Có hay không nhiều văn bản trái luật được ban hành để phục vụ lợi ích nhóm?

09:07 | 20/06/2014

5,722 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa đầy hai năm đã có tới 312 văn bản trái luật bị “tuýt còi” gây tốn kém nhiều tỷ đồng mà không đảm bảo tính khả thi. Dư luận thêm một lần đặt ra câu hỏi về nghi vấn trong công tác kiểm tra dẫn đến ban hành văn bản vô tội vạ.

Văn bản 1042 yêu cầu nhà báo “chụp ảnh CSGT phải xin phép” đã bị thu hồi (ảnh minh họa).

 

Thực tế, tình trạng ra văn bản sai rồi rút lại, sửa chữa nhiều lần, tốn kém nhưng thiếu tính khả thi vẫn liên tục xảy ra. Có thể kể đến văn bản quy định việc “ngực lép” không được điều khiển xe máy hoặc mẹ Việt Nam Anh hùng đi thi đại học được cộng điểm; thịt tươi sống bảo quản trong nhiệt độ bình thường chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ; xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên; cấm người chống tiêu cực phát tán thông tin … đã phải “hủy” do vấp phải phản đối từ dư luận.

Cụ thể, theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ năm 2014, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số 1.574 văn bản được kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản trái pháp luật. Trong đó có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung.

Dù đã có Luật, nhưng nhiều văn bản được ban hành trái luật, thiếu khả thi.

Với 54 văn bản sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến; có 4 văn bản chưa phù hợp lệnh và pháp lệnh, còn lại chưa phù hợp với Nghị định và pháp lệnh của Chính phủ. Ngoài ra, còn một số không phù hợp quy định thực tiễn và khả thi.

Tại buổi làm việc ngày 12/6 vừa qua, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Tôi muốn đề nghị đồng chí giải thích 312 văn bản này, trong này nói có những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Bây giờ hướng dẫn như thế, đem ra áp dụng, nếu không áp dụng, không thi hành thì không được. Nếu thi hành lại vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Cơ quan tư pháp của chúng ta có thể xử tội vi phạm pháp luật.”

Trả lời chất vấn trên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Thực trạng” đó là không thể chấp nhận. Về nguyên tắc các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật không được trái với Hiến pháp và luật. Tình trạng ban hành văn bản sai, trái so với quy định của Hiến pháp và luật, có những văn bản đã ban hành rồi, nhưng phần nhiều mới chỉ là dự thảo, khi vấp phải phản ứng, góp ý từ dư luận cơ quan chức năng đã tiếp thu và điều chỉnh.

“Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để giao cho Tòa án Tối cao khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các bộ hoặc các địa phương trái với Hiến pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Và khi cơ quan nhà nước cấp bộ trở xuống cho đến cấp địa phương khi ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho công dân và doanh nghiệp thì có thể bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại.” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành mà lại sai luật sẽ dẫn đến xã hội không nghiêm.

 

Còn nhớ, tại phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến của cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Vậy có hay không tình trạng này trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và việc một số văn bản của các Bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp, trừ việc xây dựng thông tư và thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tốt. Bộ trưởng Cường cho rằng, một số nghị định thời gian qua người dân quan tâm như về kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... Chủ trương rất rõ và lộ trình, bước đi rất chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.

“Với quy trình chặt chẽ như vậy thì có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, tất nhiên không loại trừ khả năng sơ hở”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Trao đổi thêm với PV về nội dung này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương nhận định: Trả lời chất vấn về vấn đề “văn bản ban hành sai luật, thiếu tính khả thi”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhìn vào sự thật, nói đúng sự thật – văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay còn nhiều “vấn đề”.

“Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, nên ai là người ra những văn bản sai luật đó, thì chính là những người chịu trách nhiệm chính. Về tổng thể, thì đây là trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan lãnh đạo và cơ quan chức năng liên quan. Vấn đề này, cũng đã được nhìn thẳng, nói thật tại diễn đàn Quốc hội. Bây giờ việc còn lại là thực hiện các biện pháp khắc phục như thế nào thôi.

Văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành mà lại sai luật, thiếu tính khả thi thì xã hội không nghiêm. Người nghiêm túc, có ý thức chấp hành pháp luật sẽ không biết đường nào mà làm. Trong khi người làm ăn khuất tất, lại lợi dụng những kẽ hở để trục lợi, mà không bị trừng trị, sẽ làm hư đi cả đội ngũ công quyền. Tất cả những điều này đều dẫn đến chỗ người dân phải chịu khổ. Một xã hội mà không nghiêm, kỷ luật lỏng lẻo, dẫn đến người dân nhờn luật, tùy tiện, thì rất nguy hiểm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng nhận định về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng chính vì sự phân định trách nhiệm thi hành luật giữa các cơ quan chưa rõ ràng nên xảy ra nhiều bất cập. Ông Quyền nói: “Có thể thấy trách nhiệm thi hành luật giữa các bộ, ngành với nhau và giữa các bộ, ngành và địa phương và giữa các cấp địa phương là chưa được phân định rõ như việc triển khai thi hành các quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ môi trường, Luật hành nghề y dược... Trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường vừa rồi xảy ra chúng ta thấy rất lúng túng phân giữa chính quyền địa phương và Bộ Y tế. Việc tổ chức thực hiện luật thường chậm, không đồng bộ và thiếu cương quyết nhất là thiếu các địa chỉ cụ thể khi sự việc liên quan đến trách nhiệm xảy ra.

Ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) cho rằng phải xác định trách nhiệm bồi thường khi ban hành văn bản trái luật.

 

Còn ĐBQH Chu Sơn Hà thẳng thắn nhận định trong thời gian qua, một số ủy ban thường thẩm tra luật “chay”. Tất nhiên, cũng có một số ủy ban, một số dự án luật được khảo sát trước khi tổ chức thẩm tra, nhưng quá trình thẩm tra phải có khảo sát, đánh giá, từ đó có thực tiễn để thẩm tra các dự án luật chất lượng hơn.

Ông Hà mong muốn các cơ quan của Quốc hội cần chủ động thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, khắc phục tình trạng “thẩm tra chay” với thái độ kiên quyết hơn. Nếu dự thảo luật không bảo đảm chất lượng, kiên quyết không trình ra kỳ họp Quốc hội.

Bàn về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp do văn bản trái luật gây ra, ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: “Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước trong việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Đồng ý đây là việc cực kỳ khó, ít nơi dám làm. Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền”.

 

Thảo Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc