Lo ngại hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường

15:13 | 17/03/2013

1,526 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), đến năm 2015 thuế quan sẽ giảm rất mạnh, các mặt hàng từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ còn rẻ hơn bây giờ rất nhiều dẫn đến sự cạnh tranh với hàng Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt.

Hiện nay, hàng hóa của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường nước ta. Các doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng khi 90% dòng thuế đối với hàng Trung Quốc vào nước ta sẽ về 0 – 5%, trong đó chủ yếu là 0% vào năm 2015 theo Hiệp định ACFTA. Thách thức khi cắt giảm thuế quan với hàng Trung Quốc thật sự là rất lớn.

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường nước ta

Trong những năm qua, tỷ trọng nhập khẩu hàng Trung Quốc vào nước ta tăng nhanh nhất và Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Kết quả này một phần do lượng hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam gia tăng, một phần do các công trình tổng thầu mà Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam cũng gia tăng do có khả năng cạnh tranh về giá.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, so với các nước Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của nước ta với một số nước có hiệp định tương mại tự do với ASEAN như Trung Quốc đã ở mức khá lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Khi thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội để giảm giá đầu vào cho các doanh nghiệp sử dụng đầu vào nhập khẩu nhưng đối với những doanh nghiệp đang cạnh tranh với hàng nhập khẩu thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc hiện đã rất thấp nếu tiếp tục giảm xuống nữa sẽ rất khó cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa làm đầu vào cho sản xuất sẽ phải chịu sự cạnh tranh nhiều nhất vì đây là những mặt hàng chúng ta nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Trong thời gian tới thuế tiếp tục giảm thì càng khó cạnh tranh hơn. Những mặt hàng nào không đủ sức cạnh tranh buộc phải cơ cấu lại hoặc rút lui khỏi thị trường.

Thực tế, bài toán từ Thái Lan cách đây 5 – 6 năm cho thấy, khi họ bắt đầu chương trình “Thu hoạch sớm” theo ACFTA thì Thái Lan cũng phải bàn đến chuyện ký lại Hiệp định này vì các doanh nghiệp và nông dân trồng rau quả của Thái Lan không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc.

Vì vậy, bài toán của chúng ta trong thời gian tới là cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề giá thì vấn đề chất lượng hàng hóa cũng là một yếu tố để các doanh nghiệp có thể nâng cao sức cạnh tranh. Khi người tiêu dùng ngày càng thông thái, họ sẽ có ưu tiên lựa chọn những mặt hàng chất lượng tốt. Nếu hàng nước ta có giá cao hơn nhưng chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc thì vẫn có thể cạnh tranh.

TS. Nguyễn Anh Dương - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, cần có sự chuẩn bị về mặt chính sách, nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô, thiết lập một môi trường chính sách ổn định, có định hướng rõ ràng để phát triển các ngành nghề ưu tiên.

Về phía các doanh nghiệp, trước tiên phải vượt qua cơn khó khăn hiện nay và sau đó là có định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp với định hướng chính sách trong thời gian tới. Đồng thời, tích cực tham vấn cho các cơ quan quản lý trong hoạch định chính sách để những chính sách đưa ra có thể làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Mai Phương