Án tử hình và các phương thức thi hành trên thế giới (Kỳ cuối)

06:00 | 08/08/2013

2,851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/6/2010, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội nước ta đã nhất trí từ 1/7/2011, sẽ áp dụng hình thức thi hành án tử hình mới: Tiêm thuốc độc. Đây là một vấn đề mới đối với nước ta và kể cả đối với nhiều nước trên thế giới.

Việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc ở Việt Nam

Tiêm thuốc độc như thế nào?         

Sở dĩ nhiều nước lựa chọn cách tử hình này vì không tạo ra những cảnh man rợ như đầu rơi, máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn. Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách “chết nhẹ nhàng”, “chết không đau đớn”. Một số chuyên gia y học còn so sánh cách thi hành hình phạt tử tội này giống như người tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.

Để thi hành hình phạt tử hình theo biện pháp này, trước hết cần phải lựa chọn các loại thuốc độc để tiêm cho tử tội.

Phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng 3 loại thuốc chính:

Trước hết là thuốc Sodium thiopental (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Sodium Pentothal) với liều lượng từ 2-5grams. Thuốc này sau khi tiêm một vài giây sẽ làm cho phạm nhân mê man, bất tỉnh, ngủ từ từ.

Tiếp đó là thuốc Pancuronium bromide (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Pavulon) với liều lượng 100 milligrams, với tác dụng làm ngừng hoạt động cơ bắp và thần kinh ngừng hoạt động.

Liều thuốc thứ ba là Potassium chloride với liều lượng 100mEq (milliequivalents), có tác dụng làm tim ngừng đập.

Sau khi tiêm 3 loại thuốc này, tử tội sẽ chết trong vòng 10-15 phút.

Để thực hiện biện pháp này, trước hết tại các trại giam hoặc các tòa án phải xây dựng các phòng tiêm thuốc độc. Đây là một căn phòng được thiết kế gồm 3 phần: một phần dành cho các cán bộ tư pháp như thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y, v.v… ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để dành cho các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm. Đây là là một giường đặc biệt. Tử tội được đặt nằm trên một giường nằm có các hệ thống dây chằng buộc chặt thân và cánh tay, chân tử tội với giường. Các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc độc trực tiếp cho tử tội vào cánh tay.

Một số tiểu bang của Hoa Kỳ và ở các nước có điều kiện kinh tế, cơ quan thi hành án thiết kế các bàn tiêm thuốc độc tự động. Các bác sĩ không phải tiêm trực tiếp thuốc độc vào tay tử tội mà chỉ bấm nút tại các bàn điều khiển. Kim sẽ tự động tiêm vào tay tử tội. Với phương thức này các bác sĩ sẽ ít bị tác động tâm lý hơn so với việc trực tiếp tiêm thuốc độc vào tay tử tội. Vào ngày 8/12/2009, tử tội Kenneth Biros là phạm nhân đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ  được áp dụng tiêm thuốc độc. Sau 10 phút tiêm thuốc vào người, tử tội đã chết.

Phương thức tiêm thuốc độc cho tử tội có nhiều ưu điểm so với nhiều phương thức tử hình khác và vấn đề này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, ngay cả ở Hoa kỳ và nhiều nước tiên tiến cũng xuất hiện nhiều vấn đề sau khi áp dụng phương thức này. Trước hết là nhiều nhà hoạt động xã hội và y tế đã lên tiếng phê bình Quốc hội và chính phủ đã đi ngược lại "Lời thề Hyppoctat” của ngành Y khi các tiến bộ y học được đem dùng vào việc giết người. Hơn nữa với các nước nghèo, không có điều kiện xây các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, các bác sĩ phải tiêm thuốc độc trực tiếp vào tay phạm nhân vẫn xuất hiện các tâm lý nặng nề về việc trực tiếp giết người. Vì vậy các bác sĩ làm việc ở đây thường chỉ sau một thời gian ngắn đều phải chuyển làm các việc khác để tránh mắc bệnh thần kinh. Tại một số nước, do trong một số ít trường hợp các bác sĩ và dược sĩ pha chế thuốc độc không đủ liều lượng làm chết người, tử tội sau thời gian quy định vẫn không chết và vì thế xuất hiện việc phải tiến hành tiêm lần thứ hai.

Để thực hiện tốt phương thức tử hình mới ở Việt Nam

Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/7/2011, Việt Nam  áp dụng duy nhất một phương thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc.

Để thực hiện tốt quy định pháp luật mới này của Nhà nước, có rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, Bộ Công an và các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ ban hành văn bản pháp quy dưới luật để quy định rõ cách thức, phương thức, trình tự tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình. Văn bản này đã quy định rõ chủ thể tiến hành tiêm thuốc độc, các loại thuốc độc dùng để tiêm, trình tự tiêm, cách thức xác định cái chết của tử tội, v.v… Đồng thời cần tổ chức nghiên cứu, khảo sát kỹ kinh nghiệm thực tiễn tiêm thuốc độc trong thi hành án tử hình ở các nước bạn như Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ,v.v… để thấy rõ các thành công, thất bại trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật này ở các nước bạn.

Thứ hai, cần tổ chức tập huấn kỹ về cách thức áp dụng hình thức tiêm thuốc độc cho các bác sĩ pháp y, cán bộ kỹ thuật hình sự, cán bộ trại giam, thẩm phán, kiểm sát viên của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án. Trong các khóa tập huấn này cần thiết phải bổ trợ các kiến thức y học, độc học cho các chức danh tư pháp để có thể thực thi nhiệm vụ thành công.

Thứ ba, tổ chức thiết kế các buồng, phòng thi hành án tử hình tiêm thuốc độc ở các tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm cần thiết xây dựng các phòng tiêm thuốc độc hiện đại, trong đó có áp dụng tiêm tự động, điều khiển bằng điện tử. Thông thường một phòng tiêm thuốc độc gồm 3 khu vực: khu vực chuẩn bị tiêm, khu vực dành cho những người chứng kiến tiêm và khu vực đặt giường nằm dành cho tử tội.

Thứ tư, đối với tử tội đầu tiên ở nước ta sẽ áp dụng hình thức tử hình này, cần tổ chức chuẩn bị kỹ các khâu cần thiết để tiến hành tiêm thuốc độc và tuyên truyền trong nhân dân để thấy rõ các ưu việt của biện pháp tiêm thuốc độc so với các biện pháp tử hình khác. Có thể mời đại diện các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện các tổ chức quốc tế đến dự chứng kiến.

Tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình là một vấn đề mới ở nước ta. Hy vọng việc áp dụng thành công biện pháp tử hình mới này sẽ góp phần thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Nguyễn Xuân Yêm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps