Vì sao tiểu thương vây Ban Quản lý chợ Tam Kỳ?
Theo ghi nhận, tại văn phòng làm việc của Ban Quản lý chợ Tam Kỳ nằm ngay tại chợ tạm Tam Kỳ thuộc phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam có hàng chục tiểu thương đứng la ó, phản đối bức xúc đối với lãnh đạo Ban Quản lý chợ Tam Kỳ.
Tiểu thương búc xúc cho rằng, tại chợ mới Tam Kỳ sắp hoàn thành đưa vào sử dụng ở vị trí cũ, được bố trí các tầng 1, 2 và 3 không thích hợp với việc buôn bán như chợ cũ Tam Kỳ; giá cả tiền thuê các kiốt, sạp hàng đắt gấp 3-4 lần với mặt bằng chợ cũ, giá tiền thuê mặt bằng đắt đã đành còn ép buộc các tiểu thương phải đóng một năm với thời hạn thuê 5 đến 7 năm.
Hàng chục tiểu thương bao vây văn phòng làm việc Ban Quản lý chợ Tam Kỳ vào chiều ngày 17/3
Bà Nguyễn Thị Hòa, 67 tuổi là tiểu thương buôn bán lâu nay ở chợ cũ Tam Kỳ, nay dời lên bán ở chợ tạm Tam Kỳ, bức xúc: “Tôi bán hàng ngũ cốc tại chợ cũ Tam Kỳ ở tầng 1, bất ngờ Ban Quản lý chợ Tam Kỳ treo thông báo bảng phân chia các kiốt, sạp hàng của chợ mới Tam Kỳ, quy định mặt hàng ngũ cốc phải buôn bán trên tầng 2, hàng ngũ cốc nặng nề vận chuyển khó, tuổi cao sức yếu mà ép lên tầng 2 bán không hợp lý chút nào hết. Vả lại giá thuê mặt bằng rất đắt, gấp mấy lần giá chợ cũ”.
Tiểu thương Nguyễn Thị Liên, bức xúc không kém: “Tôi buôn bán dép lại bị đưa lên tầng 2 bán lại sát khu vệ sinh nữa, rứa làm răng buôn bán chi được, trong khi tiền thuê mặt bằng là 12 triệu đồng trên một năm. Tiền thuê mặt bằng đắt vậy còn bắt tiểu thương đóng trong vòng một năm chia làm 2 lần, quá bức xúc không ai chịu cho được”.
Một tiểu thương kinh doanh vàng bạc bức xúc: “Tiền thuê mặt bằng kinh doanh vàng bạc rất đắt lên đến 23 triệu đồng trên một năm cho 1 lô, thời hạn thuê là 5 năm mà bắt tiểu thương đóng không thiếu một đồng trong vòng 1 năm. Tôi lấy đâu ra 115 triệu đồng đóng đủ một năm cho 1 lô đây? Bức xúc quá đi hỏi Ban quản lý chợ Tam Kỳ thì họ giải thích là do kinh phí đầu tư xây dựng chợ mới Tam Kỳ hết 90 tỷ đồng, thiếu tiền trả cho đơn vị thi công nên lãnh đạo TP Tam Kỳ chỉ đạo phải thu đủ 1 năm…”.
Các tiểu thương cũng bức xúc cho rằng, toàn bộ tầng 1 của chợ mới Tam Kỳ được “ưu tiên” dành để làm bãi giữ xe máy, xe đạp chiếm gần hết diện tích, trong khi các ngành hàng có nhu cầu buôn bán ở tầng 1 lại bị bố trí ở tầng 2 và tầng 3.
Bà Hòa, 67 tuổi bức xúc: “Tôi thấy trong bảng phân chia kiốt, sạp hàng của chợ Tam Kỳ, tầng 1 chiếm gần hết để trông giữ xe là điều bất hợp lý, trong khi các mặt hàng cần bầy bán ở tầng 1 như khô, ngũ cốc lại đưa lên tầng 2, mấy người lớn tuổi trên 60, 70 tuổi còn sức đâu lên tầng 2, tầng 3 buôn bán nữa”.
Tiểu thương phản ứng dữ dội
Liên quan đến vấn đề bức xúc, vây văn phòng làm việc của Ban Quản lý chợ Tam Kỳ của các tiểu thương, lực lượng công an, dân phòng địa phương phải có mặt tại hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Ban quản lý chợ Tam Kỳ cho rằng, việc phân chia, bố trí các kiốt, sạp hàng cũng như các ngành hàng tại chợ mới Tam Kỳ đều do lãnh đạo TP Tam Kỳ quyết định chứ Ban Quản lý chợ Tam Kỳ không liên quan.
“Việc phân khu vực giữ xe ở tầng 1 đã nằm trong thiết kế của chủ đầu tư (UBND TP Tam Kỳ, đơn vị được giao triển khai thực hiện là Ban Quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng TP Tam Kỳ) vì đây là quyết định của lãnh đạo TP Tam Kỳ. Còn giá thuê mặt bằng kiốt, sạp hàng cũng do Phòng Tài chính – Kế hoạch TP Tam Kỳ đi khảo sát quyết định”, bà Nguyễn Thị Xuân nói.
Bà Xuân cho biết thêm: “Còn việc tiểu thương nói rằng, tiền thuê mặt bằng quá cao lại trả trong một năm, vì thành phố đã bỏ ra số tiền gần 90 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ mới, nay chỉ trả được cho đơn vị thi công xây dựng có khoảng 25 tỷ đồng, lãnh đạo TP Tam Kỳ chỉ đạo phải thu được khoảng 40 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng để lấy số tiền này thanh toán cho đơn vị thi công, nên mới triển khai thu một năm sau khi tiến hành bốc thăm xong. Tính ra giá mỗi mét vuông tại các kiốt, sạp hàng tại chợ mới Tam Kỳ có giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/1m2/1 tháng cũng không quá cao. Vì lâu nay các tiểu thương dựa vào Nhà nước quá nhiều rồi!”.
Ngày 18/2/2014, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ ký phê duyệt phương án huy động tiền cho thuê điểm kinh doanh tại chợ mới Tam Kỳ, trong đó nêu rõ: Tầng 1 kinh doanh các ngành hàng ăn uống-giải khát, nem chả-thịt quay, thịt-cá, nông cụ, trầu cau, nón lá, chăn chiếu với 225 điểm kinh doanh bố trí làm sạp hàng; 25 điểm kinh doanh bố trị làm kiốt, 8 kho để hàng, bãi xe, khu vệ sinh. Tầng 2 với các ngành hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, tạp hóa, hàng khô, hàng gạo-ngũ cốc có 217 điểm kinh doanh (sạp hàng); 33 điểm kinh doanh bố trí làm kiốt và khu vệ sinh. Tầng 3 dự kiến dùng cho thuê kho, thuê làm các dịch vụ cắt tóc, may gia công, dịch vụ, cà phê… |
Phú Đông
-
4 tháng đầu năm, tiêu thụ xăng dầu tăng gần 6%
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm
-
Vì sao sản lượng của OPEC+ giảm mặc dù đã cam kết tăng sản lượng?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/5: Sản lượng dầu thô của OPEC+ giảm