Lộ diện băng cướp tàu Sunrise 689?

07:00 | 15/10/2014

2,828 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tàu Sunrise 689 gặp phải cướp biển ở ngoài khơi Singapore khiến cơ quan chức năng nhớ đến một kịch bản tương tự đã từng xảy ra. Vụ cướp này có nhiều chi tiết tương đồng đối với tàu Zafirah (quốc tịch Malaysia) mà phía Việt Nam đã giải cứu.

Năng lượng Mới số 365

Hải tặc hút thuốc dán tem Việt Nam

Ông Nguyễn Quyết Thắng, thuyền trưởng đã tường trình với các cơ quan chức năng về sự việc tàu Sunrise 689 gặp nạn. Theo kế hoạch của công ty, tàu Sunrise nhận hàng tại cảng Singapore và trả hàng tại cảng Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị). Sáng 3-10, tàu đang hành trình rời Singapore về Việt Nam.

Khi ra khỏi luồng lúc 3h40 cùng ngày, tàu đang hành trình trên hướng 022’, trong lúc đang tránh va với tàu Container Sea Master vượt bên mạn phải thì có 2 tàu cá bên ngoài và 1 ca-nô cướp biển nhanh chóng tiếp cận bên mạn phải và chúng leo lên tàu. Bọn chúng dùng súng, dao tấn công lên buồng lái, khống chế thuyền viên đi ca Lê Văn Trung cùng thủy thủ Phạm Xuân Lộc và tiếp tục xuống khống chế Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cùng những thuyền viên khác.

Lộ diện băng cướp tàu Sunrise 689?

Tàu Sunrise 689

Sau đó, chúng trói thuyền viên, cưỡng chế tất cả vào trong ca-bin cá nhân của máy trưởng. Ngày đầu, chúng không cho thuyền viên ăn uống. Những ngày tiếp theo, mỗi ngày chúng chỉ cho thuyền viên ăn 1 bữa.

Sau đó, toán cướp biển đã tự điều khiển tàu chạy tới vị trí neo để cướp hàng. Khi chạy tàu, chúng khống chế thuyền viên không cho ra ngoài. Một tàu vỏ sắt chuyên dụng chở dầu cập mạn, Thuyền trưởng Thắng để ý thấy cướp biển có dùng thuốc lá mang tem Việt Nam và khi chuẩn bị bơm hàng, có một tàu cá mang ký hiệu KNF 7858 cập mạn phải mà thuyền viên chỉ nhìn được qua cửa sổ. Còn tàu lấy hàng cập bên mạn trái không rõ tên tàu và số hiệu. Đến 2h ngày 6-10, bọn cướp biển lấy xong hàng và chuyển tàu đi chỗ khác. Thuyền trưởng Thắng đã chỉ huy anh em thuyền viên chống đối, quyết liệt buộc bọn cướp rút đi và anh em đã giành lại quyền kiểm soát tàu.

Sau khi xem xét, kiểm tra thì các thuyền viên thấy toàn bộ trang thiết bị hàng hải trên buồng lái bị phá hủy, còn lại duy nhất một la bàn. Đến 2h30 cùng ngày, tàu tiếp tục hành trình về phía Việt Nam theo kinh nghiệm hải hành của thuyền trưởng. Khoảng 5h30, anh em liên lạc được với công ty báo tin tàu bị cướp, có hai người bị thương. Lúc 7h, tàu Sunrise gặp tàu cá. Ngay trong đêm, tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp cận tàu Sunrise 689 và lai dắt từ khu vực biển Cà Mau về đến phao số 0 thuộc cảng biển Vũng Tàu. Tổ công tác, gồm: Cảnh sát biển Vùng 3, Bộ đội Biên phòng, Công an và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã tiếp cận tàu Sunrise 689 để tiến hành thẩm vấn các thuyền viên, thu thập các chứng cứ điều tra liên quan đến việc tàu Sunrise 689 bị cướp biển khống chế, cướp dầu.

Đại tá Lê Xuân Thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 3 thông tin, các thuyền viên đã tường thuật với tổ công tác về quá trình xảy ra vụ việc. Tổ công tác đã tiến hành thu thập hồ sơ điều tra ban đầu để tiến hành các thủ tục nhập cảnh cho các thuyền viên vào đất liền.

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Đại tá Thanh xác nhận, trong quá trình hành quân tuần tra trên vùng biển thì nhận được thông tin từ Ủy ban Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn quốc gia thông báo về tàu Sunrise mất tích. Lập tức, Bộ Tư lệnh thông báo cho Trung tâm Chống cướp giật và chống cướp có vũ trang châu Á, Trung tâm Chống cướp giật của các nước ASEAN để thông báo về vụ việc của tàu Sunrise 689. Sau đó, tàu Sunrise được tìm thấy và được 2 tàu của Cảnh sát biển dẫn từ phía nam của Hòn Khoai. 

Khoảng 5h sáng 11-10, tàu Sunrise 689 mới neo đậu tại phao số 0 của vùng biển Vũng Tàu. Lực lượng Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng đã thường trực từ chiều ngày hôm trước chính thức tiếp nhận vào sáng 11-10.

Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phân tích: “Bước đầu, chúng tôi xem họ là những người bị nạn. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chủ trì để điều tra làm rõ vụ việc này”.

“Các băng cướp biển táo bạo và nguy hiểm”

Đại tá Trần Công Hiểu đánh giá: “Các băng cướp biển có hành vi táo bạo và nguy hiểm, do đó các thuyền viên có hành trình qua eo biển Malacca hết sức cảnh giác và phải đề phòng”. Đây là lần thứ 2 đồn biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận nạn nhân của vụ cướp biển.

Vụ trước đó xảy ra trên vùng biển nước ngoài đối với tàu Zafirah của Malaysia. Gần 2 năm về trước, rạng sáng 18-11-2012, tàu mang tên Zafizah đi từ cảng Pasir Guaang đến một cảng cũng thuộc quốc gia Malaysia để chở hàng thì gặp sự cố. Khi đi ngang qua hải phận Indonesia, nhóm cướp biển có trang bị súng ngắn và dao lưỡi dài, tấn công các thuyền viên.

Lộ diện băng cướp tàu Sunrise 689?

Các thuyền viên trên tàu Sunrise 689 đã về Việt Nam

Bọn chúng bắt nhốt tất cả các thuyền viên trên một căn phòng và cung cấp một ít thức ăn để sống qua ngày. Lênh đênh trên biển hơn 2 ngày, đến 21h30 ngày 20-11-2012, bọn chúng khống chế 9 thuyền viên (5 người Myanmar và 4 người Indonesia) xuống con tàu cứu sinh. Sau hơn 8 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, nhóm thuyền viên gặp 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cứu vớt. Thông tin của vụ việc được trình báo cơ quan chức năng.

Cùng thời điểm này, Cục Cảnh sát biển Việt Nam nhận được tin của Interpol về việc xuất hiện băng cướp có thể đang lảng vảng trên vùng biển của Việt Nam sau khi cướp tàu hàng. Cảnh sát biển Vùng 3 nhận lệnh từ Cục Cảnh sát biển đã điều động 2 biên đội tàu gồm 5 chiếc tiến hành triển khai đội hình truy bắt những tên cướp biển. Đến rạng sáng 22-11-2012, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện con tàu nghi vấn có màu sơn, tên tàu hoàn toàn khác nên tìm cách tiếp cận.

Lực lượng chức năng Việt Nam áp sát, triển khai kế hoạch khống chế và gặp phải sự kháng cự dữ dội từ những đối tượng trên tàu. Đến 11h cùng ngày, các thuyền viên được phía Việt Nam cứu giúp đã ra con tàu trên để nhận dạng. Thuyền viên phía Indonesia xác nhận đúng là tàu Zafirah bị đánh cướp. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết yêu cầu bọn cướp biển buông súng đầu hàng.

Băng cướp có vũ trang càng hung hãn hơn. Chúng bắn trả về phía lực lượng Cảnh sát biển để tìm đường tẩu thoát. Gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu, tất cả 11 tên bị lực lượng chức năng Việt Nam tóm gọn. Những ngày sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ và trao trả tội phạm cho cảnh sát Indonesia.

Đại tá Hiểu nói: “Theo Luật Tố tụng Việt Nam, tất cả các vụ án xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan chức năng Việt Nam mới điều tra và xử lý. Còn xảy ra ở nước ngoài sẽ được bàn giao cho lực lượng Interpol, các nước sở tại hay những nước có ký hiệp định dẫn độ để xử lý”.

Trong ngày 11-10, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cùng cơ quan chức năng đã thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường một cách tỉ mỉ nhất. Ở các phòng, tài sản và lài liệu bị xáo trộn. Công tác khám nghiệm hiện trường được thực hiện.

Đến nay, vùng biển Việt Nam chưa xảy ra hoạt động cướp biển nhưng lực lượng chức năng luôn sẵn sàng đối phó với hành vi nguy hiểm của bọn hải tặc. Đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển thường xuyên tuần tra các vùng biển Việt Nam và có những biện pháp để đối phó các hoạt động cướp biển có thể xảy ra tại Việt Nam. 

“Đề nghị các phương tiện qua lại trên vùng biển Việt Nam cần có những thông tin kịp thời để lực lượng chức năng của Biên phòng Việt Nam có những phản ứng nhanh, kịp thời để hỗ trợ cho các phương tiện. Đây chỉ là đặt trường đề phòng chứ thực tế chưa có trường hợp hoạt động cướp biển xảy ra tại Việt Nam”, Đại tá Hiểu cảnh báo.

Hưng Long

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc