Quốc hội thận trọng với kế hoạch tăng trưởng GDP 2014
Mục tiêu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2006-2010 thì năm 2006 đạt 8,23%, năm 2007 đạt 8,46%, năm 2008 đạt 6,31%, năm 2009 đạt 5,32% và năm 2010 6,78%. Bình quân thời kỳ 2006-2010, tăng trưởng kinh tế đạt 7,01%/năm, trong đó bình quân giai đoạn 2006-2007 đạt 8,34%; bình quân giai đoạn 2008-2010 đạt 6,14% do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế thế giới.
Sang giai đoạn 2011-2013, tốc độ GDP có dấu hiệu chững lại do suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến kinh tế trong nước. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010 thì bình quân 3 năm 2011-2013 chỉ là là 5,63% (theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đã giảm dần từ năm 2006 đến 2013 cùng với sự suy giảm của nền kinh tế trong nước và thế giới.
Theo dự báo, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2014 vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục trì trệ. Đối với nền kinh tế nước ta, dù được coi là thoát ra khỏi đáy khủng hoảng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng đã có nhiều tín hiệu cho thấy kinh tế đang được phục hồi, thị trường tài chính - tiền tệ đang dần ổn định. Vì vậy, với mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là mục tiêu thận trọng, có tính toán của Quốc hội.
Trước đó, đầu năm 2011, Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua mức tăng GDP bình quân 5 năm từ 7-7,5% trong giai đoạn 2011-2015. Nếu theo kế hoạch năm 2014 và kết quả đã thực hiện trong giai đoạn 2011-2013 thì mục tiêu trên là khó có thể hoàn thành được nếu không có sự đột phá mạnh mẽ trong giai đoạn 2014-2015.
Đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện thì tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.
Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Tăng trưởng đã chậm lại, chỉ còn 5,6% trong quý III/2013, so với 5,8% của quý II/2013 và 6,2% của quý III/2012. Dự báo trong 3 năm tới, GDP Indonesia sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,5-6% so với dự báo trước đây là 6-6,5%. GDP của Thái Lan trong năm 2013 cũng sẽ chỉ tăng trưởng 3,8-4,3%, thấp hơn so với mức dự đoán tăng 4,2-5,2% đã đưa ra. Trong khi đó nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Ấn Độ cũng dự báo tăng trưởng GDP 2013 chỉ đạt 4,7% so với mức dự báo 6,1% trước đó.
Theo các chuyên gia kinh tế, GDP của các nước đều không đạt như dự kiến ban đầu do kinh tế thế giới hồi phục chậm hơn dự kiến, khả năng chính phủ các nước sẽ không đẩy mạnh các biện pháp kích cầu, bên cạnh đó việc triển khai các kế hoạch đầu tư và việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, với điều kiện và khả năng hiện tại của kinh tế nước ta, mục tiêu tăng trưởng trên là phù hợp, cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Cần tiếp tục nâng cao sức mạnh nội lực
Theo đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới. Do vậy, chưa nên đặt vấn đề phục hồi tăng trưởng mà cần duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm hài hòa, cân bằng với các mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn để thấy rõ sự hồi phục chậm chạp của kinh tế trong nước còn bắt nguồn từ các yếu tố chủ quan, từ sự trì trệ trong tái cơ cấu kinh tế trong nước và tệ nạn tham nhũng còn tràn lan.
Trong báo cáo tại Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 7/11 vừa qua, nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng: “Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đang hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỉ đồng. Nguyên nhân là do công tác quản lý cán bộ trong lĩnh vực này còn nhiều sơ hở dẫn đến thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước rất lớn…”. Điều này đang làm giảm đi khả năng khả năng thu hút đầu tư và đe dọa tính hiệu quả các dự án trọng điểm.
Trong nhiều năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP cao khoảng 7%/năm, môi trường đầu tư tốt, kinh tế ổn định là yếu tố hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện các yếu tố này không còn là lợi thế so sánh với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.
Hiện nay, tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế nước ta vẫn đang diễn ra tương đối chậm chạp. Nhìn chung, tồn kho hàng hóa vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là tồn kho bất động sản, công nghiệp, công nghiệp chế biến và nợ xấu vẫn còn ở mức cao. Định hướng phát triển các ngành, các doanh nghiệp mũi nhọn vẫn chưa rõ nét, trong khi thời điểm tham gia thực sự, toàn diện các cam kết khi gia nhập WTO vào năm 2018 đã cận kề. Vì vậy, để nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế trước hết phải tăng khả năng cạnh tranh của các ngành, các doanh nghiệp mũi nhọn, chiến lược của nước ta, làm cơ sở cho sự lan tỏa sang các ngành, lĩnh vực phụ trợ liên quan. Đặc biệt phải kích cầu đầu tư công và hồi phục sự phát triển của ngành xây dựng.
Theo thống kê, tỷ lệ đầu tư trên GDP hiện chỉ còn khoảng 21% so với mức 42,5% trong giai đoạn 2005-2010, 34,6% năm 2011 và 33,5% năm 2012. Vì vậy, cần duy trì đầu tư ở mức khoảng 30% GDP là một biện pháp nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích các ngành khác hồi phục. Song song với đó là thi hành các biện pháp để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả của các khoản đầu tư này.
Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với định hướng năm 2014-2015, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm đạt khoảng 6%, lạm phát ở mức 7%, kim ngạch xuất khẩu 10%… đã được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ của Chính phủ lúc này là phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa để kích thích sự phát triển nền kinh tế thông qua xử lý những vấn đề yếu kém tồn tại trong lĩnh vực bất động sản, tài chính - ngân hàng, giải quyết nợ xấu đồng thời nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư, tránh dàn trải, lãng phí, kiên quyết đấu tranh với nạn tham ô, tham nhũng, thực hiện các khâu đột phá chiến lược gắn với đề án tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét cho nền kinh tế.
Thành Trung
-
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Quyết định phương án sắp xếp đơn vị hành chính
-
Đề xuất giảm thuế TNDN với cơ quan báo chí xuống mức 10%
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng
-
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật vừa được Quốc hội thông qua
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận