Tòa án trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

09:28 | 14/04/2014

501 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
9h sáng ngày 14/4, phiên xét xử sơ thẩm vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Cát Tường chính thức bắt đầu.

Ngay từ 7h sáng, phía ngoài cổng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung đông đảo người dân đến theo dõi diễn biến phiên xét xử. Người thân của chị Lê Thị Thanh Huyền, bố mẹ, chồng và hai con nhỏ mang theo di ảnh chị Huyền đã có mặt trước cổng Tòa.

Bị cáo Tường (trái) và Khánh trước giờ xét xử.

Hơn 8h, hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh được dẫn giải vào  phòng xử án. Theo quan sát, mặc dù từ lúc được dẫn đến phòng xử án đến khi xét xử kéo dài gần 1 giờ nhưng bị cáo Tường không có biểu hiện lo sợ, vẫn bình thản nói chuyện với những người xung quanh.

Mặc dù vụ án không mang yếu tố “nhạy cảm” nhưng phóng viên báo chí tác nghiệp phải theo dõi qua màn hình.

Có mặt trước thời điểm phiên tòa diễn ra, ông Lê Văn Viễn, bố đẻ chị Huyền cho biết, gia đình không đồng tình với truy tố của Viện Kiểm sát về tội danh của bác sĩ Tường.

Theo ông Viễn, bị can Tường phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người. Hành vi của Tường là quá dã man, coi thường tính mạng khách hàng. Khi nạn nhân nguy kịch, không đưa vào bệnh viện cấp cứu mà lại tìm cách phi tang. Ông Viễn cho biết, trong 3 tháng đầu tiên gia đình đã chi tới 600 triệu đồng để tìm kiếm thi thể chị Huyền từ khu vực cầu Thanh Trì tới tận cửa biển Thái Bình. Cuộc sống các thành viên trong gia đình hoàn toàn đảo lộn vì lo lắng, tuyệt vọng vì không tìm thấy thi thể chị Huyền.

Trao đổi bên lề phiên xét xử, Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói: “Trong quá trình xét xử sẽ xuất hiện nhiều tình tiết mới, quan trọng”.

Con lớn của chị Huyền và di ảnh mẹ.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” theo Khoản 2 Điều 246 và tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Khoản 1 Điều 242 Bộ Luật hình sự. Nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh bị truy tố về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo Khoản 2 Điều 246 và tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 138 - Bộ Luật Hình sự.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hợp. Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường là bà Chu Thị Trang Vân, bảo vệ Đào Quang Khánh có hai luật sư là ông Nguyễn Anh Thơm và Tạ Anh Tuấn. Phía gia đình bị hại Lê Thanh Huyền có luật sư Vũ Gia Trường, Phạm Hương Giang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

9h10: HĐXX thực hiện thủ tục kiểm tra căn cước bị cáo và những người liên quan. 

9h25: Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố đọc bản cáo trạng truy tố bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.

Ngay sau đó, bị cáo trả lời chất vấn của HĐXX.

Trả lời về việc thành lập Trung tâm tẩm mỹ Cát Tường, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cho biết: Trung tâm được bị cáo mở từ tháng 5/2013. Trước khi thành lập trung tâm, bị cáo có tìm hiểu về quy định và biết cần phải có rất nhiều giấy phép liên quan, như Giấy phép Kinh doanh do quận Hai Bà Trưng cấp, Giấy phép hoạt động phòng khám do Sở Y tế Hà Nội cấp, Bằng cấp chuyên môn của những người liên quan... Tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc, trung tâm vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Nguyễn Mạnh Tường trả lời câu hỏi của HĐXX.

 

Từ ngày mở phòng khám đến khi xảy ra vụ chết người, Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đã hoạt động được 3 tháng. Trung tâm có 6 Phòng (Lễ Tân, Tư vấn khách hàng, Thông tin quảng cáo, Spa, Phẫu thuật và Hậu phẫu). Tất cả những việc này do một người phụ nữ tên Lê Thị Thủy Mai phụ trách. Đây là người phụ nữ được người quen giới thiệu. Người phụ nữ này tốt nghiệp Đại học Công đoàn. Về chuyên môn tiến hành phẫu thuật do bị cáo phụ trách, chị Mai phụ trách tư vấn dù không hề có chuyên môn về y tế.

“Chị Mai thường xuyên viết các bài tư vấn, quảng cáo. Khi viết bài, chị Mai có hỏi bị cáo về chuyên môn. Từ những bài viết này, chị Mai vận dụng để tư vấn cho khách hàng” – bị cáo Tường nói.

Nói về hành vi hút mỡ bụng, bị cáo Tường khẳng định, đó là việc làm không được phép. Do quá trình gây mê, gây tê khó và nguy hiểm nên việc này chỉ được làm trong các Bệnh viện của Nhà nước. Tuy nhiên, qua khám xét, thử các phản ứng, hỏi tiểu sử bệnh không bất thường nên “bị cáo liều làm”.

Nói về quá trình hút mỡ nâng ngực, bị cáo Tường nói: “Đầu tiên phải làm xét nghiệm xem bệnh nhân có tiểu sử bệnh hay không và thử phản ứng thuốc (các loại thuốc sẽ dùng trong quá trình phẫu thuật), sau đó tiến hành phẫu thuật”.

Còn về quá trình phẫu thuật cho chị Huyền, bị cáo Tường cho biết, đã tuân thủ các quy định về quy trình hút mỡ, nâng ngực. Khi nạn nhân Huyền đến trung tâm để làm đẹp đã được chị Mai tư vấn.

Khi thống nhất ký hợp đồng hút mỡ bụng và nâng ngực, chị Mai là người đưa nạn nhân Huyền đi chụp chiếu tim, phổi. Các y tá Vân, Hoa hoặc Thư sẽ tiến hành thử test. Bị cáo có hỏi chị Mai thì được trả lời không có vấn đề gì...

“Trước khi tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền, bị cáo tiến hành gây tê vùng bụng và bắt đầu hút mỡ. Bị cáo trích 2 lỗ nhỏ ở hông để đưa ống gây tê và truyền dung dịch gây mê... Sau khi gây mê gần 2 giờ, bị cáo mới tiến hành hút mỡ bụng. Bị cáo thường xuyên học hỏi chuyên môn về gây tê, gây mê và thẩm mỹ làm đẹp (hút mỡ bụng, nâng ngực). Vì sơ suất nên xảy ra hậu quả nghiêm trọng” – Tường trình bày.

Bệnh nhân nguy kịch vẫn bỏ đi lễ chùa

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường nói: “Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ thì kết thúc và chuyển chị Huyền ra phòng hậu phẫu. Khoảng 30 phút, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên báo cho bị cáo hay. Bị cáo liền yêu cầu y tá tiêm một mũi thuốc an thần cho bệnh nhân. Tiêm xong, chị Huyền trở lại bình thường, nên bị cáo cùng với bạn là chị Phạm Thị Hường đi lễ chùa.

Đến 17h45, nhân viên của trung tâm gọi điện thông báo cho bị cáo hay tin, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Bị cáo liền chỉ định cho nhân viên tiêm hai ống thuốc trợ tim loại Adenalin 2ml và 02 ống thuốc dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy và gọi taxi đưa đi bệnh viện. Không an tâm, bị cáo còn gọi điện cho đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai là bác sĩ Nguyễn Quang Thành đến trung tâm cấp cứu chị Huyền.

Tuy nhiên, khi về thì bị cáo vẫn thấy nạn nhân ở trung tâm. Bị cáo thấy bệnh nhân rơi vào tình trạng mặt tím, không có nhịp tim nên bị cáo đặt nội khí quản cho nạn nhân, bóp bóng và xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim, nhưng không có kết quả. Bị cáo cấp cứu khoảng hơn 1 giờ những không thành công. Bị cáo không biết vì sao chị Huyền tử vong.”

10h: HĐXX chuyển sang hỏi chị Bùi Thị Hoa (Y tá Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường). Chị Hoa nói: Tôi chỉ thực hiện việc kiểm tra HIV và thử gây tê nhưng không có biểu hiện gì bất thường. Truyền thuốc gây tê và phẫu thuật do bác sĩ Tường làm. Suốt quá trình phẫu thuật, tôi cũng ở đó. Trong quá trình phẫu thuật, chị Huyền có biểu hiện lên cơn đau. Bác sĩ Tường có bảo đi mua thuốc về để xử lý nhưng không mua được.

Còn Y tá Vân cho biết, trong suốt quá trình phẫu thuật, chị Huyền có biểu hiện lên cơn đau. Bác sĩ Tường bảo tôi đi mua thuốc động kinh. Sau khi đi mua về tôi vào phòng phẫu thuật thì bác sĩ Tường đã hút mỡ bụng xong và bơm lên ngực. Tôi nhìn thấy nạn nhân mắt giật, sùi bọt mép, chân tay co giật. 

Từ những lời khai của hai nhân chứng, HĐXX khẳng định, trong quá trình phẫu thuật, nạn nhân đã có biểu hiện bất thường như chân tay co giật, sùi bọt mép chứ không phải là sau khi kết thúc phẫu thuật mới có biểu hiện bất thường.

“Chị Huyền có biểu hiện co giật, bác sĩ bảo đi mua thuốc động kinh nhưng không mua được. Mặc dù nạn nhân có biểu hiện bất thường nhưng bác sĩ Tường vẫn tiến hành phẫu thuật. Trước đó, trung tâm đã tiến hành 1 số ca với công thức pha thuốc gây tê tương tự nhưng không có biểu hiện bất thường như trường hợp chị Huyền”- y tá Vân nói.

Biết vi phạm y đức, vẫn làm!

Đến 10h15: Đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi bị cáo Tường:

VKS: Sao khi phát hiện chị Huyền tử vong không đưa vào bệnh viện?

Bị cáo Tường: Bị cáo có ý định đưa nạn nhân vào bệnh viện. Bị cáo đưa xác chị Huyền vào Bệnh viện Bạch Mai nhưng thấy đông người nên đưa đến Bệnh viện Bưu Điện.

VKS: Sao không đưa đi ngày mà lại chờ tối mới đưa đi ?

Bị cáo Tường: Do lúc phát hiện nạn nhân chết, ngoài đường rất đông người

VKS: Khi đưa xác chị Huyền ra  ô tô, xác còn ấm không ?

Bị cáo Tường: Xác nạn nhân Huyền lạnh và cứng.

VKS: Bị cáo đưa xác ra ô tô làm gì?

Bị cáo Tường: Để đưa nạn nhân vào bệnh viện.

VKS: Sao không đưa vào viện mà đưa ra sông vứt ?

Bị cáo Tường: Khi đưa đến cổng Bệnh viện Bưu Điện thì thấy đông người nên đứng chờ. Lúc Khánh lên thì bảo mang đi phi tang ở sông. Bị cáo bảo không được làm điều đó. Khánh bảo, nếu trời thương thì thoát nên bị cáo không nghĩ ngợi gì mà chấp thuận luôn.

VKS: Bị cáo là người lớn tuổi, trình độ học vấn cao sao lại nghe một người chưa  thành niên?

Bị cáo Tường: Do lúc đó bị cáo hoảng sợ, không nghĩ gì cả mà làm theo luôn lời Khánh.

VKS: Ngày trước, khi đi học bị cáo có được học về y đức không ?

Bị cáo Tường: Thưa quý tòa, bị cáo có được học.

VKS: Tại sao vẫn vi phạm y đức?

Bị cáo im lặng không nói gì.

10h33: HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Tường. Những loại thuốc dùng trong trung tâm ai là người chỉ định mua ? Bị cáo Tường khẳng định là do mình chỉ định và mua tại một hiệu thuốc ở Phương Mai.

Tiếp đó, y tá Thư cho biết, trong quá trình phẫu thuật nạn nhân Huyền có những biểu hiện bất thường. Bác sĩ Tường bảo với ca phẫu thuật là phải làm nhanh. Các ca bình thường kéo dài 4 tiếng nhưng ca này làm hơn 2 tiếng là xong.

10h45: HĐXX tuyên bố nghỉ giải lao.

10h50: Sau giờ giải lao, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố tạm dừng phiên tòa, trả lại hồ sơ để cơ quan công an thực hiện lại việc điều tra.

PetroTimes tiếp tục thông tin tới bạn đọc...

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc