Xử lý nợ xấu vẫn khó
Mèo nào chuột nấy
Theo phân tích các chuyên gia gia, vì “sức khỏe” DN không đảm bảo, không đủ sức thuyết thục các nhà băng tiếp tục giải ngân cho các khoản vay đầu tư sản xuất, kinh doanh bởi họ sợ rước phải… nợ xấu. Thực tế trên cũng là nguyên nhân lý giải vì sao nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng vẫn cứ chấp nhận chịu cảnh “ế ẩm” hoặc có khi mang đi đánh bạc với vàng. DN chẳng có việc để làm nhưng chi phí duy trì hoạt động thì vẫn phải có mà tiền đầu tư lại nằm “chết” một chỗ không rút ra được, tiền lãi ngân hàng thì cứ chớp mắt một cái là đến hạn nộp. Vòng quay vốn trong nền kinh tế đang bị tắc như thế và theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có không ít DN đang phải sống trong “dặt dẹo”, “ăn đong từng bữa”!
Không ít doanh nghiệp đã phải cầm đồ để... sống
Một chủ cửa hàng cầm đồ ở phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, khách hàng là chủ DN, công ty tư nhân (chủ yếu là DN xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng) tìm đến các cửa hàng cầm đồ bỗng nhiên tăng đột biến. Có người đến cầm ôtô, có người cầm sổ đỏ… thậm chí có người đến chỉ là cầm xe máy để lấy dăm chục triệu đồng. Vì thị trường bất động sản đóng băng, dự án thì “ngủ đông” quá lâu, nhiều khoản đầu tư của họ hoặc các hợp đồng thi công, cung cấp vật liệu xây dựng… bị tắc nên vốn đọng rất lớn. Thậm chí có DN đã vay cả chục tỉ đồng từ ngân hàng để cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án bất động sản nhưng giờ đang bị “treo”. Tiền đổ vào không rút ra được mà lãi suất ngân hàng thì cứ phải thanh toán hằng tháng. Họ đang sống trong cảnh “bắc nước chờ gạo”!
Tiếp câu chuyện của anh này, tôi tìm đến một “ông trùm” cho vay nặng lãi cũng ở khu vực này càng rõ chuyện DN tìm đến các tiệm cầm đồ hoặc đi vay nặng lãi đã diễn ra từ lâu. Những khoản vay của họ cũng khá “lặt vặt”, có khi chỉ vài ba chục triệu đồng gọi là vay “nóng” giải quyết việc trước mắt ví như tiếp khách hay quà cáp gì đó… Nhưng theo anh Hùng thì thời gian gần đây, chuyện này đã diễn ra thường xuyên hơn, “mật độ” cầm đồ của một DN cũng tăng lên, tài sản cầm cố cũng lớn dần bởi nhu cầu dùng tiền cuối năm là rất lớn. Anh này kể: Tuần qua có một giám đốc công ty xây dựng đến cầm chiếu Toyata Camry mà anh này đang sử dụng để lấy 300 triệu đồng. Hỏi ra thì mới biết, anh này vay “nóng” mấy ngày để trả lương cho cán bộ, công nhân viên và các chi phí hoạt động khác.
Qua trao đổi, tiếp xúc với một số DN xây dựng tại Hà Nội được biết có nhiều DN vốn dĩ được lập bởi những cá nhân tuy tiềm lực chẳng có gì nhưng lại có quan hệ. Họ chỉ như một chiếc “thùng rỗng”, sinh ra, cậy quan hệ để được làm cái này, cái kia, rồi nhờ tác động vào chỗ này, chỗ kia để vay được vốn thực hiện. Và hệ quả thì rõ, khi thị trường đóng băng, nền kinh tế gặp khó, dòng vốn đi vay của những DN này bị tắc, bị “ngâm” trong các công trình, dự án thì họ sẽ “chết”. Họ chỉ như con “mèo nhỏ” nhưng lại muốn bắt “chuột to” nên giờ đang bị “nghẹn” như thế!
Cán bộ ngân hàng diễn trò?
DN đang sống trong cái cảnh lay lắt như thế nhưng hợp đồng vay vốn với các nhà băng thì lại chẳng tính tới điều đó. Vậy nên, để tránh phải đối diện với các thủ tục kiện tụng pháp lý hay bị nhà băng phát mãi tài sản thế chấp, họ sẽ phải tìm mọi cách để kéo dài thời gian vay vốn. Nhờ cậy tín dụng đen hoặc cậy nhờ cũng có thể do chính cán bộ ngân hàng “làm trò”, nhiều khoản vay đến hạn thanh toán sẽ được đáo hạn.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì đáo hạn ngân hàng được thực hiện bởi 2 dòng tiền là tín dụng đen và tiền chính ngạch nhờ sự “đạo diễn” của cán bộ tín dụng nhà băng. Tín dụng đen thì khá rõ, chỉ cần DN chịu chơi với mức lãi suất cao ngất ngưởng, rất nhiều “ông trùm” trong giới tín dụng đen sẵn sàng giải ngân cả tỉ, có khi cả chục tỉ đồng để DN mang đi thanh toán khoản vay cho ngân hàng, giải chấp tài sản theo đúng hợp đồng vay vốn đã ký. Sau đó, DN sẽ lại dùng chính số tài sản vừa rút ra mang đi thế chấp, vay tiền và trả cho tín dụng đen. Chu trình này được triển khai một cách rất “thần tốc” bởi nó gần như được thống nhất gần như hoàn toàn giữa nhà băng và khách hàng. Ở góc độ thứ 2, rất nhiều khoản vay sẽ được đáo hạn hoặc đảo hạn dưới bàn tay “nhào nặn” của cán bộ nhà băng. Chu trình này cũng diễn ra tương tự với cách làm thông qua tín dụng đen nhưng có điều, “ông trùm” ở đây lại là chính các cán bộ tín dụng của ngân hàng. Số tiền được dùng có khi là tiền do cán bộ ngân hàng tự huy động được hoặc cũng có thể là tiền của chính nhà băng.
Trong một thống kê gần đây của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) về tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho thấy, xu hướng tội phạm liên quan đến các cán bộ ngân hàng đang có dấu hiệu gia tăng. Hành vi phạm tội chủ yếu trong các vụ việc này là các cán bộ ngân hàng đã “lờ” đi những điều kiện được vay tối thiếu của khách hàng, tiếp tay cho khách hàng nâng khống tài sản thế chấp… và có khi “vác” tiền của ngân hàng ra ngoài cho vay.
Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và vẫn còn hết sức khó khăn, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng đang rất nỗ lực giải quyết bài toán nợ xấu, gỡ “nút thắt” tín dụng cho nền kinh tế… Tuy nhiên như đã nói ở trên, khi mà bản thân các DN cũng đang gặp khó, khả năng thanh toán các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với nhà băng rất hạn nhưng lại không muốn lâm cảnh phá sản, kiện cáo thì đáo hạn ngân hàng hay đảo nợ sẽ có điều kiện “phát triển”. Thực tế này đang trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với mỗi nhà băng mà của toàn hệ thống ngân hàng, của nền kinh tế, đặc biệt khi mà đạo đức cán bộ ngân hàng hiện nay tại nhiều nơi đang có vấn đề. Nỗ lực giải quyết nợ xấu trong suốt thời gian qua vì thế “đổ sông, đổ bể”!
Thanh Ngọc
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1
-
P4G 2025: Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi tài chính xanh
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ