Thấy gì qua những đại án tham nhũng năm 2013

08:07 | 20/12/2013

2,212 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng lớn trong thời gian qua, năm 2013 được đánh giá là năm "đánh" mạnh vào vấn nạn tham nhũng.

“Bòn rút” tiền của Nhà nước

Trong những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử vừa qua, có một điểm chung là các vụ án đều xảy ra tại các công ty, đơn vị, doanh nghiệp thuộc  Nhà nước quản lý. Vì vậy nên số tài sản bị các đối tượng tham nhũng vơ vét đều là tiền của Nhà nước.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/122013/19/18/IMG_1999.jpg

Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã tham ô và gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho Nhà nước

Qua các vụ án tham nhũng vừa được đưa ra xét xử đều cho thấy những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng trong việc điều hành đường dây tham nhũng bòn rút tài sản của Nhà nước. Ngay như vụ tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Bị cáo Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng Giám đốc công ty ALCII) và bị cáo Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH và xây dựng Quang Vinh) đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để câu kết với nhau ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản để rút tiền của công ty.

Trong đó, ông Hảo và ông Hai đã cấu kết với nhau làm giả chứng từ nâng khống trị giá của bộ máy cần cẩu thủy lực từ 2 triệu USD lên 5 triệu USD, sau đó bán cho ALC II với giá 93 tỉ đồng. Trong vụ này ông Hảo đã bỏ túi 75 tỉ đồng .

Trong một phi vụ khác, ông Hảo thông qua việc ký kết hợp đồng thuê tài chính với doanh nghiệp tư nhân Anh Phương để tham ô 4,9 tỉ đồng của ALC II, tổng số tiền mà Hảo chiếm dụng của ACL II lên đến 80 tỉ đồng.

Không những thế, Hảo còn ký 9 hợp đồng khống với bên ngoài để được giải ngân 621,8 tỉ đồng nhằm dùng để thanh toán các khoản nợ xấu của ACL II. Hành vi cố ý làm trái này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 386 tỉ đồng.

Theo đó, trong vụ án tại ACL II, với vai trò là người đứng đầu bị cáo Vũ Quốc Hảo và Đặng Văn Hai đã chủ động móc nối, bàn bạc và chỉ đạo các bị cáo khác nguyên là cán bộ công ty ALCII cũng như lãnh đạo một số doanh nghiệp ký hợp đồng, làm các chứng từ, lập hồ sơ cho vay... trái với quy định rồi rút tiền từ các hợp đồng này để chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của Nhà nước gây thiệt hại cho ACL II số tiền lên đến hơn 531 tỉ đồng.

Mặc dù số tiền bị tham nhũng không lớn như ở ACL II, tuy nhiên để nói về việc bòn rút tiền của Nhà nước thì có lẽ vụ tham nhũng tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) mới bộc lộ rõ âm mưu của các đối tượng.

Bởi trong vụ án này các đối tượng đã lợi dụng khoảng thời gian doanh nghiệp chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần để thực hiện các thủ đoạn tinh vi trong việc hạch toán thu chi không đúng để lấy tiền của công ty.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ 2002-2006 các đối tượng Nguyễn Thanh Huyền (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) và Nguyễn Bi (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vifon) cùng các đồng phạm đã lợi dụng quyền hạn chức vụ để thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt.

Hành vi của hai bị can này gây thiệt hại cho Nhà nước 14,6 tỉ đồng và cho các cổ đông gần 3,7 tỉ đồng.

Lãnh đạo cũng là người chủ mưu

Có một đặc điểm là trong các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử năm 2013 là đối tượng tham nhũng đều là những người đứng đầu các cơ quan, công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Dựa vào vai trò và quyền lực của người đứng đầu, các đối tượng này dễ dàng chỉ đạo và điều hành thuộc cấp của mình thực hiện các hành vi phạm tội nhằm bòn rút tiền của Nhà nước một cách tinh vi nhất.

Nhìn lại ở cả 3 vụ án tham nhũng lớn vừa được đưa ra xét xử thời gian qua là Vifon và ACL II và vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều thấy rằng, các đối tượng Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Bi; Vũ Quốc Hảo, Đặng Văn, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều từng là những lãnh đạo cốt cán của các đơn vị Nhà nước.  

Ngay như Dương Chí Dũng, còn từng được bầu vào Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương và là đại biểu Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI. Thế nhưng chính bản thân Dương Chí Dũng lại là người chủ mưu, ký quyết định phê duyệt mua ụ nổi và đầu tư Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam gây thiệt hại 366 tỷ đồng, chỉ đạo tham ô 1,66 triệu USD.

Theo đó, từ năm 2007- 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP (Singapore), Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã làm trái các quy định về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển…, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 367 tỉ đồng. Trong vụ mua bán này, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines), Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) và Trần Hữu Chiều (Phó Tổng Giám đốc Vinalines) đã tham ô hơn 28 tỉ đồng. Cụ thể, Sơn đã nhận tiền “lại quả” 28 tỉ đồng rồi chuyển cho Dũng 10 tỉ đồng, Phúc 10 tỉ đồng, Chiều 340 triệu đồng và bản thân chiếm hưởng 7,8 tỉ đồng.

Dù sau khi bị đưa ra xét xử, các bị cáo đã nhận được mức án đúng với hành vi và tội trạng của mình gây ra. Nhưng từ những điều rút ra trong các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử vừa qua có thể thấy công tác quản lý tại các đơn vị, doanh nghiệp của Nhà nước hiện còn khá lỏng lẻo. Đây là khe hở để các cán bộ có chức vụ chủ chốt có cơ hội thao túng và điều hành cấp dưới bòn rút tiền của Nhà nước một cách dễ dàng.

Qua đây, cũng là bài học cho các đơn vị, doanh nghiệp về công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức, quản lý cán bộ cũng như việc quản lý nguồn vốn Nhà nước.

Thùy Trang