Xét xử vụ "quan tài diễu phố":

Sao không thấy Kiểm sát viên?

14:33 | 06/03/2014

1,276 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suốt quá trình trả lời chất vấn của Hội đồng xét xử, các bị cáo bị truy tố về tội giết người trong vụ án “quan tài diễu phố” đều khẳng định: “Suốt quá trình lấy lời khai không có Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân chứng kiến và lời khai đều bị điều tra viên ép cung...".

>> Xét xử vụ "quan tài diễu phố": Cán bộ điều tra mớm cung...!

Khi Chủ tọa phiên tòa Hà Tiến Triển hỏi về hành vi phạm tội của mình, các bị cáo đồng loạt chối tội. Thế nhưng, hồ sơ tại cơ quan điều tra đều thể hiện các bị cáo phạm tội và khai rất chi tiết. Về việc này, các bị cáo Phùng Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Bính và Đặng Quốc Tú đều cho rằng, bị cán bộ điều tra tra tấn, ép cung và ép cung. Kể cả các bản tự khai của các bị cáo đều do cán bộ điều tra đọc cho viết. Bị cáo nào không làm theo sẽ bị đánh hội đồng.

Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn, người bị tuyên mức án tử hình tại phiên sơ thẩm.

Bị cáo Nguyễn Văn Bính (tức Bình Cong) cho rằng: "Toàn bộ lời khai của bị cáo đều do cán bộ điều tra đọc để bị cáo ghi. Khi bị cáo khai tại các bản tự khai khác với bản khai mà cán bộ điều tra mớm cung, liền bị cán bộ điều tra lao vào đánh hội đồng”.

Theo bị cáo Nguyễn Văn Tình và Đặng Quốc Tú, cán bộ điều tra thường xuyên đánh đập bị cáo trong suốt quá trình lấy lời khai. Ngoài ra, suốt quá trình lấy lời khai, bị cáo không hề thấy Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh xuất hiện.

“Khi bị cáo bị bắt và đưa về Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Vĩnh Phúc) có 2 người của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh ở đó. Trước và sau bị cáo đều khẳng định không tham gia vào quá trình truy sát anh Nguyễn Tuấn Anh. Tuy nhiên, khi hai Kiểm sát viên về thì mấy cán bộ công an lao vào đánh hội đồng bị cáo và ép cung” - bị cáo Đặng Quốc Tú nói.

Trước những lời khai của các bị cáo, Luật sư Lê Thị Oanh (Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại) chất vấn các bị cáo. Theo hồ sơ điều tra, các bị cáo bị truy tố về tội giết người, trước khi phạm tội đều là nhân viên của Công ty Linh Giang do ông Trần Khánh Dũng làm Giám đốc. Khi hỏi về việc làm thì bị cáo Nguyễn Văn Tình cho rằng, mình làm nhiệm vụ trông giữ vật liệu xây dựng ở huyện Lập Thạch. Khi phạm tội bị cáo về thành phố chơi. Bị cáo mới vào công ty làm việc được 4 tháng và không ký hợp đồng lao động. Còn bị cáo Đặng Quốc Tú cho rằng: Bị cáo có ký hợp đồng với Công ty Linh Giang để làm nhân viên bảo vệ.

Gia đình bị hại Nguyễn Tuấn Anh tại phiên tòa.

Liên quan đến việc Kiểm sát viên không xuất hiện trong quá trình lấy lời khai, Luật sư Dương Kim Sơn - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, đối với những vụ án trọng điểm, phức tạp, những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm và những trường hợp thấy có thể phải thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì Kiểm sát viên phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền trước khi ký văn bản yêu cầu điều tra. Văn bản yêu cầu điều tra phải được lưu vào hồ sơ kiểm sát một bản. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra của Điều tra viên, bảo đảm các yêu cầu điều tra được thực hiện đầy đủ. Khi thấy có vấn đề cần phải điều tra thêm, Kiểm sát viên kịp thời bổ sung yêu cầu điều tra.

Nếu Điều tra viên đề nghị, Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích rõ nội dung những yêu cầu điều tra. Trường hợp Điều tra viên không nhất trí thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, kiến nghị với Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết. Nếu do điều kiện khách quan mà Cơ quan điều tra không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu điều tra thì phải nêu rõ lý do trong Bản kết luận điều tra vụ án.

Kiểm sát viên cần chủ động bàn với Điều tra viên kế hoạch và đề ra yêu cầu hỏi cung bị can ngay sau khi khởi tố bị can để làm rõ những vấn đề liên quan đến tội phạm đã khởi tố. Nếu thấy việc hỏi cung chưa đạt yêu cầu hoặc có vấn đề mới phát sinh thì Kiểm sát viên tiếp tục nêu yêu cầu để Điều tra viên hỏi cung làm rõ. Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc hỏi cung bị can và việc lập biên bản hỏi cung bị can của Điều tra viên, bảo đảm việc hỏi cung và lập biên bản hỏi cung bị can thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định.

Trong quá trình điều tra vụ án, khi có đề nghị của cơ quan điều tra hoặc thấy bị can kêu oan, lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội, khiếu nại về việc điều tra, có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai bị can, hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng thì Kiểm sát viên trực tiếp gặp, hỏi cung bị can. Trước khi hỏi cung, Kiểm sát viên phải báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra để xin ý kiến chỉ đạo và thông báo trước cho Điều tra viên biết. Sau khi kết thúc điều tra, nhận hồ sơ vụ án từ Cơ quan điều tra chuyển sang, Kiểm sát viên có thể trực tiếp hỏi cung bị can để kiểm tra tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Thiên Minh