Ngư dân Thanh Hóa kể lại vụ bị xả súng trên biển

09:54 | 12/07/2013

646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm nhóm người tấn công chúng tôi. Nếu không giải quyết dứt điểm sẽ còn nhiều vụ tấn công khác, không thể lường trước được và mâu thuẫn này nối tiếp mẫu thuẫn khác” - ngư dân Lê Văn Dũng cho hay.

Nạn nhân vẫn nhớ mặt nhóm xả súng tấn công

Một số ngư dân Thanh Hóa đi trên 4 chiếc thuyền đang hành nghề giã cào tại vùng biển thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh (giáp núi Nam Giới, cách bờ khoảng 400m), bị một nhóm đối tượng đi thuyền thúng từ trong bờ ra và áp sát tấn công bằng súng, gạch đá... Hậu quả là anh Lê Văn Chiến (35 tuổi, chủ thuyền) bị đạn bắn sượt bắp đùi, trầy xước nhẹ; anh Lê Văn Đào (55 tuổi) bị gãy hai răng cửa; anh Lê Văn Dũng (30 tuổi, tất cả ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị trúng đạn vào mắt, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội.

Chiều ngày 11/7, phóng viên PetroTimes đã có mặt tại Bệnh viện Việt - Đức, nơi nạn nhân Lê Văn Dũng đang điều trị để tìm hiểu nguyên nhân khiến các ngư dân Thanh Hóa bị tấn công. Sau hai đêm thức trắng trong bệnh viện để chăm sóc chồng, chị Lê Thị Thơm (30 tuổi, vợ nạn nhân Dũng) gầy đi trông thấy. Khuôn mặt xanh xao của người mất ngủ, đôi mắt đượm buồn, chị tâm sự: “Vợ chồng tôi kết hôn với nhau được hơn 10 năm và đã có với nhau 2 đứa con. Hiện 2 cháu đang còn rất nhỏ, trụ cột gia đình là anh Dũng, nhưng anh ấy bị nạn thế này, trong những ngày tới không biết ai sẽ kiếm tiền nuôi gia đình?”.

Chị tiếp lời trong tiếng nấc: “Chồng tôi bị bệnh khớp đau ốm nằm nhà điều trị từ đầu năm đến giờ. Từ đợt anh ấy ốm, một mình tôi phải tần tảo sớm hôm chạy ăn từng bữa nuôi chồng con. Không ngờ khi anh ấy mới đi được hai ngày thì tai họa ập đến. Tôi biết phận gái lấy chồng ngư dân rất vất vả và nguy hiểm, nhưng trời đã định…”.

Nói về tình trạng sức khỏe hiện tại của anh Dũng, chị cho biết: “Từ hôm nhập viện đến nay đã được 3 ngày, các bác sĩ cũng chỉ dừng lại ở việc theo dõi thôi, còn việc có mổ hay không thì chưa ai dám khẳng định. Suốt từ hôm kia đến giờ, chồng tôi kêu đau nhức ở đầu nhưng tôi cũng không biết làm gì hơn. Khi anh tỉnh, tôi chỉ biết an ủi, động viên anh ấy ăn ít cháo, nhưng ăn được bao nhiêu lại nôn bấy nhiêu...”.

“Chồng tôi đang đau âm ỉ ở mắt và vùng đầu, không nói được gì nhiều. Hiện các bác sĩ bệnh viện đang theo dõi để lấy viên đạn ở trong mắt ra. Các bác sĩ bệnh viện cho biết, mắt chồng tôi đã hỏng còn viên đạn đã xuyên thẳng vào đầu, hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi chưa dám mổ vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời cũng thông báo cho gia đình chúng tôi hay, có 2 cách lựa chọn đối với vết thương của chồng mình. Một là, để bảo toàn tính mạng thì phải chấp nhận sống chung với viên đạn đến hết đời, ở trường hợp này sẽ có những biến chứng như thần kinh, trí nhớ... Hai là mổ, với cách này thì khả năng thành công chỉ chiếm 50% và rất tốn kém. Ca mổ sẽ phải chi phí khoản tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Tiền viện phí thì giờ trong tay chỉ có vài trăm nghìn, lấy đâu ra mấy cả trăm triệu phẫu thuật bây giờ. Đầu năm thì đứa con trai đi bệnh viện, giờ lại đến lượt chồng tôi...” - chị Thơm tâm sự.

Còn nạn nhân Lê Văn Dũng, vết thương ở mắt phải đã chuyển sang thâm đen, anh lúc tỉnh lúc mơ. Phải mất hàng giờ ngồi đợi, anh Dũng mới tỉnh và chúng tôi có cơ hội tìm hiểu trực tiếp người trong cuộc. Vừa nói chuyện, bên mắt thâm đen của anh không ngừng rỉ nước ra, anh tâm sự mấy ngày qua anh đau lắm, cảm giác sống dở chết dở, nhưng khi tỉnh táo hơn anh khẳng định: “Không khó để tìm ra hung thủ vì quanh đó chỉ có mấy chiếc thuyền trong một xóm ngư dân, nếu để tôi nhận diện tôi vẫn nhớ mặt nhóm tấn công chúng tôi. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm nhóm người đó. Nếu không giải quyết dứt điểm sẽ còn nhiều vụ tấn công khác, không thể lường trước được và mâu thuẫn này nối tiếp mẫu thuẫn khác”.

Anh Lê Văn Chiến (em họ của nạn nhân Lê Văn Dũng) cho biết: “Tôi cũng là người bị trúng đạn, nhưng rất may bị thương nhẹ. Để có miếng cơm manh áo, anh em chúng tôi phải lặn lội từ quê nhà vào vùng biển Hà Tĩnh đánh bắt cá, tôm. Ai ngờ đang đánh bắt thì bị tấn công bằng súng. Để vào được vùng biển Hà Tĩnh, thuyền của chúng tôi phải chạy khoảng 10 tiếng. Vào tới nơi đúng chiều muộn, anh em vừa đói, vừa mệt. Nhưng thấy cá nhiều anh em chúng tôi bảo nhau thả mẻ lưới đầu rồi sáng ngày mai nghỉ bù.

Tuy nhiên, đến khoảng 0h ngày 9/7, anh em chúng tôi đang chuẩn bị đồ nghề để kéo lên, bất ngờ thấy xuất hiện khoảng 7-8 người ngồi trên thuyền thúng chèo về phía chúng tôi. Khi đó họ vừa đi ra, vừa hô: "Bắn chết hết lũ khốn này đi, không cần nói nhiều!". Tưởng nhóm người ấy dọa, không dám làm, nên anh em chúng tôi không chạy. Nhưng nhóm người này vừa đến gần thuyền chúng tôi đã nổ súng loạn xạ, đồng thời ném gạch vào phía chúng tôi. Rất may, nhóm người này chỉ  nã đạn, ném gạch một hồi rồi tháo chạy vào bờ”. 

 

Anh Lê Văn Dũng vẫn đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức

“Tôi chạy ra ngoài, lúc này trước mắt tôi mỗi người nằm một góc, ai nấy đều bị thương. Lập tức tôi lấy thuốc, băng bó… cầm máu cho các anh em bị thương, đồng thời bảo anh Độ, người may mắn không bị thương lái thuyền vào bờ để đưa anh em đi cấp cứu. Mấy tiếng sau, chúng tôi mới đưa được anh em vào bờ, trên đường đi va chạm với một thuyền khác, bị họ thu giữ đồ nghề hết cả rồi. Vào đến bờ, chúng tôi tự dìu nhau rồi nhờ người dân hướng dẫn đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu” - anh Chiến nhớ lại.

Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Tĩnh điều tra làm rõ

Ngày 10/7, Đại tá Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45, Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Công an tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương truy bắt các đối tượng đã gây ra vụ hỗn chiến trên biển thuộc địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đêm mùng 8, rạng ngày 9/7. C45 cũng đã cử cán bộ nghiệp vụ phối hợp với công an địa phương này điều tra vụ án.

Hiện Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc một số ngư dân Thanh Hóa bị tấn công bằng súng khi đánh bắt trên vùng biển Hà Tĩnh.

Khi các ngư dân Thanh Hóa bị tấn công có liên lạc với ông Trần Minh Sửu (ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), người chuyên thu mua hải sản của nhóm ngư dân Thanh Hóa. Nhận được thông tin cầu cứu, ông Sửu đã hướng dẫn họ chạy vào bờ (Cửa Sót - xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) rồi đưa đi bệnh viện, đồng thời cấp báo với cơ quan chức năng.

Trả lời trên báo chí, ông Trần Minh Sửu cho biết: Trước khi xảy ra vụ việc, ông có nghe một số ngư dân ở xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) kể khi thả lưới ngoài khơi thường bị mất, họ nghi ngờ có ai đó lấy trộm nên rất tức giận. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự việc này.

Còn theo ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, có thể nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa người dân làm nghề thả lưới ở xã Thạch Hải với nhóm ngư dân làm nghề giã cào người Thanh Hóa. Bởi có thông tin là người dân xã Thạch Hải không đồng ý việc các ngư dân Thanh Hóa đánh bắt ở đây vì lưới đánh bắt thường bị mất.

Theo nhiều ngư dân xã Thạch Kim (Lộc Hà) khẳng định, việc truy sát diễn ra trên vùng biển của xã nhưng không phải do ngư dân xã gây ra. Ngư dân Thạch Kim không mâu thuẫn gì với nhóm ngư dân Thanh Hóa. Nhóm người tấn công chắc là của các xã khác chuyên đánh bắt ven bờ.

 

T. Minh – T. Huyền

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc