Tội phạm ngân hàng vừa tinh vi vừa táo tợn
Đại án gia tăng
Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Thanh - Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có nêu 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được coi như “đại án” của nước ta trong thời gian gần đây. Điều đáng lưu ý là có tới 7/10 vụ án là xảy ra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng (TCTD), 3/10 vụ án còn lại tuy không xảy ra tại TCTD nhưng lại có sự “đóng góp” không nhỏ của các nhân viên ngân hàng khi tiếp tay cho các hành vi phạm tội.
Trước hết là những gì xảy ra đối với LienVietPostBank - Sở Giao dịch Hậu Giang và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Sóc Trăng trong việc cho vay có thế chấp bằng hàng tồn kho đối với Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) dẫn đến việc hàng chục cán bộ, nhân viên của 3 đơn vị này bị khởi tố, bắt tạm giam. Hiện, khoản nợ của Công ty Phương Nam được xác định lên tới 1.600 tỉ đồng, trong đó có khoảng 328 tỉ đồng của LienVietPostBank…
Hay điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra khẳng định có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân, ngân hàng lên đến hơn 4.900 tỉ đồng, trong đó liên quan đến sai phạm của nhiều cá nhân và ngân hàng.
Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, diễn biến vụ án phức tạp hơn. Không chỉ câu kết với nhân viên ngân hàng, chúng còn móc nối với các cơ quan khác như Phòng Công chứng để thực hiện các hành vi phạm tội của mình. Điển hình như vụ án ngày 10-9, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên án 5 năm tù đối với Phan Thanh Vân (nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2, TP HCM) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng lĩnh án còn có hai bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng từ 5 đến 6 năm tù cùng về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao cũng đang gia tăng nhanh chóng. Đây là lĩnh vực mới, yêu cầu công nghệ và mức độ bảo mật cao. Tuy nhiên, những lỗ hổng bảo mật trong công nghệ quản lý ngân hàng như thẻ thanh toán, ATM, e-banking… đang là điểm nhắm đến của bọn tội phạm công nghệ cao. Với thủ đoạn tinh vi và táo tợn, hàng loạt vụ đột nhập gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng tại nước ta đã xảy ra. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2012, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xác minh, điều tra 261 đầu mối vụ án, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tổng thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó đã xác lập 44 chuyên án, 217 vụ việc và vụ án. Trong những tháng đầu năm 2013, đã xử lý 17 vụ việc mới, tổ chức xác minh, giải quyết 22 vụ việc, trong đó đã điều tra, khởi tố 2 vụ án, khởi tố bắt giam 34 bị can.
Đạo đức cán bộ xuống cấp
Sự gia tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng trong hành vi phạm tội lĩnh vực tài chính - ngân hàng ngoài nguyên nhân khách quan đến từ cơ chế, luật pháp thì cần phải nhấn mạnh đến yếu tố con người.
Trong hầu hết các vụ án đều thấy rõ có sự thông đồng hoặc gián tiếp tiếp tay hay cố tình buông lỏng để các hành vi vi phạm diễn ra. Chốt chặn quan trọng nhất chính là cán bộ ngân hàng, người hiểu rõ các quy định cũng như lỗ hổng trong hệ thống quản trị của đơn vị mình, đã không thực hiện tròn trách nhiệm.
Một hệ quả tất yếu của hiện tượng này là các khoản cho vay không đúng mục đích, tài sản bảo đảm không đúng giá trị như hồ sơ, chủ đầu tư yếu kém về năng lực nhưng vẫn được báo cáo tốt… Vì vậy chỉ sau một thời gian giải ngân thì chủ đầu tư lộ rõ khả năng yếu kém của mình, mất khả năng thanh toán nợ vay… Kết quả doanh nghiệp phá sản, chủ đầu tư bỏ trốn, cán bộ ngân hàng vào tù còn ngân hàng thì gánh ngày càng nhiều nợ xấu.
Trao đổi về vấn đề này, ngày 23/9, khi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh nhận định: “Nói nợ xấu ngân hàng do đạo đức cán bộ là không sai. Cái này tôi cũng đã phát biểu trên diễn đàn Quốc hội rồi. Nâng khống giá trị tài sản lên, ông vay cũng tranh thủ kiếm chác để cho lại cái ông đi vay. Hai bên đều có lợi hết chỉ có Nhà nước là thiệt thôi".
Chính vì mục đích kiếm lợi cho cá nhân mình nên nhiều cán bộ ngân hàng bằng thủ đoạn tinh vi, câu kết với nhau để làm khống, qua mặt hệ thống kiểm soát để tìm cách kiếm chác. Không những thế, sự cấu kết từ nhân viên đến cán bộ lãnh đạo cấp cao đã thể hiện sự tinh vi đến mức trắng trợn. Một vài trường hợp điển hình như cựu Tổng giám đốc ALC II bị khởi tố, nguyên Phó giám đốc Agribank Trà Vinh bị bắt hay ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank bị điều tra về tội “thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là những minh chứng cụ thể về những “bóng ma” tội phạm đang “lởn vởn” bên trong nhiều ngân hàng mà cơ quan quản lý chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
10 vụ “đại án” trong thời gian gần đây theo báo cáo của Viện KSND ngày 12/9: 1. Vụ án tham nhũng tại Vinalines; 2. Vụ tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank); 3. Vụ án kinh tế tại Công ty Dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM; 4. Vụ án kinh tế tại sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; 5. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; 7.Vụ án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông; 8.Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; 9. Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên; 10. Vụ cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank |
Thành Trung
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1
-
P4G 2025: Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi tài chính xanh