Xử lý nợ xấu: Nhờ cậy tới nước ngoài?

19:00 | 04/04/2013

1,155 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vẫn còn nhiều băn khoăn và nghi ngại trước việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (AMC) để xử lý nợ xấu là một giải pháp tối ưu. Một số chuyên gia cho rằng, nên nhờ cậy tới nước ngoài bởi họ có kinh nghiệm xử lý và có tiềm năng rất lớn trong việc mua lại “khối tài sản” này nếu chúng ta có cơ chế thuận lợi.

AMC cần được tiếp sức để xử lý "ngon" đẹp bài toán nợ xấu của nền kinh tế.

Tiềm năng lớn…

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), tái cơ cấu nợ xấu không chỉ là giải quyết số nợ này, mà còn phải đưa tài sản này vào sản xuất. Muốn như vậy thì phải bán, nhưng bán cho ai và bán theo giá nào?

Về giá bán thì phải có sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Và có thể tỷ lệ khôi phục lại trên giao dịch là 10%, từ đó có thể nâng lên 15-20-30%.

Về đối tượng người mua, chuyên gia kinh tế này lý giải: “Các nhà tài chính khó có thể làm được vì những người tạo ra khủng hoảng khó có thể thoát ra khỏi khủng hoảng. Bởi vậy, nên bán cho người nước ngoài, muốn bán được cho người nước ngoài, thì chúng ta cần phải sửa một loạt điều luật đầu tư, còn nếu với cơ chế hiện tại thì họ khó có thể tham gia và gặp nhiều rủi ro. Bởi về thương quyền và đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế. Kinh nghiệm thành công tại Indonexia cho thấy, họ bán nợ xấu cho người nước ngoài, phần lớn là cho người Malaysia và Singapore là chủ yếu".

Đồng quan điểm này, PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ông cũng còn những nghi ngại vào sự thành công của Công ty AMC, bởi đó chỉ là cách gia hạn lại thời gian xử lý, chứ không cắt bỏ hoàn toàn “cục máu đông” này. Cho dù có xử lý được thì mới chỉ cho phía ngân hàng, còn DN thì chưa xử lý được.

Bởi vậy, Chính phủ nên vay các tổ chức quốc tế, để xứ lý các khoản nợ xấu một cách dứt điểm, theo như kinh nghiệm của Indonexia đã làm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nó không phải chỉ đơn thuần xử lý nợ xấu mà khi các tổ chức quốc tế tham gia, họ sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cải cách lại hệ thống quản lý quản trị, thì mới giải quyết dứt điểm được. “Kể cả Nhà nước bỏ tiền ra thì cũng không mấy hiệu quả”, vị chuyên gia về tài  chính – ngân hàng này nhấn mạnh.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hiện các cơ quan chức năng chưa có định hướng bán nợ xấu cho người nước ngoài vì đây là vấn đề lớn, dù họ rất có tiềm năng mua nợ. Trở ngại lớn nhất, theo ông Nghĩa, bên cạnh thủ tục hành chính phức tạp, là nước ngoài sẽ không được quyền sở hữu ngay cả khi bỏ tiền mua nợ.

“Cũng giống như việc nước ngoài mua một dự án nào đó, nhưng không có quyền sở hữu, nên quay ra thuê 50 năm. Có đơn vị chấp nhận không cần sở hữu, làm thủ tục chuyển từ sổ đỏ sang thuê”, ông Nghĩa nhận định. Theo chuyên gia này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang nhòm ngó, kỳ vọng vào thị trường mua bán nợ của Việt Nam, nhưng lại vướng nhiều thủ tục. Ông đề xuất, nên có quy định nào đó về vấn đề này trong nghị định thành lập công ty xử lý nợ.

Trước đó, khi trình bày đề án về thành lập công ty mua bán nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đưa ra bàn thảo cuối tháng 5/2012, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên, nên để nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ trong nước. Lý do được đưa ra là các công ty nước ngoài thường có tiềm lực mạnh hơn so với trong nước.

Còn theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ông không nghĩ việc hạn chế tổ chức nước ngoài mua bán nợ là hợp lý. Vì ngoài để giải quyết nợ xấu, mua bán nợ còn cần kỹ năng, kinh nghiệm và vốn của tổ chức nước ngoài. Tuy vậy, theo chuyên gia này, vẫn cần có một sự tiết chế hay giới hạn nào đó để hoạt động nói trên nằm trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo quan điểm của chuyên gia này, loại bỏ tổ chức nước ngoài là thiếu đi một thành phần quan trọng trong việc xử lý nợ, đặc biệt khi những đơn vị nước ngoài xử lý nợ đàng hoàng.

Song tính khả thi có cao?

Nhưng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, không chỉ mua bán nợ, việc cho nước ngoài tăng sở hữu tại các nhà băng Việt Nam cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Nếu bây giờ cho các ngân hàng nước ngoài tăng sở hữu tại nhà băng trong nước, có thể thoát được tình cảnh khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài, đến khi kinh tế trở lại bình thường thì ngân hàng nằm trong tay nước ngoài hết. Lúc đó, có tiền cũng không mua lại được. Bây giờ là tiền lẻ, nhưng sau phải mua bằng tiền chẵn”, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước thẳng thắn.

Trở ngại lớn nhất hiện nay khi các tổ chức nước ngoài mua nợ của Việt Nam, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, là quy định không được sở hữu. Hạn chế lớn nhất là các tổ chức nước ngoài được đóng góp bao nhiêu vào đầu tư sở hữu cổ phần, cổ phiếu. Trong tiền lệ chưa có ngân hàng nước ngoài nào mua nợ tại Việt Nam, nên cũng chưa có quy định cụ thể số nợ các tổ chức nước ngoài được mua.

“Tôi cho rằng, nếu đề án công ty mua bán nợ quốc gia được duyệt, nên quy định cụ thể về các vấn đề này. Lý do là, khi tổ chức nước ngoài mua nợ tại Việt Nam, thì những con nợ đó trở thành con nợ của nước ngoài, sẽ chịu lệ thuộc vào quyết định, cơ chế của tổ chức đó. Luật pháp cần quy định vấn đề này bằng văn bản pháp lý”, chuyên gia này bày tỏ.

Tuấn Dũng