Nợ thuế hay chiếm dụng vốn từ ngành thuế?
Usilk City - một trong những dự án bất động sản do Sông Đà - Thăng Long làm chủ đầu tư.
Thông tin từ Cục Thuế Hà Nội cho thấy, khả năng hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách mà cơ quan này được Tổng cục Thuế giao thực hiện trong năm 2013 là khá thấp, ước đạt khoảng 87%. Trong khi bài toán thu ngân sách của Cục Thuế Hà Nội đang gặp khó như vậy thì số nợ thuế của 76 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố lại lên tới 1.800 tỉ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây lắp, vật liệu xây dựng… chiếm tới hơn 80%, số nợ thuế cũng chiếm hơn 95% tổng nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội.
Lý giải về tình trạng hụt thu này, Cục Thuế Hà Nội cho rằng vì chỉ tiêu thu được giao của ngành thuế thủ đô vượt quá khả năng thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số hơn 80% doanh nghiệp nợ thuế liên quan đến hoạt động đầu tư bất động sản, xây dựng thì mới thấy, đó chỉ là nguyên nhân mang tính bề nổi chứ chưa thể hiện được bản chất thật của vấn đề.
Xin viện dẫn trường hợp của Công ty Sông Đà – Thăng Long, doanh nghiệp này hiện đang nợ 283 tỉ đồng tiền thuế và đứng đầu “danh sách đen” về nợ thuế của Cục Thuế Hà Nội. Sự đi xuống của doanh nghiệp này khoảng 2 năm trở lại đây phần nào cho thấy bản chất thật của nợ thuế không hẳn là do lỗi khách quan mang lại, mà còn có một phần nguyên nhân từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Và nếu đúng là như vậy thì đây là điều không thể chấp nhận được, bởi nếu nói thẳng ra thì nợ thuế kiểu này chẳng khác nào là chiếm dụng vốn của ngân sách.
Trong giới đầu tư ở Hà Nội, cái tên Sông Đà – Thăng Long từng chẳng mấy xa lạ, thậm chí nổi lên như “cồn” từ hơn 1 năm nay. Usilk City – một trong những dự án bất động sản tai tiếng nhất trên thị trường bất động sản Hà Nội – là sản phẩm của tham vọng “siêu lợi nhuận” của Sông Đà – Thăng Long.
Năm 2008, tiếp sau thành công của dự án Khu đô thị Văn Khê, Sông Đà – Thăng Long nhanh chóng lên kế hoạch và cho triển khai dự án Usilk City – một trong những dự án được liệt vào hạng đẳng cấp nhất của Hà Nội vào thời điểm đó. Do được liệt vào danh sách đẳng cấp nên mức giá mà doanh nghiệp này đưa ra cũng liên tục được điều chỉnh tăng, từ 750 USD/m2 lên tới 960 USD/m2. Tuy mức giá được điều chỉnh tăng cao như vậy nhưng giới đầu tư Hà Nội săn đón rất quyết liệt. Và có lẽ vì thế, một bản kế hoạch “siêu lợi nhuận” đã được ban lãnh đạo công ty đặt ra với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm (từ 2010 – 2015) lên tới 20%.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển này đã thất bại gần như hoàn toàn khi Sông Đà – Thăng Long đã không lường trước được những biến động trên thị trường. Usilk City từ chỗ là giấc mơ của nhiều nhà đầu tư đã trở thành ác mộng. Không ít nhà đầu tư đã đổ cả tỉ đồng theo hợp đồng mua nhà của dự bán sau nhiều năm liền vẫn không nhận được nhà. Chủ đầu tư liên tục thất hẹn giao nhà với khách hàng khiến bầu không khí của dự án lúc nào cũng “căng như dây đàn”.
Một khách hàng mua nhà tại dự án này đã từng ngao ngán thốt lên với PetroTimes rằng: Chẳng biết mấy ông này ôm tiền của chúng tôi đi đâu, đầu tư vào chỗ nào mà tiền thu rồi, dự án thì cứ ì ạch giậm chân tại chỗ!
Vấn đề của Usilk City là vậy. Họ đã thu một lượng tiền không nhỏ của khách hàng nhưng rồi lại chẳng thể đảm bảo tiến độ cho dự án!
Sự bết bát của Sông Đà – Thăng Long dường như lên đến cực độ khi cổ phiếu SLT của công ty đã chính thức bị hủy niêm yết vào ngày 26/7/2013.
Sông Đà – Thăng Long đã “chết” bởi tham vọng đầu tư của mình như thế nhưng cái hệ quả của nó không chỉ như vậy, Sông Đà – Thăng Long bết bát nhưng nhiều khách hàngcũng “khóc dở mếu dở”. Để có thể có tiền mua nhà tại Usilk City, nhiều người trong số họ đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để nộp cho chủ đầu tư nhưng nhà thì chẳng có mà tiền lãi hàng tháng vẫn cứ phải đóng đều đều.
Thực trạng này không chỉ riêng tại các dự án bất động sản do Sông Đà – Thăng Long làm chủ đầu tư mà còn rất nhiều dự án bất động sản khác. Họ thu tiền của khách, chiếm dụng và dự án thì cứ để treo ở đó!
Nhưng nghiêm trọng hơn, không ít doanh nghiệp kiểu như Sông Đà – Thăng Long đã “nợ” nghĩa vụ với khách hàng mà còn “nợ” nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đây là điều hết sức đáng lên án, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn như hiện nay thì những khoản nợ lên tới cả trăm tỉ đồng như Sông Đà – Thăng Long là điều không thể chấp nhận được. Lúc thị trường hoàng kim, họ thu được những khoản lợi nhuận siêu khủng. Nhưng rồi vì lòng tham, vì “giấc mơ” siêu lợi nhuận, họ đã ôm tiền không chỉ của khách hàng mà của cả ngân hàng đi đầu tư dự án này, dự án kia và hệ quả là khi thị trường đi xuống, thanh khoản thấp, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng tiền “vay mượn” đã bị đắp chiếu, kinh doanh bết bát, tài chính khó khăn…
Chúng ta có thể hiểu và chia sẻ với những doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng với những doanh nghiệp kiểu như Sông Đà – Thăng Long bắt ngân sách Nhà nước cũng phải “gánh” một phần cục nợ do mình tạo nên thì không thể chấp nhận!
Thanh Ngọc
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới duy trì sắc đỏ phiên đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/4): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Ấn Độ cho phép đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện hạt nhân?
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/4: Các thương vụ M&A tại Mỹ có khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (21/4-27/4)