Xử lý nợ xấu: Sẵn sàng đối mặt hay phục vụ sổ sách?

08:22 | 09/08/2013

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trong Hội thảo “Giải pháp nào xử lý nợ xấu” do Viện Nhân lực ngân hàng tài chính – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Capital Service Groups tổ chức ngày 8/8, các diễn giả đều có chung một nhận định: Ngày nào các ngân hàng (NH) còn giấu giếm nợ xấu thì tình hình sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều...

Những câu chuyện không mới

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH, tình trạng sở hữu chéo ngân hàng khiến các ông chủ thật sự sau "cánh gà" luôn muốn giấu nhẹm nợ xấu của mình. Việc các Công ty xử lý tài sản mua của nhau những khoản nợ nhóm 4, nhóm 5 không còn mới và trên thực tế cũng không qua mắt được NH Nhà nước. Tuy nhiên, tất cả chỉ là lợi ích trong ngắn hạn. Để làm đẹp báo cáo hay giảm trích quỹ dự phòng rủi ro để kiếm lợi, nhiều ngân hàng có sự sai lệch trong nhìn nhận giá trị của tài sản thế chấp và mức độ nguy hiểm của các khoản vay bị đánh giá thấp hơn so với thực tế. Từ đó, họ sẵn sàng “phù phép” hòng qua mặt cơ quan chức năng để phục vụ những mục tiêu chiến lược.

Luật sư Đức chỉ ra một loạt khuyết điểm ngay trong “tư duy” xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. “Nợ xấu ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển NH, nếu nhìn nhận đúng về nợ xấu các NH sẽ biết được điểm đứng, điểm xuất phát thực tế của mình ở đâu, tìm ra thuận lợi, khó khăn để đưa ra giải pháp phù hợp. Trên cơ sở đó thực hiện giải pháp cơ cấu nợ một cách hiệu quả nhất. Còn việc che giấu nợ xấu làm phản ảnh không đúng thực trạng của NH, giải pháp áp dụng không phù hợp sẽ kéo dài thời gian trì trệ, thua lỗ”, Luật sư Đức chia sẻ kinh nghiệm 20 năm làm pháp chế trong 6 NH TMCP.

TS John Sheelan chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Ở góc độ quản lý, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, các NH phải nghiêm túc xem xét lại việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng của mình trên cơ sở tình hình tài chính cụ thể của họ, xác định lại khả năng trả nợ để cơ cấu lại. Như vậy để vừa phản ánh đúng thực trạng nợ của mình và tạo điều kiện để các khách hàng trả được nợ theo đúng kỳ hạn mới được cơ cấu lại.

Trong khi đó, TS John Sheehan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Capital Service Groups – cơ quan độc lập chuyên về quản lý nợ xấu, xử lý tài sản thu hồi và tư vấn lại chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế rất đơn giản, rằng nếu minh bạch sớm và đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước sẵn sàng xử lý các vi phạm thì cơ hội phục hồi càng rộng mở.

Lịch sử khủng hoảng hệ thống tín dụng trên thế giới cho thấy, chỉ có Chính phủ mới giải quyết nổi nợ xấu. Tuy nhiên, NH nào có tình trầy bửa, chờ đợi bầu sữa NSNN thì cấu trúc vốn, thanh khoản của NH ấy luôn bị phá vỡ đầu tiên. Kinh nghiệm nữa cho thấy, NH nào nhanh chân và trung thực nhất sẽ sớm thoát khỏi khủng hoảng và sớm trở lại quỹ đạo phát triển.

Chia sẻ trong nội dung Hỏi-Đáp, TS John tiếp tục bật mí, hiện có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia mua các khoản nợ xấu của Việt Nam. "Ai cũng nhìn thấy Việt Nam là đích đến hấp dẫn, ai cũng muốn đầu tư vào. Trong đó, những nhà đầu tư quan tâm nợ xấu bất động sản chủ yếu đến từ Mỹ, các nhà đầu tư quan tâm tới các khoản nợ nhỏ lẻ thì đến từ Nhật Bản hoặc châu Âu. Tôi đã có sẵn danh sách nhà đầu tư nước ngoài với hàng tỷ USD đang mong chờ vào Việt Nam nhưng họ không thể tìm được cách nào để đổ vào", ông cho biết. “Các NH nên nhớ rằng, những Công ty xử lý tài sản thế chấp bao giờ cũng biết cách sinh lời hơn là tự thân NH vận động”.

Cũng theo ông John, Việt Nam đang rất cần nguồn vốn lớn để đổ vào xử lý nợ xấu nhưng lại thiếu các cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, kéo các nguồn vốn nước ngoài chảy vào. "Hệ thống về luật pháp, trong đó có việc thu hồi tài sản, cũng là vấn đề. Khi một nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào, họ có thể sở hữu được một công ty nước ngoài chuyên biệt để có thể xử lý nợ xấu hay không? Càng dễ cho nợ xấu được xử lý thì cạnh tranh giữa các nhà đầu tư càng lớn. Một nguyên tắc đơn giản, khi cạnh tranh càng lớn thì giá nợ xấu càng tăng", ông đặt vấn đề. “Đó là còn chưa kể nhiều Quỹ đầu tư mạo hiểm, những định chế tài chính lớn còn muốn tham gia và công tác điều hành bằng việc mua cổ phần, cổ phiếu. Nhưng Chính phủ cứ giữ “room” 15% thì làm sao họ dám tham gia?”.

Đứng cho vay, quỳ thu nợ

Các diễn giả tại Hội thảo cũng thống nhất cao về khái niệm định giá nợ xấu. Việc che giấu hay kéo dài nợ xấu không giải quyết gì cả. Thị trường xuống càng nhanh thì thời gian phục hồi càng thu hẹp, và chính sự bán thốc bán tháo của các ngân hàng khiến thị trường ngày càng xấu. Bởi vậy, công tác xác định giá trị thực của nợ xấu cần được HĐTQ cũng như ban lãnh đạo quan tâm đầu tiên khi xác định đối mặt với nợ xấu.

Luật sư Trương Thanh Đức thông tin, tổ chức tín dụng gần như không có quyền thu giữ tài sản. Hiện tại, đa số chỉ là nắm giữ, chứ không phải gán nợ như dư luận vẫn hiểu. Gán nợ phải là chuyển sở hữu sang tổ chức ngân hàng thì mới đúng. Quyền lợi của tổ chức tín dụng bị hạn chế từ lúc cho vay đã dẫn đến tình trạng định giá nợ xấu cũng như bảo toàn tài sản thế chấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Ngay cả VAMC không được kinh doanh bất động sản, không được đấu giá bất động sản; xử lý nợ hiện tại đều xử lý kỹ thuật (bằng mồm) thì làm sao có phương án xử lý tài sản cụ thể? Lúc cho vay thì ngân hàng ở cửa trên, yêu cầu gì khách hàng cũng phải đáp ứng. Nhưng khi nợ đã có dấu hiệu xấu, NH tìm trăm mưu, ngàn kế, vạn phương để tìm cách thu tiền về. Xử lý nợ khó khăn gấp vạn lần cho vay, tăng trưởng tín dụng”, Luật sư Đức tham luận.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thể học hỏi mô hình từ các nước trong việc để cho một số ngân hàng quá yếu kém phải phá sản để dễ dàng xử lý nợ xấu. Theo ông này, việc đó sẽ khiến thế giới nhìn ra rằng Việt Nam đang làm được việc và đây cũng là điều mong muốn của thị trường, của các nhà đầu tư, các cơ quan đánh giá tín nhiệm. “Chính việc không cho phá sản mới làm mất niềm tin của thị trường. Việc giải cứu ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng mua lại và sáp nhập vào nhau mà không cho phá sản sẽ làm giảm tính cạnh tranh và trách nhiệm của các chủ ngân hàng, khiến quá trình xử lý nợ xấu khó khăn hơn”.

T.L