Nhà băng "vây" siết nợ doanh nghiệp: Lỗi tại ai?

10:54 | 17/05/2013

646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những lỗ hổng trong khâu thẩm định tài sản thế chấp đối với các khoản vay tín dụng đã khiến không ít ngân hàng phải đối diện với cuộc chiến chẳng ai muốn: Ngân hàng “đánh nhau” để giành tài sản thế chấp!

Nhân viên các ngân hàng lập vòng vây để siết nơ doanh nghiệp.

Không bất ngờ!

Cuối năm 2012, giữa lúc vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu lên đến đỉnh điểm, liên tiếp các Hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của hầu hết các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam, sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ tín dụng ngân hàng đã được chỉ ra là một trong những nguyên nhân đẩy nợ xấu lên mức trầm trọng. Theo đó, rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng: Nhiều cán bộ tín dụng đi thẩm định tài sản thế chấp cho các khoản vay của doanh nghiệp theo kiểu nhắm mắt cho qua!

Tại thời điểm đó, thị trường tài chính – ngân hàng mới nhìn nhận đây mới chỉ là nguy cơ và là “ẩn họa” ở thì tương lai bởi họ cho rằng những vụ tranh chấp diễn ra không phải phổ biến. Tuy nhiên, mới đây, khi sự việc có gần chục ngân hàng cắt cử một đội bảo vệ hùng hậu “vây chặt” Công ty cổ phần Inox Việt – Mỹ để giữ lượng hàng là các cuộn Inox xuất ra ngoài thì người ta mới chợt hiểu: Cái “ẩn họa”, cái nguy cơ mà giới chuyên gia nhắc tới đã không còn ở thì tương lai, nó đã diễn ra và rất có thể bùng phát trong thời gian tới!

Theo tìm hiểu của Petrotimes, việc các ngân hàng cắt cử cán bộ xuống quây Công ty cổ phần Inox Việt Mỹ bắt nguồn từ thông tin Teckcombank đang tiến hành bốc sếp hàng là những cuộc Inox lên xe để chở khỏi kho hàng của công ty này. Việc làm này của Teckcombank với Công ty cổ phần Inox Việt Mỹ đã có sự thỏa thuận và được theo dõi quản lý thông qua Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ kho vận A+.

Theo đại diện của Công ty cổ phần Inox Việt Mỹ là bà Lê Thị Hồng Vân chia sẻ với báo chí thì trong 2 ngày 4 – 5/5, công ty Việt Mỹ đã có biên bản bàn giao số hàng hóa đã thế chấp khi vay vốn cho Teckcombank (lượng hàng được tính là 51 cuộn, tương đương khoảng 100 tấn Inox). Bà cũng khẳng định rằng, việc giao hàng này cho phía Teckcombank là hoàn toàn tự nguyện.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như không xuất hiện thêm một số ngân hàng khác và những ngân hàng này cũng cho rằng, lượng hàng hóa trên cũng đã được Công ty Việt Mỹ thế chấp để vay vốn. Và như một lẽ tất nhiên, chẳng ngân hàng nào chịu nhường vì nhường cũng đồng nghĩa nguy cơ toàn bộ khoản vay của Công ty Việt Mỹ có thể mất trắng vì tình hình của công ty này là rất bết bát.

Đó là câu chuyện được xem là một trong những đề tài “nóng” nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngân hàng cũng đi siết nợ theo đúng kiểu xã hội: Bao vây và cấm vận!

Chưa biết cuộc chiến giành giật lượng hàng thế chấp này giữa các ngân hàng sẽ đi đến đâu nhưng có thể khẳng định, các ngân hàng đang phải trả giá quá đắt cho sự lỏng lẻo, yếu kém cũng như tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận cán bộ tín dụng, thẩm định tài sản thế chấp! Giới chuyên gia sau khi đưa lời cảnh báo từ cuối năm 2012 giờ lại đang đặt câu hỏi, liệu rằng, giữa lúc tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, những cuộc chiến tương tự giữa các ngân hàng có bùng nổ trong thời gian tới hay không?

Đưa quan điểm bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một hiện tượng hết ức khôi hài nhưng không còn là chuyện hiếm. Từ đó ông đã chỉ ra rằng, để xảy ra hiện tượng như trên có phần trách nhiệm không nhỏ của chính các ngân hàng.

“Ngân hàng nhận thế chấp hàng hóa nhưng thẩm định cẩu thả, sau đó lại không giám sát chặt hàng tồn kho. Việc này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp gian dối, mang một lô hàng đi thế chấp, vay vốn nhiều nơi” – ông Hiếu đề cập.

Qua chuyện này, ông cũng cho rằng: Tính liên thông trong hệ thống ngân hàng còn yếu vì thế rủi ro cho vay thế chấp bằng tài sản càng lớn".

Nói như vậy để thấy rằng, câu chuyên gây xôn xao dư luận những ngày qua là không lạ, thậm chí là hết sức bình thường trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay!

Nhận diện lỗ hổng!

Rủi ro trong cho vay thế chấp bằng hàng hóa: Tình tiết phức tạp mới của giải quyết nợ xấu!

Như đã phân tích ở trên, việc một doanh nghiệp mang cùng một tài sản đi thế chấp thành công tại nhiều ngân hàng khác nhau và khi thất bại trong kinh doanh, nó đẩy các ngân hàng vào cuộc chiến giành giật lô hàng đó là điều hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, đằng sau những câu chuyện tương tự, chúng ta phải thấy rằng, đây chính là hệ quả của một giai đoạn đua tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và sự dễ dãi trong các khoản vay của ngân hàng.

Như đã đề cập tới ở trên, một trong những lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng chính là câu chuyện đạo đức nghề nghiệp xuống cấp của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Minh chứng cụ thể cho nhận định này chính là một loạt vụ việc nhận thế chấp sổ đỏ, ký chứng thư bảo lãnh… xảy ra cuối năm 2012.

Điển hình có thể kể tới vụ việc ký bảo lãnh của Giám đốc Chi nhánh Thăng Long của NH HD Bank cho Cty TNHH sản xuất vật liệu mới Á Âu thực hiện hợp đồng 1201/HĐMB2012/AD-AA với Cty CP dịch vụ viễn thông An Đô. Tổng giá trị hợp đồng được xác định là hơn 10 tỉ đồng và thời hạn thanh toán chậm nhất là 15.5.2012.

Cụ thể, HD Bank Chi nhánh Thăng Long do ông Lê Quý Hiền là giám đốc ký khẳng định cam kết sẽ thanh toán số tiền trên cho Công ty An Đô ngay sau khi nhận được văn bản kèm theo hồ sơ chứng minh Cty Á Âu không thành thành đúng nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng hai bên đã ký.

Nói về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc điều hành công ty Luật Basico khẳng định: Việc cho vay và nhận thế chấp hàng hóa là sản phẩm kinh doanh đặc thù rủi ro của ngân hàng. Trong hoạt động này khẳng định có rất nhiều lỗ hổng trong việc cho vay và quản lý tài sản.

Từ đó, Luật sư Trần Minh Hải chi ra 2 lỗ hổng là: Lỗ hổng liên quan tới trước khi vay vốn (thẩm định vượt giá trị - PV để giải ngân những khoản vay cao hơn giá trị thật); Lỗ hổng trong quá trình kiểm tra, giám sát số lượng, chất lượng hàng định kỳ để bảo đảm rủi ro mất vốn, mất tài sản.

Đi phân tích cụ thể hơn vụ việc ở Công ty Việt Mỹ, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc công ty Luật Fanci cho rằng: Khi nhận một tài sản thế chấp để cho vay, các ngân hàng đã thẩm định không "kỹ" tài sản thế chấp xem liệu nó đã vướng vào là tài sản thế chấp cho người khác chưa, giá trị bao nhiêu và nó tăng giá trị hay giảm giá trị như thế nào... Sự lỏng lẻo này đã dẫn đến việc, một kho hàng nhưng lại được thế chấp vay vốn ở nhiều ngân hàng và chỉ đến khi kéo đến đòi nợ các ngân hàng mới biết nhau còn trước đó có thể là không biết... và đó là lỗi cơ bản của phía cho vay.

Qua những phân tích ở trên để thấy rằng, nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện không phải là nhỏ. Và với những rủi ro cố hữu của loại hình cho vay thế chấp bằng hàng hóa thì nguy cơ này càng lớn.

Thanh Ngọc