Phạt tiền ngoại tình: Nói dễ, làm khó!

07:00 | 02/03/2015

1,353 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, sẽ phạt 1-3 triệu đồng đối với các hành vi ngoại tình - vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo pháp luật Việt Nam. Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này, nhất là đối với người trong cuộc. Bởi lẽ sự không chung thủy là hành vi đạo đức, tình cảm riêng tư không thể lượng hóa bằng đơn vị đo lường là tiền dễ dàng như vậy. Ngoài ra, việc ai sẽ là người bắt quả tang ngoại tình và ai đứng ra phân xử để áp dụng mức phạt còn nhiều điều phải bàn.

Năng lượng Mới số 400

Bốn dự thảo vẫn vướng

Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo lần 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 48 của dự thảo quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng đề xuất mức phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với một loạt hành vi.

Cụ thể, các hành vi đó là: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc vợ.

Mức phạt 1-3 triệu đồng lập tức trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi. Có người còn dám chắc rằng, các quý ông sẽ tình nguyện nộp tiền để thoải mái ngoại tình hay chung sống với người khác.

Cũng theo dự thảo, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, huyện lập biên bản vi phạm hành chính; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt đối với các vi phạm hành chính quy định tại Điều 48 nêu trên.

Chuyên gia tâm lý Tống Thị Thu Hương chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về một người phụ nữ người Nam Định bị khủng hoảng tâm lý sau khi phát hiện chồng ngoại tình. 

Chồng cô đang làm nhân viên ở một công ty bảo vệ đã cặp kè với một nhân viên cùng cơ quan. Kẻ thứ ba trắng trợn đến sống chung với chồng cô và ngang nhiên gửi tin nhắn yêu cầu cô buông tha để hai người họ đến với nhau. Một thân một mình, cô lên Hà Nội bắt gặp cảnh một người phụ nữ xa lạ nằm trên giường của cô. Tuy nhiên, khi cô nói phải trái với kẻ thứ ba, chồng cô còn giơ tay lên tát cô. Cô gái có chồng ngoại tình rơi vào trầm cảm nặng sau sinh. Người chồng vốn làm ăn dư dả nên cam kết cho chu cấp tiền ăn tiêu, sinh hoạt cho mẹ con cô với điều kiện cô không được thường xuyên lên quấy nhiễu cuộc sống riêng của anh ta trên thành phố. Trường hợp này có phạt được không?

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ: “Ngoại tình thì không thể bỏ tù được, tôi nghĩ cũng sẽ khó xử phạt được họ. Bản thân khái niệm sống chung như vợ chồng đã rất mơ hồ. Những người ngoại tình mà không có con cái thì làm sao khẳng định được họ là sống chung? Làm sao để xác định được quan hệ này nếu như họ nói người sống chung chỉ là khách vãng lai? Làm sao để khép những người ngoại tình vào hành vi đó để phạt được 3 triệu đồng? Tôi có nhiều băn khoăn về việc xử phạt này. Tính khả thi của quy định rất thấp.

Ông Hòa nhấn mạnh: “Trong quá trình làm việc, tư vấn tâm lý, những người ngoại tình hoặc có vợ hay chồng ngoại tình thường quan tâm đến vấn đề là làm sao giải quyết khủng hoảng tâm lý, hôn nhân hơn là quan tâm đến số tiền bị mất. Bởi thực tế, nhiều người có tiền còn sẵn sàng cho bồ cả căn hộ đến vài tỉ để lấy nơi chốn đi lại. Vậy 3 triệu đồng có phải là khó khăn với họ?”.

Khả thi thấp - hiệu quả xoàng

Hầu hết những người được hỏi đều bày tỏ quan điểm việc điều chỉnh các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, là cần thiết. Bởi lẽ, gia đình bền vững, ổn định cũng là một thành tố rất quan trọng để xã hội phát triển, các giá trị trong xã hội cũng được đề cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác băn khoăn về tính khả thi của dự thảo nghị định sửa đổi nêu trên.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An bày tỏ: Dự thảo nghị định được sửa đổi với nội dung như trên, vẫn còn khá chung chung mơ hồ và chắc chắn vẫn sẽ khó khả thi khi đưa vào cuộc sống.

“Để cho luật đi vào cuộc sống thì điều khoản phải được quy định rõ ràng, và chế tài phải đủ mạnh. Thực tế, để có chứng cứ người khác có hành vi “ngoại tình” là rất khó. Không phải chuyện thấy hai người đi cùng nhau; ăn cơm cùng nhau; cười cợt tếu táo trêu đùa nhau; gọi điện cho nhau… là có thể kết luận họ vi phạm luật. Nhưng nếu có bằng chứng mà lại chỉ xử phạt 1-3 triệu thì tôi nghĩ không đủ sức răn đe. Đối với vấn đề xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, trước hết là các tổ chức chính trị, xã hội phải tăng cường tuyên truyền giáo dục. Chứ nếu chỉ tính đến xử phạt thì sự lan tỏa trong xã hội không cao”, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An nói.

TS Khuất Thu Hồng

Đồng quan điểm TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội bày tỏ: Dù rằng, điều chỉnh xử lý nhóm hành vi “ngoại tình” là cần thiết. Tuy nhiên, việc thu thập bằng chứng vi phạm có khi lại gây ra rất nhiều những vấn đề đổ vỡ, căng thẳng trong mối quan hệ hoặc vấn đề đạo đức văn hóa cũng cần phải cân nhắc. 

“Mặc dù luật pháp quy định những người đã có vợ, có chồng mà lại có quan hệ “kết hôn” hoặc “chung sống như vợ chồng với người khác” là vi phạm pháp luật. Nhưng thực tế, đòi hỏi cần phải xác định, thế nào là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này - cụ thể là những hành động nào thì được gọi là “ngoại tình”, làm thế nào để thu thập bằng chứng, bằng chứng nào được coi là hợp pháp… Quan điểm cá nhân tôi là không cần thiết thu thập bằng chứng để chứng minh, vì việc này gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho cả hai người. Với một cặp vợ chồng, khi một người bước vào một một quan hệ ngoại tình chỉ những người trong cuộc mới có thể quyết định có nên duy trì quan hệ vợ chồng hay nên chia tay”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt cho biết: Bản chất của vấn đề ngoại tình không phải cứ phạt nặng đến một vài trăm triệu là ngăn chặn được. Nếu chúng ta cứ tranh cãi bao nhiêu là hợp lý thì cũng là câu chuyện dài. Tuy nhiên, mức phạt đó xét ở quan niệm đạo đức, thuần phong mỹ tục là hơi thấp. Mức phạt này chỉ tính răn đe rất chừng mực. Trong khi các hành vi như công chứng sai được các nhà làm luật đề xuất phạt cao hơn mà mức phạt dành cho những hành vi ngoại tình chỉ dừng lại ở 3 triệu đồng thì chưa tương xứng.

Vị luật sư này cho rằng, không hẳn nâng cao chế tài xử phạt là sẽ ngăn chặn được hành vi ngoại tình. Phạt nhiều tiền quá thì sẽ có ý kiến cho rằng đó là tận thu. Nếu như thế việc xử phạt không còn ý nghĩa mang tính giáo dục xã hội nữa. Chính vì vậy, cần áp dụng nhiều biện pháp song song, tránh việc chỉ áp dụng việc phạt tiền. Kèm theo mức phạt tiền có thể áp dụng thêm các chế tài xử phạt bổ sung như thông báo về cơ quan hay nơi cư trú. Đây sẽ là biện pháp hỗ trợ hữu hiệu hơn việc chỉ tập trung vào tài chính.

Thảo Phượng