Chiến công thầm lặng của tình báo quân đội

09:00 | 20/12/2012

6,405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trái ngược với nỗi lo sợ về sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của B-52 tưởng như có thể san phẳng cả Hà Nội, đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá” như kẻ thù hăm dọa, Tổng hành dinh - nơi Bộ chỉ huy thống soái của cuộc quyết chiến chiến lược vẫn không hề rời Hà Nội. Các tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước có mặt trong thành cổ, ngay dưới hầm chỉ huy để kịp thời xử lý mọi tình huống, ban ra những mệnh lệnh chính xác. Trong 12 ngày đêm tháng Chạp 1972 ấy, điều gì đã xảy ra ở Tổng hành dinh? Một trong số ít người nắm chắc những câu chuyện ấy là Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu)…

“Kiểm định” tên lửa

Trong 12 ngày đêm ấy, ông đảm trách nhiệm vụ trực ban tác chiến phòng không tại Tổng hành dinh. Ông cũng là người được giao nhiệm vụ trực tiếp bấm nút còi báo động mỗi lần B-52 bay vào Hà Nội.

Trong vô vàn khó khăn của việc tìm tòi cách đánh B-52, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, có một cái khó “trên trời rơi xuống”. Khoảng năm 1967 đến 1968, B-52 được Mỹ cải tiến gây nhiễu rất mạnh, gần như kẻ thù “bịt mắt radar” của ta. Không dừng lại ở đó,  ngày 5-6-1967, quân đội Ai Cập choáng váng trong đợt tập kích của Israel, radar không phát hiện được, nhiều bộ khí tài tên lửa của Liên Xô bị thu giữ.

Có những bộ khí tài này, Mỹ đã dày công nghiên cứu và vô hiệu hóa hệ thống chống nhiễu cũng như không còn khả năng điều khiển tên lửa sau khi phóng. Với sự thay đổi “âm thầm” này, quân Mỹ hết sức chủ quan, coi thường tên lửa Việt Nam, coi như đã loại được tên lửa ta ra khỏi cuộc chiến với B-52.

“Trong tác chiến công nghệ cao, nó làm nhiễu, bịt mắt mình thì ai cũng hiểu, địch thì bịt mắt, ta thì vạch nhiễu tìm thù nhưng bây giờ nguy hiểm hơn là ở chỗ cái rãnh của tên lửa. Nó biết tần số, nó nhằm vào cái rãnh, tạo nhiễu vào rãnh là không điều khiển được tên lửa nữa, làm cho đạn rơi xuống. Suốt một thời gian dài, ta bắn tên lửa toàn bị rơi xuống đất là vì thế. Có trận ở Hải Phòng, ta bắn tới 90 quả tên lửa không diệt được máy bay B-52 nào cũng vì thế.

Lại có chuyện một quả tên lửa rơi xuống nhà dân, làm chết cả gia đình, khiến bộ đội ta day dứt lắm. Lúc đó, có nhiều ý kiến chủ quan, vội cho rằng bộ đội ta bị “nhiễu tư tưởng”, nhưng sự thật đâu phải thế” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (trái)

Một bữa, ông Nguyễn Xuân Mậu, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân mời ông Ninh, trên cương vị là Trợ lý tác chiến Phòng không của Cục Tác chiến xuống quân chủng. Ông Mậu chẳng nói chẳng rằng, mời ông Ninh đi thẳng xuống một đơn vị chiến đấu, lệnh mở máy rồi mời ông Ninh vào xem. Nhiễu dày đặc. Ông Mậu nói nhiễu dày cũng không nguy hiểm bằng phóng đạn ra lại rơi ngay xuống đất. Trung đoàn tính toán thấy nhiễu thế không đánh được. Ông Mậu nói, không phải chúng tôi “nhiễu tư tưởng” đâu mà dường như kỹ thuật có vấn đề rồi! Phải nghe bộ đội, giờ anh bảo tôi phóng, tôi phóng ngay nhưng…

Từ thực tế đó, ông Ninh và lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đã đi đến một nhận định hết sức đúng đắn: Phải nghiên cứu nghiêm túc, phải đặt vấn đề với chuyên gia Liên Xô. Đây là một vấn đề tối mật. “Quả tên lửa lên không trung rồi, muốn điều khiển nó, có những lệnh sang phải, trái đều được mã hóa, nó báo cáo về, đài tự động giải mã, lệnh liên tiếp nhưng không công khai, thế mà địch nó biết vì nó lấy được bộ khí tài của Ai Cập, nó nghiên cứu rất sâu… Kiến nghị và nhận định của chúng tôi đã được Bộ Quốc phòng ghi nhận” - ông Ninh kể.

Suốt năm 1968, tên lửa chỉ đánh vu vơ, bộ đội tên lửa lo lắng. Rất may là khi đặt vấn đề với Liên Xô, bạn đồng ý ngay, đưa cả tổng công trình sư của tên lửa sang Việt Nam nghiên cứu. Ông tổng công trình sư có mặt, mắt thấy tai nghe nhiều cú phóng thất bại. Cuối cùng ông đã gật đầu: Phải quyết định cải tiến cả bộ khí tài và cả tên lửa. Cải tiến rất cơ bản. Ông cũng rất khâm phục phát hiện của bộ đội Việt Nam, đây là một phát hiện có tính lịch sử, đã được trả giá bằng máu. Nếu không có cải tiến này, khó mà có chiến thắng B-52 năm 1972.

Thêm một chuyện mà các nhà tên lửa chưa tính đến. Theo thiết kế, các bộ khí tài thường không được cơ động xa, trong khi để đánh máy bay Mỹ, ta cho khí tài cơ động vào Nam ra Bắc, nhiều thiết bị bị “xộc xệch”. Bộ đội Việt Nam đặt vấn đề phải “kiểm định” lại toàn bộ khí tài tên lửa. Phía Liên Xô đồng ý.

“Một ông đại tá đi máy bay, mang cả một phòng thí nghiệm sang, kéo hết khí tài về đo chỉnh, chuẩn hóa lại nhiều thứ tần số, phải mất 3 tháng trời, đến ngày 22/12/1971 mới xong. Như vậy, mình được 3 năm cật lực để chuẩn bị và bước vào 1972 với bộ khí tài đã được “chỉnh sửa”, chúng ta tự tin có thể đánh được các loại máy bay của Mỹ, xử lý được các loại nhiễu. Việc này có công lao rất lớn của các bạn Liên Xô” - ông Ninh khẳng định.

chiếm ưu thế chủ động

Là một cán bộ tác chiến, ông Ninh rất chú ý đến việc vì sao chúng ta không bị bất ngờ trong câu chuyện B-52. Khi đó, mặc dù Richard Nixon dùng “động tác giả”, điện cho ông Phạm Văn Đồng coi như hiệp định đã xong, có thể ký được rồi. Còn Kissinger thì nói hòa bình trong tầm tay. Mỹ còn ngừng ném bom từ cầu Hàm Rồng ra bắc, chỉ đánh khu 4 rất ác liệt để ta tưởng sắp ký đến nơi và giành thế bất ngờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó bận vô cùng nhưng ngày 28/6/1972 đã có buổi làm việc với Tư lệnh Phòng không - Không quân Lê Văn Tri. Ông Ninh cũng được tham dự. Đại tướng nói: “Giờ thì ai cũng có thể dự báo B-52 đánh vào Hà Nội rồi nhưng chúng sẽ đánh như thế nào? Rồi Đại tướng khẳng định ngay, “ta phải đánh lớn” và giao cho Bộ Tổng tham mưu mở chuyên đề về việc này.

Sau 7 ngày chuẩn bị, ngày 6/7/1972, khi địch đang đánh miền Bắc, hội nghị đã diễn ra dưới một tòa nhà 2 tầng, thành phần chỉ có 10 người.

Kiểm tra xác chiếc B-52 đầu tiên bị rơi (ông Nguyễn Văn Ninh đứng giữa phía sau)

Trong số người dự họp, có cả ông Ninh dù khi đó mới mang hàm thiếu tá nhưng ông là Trợ lý tên lửa và trực ban Tác chiến phòng không ở Sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu. Vai trò trực ban tác chiến rất lớn, có quyền báo cáo thẳng Tổng tham mưu trưởng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại cuộc họp bàn cách đánh B-52 ở Bộ Tổng tham mưu hôm ấy, còn có đại diện của Cục Quân báo (Tổng cục 2 ngày nay). Báo cáo tổng hợp về B-52 do ông Phan Mạc Lâm trình bày đã “mở màn” cho hội nghị, làm cơ sở để mọi người thảo luận. “Để có được chiến thắng B-52, vai trò của Cục 2 rất lớn, rất quan trọng nhưng đáng tiếc là công việc rất thầm lặng, đến nay rất ít người biết việc này. Ngay cả các thế hệ cán bộ Tổng cục 2 hiện nay cũng không nắm hết được. Mới đây, nhân kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không, một đồng chí lãnh đạo của Tổng cục 2 đã đến nhà riêng gặp tôi, xin được nghe tôi kể lại chiến công của Cục 2 ngày ấy” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể.

Giữa tháng 4/1972, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ lần thứ hai bắt đầu, 26 vạn người dân thủ đô đã đi sơ tán. Đến chiến dịch 12 ngày đêm, số người đi sơ tán lên đến gần 50 vạn. Các trọng điểm bị đánh phá  ác liệt ở ngoại thành cũng phải sơ tán triệt để.

Trong thời gian chiến tranh phá hoại đến khi B-52 đánh vào Hà Nội, thành phố đã có 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người ở Hà Nội có 3 hầm trú ẩn ở trong nhà, ở cơ quan và trên đường phố.

Để tìm hiểu được thông tin về B-52 lúc đó là câu chuyện khó như mò kim đáy bể. Nhiều ý kiến nêu, để có thông tin, chỉ còn cách cài điệp viên vào không quân chiến lược của Mỹ nhưng thực tế ta không thể làm được chuyện này. Thế mà Cục 2 cũng đã có cách riêng của họ.

Đầu năm 1972, Cục 2 đưa một tổ trinh sát kỹ thuật thuộc Trung đoàn 75 vào Quảng Bình, trèo lên những điểm cao nhất, trang bị cho anh em máy thu tin, ghi chép toàn bộ thông tin của không quân và ngoài Hạm đội 7 của Mỹ, nghe nhiều, nghe kỹ để thu nhận được tin liên quan đến B-52. Có được tin nào phải báo ngay về cho Cục Tác chiến và cho đồng chí Phan Mạc Lâm để Tổng hành dinh xử trí và hành động.

Tại Tổng hành dinh lúc nào cũng có một chiếc bảng đen, phía trên có dòng chữ “Tin cục 2”. Cán bộ Cục 2 đi trinh sát lúc đó phần đông là sinh viên tốt nghiệp đại học, mới được tuyển vào nhưng rất giỏi, tận tụy với công việc, thu được rất nhiều tin, giải mã tốt.

Trở lại với “Hội nghị Diên Hồng” bàn chuyện đánh B-52 tại Tổng hành dinh, báo cáo chuyên đề về B-52 của ông Phan Mạc Lâm dài tới 30 trang, tóm tắt từ tính năng chiến thuật đến bom, nhiễu khiến mọi người rất chú ý. Ông Mạc Lâm cũng được cả bộ chỉ huy hỏi rất nhiều điều. Trong đó, có một câu hỏi thú vị được đặt ra: “B-52 đánh Hà Nội thì đã rõ, nhưng nếu đánh thì nó đánh đêm hay ngày?”. Trước đó, B-52 đã nhiều lần đánh chiến trường phía Nam nhưng chỉ đánh ban ngày. Ông Lâm, bằng sự mẫn cảm của một nhà phân tích đã nói ngay: “Nhiều khả năng sẽ đánh đêm”. Nhận định ấy được đồng tình vì Mỹ đánh đêm thì sẽ loại trừ được không quân ta. Hơn thế, lúc đó, Mỹ rất “khinh thường” tên lửa Việt Nam sau sự kiện Ai Cập, cho rằng đó là loại tên lửa “không ăn thua”, cổ lỗ sĩ.

Tư lệnh Phòng không - Không quân Lê Văn Tri là người phát biểu hăng hái nhất. Ông khẳng định ngay: “Tôi nghĩ rằng nếu B-52 vào, ta có nhiều vũ khí để hạ nó. Tên lửa vẫn đánh được, không quân cũng đánh được, pháo cáo xạ, nếu là loại pháo 100 ly thì khi B-52 bay ở độ cao 10 km vẫn “tóm cổ” được nó”.

Ý kiến của ông Tri được chấp nhận. Sau này, ta đã cho pháo 100 ly tham gia đánh B-52, ở Hà Nội có mấy đại đội công nhân, tự vệ kéo pháo 100 ly ra huấn luyện; ở Thái Nguyên có một trung đoàn pháo 100 ly. Thực tế sau này cũng chứng minh nhận định của ông Tri là đúng, cả 3 loại vũ khí, tên lửa, máy bay, pháo 100 ly đều tiêu diệt được B-52.

Tin chiến thắng từ cột cờ Hà Nội

Số anh em trinh sát ở Quảng Bình đã được điều về Hà Nội để thu tin. Ngày 17/12, Cục 2 báo cáo, 6 hàng không mẫu hạm Mỹ đã di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, ta báo động cho tất cả lực lượng vũ trang miền Bắc sẵn sàng chiến đấu cao. Cán bộ chủ chốt đi phép đều được gọi về. Trung đoàn tên lửa 261 định đi vào Nam cũng được giao nhiệm vụ ở lại phía Bắc.

12 giờ trưa 18/12, anh em đã thấy sóng B-52 “dồn dập lắm rồi” dù trên màn hình radar “chưa có gì”.

16 giờ, ông Mạc Lâm chạy sang Bộ Tổng tham mưu báo cáo đã nhận được điện B-52 cất cánh rồi. Nhiều tốp B-52 từ Guam đến phía đông Philippines, đang tiếp dầu.

50/60 vạn nhân dân Hà Nội đi sơ tán sau trận bom B-52 đầu tiên đêm 18/12/1972

“Lúc đó, tôi dựa vào ba nguồn tin. Một là, tin Cục 2 như đã nói ở trên. Hai là tin từ tổng trạm radar phòng không với bản tiêu đồ mi-ca do trạm 45 của Trung đoàn 291 báo cáo lúc 18 giờ. Ba là, nguồn tin… truyền miệng. May mắn lúc tôi đang trực thì khoảng hơn 16 giờ, ông Phùng Thế Tài đi đâu về đã chạy xuống sở chỉ huy. Gặp tôi, ông Tài nói:

- Ninh, đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng cố vấn đàm phán ở Paris, sau nhiều ngày đấu với Kissinger vừa về nước rồi.

- Thật không anh?

- Thật chứ, tôi vừa đi đón ông ấy ở sân bay Gia Lâm về. Tình hình căng lắm. Nó cắt từ ngày 13 không họp nữa. Cứ tưởng ông Lê Đức Thọ ở đó chờ ý kiến Bộ Chính trị nhưng không ngờ ông Thọ cũng bỏ về luôn. Căng lắm rồi!”.

Cuối cùng ông Tài kết luận: “Cậu phải ở lỳ đây mà trực, nó đánh đấy!”. Ông Ninh đứng nghiêm: “Tuân lệnh”.

Có ba nguồn tin trong tay, ông Ninh hội ý 3 đồng chí trong sở chỉ huy rồi báo cáo Cục trưởng Vũ Lăng, giọng ông run run:

- Căng lắm rồi anh ơi, phải gọi kíp trực ban tăng người!

Ông Lăng nghe tình hình thì đồng ý ngay, điều thêm một số đồng chí nữa vào làm việc, có cả trực ban không quân. 19 giờ, ông Ninh báo cáo Tổng tham mưu trưởng. Ông gọi điện cho Thượng tướng Văn Tiến Dũng, đề nghị cho báo động phòng không sớm 5 phút, khi máy bay cách Hà Nội chưa đến 100 km cũng kéo còi luôn. Ông Dũng đồng ý và nói:

- Tôi sang ngay!

19 giờ 10 phút, ông Ninh tiếp tục báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng rất bình tĩnh chỉ thị:

- Cậu Ninh cứ 5 phút báo cáo tôi một lần!

Tại Tổng hành dinh lúc này, ông Trần Độ là trực ban trưởng ngồi trước mi-crô, bật lên thông báo tình hình. Mọi tiếng nói trong tổng hành dinh sẽ được truyền đến Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng nghe.

“Tôi chạy lại ấn nút còi báo động cho Hà Nội, nó vang lên trên nóc hội trường Ba Đình. Quy định còi đó rú lên thì tất cả các còi khác của Hà Nội đều phải lên tiếng. Hà Nội lúc này có 16 cái còi điện, 500 loa to, rú vang khắp. Hàng loạt điện thoại trong sở chỉ huy, mấy chục cái đều réo lên. Có đồng chí cán bộ cấp cao hỏi “tập hay là thật đấy?”. Chúng tôi lúc đó được tăng cường khoảng 6-7 người, chỉ trả lời một câu: “Mời đồng chí xuống hầm” mà không nói “thật hay giả” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhớ lại.

Lúc đó khoảng 19 giờ 40 phút, việc báo động được thực hiện trước 25 phút, bom rơi và Hà Nội náo động. Một tổ trinh sát được cử lên trực ở cột cờ Hà Nội, có nhiệm vụ quan sát. Nhìn thấy gì thì cứ thế nói như thuyết minh… đá bóng, thông tin sẽ truyền về loa ở Tổng hành dinh. Tôi còn nhớ cậu Trần Đức Thịnh, quê ở Thái Nguyên trong tổ đó.

Khi bom rơi cũng là lúc đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Lê Hiến Mai, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào sở chỉ huy. Cuối cùng là đồng chí Phùng Thế Tài vừa từ đâu chạy về, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Họ phân công nhau điều hành. Lúc này, ông Ninh mới cảm thấy thở được vì cả ngày hôm đó, ông chưa ăn uống gì. Đồng chí liên lạc thấy thế thương quá, dúi cho một thanh lương khô.

20 giờ 30 phút đêm 18/12/1972, vẫn chưa có máy bay rơi. Không khí hầm chỉ huy như ngột ngạt, nóng bỏng. Bỗng từ chiếc loa kết nối với tổ trinh sát trên cột cờ Hà Nội vang lên tiếng nói hồn nhiên của chiến sĩ Thịnh:

- Ối trời! Cái gì rơi kìa! Cháy to, cháy to lắm!

Chiến sĩ ấy đâu biết tiếng nói của anh dội vào sở chỉ huy, mọi người nhìn nhau cười sung sướng. Mấy phút sau, chuông điện thoại từ Quân chủng Phòng không - Không quân réo vang. Tin báo: B-52 rơi rồi, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 bắn rơi rồi. Ông Ninh là người nhận tin, vui sướng đến trào nước mắt. Ông nói với Phó tư lệnh Quân chủng Nguyễn Quang Bích: “Anh báo cáo trực tiếp với anh Văn đi, anh Văn đang mong lắm!”.

Không xa hầm trực ban, hầm Đại tướng ở phía trước, chỉ cách chừng 100 mét. Ít phút sau khi nhận được tin, Đại tướng mừng lắm. Ông leo lên mặt đất. Trời rét đậm nhưng ai cũng thấy khoan khoái lạ thường. Tại tổng hành dinh, mọi người, tướng lĩnh và sĩ quan đều ôm lấy nhau. Ai cũng khóc vì vui sướng.

Trong 12 ngày đêm, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52. Phi công Mỹ bị tiêu diệt 43 tên, bắt sống làm tù binh 44 tên. Phía Mỹ thừa nhận 15 B-52 bị bắn hạ, 5 chiếc hư hại nặng (có 1 chiếc rơi ở Lào), 5 chiếc bị thương nhẹ, 43 quân nhân tử vong và 49 quân nhân bị bắt làm tù binh.

Phía Việt Nam có 2.380 người dân bị chết, 1.355 người bị thương.


Ghi chép của Nguyễn Văn Minh