Sản xuất phân bón sẽ hết phụ thuộc vào nhập khẩu!

17:46 | 27/05/2013

641 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nước ta đã cơ bản tự chủ được nguồn cung phân urê và 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Đây là những nhận định được Bộ Công Thương đưa ra tại hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón“ do cơ quan này tổ chức sáng nay (27/5).

Đáp ứng 80% nhu cầu sản xuất nông nghiệp

Có thể nói, sau nhiều năm nỗ lực phát triển, ngành phân bón đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phân bón cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước. Riêng mặt hàng phân urê đã được xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia...

Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị cho thấy, hiện nước ta có khoảng 300 cơ sở sản xuất phân bón, trong số đó có một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (thương hiệu Đạm Phú Mỹ), Công ty TNHH MTV Dầu khí Cà Mau (thương hiệu Đạm Cà Mau), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (thương hiệu Đạm Ninh Bình)...

Đặc biệt với mặt hàng phân lân, Báo cáo chỉ rõ: Năng lực sản xuất phân lân của các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về số lượng và chất lượng cho sản xuất nông nghiệp với công suất bình quân 2 triệu tấn/năm.

Đối với mặt hàng phân urê, tổng năng lực sản xuất trong nước dự kiến năm 2013 đạt khoảng 2,2 triệu tấn, đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và bắt đầu cho phép xuất khẩu, bao gồm nhà máy phân đạm Hà Bắc có công suất 180 nghìn tấn urê/năm, nhà máy Phú Mỹ có công suất khoảng 800 nghìn tấn urê/năm; nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800 ngàn tấn/năm; nhà máy Ninh Bình có công suất 560 ngàn tấn/năm.

Với phân DAP, hiện nhà máy sản xuất DAP số 1 tại Hải Phòng có công suất thiết kế 330 nghìn tấn/năm đã đi vào hoạt động đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu trong nước. Nhà máy DAP số 2 với công suất 330 nghìn tấn/năm tại Lào Cai cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến năm 2014 đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước. Và với phân NPK, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước hiện đạt khoảng trên 3 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trả lời báo chí bên lề hội nghị

Theo quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2025 (tại Quyết định số 6868/QĐ-BCT ngày 27/12/2010), đến năm 2015 cơ bản nguồn cung phân bón trong nước sẽ được chủ động 100% phân Urê, NPK, Lân; trên 70-80% phân DAP, Kali; trên 30% SA – một loại đạm hàm lượng thấp có thể thay thế bằng urê.

Do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các loại phân bón như SA, Kali và một phần DAP hiện cả nước vẫn nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón; chủ yếu là 3 loại trên.

Đối với mặt hàng phân urê, theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Trước năm 2012, cả nước chỉ có 2 đơn vị sản xuất phân đạm urê gồm đạm Hà Bắc công suất 190.000 tấn/năm chủ yếu cung ứng cho các tỉnh phía Bắc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn/năm chủ yếu cung ứng cho các tỉnh phía Nam. Như vậy tại các tỉnh phía Bắc với nhu cầu urê 500.000 tấn/năm và tại các tỉnh phía Nam với nhu cầu là 1,2 triệu tấn/năm, phần lớn nguồn cung phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu do đó cơ chế điều tiết cung cầu phân bón trong nước thời kỳ này vẫn ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu với các chính sách như ưu tiên ngoại tệ để nhập khẩu, tạo thuận lợi cho nhập khẩu qua đường tiểu ngạch...

"Đến nay, khi sản xuất trong nước đã hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nhập khẩu phân urê nói trên sẽ giảm dần; thay vào đó sẽ là các chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối trong nước và điều tiết cân đối cung cầu để xuất khẩu" - ông Quyền nhấn mạnh.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc cung ứng đủ phân bón urê từ nguồn sản xuất trong nước cũng đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu và do đó giảm mức độ ảnh hưởng từ những biến động về giá, về chính sách xuất khẩu từ thị trường nhập khẩu đặc biệt từ Trung Quốc - thị trường cung ứng trên 80-90% lượng phân bón nhập khẩu cho Việt Nam. Trong 2 năm trở lại đây, từ khi nguồn phân bón sản xuất trong nước gia tăng, nhất là đối với mặt hàng phân urê, giá phân bón vào vụ Đông Xuân đã tương đối bình ổn hơn.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là một đơn vị sản xuất phân urê lớn của cả nước có cách cung ứng và phân phối khá hiệu quả, được Bộ Công Thương đánh giá cao.

Phó tổng giám đốc PVFCCo Nguyễn Hồng Vinh cho biết: Việc sản xuất, lưu kho, vận chuyển và tiêu thụ đều tuân thủ theo các Quy trình kiểm soát nghiêm ngặt của Tổng công ty nhằm giữ chất lượng sản phẩm ổn định từ khâu sản xuất thành phẩm đến đóng bao, an toàn trong quá trình vận chuyển và trong suốt thời gian lưu kho cho đến khi sản phẩm đến tay bà con nông dân. PVFCCo đã vận hành xuất sắc nhà máy Đạm Phú Mỹ với kỷ lục thứ 2 thế giới về 188 ngày vận hành liên tục không dừng máy. Quá trình cung ứng Đạm Phú Mỹ tới bà con nông dân cả nước là một chuỗi xuyên suốt, rộng khắp. Có thể nói, sự tham gia của Ðạm Phú Mỹ đã góp phần tích cực trong việc bình ổn thị trường phân đạm.

Những rào cản cần tháo gỡ

Tại hội nghị, các cục, vụ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu ra nhiều thực trạng buồn trong sản xuất và kinh doanh phân bón. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay thật đáng báo động. Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón kém chất lượng với tỷ lệ rất cao. Sản phẩm phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng, phân bón có các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp giảm tới 80% đang ở mức lo ngại.

Năm 2011, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, lấy các mẫu và kết quả kiểm tra có tỷ lệ mẫu không đạt so với công bố áp dụng là 46,7% về hàm lượng hữu cơ; 46,6% về hàm lượng đạm tổng số; 33,3 % về hàm lượng lân dễ tiêu; 42,6% về hàm lượng kali dễ tiêu; đặc biệt có tới 41,8% số mẫu được phân tích cho kết quả có vi phạm cả ba yếu tố NPK...

Năm 2012, cơ quan thị trường đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Qua kiểm tra, đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về giá, chất lượng, đo lường, riêng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, quá hạn sử dụng bị phát hiện, bắt giữ đã lên đến gần 1.000 tấn.

Ngoài việc buôn lậu phân bón, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Bộ Công Thương cũng cho biết, để có tên trong Danh mục phân bón, cần phải qua mười ba thủ tục hành chính khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cho công tác quản lý. Việc quản lý phân bón theo Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam như vậy rất tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Việc quản lý phân bón theo hình thức “Danh mục phân bón” không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất và xu hướng hội nhập quốc tế.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón, tuy nhiên chưa phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ thống nhất quản lý phân bón. Do vậy, chưa có cơ quan nào thực sự có đầy đủ thông tin về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; việc quản lý còn phân tán và có phần chồng chéo.

Hiện nay hệ thống phòng phân tích chất lượng phân bón còn rất mỏng, do vậy khi kiểm tra phân tích mẫu phân bón thường phải mất thời gian rất lâu (thông thường khoảng 1 tháng) mới cho biết được kết quả kiểm tra, gây khó khăn cho việc xử phạt, xử lý vi phạm chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định: “Nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển, từ chỗ Việt Nam phải nhập khẩu nông sản đến nay đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng nhất nhì thế giới. Đóng góp quan trọng cho ngành Trồng trọt chính là mặt hàng phân bón. Ngành sản xuất phân bón đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, quản lý mặt hàng này còn nhiều cái bất cấp, cần phải rà soát và sửa đổi để đáp ứng được cục diện thị trường. Mặt hàng phân bón còn vi phạm về chất lượng, hàng giả, nhãn hiệu, trong hình thức kinh doanh. Trong quy định của chúng ta còn nhiều kẽ hở và cần rà soát lại, bổ sung”.

Đức Chính