Ai đã tạo điều kiện cho "tòa soạn ảo" 24h hoạt động?

11:58 | 06/06/2013

1,961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trang web ký sinh 24h ăn cắp mồ hôi công sức người làm báo từ lâu nay không chỉ vì có kỹ nghệ "chôm chỉa" mà còn có cả sự “tiếp tay”.

>> 24h 'bắc nồi nấu cháo trên lưng người làm báo'

>> 'Đạo chích' 24h dưới góc nhìn của các Tổng biên tập

>> Giới luật gia: Các báo có thể đồng loạt khởi kiện 24h ra tòa

>> Vì sao 24h có thể 'nấu cháo trên lưng người làm báo' lâu như thế?

 

"Ký sinh" trên nhiều báo chính thống, chẳng mấy chốc 24h trở thành... đại gia!

“Tòa soạn ảo”

Thị trường quảng cáo trực tuyến thực sự đang thu hút nhiều công ty gia nhập. Mỗi doanh nghiệp chọn cho mình một con đường phát triển và trên thực tế, cạnh tranh trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến chưa bao giờ là điều dễ dàng. Trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí thì các công ty truyền thông làm ăn chân chính, tử tế thực sự chật vật.

Các tờ báo cũng vậy, họ phải vất vả với chi phí sản xuất tin bài, chi phí tác nghiệp của phóng viên, vừa phải lo đời sống, vừa phải thực hiện nghĩa vụ chính trị, nghĩa vụ tuyên truyền.

24h đã chọn cho mình một cách nhanh nhất để đói phó với khủng hoảng: “Ăn cắp” mồ hôi công sức của người làm báo – “bỏ qua” trách nhiệm tuyên truyền, nghĩa vụ chính trị mà chỉ tập trung vào thị hiếu, câu khách.

Theo quy định thì những trang web kiểu 24h không được phép có phóng viên tác nghiệp, vậy nên 24h đã lập nên mô hình “tòa soạn ảo”.

“Tòa soạn thực” là tòa soạn có đủ các bộ phận, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ phóng viên đi đến các sự kiện, các cơ sở để thu thập thông tin, lăn lộn tìm hiểu các vấn đề và viết nên một tác phẩm báo chí. Để có được thông tin mới, trung thực và hấp dẫn công chúng, phóng viên phải đi nhiều, phải mở rộng, đầu tư các mối quan hệ, tìm kiếm nguồn tin…

“Tòa soạn ảo” là tòa soạn hoạt động thì chỉ cần các nhân viên nhanh tay, lẹ mắt chỉ cóp rồi dán của báo bạn trở thành sản phẩm của trang mạng cho riêng mình. Các nhân viên của tòa soạn ảo không phải lao tâm khổ tứ, chỉ cần ở trong phòng lạnh, ngồi ghết salon mà cóp nhặt đủ các thứ do phóng viên các báo đi thu nhặt ở khắp nơi. Chưa hết, dòng chữ ghi nguồn rất qua quýt ở phía dưới mỗi bài viết chính là cơ sở để “toàn soạn ảo” phủi hết trách nhiệm khi có sự cố sai lệch về thông tin, phản hồi của độc giả hay tranh cãi, kiện tụng.

"Bán mình" cho "tòa soạn ảo"

Các trang tin điện tử không có quyền hoạt động báo chí, không có quyền xuất bản, đăng tin bài. Vì vậy, thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng các “tòa soạn ảo” mua quyền xuất bản của các “tòa soạn thực” để hoạt động như một cơ quan báo chí chuyên nghiệp. ­

Ví dụ, một trang web A trả cho một tờ báo điện tử B một số tiền (thường là hàng trăm triệu đồng mỗi năm). Trang web A cứ thế tổ chức tin bài riêng và xuất bản, sau đó ghi nguồn cuối bài viết là “Theo B”. Trên thực tế thì bài viết đó không hề tồn tại ở báo điện tử B hoặc bị nhét vào một mục con nào đó “xa xôi hẻo lánh” nhất mà độc giả có tìm cả ngày cũng không thấy.

Về vấn đề ai đã “bán mình” cho tòa soạn ảo, chúng tôi đã thu thập được nhiều bằng chứng và sẽ kiến nghị lên Bộ TT&TT trong thời điểm phù hợp. Thực tế này diễn ra khá ngang nhiên và độc giả có thể dễ dàng tự “khám phá”.

Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm. Đã có thời điểm các trang tin mua quyền xuất bản kiểu này và lũng đoạn thông tin, dối lừa độc giả.

Doanh thu của “kẻ chuyên đi cóp nhặt” lại tăng cao. Những tòa soạn đổ vốn đầu tư cho một tờ báo điện tử không thể chạy đua kịp với “tòa soạn chuyên tổng hợp tin” một cách vô lối.

Vậy nên, cái kiểu hoạt động của 24h lại sống dai, sống khỏe, sống bền bỉ gần 10 năm qua. Cuộc khảo sát gần đây nhất của Kantar Media với 10 website lớn gồm: VnExpress, 24h, Dân Trí, Vietnamnet, Zing MP3, Ngôi Sao, Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online, Nhạc Vui và Nhạc Số đã cho ra kết quả tổng doanh thu khoảng 550 tỉ đồng.

Nhờ cách biết “hút máu đồng nghiệp”, 24h nhanh chóng xếp ở vị trí thứ hai với doanh thu 120 tỉ đồng.

“Con” của “ký sinh làng báo” lại tiếp tục làm… ký sinh làng báo

Nhờ chịu khó đi “ăn cắp” thông tin của những trang báo điện tử chính thống, 24h nghiễm nhiên tự leo lên hàng “đẳng cấp” của trang tin giàu có. Ra đời từ năm 2004, mô hình tòa soạn của 24h như một “lối mòn” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của những người sáng lập.

Nhờ nguồn thu lớn, 24h tiếp tục tham vọng gom thêm lượng độc giả về phần mình để sản sinh ra website hậu thế: “Eva”. Trang web Eva cơ bản vẫn kế thừa quan điểm sống ký sinh của 24h.com.vn. Tuy nhiên, trang web này còn đáng ngại hơn khi chỉ đề cập đến cuộc sống xoay quanh vài mét vuông của chiếc giường.

Độc giả có thể không để ý những những người làm báo đều biết,  loại bài viết về phòng the thường do các “tòa soạn ảo”, các “xáo xào viên salon máy lạnh” nghĩ ra, “phịa” thêm. Nếu độc giả là người tỉnh táo, sẽ nhận ra nhiều tình huống, nhiều câu chuyện sẽ không thể nào có trong thực tế.

Những trang web, những loại bài viết câu khách kiểu này làm cho tư duy, suy nghĩ, ứng xử của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dần dần bị lệch lạc – đây chính là một trong những điều nguy hiểm nhất mà những trang tin “sốc, sex, sến” kiểu như Eva mang lại.

 

.

Nhóm phóng viên Petrotimes

Theo dòng sự kiện:

>> 24h 'bắc nồi nấu cháo trên lưng người làm báo'

>> 'Đạo chích' 24h dưới góc nhìn của các Tổng biên tập

>> Giới luật gia: Các báo có thể đồng loạt khởi kiện 24h ra tòa

>> Vì sao 24h có thể 'nấu cháo trên lưng người làm báo' lâu như thế?