Bí ẩn huyền hoặc của bùa yêu

06:50 | 27/05/2013

6,350 lượt xem
|
(Petrotimes) - Ở đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vùng núi rừng phía tây tỉnh Quảng Nam, trong các bộ tộc ít người hiện còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, huyền hoặc. Trong số đó, có bí ẩn về “bùa yêu”.

Những sự việc đan xen giữa hư và thực về “bùa yêu” cứ khiến những người miền xuôi đầu tiên đặt chân đến chốn thâm sơn cùng cốc, ở những miền rừng âm u đều phải sợ hãi. Mới đây, trong dịp công tác ở miền núi cao Tây Giang, Quảng Nam, chúng tôi vô tình được những người già trong thôn Bướp, xã A Tiêng kể về những câu chuyện bùa yêu của người Cơ Tu từ bao đời nay.

Những câu chuyện huyền hoặc

Những câu chuyện ly kỳ về "bùa mê, thuốc lú" được lấy từ cây cỏ thiên nhiên khiến con người ta say mê nhau lâu nay chỉ tồn tại một cách đầy mơ hồ trong màn sương huyền ảo giữa rừng già hùng vĩ bao la, hoặc trong những câu chuyện đường rừng nghe ở đâu đó xa xôi.

Một trong những bí mật lớn nhất của đại ngàn Trường Sơn là ngải yêu. Rất ít người biết được những bí mật của bùa yêu. Nhưng có những câu chuyện của chính những người biết bùa yêu cùng loại cây cỏ lạ lùng có tên Ameer đã khiến những người ít tin vào chuyện huyễn hoặc như chúng tôi phải mê mẩn.

Anh Atin Minh, Trưởng thôn Bướp, vừa là người dẫn đường, cũng vừa là phiên dịch viên cho chúng tôi, bởi như anh nói: “Hầu hết người già ở đây đều không biết tiếng Kinh, và cũng chỉ có những người già mới biết bí mật của ngải yêu chứ người trẻ không ai biết cả!”.

Dẫn chúng tôi vượt qua mấy con suối nhỏ, len lỏi vào trong vườn rẫy của bà Bhling Thị Bươn, anh Minh vừa đi vừa nói: “Người Cơ Tu biết nhiều bùa ngải, nhưng chỉ có ngải yêu được nhiều người nghe, chứ ngải độc thì không thể nói cho ai biết được! Bà Bhlinh Thị Bươn ở đây biết nhiều ngải lắm đó!”.

Căn lều chơi vơi giữa rừng chiều sau cơn mưa như buồn hơn, và càng làm cho sự huyền hoặc tăng thêm khi chúng tôi vào nhà bà Bhling Thị Bươn. Cái tuổi hơn 80 của bà Bươn phảng phất trên nhan sắc của một con người đã qua biết bao mùa rẫy khắc khổ. Bà ngồi ăn trầu bên bếp lửa, thấy chúng tôi vào, bà vội kéo gọn mấy thanh củi cháy dở trong bếp lửa cho ngọn lửa bùng lên tỏa ấm căn lều.

Bà Bươn - người biết bí mật của bùa yêu chốn đại ngàn

 

Bà Bươn cưới được chồng nhờ một cây ngải bí mật ở trong rừng, qua phiên dịch Atin Minh, bà kể: “Chỉ cần lá ngải thôi, mang về lấy nước sương trên lá cây, chà nát lá ngải bằng tay rồi thấm nước sau đó lén bỏ vào túi áo quần, dưới chỗ nằm, hoặc xát lên người, thế là sẽ “yêu” cho đến tận lúc chết. Nhưng không được để "nó" biết, nếu "nó" biết sẽ phản tác dụng. Mỗi năm lại phải bỏ ngải một lần và không được để người ruột thịt khác giới "dính" phải ngải thì có tội lắm!”.

Nghe lời kể của bà, từ trước đến giờ bà đã cho ngải nhiều người phụ nữ để lấy chồng như ý, trong đó có một cô con gái bà. Phải mất cả buổi vận động, thuyết phục bằng tất cả sự chân thành, cộng với sự đảm bảo của Trưởng thôn Atin Minh, bà Bươn mới hé lộ bí mật về cây ngải nuôi trong rừng của bà. Với lấy đồ nghề đi rừng, bà bước xuống cầu thang và nói với anh Atin Minh mấy câu bằng tiếng Cơ Tu, chỉ thấy anh Minh gật đầu rồi dặn chúng tôi không được đi theo.

Loanh quanh trong căn lều giữa rừng hơn 2 giờ, bà Bươn trở về và trên tay chỉ có một bụi cây không thân, lá màu xanh hình bản kiếm dài vài tấc, có củ nhỏ giống như loài địa lan. Chúng tôi săm soi xem liệu đó có phải là cây ngải yêu của bà Bươn không.

Anh Minh nói nhỏ: “Chỉ có mình bà Bươn là biết loài cây này sống ở đây, ngoài ra không ai biết cả.” Chúng tôi muốn xin bà một lá để mang về nhờ người tìm hiểu, nhưng nhìn cái cách mà bà phản ứng bằng tiếng Cơ Tu với anh phiên dịch, chúng tôi hiểu mình không được phép làm điều gì đó thất lễ nên chỉ xin được chụp ảnh.

Theo bà Bươn, trong làng có một người được bà cho ngải, đã lấy được người chồng như ý mình là chị A Rất Thị Bình. Đến nay chị Bình hơn 40 tuổi, đã có 3 đứa con. Nghe vậy chúng tôi lại quyết định tìm gặp chị Bình để nghe cho tận tường câu chuyện. Chị Bình kể: Lúc mới 16 tuổi, chị "bắt" chồng nhưng chưa kịp thì chồng chị ngã núi chết trong một lần đi săn. Dùng ngải của bà Bươn cho, chị cưới được người chồng thứ hai. Cách bỏ ngải của bà Bươn cũng đơn giản, chỉ xoa ngải lên tay và lưng "đối tượng" nên dễ làm.

Chị Bình còn cho biết thêm, cách đây khá lâu, bà Bươn cũng cho một số phụ nữ ngải yêu để tìm chồng. Đó là những cô giáo người Kinh ở vùng xuôi lên đây dạy chữ cho đồng bào. Vì ở nơi xa xôi lại khác biệt về văn hoá nên nhiều cô khi được phân về xuôi công tác đã lâm vào cảnh quá lứa lỡ thì. Vì thương các cô giáo nên bà Bươn mới cho ngải yêu đưa về xuôi. Chị Bình cũng không biết các cô giáo có dùng bùa và có hiệu nghiệm hay không.

Giải mã loại cây kỳ lạ làm nên bùa yêu

Già làng Alăng Sân (85 tuổi, ở làng Arhôông, xã A Tiêng, Tây Giang, Quảng Nam) cho biết: "Cây ngải hiện có đến mấy chục loại cùng họ. Trong đó có mấy loại cây có khả năng thông linh giữa con người và tạo hóa, là nguyên liệu chính để người Cơ Tu xưa sử dụng làm bùa yêu, vẫn là điều bí ẩn muôn đời mà chỉ một số ít người biết được. Chính vì câu chuyện nói trên mà việc dùng ngải yêu của người Cơ Tu hết sức nghiêm ngặt và không nhiều người làm được.

Tại ngôi làng này, có một người đàn bà rất giỏi làm bùa yêu, đó là bà Alăng Thị Ahút nay đã 90 tuổi, có 3 đời chồng, 10 con, 14 cháu. Bà từng làm ngải yêu cho hơn chục người phụ nữ Cơ Tu ở nhiều làng, mỗi lá ngải yêu được đổi lấy một tấm tút".

Một lá ngải yêu.

 

Ông Bhriu Liếc, nguyên Trưởng ban Dân tộc - Miền núi huyện Tây Giang khẳng định: "Chuyện ngải yêu là có thật. Đồng bào Cơ Tu, Bhnoong, Xê Đăng ở đây còn có nhiều loại ngải công dụng khác nữa". Một già làng người Cơ Tu cho biết: "Trước đây, cây ngải yêu có một số người trồng bí mật ở trong rừng, người có nhu cầu cần một lá ngải yêu, phải trả giá từ vài con heo hoặc đổi vài tấm tút.

Theo tập quán, ngải yêu chỉ truyền cho người nữ, không truyền cho người nam. Kể từ ngày Cách mạng về vận động đồng bào phát huy cuộc sống văn minh, văn hoá nên cây ngải yêu đã mất dần và đẩy lùi ra khỏi cộng đồng của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn".

Tiến sỹ văn hóa học Trần Tấn Vịnh, Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam cho biết: Theo các nhà khoa học thì các loại thảo dược được đồng bào nuôi trồng, chăm sóc, bào chế và sử dụng theo phương pháp bí truyền, trở thành các loại hiếm có thể trở thành thuốc độc hoặc thuốc để cứu người. Cây ngải, loại dược liệu chính để làm bùa yêu hay bùa độc mà những người dân tộc thiểu số sử dụng có rất nhiều loại và được pha trộn thêm với một số thứ dược liệu khác.

Ví dụ cây ngải rọm có công dụng tránh thai, phá thai, chữa bệnh máu trắng ở phụ nữ. Nhân sâm Ngọc Linh nổi tiếng vốn được phát hiện từ loại ngải được đồng bào gọi là cây "thuốc giấu". Riêng cây ngải yêu lại là một loại ngải đặc biệt. Thực ra loại ngải này được bà con dân tộc làm "bùa yêu" vì nó có chứa chất kích thích tình dục.

Loại hương liệu này nếu biết cách bào chế, sử dụng với các thủ thuật đặc biệt sẽ để lại "mùi" đặc biệt và tạo ra sự "thèm muốn" khó quên, khó cưỡng lại cho người bị bỏ bùa. Vì thế bùa ngải chỉ là xúc tác ban đầu nối kết hai người, còn về sau, thì như quy luật hôn nhân gia đình, sự gần gũi sẽ kết dính thành tình nghĩa, thành hạnh phúc, lúc đó đâu cần đến loại ngải kia.

Câu chuyện bùa ngải từ bao đời nay vẫn là đề tài không ngớt tiếp diễn. Một thứ thần dược được chế tác từ một dược liệu kỳ bí nào đó có thể tạo ra công năng chinh phục bạn tình vẫn vẹn nguyên sự hấp dẫn biết bao người. Cuộc sống đã dạy dỗ con người biết tìm ra những loại hoa, lá, củ, quả hay những con vật, bộ phận con vật để làm ra thứ biệt dược phục hồi, kéo dài, làm sung mãn khả năng tình dục.

Vợ chồng chị A Rất Thị Bình

 

Tiến bộ của nền y học về phụ khoa, nam khoa, lão khoa đã giải quyết được rất nhiều vấn đề về bệnh lý. Trong lĩnh vực tình yêu thì trong quá khứ cũng như hiện tại và cả tương lai nữa cũng còn nhiều vấn đề mà y học, hầu như thời nào cũng bó tay. Chính vì thế con người mới khát khao tìm kiếm thứ biệt dược thần bí để có thể chế ngự được tình cảm luyến ái của con người. Có thể đã hàng trăm năm qua nhiều vùng dân tộc ở nước ta đã có chuyện tìm kiếm, chưng luyện và phù phép cho một số loài thực vật nhằm đạt được khao khát đó.

Đã một thời người ta chưa kịp nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng đã vội vàng chụp mũ cho những “nghệ nhân” tìm ngải luyện bùa là mê tín dị đoan là vi phạm tự do hôn nhân. Do đó đã có những cấm đoán, đe nẹt. Các nhà chế tác bùa ngải bị thui chột dần. Người có nhu cầu sử dụng cũng thưa vắng và ít tin tưởng hơn ở những trò tưởng như là ma thuật, phù thủy đó.

Tuy nhiên, chuyện bùa ngải đã bị huyền bí hoá và nó trở thành một phần trong đời sống tâm linh của những bộ tộc thiểu số. Chính vì bí truyền nên các loại ngải cũng được bao phủ lớp sương huyễn hoặc. Các thầy cúng, thầy pháp lợi dụng ngải, đánh vào lòng cả tin của đồng bào, tạo nên những hủ tục cúng ma, "thổi" bệnh đánh vào lòng mê tín của đồng bào... một số đối tượng lợi dụng nó nhằm gây rối trật tự xã hội, kéo lùi đời sống của đồng bào.

Tiến sỹ Trần Tấn Vịnh nhận xét: "Chỉ đáng tiếc, việc nghiên cứu khoa học để khai thác nguồn thảo dược quý hiếm, bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số các khu vực trên vẫn chưa được thực hiện nhiều và có có hệ thống. Nếu làm được điều này, những loại dược liệu mà bà con đã dùng để làm bùa ngải sẽ là những nguồn dược liệu vô giá!".

Trong xã hội hiện đại cái duyên con người mới là nhịp cầu nối những tình yêu. Bùa ngải chỉ là luyện trong một thời gian là có chất xúc tác kết dính tình cảm nhưng cái duyên của con người thì phải được hình thành nuôi dưỡng đồng hành với suốt chặng đường đời chung sống. Duyên của mỗi con người là thứ bùa yêu.  không mất tiền mua, ai ai cũng có thể tự rèn luyện tạo dựng cho mình có được thứ bùa yêu diệu kỳ đó.

Đường rừng âm u, càng huyễn hoặc hơn khi nghe những câu chuyện ngải yêu giữa chốn đại ngàn Trường Sơn. Chắc chắn ngải yêu sẽ còn mãi những điều bí mật cũng như bản thân tình yêu muôn đời vẫn thế. Vậy cứ để như thế như sự bí ẩn, linh thiêng của đại ngàn, là báu vật chỉ dành cho những con người nơi đây...

 

Hữu Cường