đăng Minh - con nuôi vợ chồng ông bà Cai Vượng. Nhưng rõ ràng Nguyễn Trọng Tùng đã chết và vợ chồng cụ Tứ cùng những người trong họ đã thuê người đưa đi mai táng, tại sao ông Hợi và ông Ngọ lại nhặt được ngoài nghĩa địa?

Lý giải điều này, những người liên quan cùng đi đến thống nhất do người hành nghề mai táng mà trong họ thuê là người dở khôn dở dại nên vừa đưa đứa trẻ ra đến nghĩa địa chợt nhớ mình chưa lấy gạo công nên không chôn lấp mà quay trở về đòi gạo công đã. Và khi nhận được gạo của vợ chồng ông Tứ rồi thì người này lại không ra nghĩa địa để tiếp tục công việc chôn cất đứa trẻ. Đó chính là cơ hội mà đứa trẻ được phục sinh trở lại với cuộc đời, để hơn 60 năm sau tìm về được với nguồn cội. Và lúc này, ẩn số về cuộc đời ông Tưởng Đăng Minh đã chính thức tìm được lời giải đáp.

Bữa cơm đoàn tụ hôm ấy có cả nụ cười và nước mắt, nhưng vượt lên tất cả vẫn là niềm vui và hạnh phúc. Đúng như lời chia sẻ của ông Minh: “Không có từ ngữ nào để diễn tả hết niềm vui trong ngày đoàn tụ”. Và cũng từ đây, vợ chồng cụ Tứ quyết định về sống với gia đình người con trai cả sau hơn 60 thất lạc, để cùng bù đắp cho nhau sau gần trọn một đời người. Khi chúng tôi tìm đến nhà ông Minh, cụ Em (mẹ ông Minh) đang về quê Nam Đàn thăm con gái, cụ Tứ đã “nặng” tai nhưng vẫn vui vẻ chuyện trò. Cụ bộc bạch: “Tìm lại được thằng Tùng, niềm vui đoàn tụ đến thật bất ngờ, không thể tưởng tượng nổi, vì không ai nghĩ nó còn sống để có thể được gặp lại. Vợ chồng tôi sẽ sống thọ thêm được mấy tuổi. Đó là món quà cuộc đời ban tặng vì sự ăn ở phúc đức”.

Hỏi về chuyện 61 năm trước, cụ Nguyễn Trọng Tứ cho hay, thuê người mai táng Nguyễn Trọng Tùng xong, ngày hôm sau cả xóm loan tin tối qua có người đem đến cho vợ chồng Cai Vượng một đứa trẻ. Và vợ chồng Cai Vượng đã đem đứa trẻ về quê ngoại ở Thanh Chương để nuôi dưỡng. Nghe tin này, cụ Tứ lúc đó cũng đã thấy ngờ ngợ và linh tính mách bảo một điều gì đó không rõ ràng. Có lúc cụ đã nghĩ rằng hay đứa trẻ vợ chồng Cai Vượng đem đi là Nguyễn Trọng Tùng? Nhưng rồi, nghĩ lại, hôm đó Tùng đã tắt thở ngoài sân, đã thuê người mang đi chôn cất, không có lý gì lại vào tay vợ chồng Cai Vượng. Lúc bấy giờ, cụ Nguyễn Trọng Tứ là chủ tịch xã, công việc bận rộn liên miên nên không có nhiều thời gian để suy xét và xác minh. Và cũng từ đó, trong những đêm dài không ngủ, hình bóng đứa con trai đầu lòng cứ chập chờn ẩn hiện. Càng về già, cụ Tứ thấy đêm như càng dài hơn và hình bóng ấy lại xuất hiện nhiều hơn. Cho đến ngày hay tin có người tìm về xem gia phả, rồi khi biết đích xác đó là Nguyễn Trọng Tùng, người cha ấy đã khóc rưng rức như một đứa trẻ. Cụ Tứ khóc vì niềm vui, niềm hạnh phúc đang vỡ òa...

Ngôi nhà khá khang trang của vợ chồng ông Minh nằm bên Quốc lộ 7A, mọi tiện nghi gần như đầy đủ. Gian đầu cùng, bàn thờ cụ Nguyễn Thị Huấn (bà Cai Vượng) nghi ngút khói hương. Chưa hết tuần bách nhật nên hằng ngày, bà Khánh (vợ ông Minh) lo hương khói và cúng cơm tận tình, chu đáo.

Nghỉ hưu, hai vợ chồng mở cửa hàng kinh doanh hàng ăn, vận tải hàng hóa và chế biến gỗ, mỗi năm thu nhập thu nhập cũng kha khá và cũng giải quyết được việc làm cho hơn 10 lao động. Ông Minh tích cực tham gia công tác xã hội và làm từ thiện, hiện ông đang làm tới 2 chức chủ tịch (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Hội Cựu thanh niên xung phong xã). Hằng năm, vợ chồng ông dành ra một khoản tiền để làm việc từ thiện. Vì thế, gia đình ông Minh được mọi người yêu mến và kính trọng.

Mùa xuân mới đã bắt đầu gõ cửa mọi nhà, đem đến cho mọi người niềm vui và hy vọng. Và mùa xuân này, đại gia đình cụ Nguyễn Trọng Tứ có thêm niềm vui đoàn tụ. Một niềm vui tưởng chừng như bình dị nhưng với các thành viên trong gia đình cụ Tứ phải trải qua gần 62 năm, quãng thời gian quá dài đối với một đời người. Với ông Minh, có lẽ đây là mùa xuân đầu tiên được về với nguồn cội...

Phóng sự của Trà Ngân