Năm có nhiều “đại án” – nên lo hay nên mừng?

11:43 | 25/12/2013

883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013 khép lại với nhiều dư âm, nếu nói đến những dư âm khiến dư luận trăn trở nhất có lẽ là những đại án tham nhũng và án oan 10 năm vẫn còn phần kết để ngỏ. Nhiều người nói rằng năm có nhiều đại án là năm không vui, thậm chí là báo động nhiều điều lo ngại. Thế nhưng rất nhiều người khác lại cho rằng phải mừng mới đúng, bởi điều đó thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật ngày càng được thực thi nhiều hơn ở các cấp, các vùng miền.

Cựu Cục trưởng và những món nợ khổng lồ

Ngày 12/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa vụ đại án về tham nhũng xảy ra tại Vinalines ra xét xử. Đối tượng chính của vụ án là cựu Cục trưởng Cục Hàng hải, cựu Chủ tịch HĐTV Vinalines Dương Chí Dũng. Trước đó, trong quá trình chạy trốn pháp luật của Dương Chí Dũng đã kéo theo em trai mình cũng vướng vòng lao lý…

Câu chuyện về món nợ khổng lồ mang tên Vinalines đã bắt đầu từ những năm trước. Nhưng đến thời điểm cuối năm 2013, “nhiệt độ” của nó vẫn nóng hổi. Bởi lẽ hậu quả mà Vinalines để lại cho nền kinh tế đất nước trong giai đoạn khó khăn chung là quá nặng nề, với món nợ lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Và người chịu trách nhiệm chính trong việc này là Dương Chí Dũng. Vốn là con trai cả của nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng, ông Dương Chí Dũng có tiến trình “quan lộ” xuất phát từ thấp điểm do hạn chế trong học hành, nhưng lại nhanh chóng “thăng tiến” nhờ biết cách dựa bóng người cha. Sau khi đi xuất khẩu lao động tại Đức, Dương Chí Dũng vào làm tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải phòng.

Dương Chí Dũng và đồng bọn trước vành móng ngựa

Đầu năm 1994, ông về làm cán bộ tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (lúc đó là Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét), cũng trong năm này ông được đưa về Công ty nạo vét sông 1 làm phó giám đốc. Sau đó, Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty nạo vét sông 1, rồi trở thành Tổng Giám đốc TCty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Trong thời gian làm TGĐ Vinawaco, vị lãnh đạo này đã để đơn vị liên tục rơi vào thua lỗ nặng nề, đơn thư kiện cáo khắp nơi.

Trước tình hình bi đát đó, tiến sĩ kinh tế  Dương Chí Dũng vẫn tìm được cách leo lên một vị trí cao hơn, quyền lực hơn, đó là làm TGĐ rồi Chủ tịch HĐTV Vinalines. Vẫn “kịch bản cũ” - khi Vinalines  liên tục thua lỗ, món nợ cả nghìn tỉ đồng bắt đầu vỡ lở thì Dương Chí Dũng lại tìm cách leo lên vị trí cao hơn nhằm thoát thân. Ông tiến sĩ này được Bộ GTVT bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Nhưng đến lúc này thì cơ quan điều tra đã lần ra những sai phạm và ra quyết định bắt giam vị tiến sĩ để điều tra.

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ những hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản của Dương Chí Dũng tại Vinalines bao gồm: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc phê duyệt đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng; cố ý làm trái và tham ô trong việc mua ụ nổi N83 gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 400 tỉ đồng. Trong thương vụ này, ông Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD chia nhau.

Lần theo số tiền tham ô của Dương Chí Dũng, cơ quan điều tra phát hiện cựu Cục trưởng dùng một phần không nhỏ để bao “bồ nhí”. Nhưng đáng nói hơn cả là những tội lỗi của Dương Chí Dũng đã kéo theo sự sụp đổ của gia đình họ Dương vốn khá danh giá ở Hải Phòng. Khi biết anh trai mình sẽ bị bắt giam, em trai Dương Chí Dũng là đại tá Dương Tự Trọng - lúc đó đang là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC, nguyên Phó GĐ CA TP Hải Phòng đã làm liều khi tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài. Vụ việc vỡ lở, ông Dương Tự Trọng và các “đệ tử” thân tín bị bắt giam về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Không dừng ở đó, những việc làm của Dương Chí Dũng cũng làm liên lụy đến đại tá Nguyễn Bình Kiên - Phó GĐ CA TP Hải Phòng, đồng thời cũng là em rể của Dương Chí Dũng, khiến ông này cũng bị khai trừ Đảng, cách chức và về hưu sớm.

Trưởng phòng giao dịch lừa được 4.000 tỉ đồng

Nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã sử dụng 8 con dấu giả để lập chứng từ, hợp đồng chiếm đoạt số tiền “khủng” của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân. VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP HCM, về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng

Liên quan đến vụ án, 21 bị can khác cũng bị truy tố theo các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP HCM và TP Hà Nội. Trong số này có hơn 13 đối tượng nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng cùng thuộc Vietinbank và phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP HCM.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Như đã thuê làm giả 8 con dấu để tạo lập các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỉ đồng. Võ Anh Tuấn bị cáo buộc đã giúp Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng gửi thông qua một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Bị can Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Chi nhánh TP HCM đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến Ngân hàng VIB vay hơn 480 tỉ đồng mà không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo dẫn đến việc Như lừa đảo, chiếm đoạt 180 tỉ đồng.

Cựu lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính II nhận án tử hình

Giữa tháng 11/2013, TAND TP HCM đã tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (58 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALC II, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) mức án tử hình về các tội Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Đặng Văn Hai (56 tuổi, cựu chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) cũng nhận mức án tử hình vì là một mắt xích quan trọng, tiếp tay cho những sai phạm của Hảo để trục lợi một số tiền lớn từ công ty ALC II, nên cũng phạm 3 tội trên và mắc thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Hảo đã thông đồng với cấp dưới và móc nối với nhiều người bên ngoài ký khống các hợp đồng nhằm chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền lớn của nhà nước. Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, đã khắc phục một phần thiệt hại… nhưng HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết phải loại bỏ ra khỏi xã hội. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, ông Hai buộc phải bồi thường 133 tỉ đồng; ông Hảo bồi thường 8,8 tỉ đồng cho ALC II. Đồng thời 2 bị cáo phải liên đới bồi thường thêm 33 tỉ đồng cho công ty này. 

Được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên bị cáo Nguyễn Văn Tài (54 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc ALC II) chịu án 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (thấp hơn so với mức đề nghị của VKSND là từ 18 đến 20 năm). Ngoài ra còn có 8 bị cáo khác nguyên là cán bộ của Công ty ALC II và giám đốc của một số doanh nghiệp tư nhân phải nhận từ 3 đến 14 năm tù về cùng tội danh trên. Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong phạm vi vụ án này được cơ quan chức năng xác định là hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên, thiệt hại thực tế mà Hảo và đồng phạm gây ra còn lớn hơn nhiều và vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục thu thập tài liệu, xác minh và xử lý sau.

72 năm tù cho “đại án Vifon”

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án tổng cộng 72 năm tù cho 5 bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon). Theo đó, Nguyễn Thanh Huyền – nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Vifon, người được các cơ quan tố tụng xác định đóng vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện, đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của mình để tổ chức chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lập các chứng từ, thu chi khống để chiếm đoạt gần 11 tỉ đồng (cả vốn của Nhà nước và vốn cổ đông).

Đồng thời, Huyền còn là đồng phạm tích cực nhất, giúp sức cho Nguyễn Bi chiếm đoạt số tiền 2,283 tỉ đồng vốn của cổ đông. Nguyễn Bi – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vifon đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, chỉ đạo cho Huyền chuyển số tiền 2,283 tỉ đồng vốn của cổ đông vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã xác định được Bi còn có hành vi “cố ý làm trái…” khi tự ý chuyển 290.000 USD số tiền từ quỹ khen thưởng của Vifon sang chia cho cá nhân, và một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Công ty, gây thiệt hại cho ngân sách gần hơn 4,7 tỉ đồng.

Không chỉ có vậy. Bi còn ký hàng loạt các phiếu chi thưởng khống, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,5 tỉ đồng. Tổng số tiền mà Bi đã gây thiệt hại là hơn 8,2 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại như Đàm Tú Liên (nguyên Kế toán trưởng), Dương Thị Mẫn (nguyên Kế toán thanh toán), Ka Thị Thu Hồng (nguyên Thủ quỹ) được xác định đóng vai trò giúp sức cho Bi và Huyền thực hiện các nguyên tắc thu chi sai quy định kế toán, bản thân không được hưởng lợi ích vật chất gì từ những việc này nên chỉ bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” với vai trò đồng phạm.

Đây được coi là một trong 10 vụ đại án tham nhũng điểm của Việt Nam, đã được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương yêu cầu các cơ quan thực thi tố tụng sớm hoàn thành hồ sơ, đưa ra xét xử.

Án oan 10 năm và cái kết còn bỏ ngỏ

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Trần Đình Hồng đã nói về vụ án oan xảy ra trên địa bàn tỉnh mình: “Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là một vụ việc hết sức đáng tiếc trong quá trình tác nghiệp của lực lượng công an. Như đồng chí Trương Hòa Bình có trả lời trước Quốc hội, hằng năm các cơ quan tư pháp giải quyết trên 100 vụ, riêng Công an tỉnh Bắc Giang chúng tôi giải quyết gần 700-800 vụ việc. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, rất đáng tiếc là có sai sót trong quá trình tổ chức điều tra, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan. Đây là việc chúng tôi cũng thấy cần nghiêm túc kiểm điểm”.

Vụ án oán của ông Nguyễn Thanh Chấn gây nhiều bức xúc dự luận

10 năm ngồi tù và không một ngày từ bỏ mong muốn được minh oan, cuối cùng ông Nguyễn Thanh Chấn cũng được trở về nhà khi mẹ già đã mất, người vợ sau nhiều năm đi khắp nơi kêu oan cho chồng đã bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, con cái không được ăn học đàng hoàng… 10 năm phải gánh tiếng oan về tội sàm sỡ và giết người phụ nữ cùng làng, ông Chấn trở về và lên tiếng tố cáo các điều tra viên đã đánh đập, ép cung ông. Đó là những “tố cáo động trời” khiến dư luận bức xúc. Với nhiều người, điều bức xúc hơn cả là kết quả hành trình kêu oan của ông Chấn lại phụ thuộc phần nhiều vào sự tự thú của hung thủ thực sự và nhờ có sự tận tâm của các cán bộ điều tra Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao, chứ không phải các cơ quan chức năng trên địa bàn cư trú của ông Chấn.

7 cán bộ điều tra năm xưa đã phải làm tường trình, nhưng không ai nhận đánh đập, ép cung ông Chấn cả. Được biết, các cán bộ đó gồm: Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành. Trong đó, ông Thái Xuân Dũng hiện là Chánh thanh tra Công an tỉnh. Ông Lê Văn Dũng, chỉ huy điều tra vụ án, đang là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ông Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật đang là Phó trưởng Công an huyện Lục Nam và huyện Việt Yên. Ông Nguyễn Trung Thành giờ là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng.

Vụ án của ông Chấn sẽ được xử lại trong thời gian tới và “hồi kết” của án oan 10 năm hiện vẫn đang bỏ ngỏ”.

Huyền Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc