Gỡ nút thắt tín dụng tiêu dùng

11:00 | 24/09/2013

1,012 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhận định tại báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội 8 tháng 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng cần phải có chính sách kích thích tổng cầu để tạo đà tăng trưởng, phát triển ổn định cho nền kinh tế.

Dòng vốn giá rẻ được kỳ vọng sẽ làm "nóng" thị trường vốn thời gian tới.

Trong thông báo trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá cao sự ổn định của nền kinh tế những tháng gần đây và cho rằng đây là điều kiện nền tảng cho đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, Cơ quan này cũng chỉ ra rằng: Nền kinh tế vẫn đang phải đối diện với không ít thách thức do nền kinh tế thế giới tuy đã tăng trưởng nhưng ở mức thấp, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu và đặc biệt là sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ…

Từ thực tế trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng GDP năm 2014 sẽ vào khoảng 5,6 – 5,8% và năm 2015 sẽ là 6 – 6,2%. Và để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì Cơ quan này cho rằng, nền kinh tế cần phải có chính sách hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi sản xuất, kích thích kinh tế phát triển.

Qua đó để thấy rằng, tín dụng tiêu dùng là một trong những nút thắt qua trọng tác động đến đà tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế những tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo. Ghi nhận trên thị trường thời gian gần đây có thể thấy, việc hạn chế tín dụng tiêu dùng đã gây tác động không nhỏ đến một loạt các thị trường như bất động sản, ô tô… Dòng tiền của người dân bị thắt chặt, “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu là một thực tế và đã có tác động không nhỏ đến bài toán tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2013 là 6,45%. Như vậy, trong 4 tháng còn lại của năm, hệ thống ngân hàng phải thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,55% để cán đích con số 12% theo như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra đầu năm. Đây có thể xem là con số đầy thách thức với hệ thống ngân hàng nhưng theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, với diễn biến của tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là hoàn toàn khả thi.

Còn theo ghi nhận trên thị trường tài chính – ngân hàng những tháng gần đây, trong nỗ lực phá băng tín dụng, khơi thông dòng tiền cho vay thì xu hướng giảm lãi xuất, phá giá lãi suất hiện đã được hình thành. Có thể kể tới chương trình “phá giá kép” của OceanBank được áp dụng trên phạm vi cả nước với lãi suất cho vay giành cho các đối tượng vay mua nhà, mua xe ô tô hay vay tiêu dùng là  5,91%, thời hạn ưu đãi kéo dài 6 tháng và 9,97% cho thời hạn trọn vẹn một năm.

Hay như Techcombank đã dành nguồn tín dụng 4.000 tỉ đồng cho các lĩnh vực vay mua bất động sản, mua ô tô, vay tiêu dùng… với mức lãi suất 5,99% áp dụng cho ba thời hạn ưu đãi: 1 tháng đầu tiên, 3 tháng đầu tiên và 6 tháng; Sacombank lại dành ưu đãi cho khách hàng 3 tháng đầu tiên với lãi suất 6,99% và 9 tháng đầu tiên với 11,99%; Vietcombank với chương trình cho vay mua nhà theo Chương trình nhà ở xã hội 30.000 tỉ của Ngân hàng Nhà nước là 6%, lãi suất 12 tháng là 9,99%; Còn VietinBank, ngoài các đối tượng thuộc diện ưu đãi lãi suất 6% trong Chương trình nhà ở xã hội thì ngân hàng này dành 5.000 tỉ đồng cho những đối tượng vay mua nhà khác với lãi suất ưu đãi là 12% cho 3 tháng và 6 tháng đầu tiên…

Xu hướng giảm lãi suất có thể xem là một tín hiệu vui đối với những thị trường vốn dĩ đang đóng băng kéo dài như bất động sản. Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện giá bất động sản gần như đã được điều chỉnh ở mức kịch sàn và bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng đã “hết cửa” đề điều chỉnh, tính toán giảm giá thêm. Chính vì vậy, những ý kiến này cho rằng đây là thời điểm để các khách hàng có nhu cầu thực tính toán đến chuyện mua nhà.

Sự cộng hưởng này vì thế đang tạo niềm tin không nhỏ trong nền kinh tế rằng nút thắt vốn, tăng trưởng tín dụng sẽ được khơi thông một phần trong nền kinh tế. Và thực tế, theo ghi nhận của PetroTimes, thị trường đã có những phản ứng rất tích cực với dòng vốn giá rẻ đến từ các chương trình phá giá của nhà băng. Chị Đinh Hà Thanh (Đống Đa, Hà Nội), người vừa hoàn thành thủ tục vay ngân hàng 600 triệu với dự định mua một căn chung cư Dương Nội, Lê Văn Lương cho biết: Gia đình tích cóp mua căn nhà tử tế nhưng mãi chưa đủ tiền. Cũng nghe nói các ngân hàng cho vay tiền mua bất động sản mà lãi suất cao quá 12-13% thì không dám vay. Nhận được Voucher giới thiệu của OceanBank ban đầu cũng nửa tin nửa ngờ vì lãi suất thấp hơn nhiều so với mình nghĩ. Đến khi hỏi rõ và làm xong thủ tục thì cả gia đình mới thở phào.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với những năm trước, đặc biệt là lãi suất của các khoản vay mới với với giai đoạn 2005-2007. Lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tín dụng chưa tăng cao cho thấy lãi suất không còn là nhân tố ảnh hưởng tới lưu thông dòng vốn tín dụng và chu chuyển vốn trong nền kinh tế. Trên thực tế, đây là điều kiện và cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các cá nhân tiếp cận với vốn ngân hàng. Hiện tại, số lượng tiền mặt trong các hệ thống ngân hàng khá dồi dào, chính vì vậy, việc giảm lãi suất, kích cầu vay vốn, đẩy mạnh việc cho vay mua nhà thông qua các chủ đầu tư chính là một cách thức thiết thực hỗ trợ khách hàng.

Thanh Ngọc