Mua bán ngân hàng, còn nhiều thương vụ khủng

08:51 | 09/04/2013

589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hơn một năm qua hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Mục đích có lẽ trước hết là tái cấu trúc và tăng khả cạnh tranh. Dù hoạt động M&A ngân hàng không bao giờ dễ dàng nhưng dự báo sẽ còn nhiều thương vụ khủng khác tiếp diễn.

Những cuộc hôn nhân và hứa hôn

Trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, VietinBank - CTG đã bán 644,4 triệu cổ phiếu cho The Bank of Tokyo-Mitshubishi UFJ (BTMU) để thu về khoảng 15.465,3 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Đây là vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay trong các lĩnh vực ngân hàng. Trên thực tế, việc BTMU "vào" VietinBank đã được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu và cũng dễ hiểu bởi VietinBank là một trong 3 "ông lớn" tại Việt Nam đã cổ phần hóa và đang tìm đối tác chiến lược nước ngoài.

Trước đó, Tập đoàn tài chính Mizuho Financial đã bỏ ra 567,3 triệu USD để mua 15% cổ phần phát hành thêm, tương đương 347,6 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Và hồi năm 2007, tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group đã mua 15% cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 225 triệu USD.

Hồi cuối năm ngoái, tân Chủ tịch Sacombank, ông Phạm Hữu Phú, cũng đã công bố ngân hàng này có thể bán 15% cổ phần cho một đối tác ngoại, dự kiến đến từ Nhật Bản.

Hàng loạt các vụ M&A giữa các ngân hàng-tài chính nội cũng đã diễn ra hoặc được lên kế hoạch trong thời gian qua như: Habubank sáp nhập và SHB; 3 ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB; Sacombank dự tính sáp nhập vào Eximbank; Western Bank được duyệt đề án sáp nhập với PVFC...

Bên cạnh đó, hàng loạt các ngân hàng nhỏ khác cũng đang tìm cách gọi vốn từ cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối tương đối lớn, nhằm xử lý thanh khoản và cải thiện công tác quản trị rủi ro như: TrustBank (bán cổ phần cho Tập đoàn Thiên Thanh); TienPhongBank (bán 20% cổ phần cho DOJI); và rất có thể trong thời gian tới là GPBank và Navibank...

M&A mới chỉ là bước đầu

Với các trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mua cổ phần ngân hàng nội, một lượng tiền lớn nhanh chóng được bơm vào làm tăng quy mô của các đơn vị này ngay lập tức. Cùng với kinh nghiệm quản trị của đối tác ngoại, khả năng thành công sau M&A thường khá lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các đối tác ngoại thông thường chỉ bỏ tiền vào các ngân hàng nội lớn hoặc/và hoạt động tốt. Dòng vốn ngoại vào vào các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém vẫn chưa khởi sắc do dự tính tăng room cho khối ngoại, vượt mức 30%, có thể lên tới 40% hoặc 49% tại một số ngân hàng dạng này chưa thành hiện thực.

Trong khi đó, các cuộc "hôn nhân" giữa các đối tác trong nước với nhau diễn ra có vẻ thuận chiều hơn. Trong trường hợp SHB-Habubank, ngay sau khi sáp nhập, SHB đã gia nhập nhóm ngân hàng lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đã chứng kiến lợi nhuận 2012 tụt giảm và đau đầu với nợ xấu do phải gánh những khoản nợ xấu khổng lồ của Habubank để lại.

Với các thương vụ khác, tình hình có vẻ không mấy tích cực. Vụ 3 ngân hàng hợp nhất thành SCB là thương vụ M&A mang màu sắc "tái cấu trúc bắt buộc". Ba thực thể yếu ớt hợp nhất với nhau đã gây ra nhiều lo ngại cho giới tài chính.

Trong vài tuần vừa qua, một quỹ đầu tư đã phải kêu cứu về việc một ngân hàng mới hợp nhất không hoàn trả được hơn 500 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của công ty đã đáo hạn hơn một năm qua.

Trái lại, trong trường hợp Eximbank-Sacombank, nhóm cổ đông lớn mua thâu tóm Sacombank mang màu sắc M&A thù nghịch. Hiện tại cơ cấu cổ đông tại Sacombank vẫn chưa thực sự rõ ràng và sự hợp nhất Eximbank-Sacombank mới dừng ở mức dự định.

Trên thế giới, thực tế đã chứng minh một số lượng không nhỏ các thương vụ M&A không tạo ra giá trị gia tăng. Việc sáp nhập các đơn vị với nhau thuần thúy theo phép số cộng không mang lại hiệu quả cho thực thể mới.

Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, các trường hợp sáp nhập dường như theo hướng gia tăng về lượng nhiều hơn về chất. Các phương án xử lý nợ xấu, cải thiện thanh khoản, xử lý xung đột nhân sự, cải thiện dịch vụ, giảm phụ thuộc vào tín dụng, thậm chí phá sản... dường như chưa được chuẩn bị thực sự kỹ lưỡng. Việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém do vậy không hề đơn giản và có thể còn mất nhiều thời gian.

Theo Mạnh Hà/Vietnamnet