Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an: Điều tra làm rõ phạm pháp trong ngân hàng, tiền tệ

09:58 | 25/08/2012

3,383 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình hình tội phạm kinh tế được khám phá nhiều hơn, nhiều vụ án lớn được khám phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi có phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng cục Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về vấn đề này.

Thưa đồng chí Cục trưởng, đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình tội phạm kinh tế trong thời gian vừa qua?

Do nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do đó, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến kinh tế nước ta, làm cho kinh tế nước ta gặp khó khăn nhất định. Cùng với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có thắt chặt tín dụng làm cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn, nhất là vốn vay gặp nhiều khó khăn và qua đó cũng bộc lộ, phát hiện ra nhiều vụ vi phạm pháp luật về kinh tế với hậu quả lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã chủ động, quyết liệt ra quân để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm, do đó số vụ phạm tội kinh tế phát hiện nhiều hơn 6,1% so với cùng kỳ năm 2011.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác phòng chống tội phạm kinh tế vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tình hình tội kinh tế trong một số tập đoàn, tổng công ty làm thất thoát lớn tài sản gây bức xúc dư luận xã hội. Tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại có dấu hiệu gia tăng, nhất là buôn lậu vàng, ngoại tệ, thuốc lá điếu và các mặt hàng tiêu dùng qua biên giới, buôn lậu quặng, khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, khí đốt diễn ra phức tạp.

Tội phạm kinh tế với các giao dịch thông qua giao dịch điện tử (tội phạm công nghệ cao) cũng diễn biến phức tạp, với số lượng bị hại rất lớn, khó thu thập và điều tra.

Thưa đồng chí, một trong những lĩnh vực kinh tế mà người dân, Nhà nước và dư luận trong và ngoài nước quan tâm là tội phạm trong lĩnh vực Ngân hàng, thì Cục Cảnh sát kinh tế đã triển khai như thế nào?

Quán triệt Nghị quyết 11 của Chính phủ về 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, đảm bảo an sinh xã hội và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động phối hợp với các lực lượng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế các tỉnh, thành phố làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các tội phạm kinh tế nói chung và vi phạm, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng để góp phần làm cho “mạch máu” kinh tế của đất nước hoạt động lành mạnh, vì lợi ích của người dân, quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Việc này chúng tôi đã có kế hoạch và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an triển khai mạnh mẽ nên sau khi Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ được ban hành, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã tập trung chống mua bán trái phép vàng, ngoại tệ, rồi chống vi phạm trần lãi suất. Hiện nay chúng tôi tập trung quan tâm đến hồ sơ, thủ tục cho vay, sử dụng vốn huy động... để phòng ngừa, phát hiện tội phạm, vi phạm. Điển hình của tội phạm này phải kể đến vụ phạm tội của Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà Bè, Huỳnh Thị Huyền Như, Chi nhánh Ngân hàng Công thương thành phố Hồ Chí Minh đã móc nối với một số cán bộ, cá nhân trong và ngoài ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án này giai đoạn 2.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa mà chúng tôi được giao nhiệm vụ là nắm tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành thực hiện chức năng của ngành Công an vào việc góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng để các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hoạt động hiệu quả, minh bạch, vì lợi ích chung, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Khi có thông tin bắt Nguyễn Đức Kiên thì người dân nghĩ đến Ngân hàng ACB, ông có thể nói gì về việc này?

Thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra và phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ: Chúng tôi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên do vi phạm trong quản lý, điều hành của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện Nguyễn Đức Kiên không tham gia quản lý, điều hành Ngân hàng ACB. Chúng tôi cũng đã nói rõ là Lãnh đạo Bộ Công an và cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận được rất nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm của 3 công ty do Nguyễn Đức Kiên điều hành và báo cáo đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang và đồng chí Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ chỉ đạo.

Trước khi khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương đã họp và thống nhất cao. Quá trình bắt, khám xét và tổ chức điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ .

Ông Nguyễn Đức Kiên là người có vị trí trong xã hội, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an có chịu áp lực gì không?

Nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy chúng tôi không chịu áp lực nào trong điều tra vụ án này và quá trình chỉ đạo điều tra vụ án chúng tôi phải thực hiện nghiêm túc, khách quan các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam.

CAND Online