Việt Nam đang làm gì để hấp dẫn nhà đầu tư Nga?

10:39 | 17/10/2013

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga vừa diễn ra 16/10 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Igor Ivanovich Shuvalov. Tại diễn đàn, nhiều diễn giả cũng đưa ra nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã làm được gì để hấp dẫn các nhà đầu tư Liên bang Nga. Trong đó lĩnh vực năng lượng được quan tâm hơn cả.

Giàn Thỏ Trắng của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã đưa vào hoạt động

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 167 nước, quan hệ thương mại khoảng 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, hiện có đang có hơn 15.000 dự án đang được triển khai thực hiện tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 220 tỉ USD.

Năm 2012, tuy nhiều nước trên thế giới vẫn còn chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,03% (Quy mô GDP đạt 136 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.540 USD). Năm 2013 dự kiến tăng trưởng GDP đạt mức 5,4%. Như vậy tính trung bình 3 năm 2011-2013, mức tăng trưởng kinh tế bình quân đạt vào khoảng 5,6%.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 114.5 tỉ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 114.3 tỉ USD.

Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu qui đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm. 

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, trong điều kiện giá dầu mỏ biến động khó lường do tình hình chinh trị trên thế giới có nhiều biến động, Chính phủ Việt Nam đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp khác nhau.

Nước ta tiếp tục triển khai các dự án đầu tư năng lượng theo Quy hoạch (Tổng sơ đồ VII…). Tham gia các dự án nghiên cứu, thăm dò, đầu tư phát triển mỏ ở nước ngoài, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang đầu tư trọng điểm vào các dự án thăm dò khai thác lại Liên bang Nga; thành lập các quỹ thăm dò khai thác trong nước và nước ngoài.

Chính phủ ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối …). Việt Nam đã ban hành Quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đang xây dựng và hoàn thiện các cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu sản xuất 5% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Các nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ đạt công suất nguồn điện sử dụng LNG khoảng 2000 MW vào năm 2020; khoảng 6000 MW vào năm 2030.

Một lĩnh vực năng lượng nữa đang được Liên bang Nga giúp đỡ Việt Nam chính là phát triển năng lượng nguyên tử. Tổ máy số 1 Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (hợp tác với Liên bang Nga) vào vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10,700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỉ kWh.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu mới thực hiện dự trữ xăng dầu vì mục đích thương mại, chưa có dự trữ dầu thô. Việt Nam đã  xây dựng Theo Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu để đảm bảo tổng quy mô hệ thống dự trữ dầu mỏ đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), tương đương với 68 ngày nhu cầu.

Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì tiềm lực tài chính hạn chế, thiếu kinh nghiệm cả về công nghệ kỹ thuật và quản lý trong việc xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ dầu thô quốc gia.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực với những dự án chiến lược trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân, khai khoáng. Việt Nam có cơ sở để khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến từ Liên bang Nga.

Đ.C