Hoãn Thông tư 02: “Đúng” và “trúng”

16:54 | 03/06/2013

508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Doanh nghiệp không đủ “khỏe” nên nếu thực hiện phân loại nợ, nhiều doanh nghiệp sẽ “gục”. Điều này đồng nghĩa với việc bài toán nợ xấu thêm phần phức tạp.

>>> Tạm 'thoát' gánh nặng nợ xấu!

Lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02: Doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn về vốn.

Là một trong những vẫn đề lớn được đề cập tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt (VBF), báo cáo của Nhóm công tác Ngân hàng (BWG) đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự. Trong đánh giá của mình, MWG khẳng định: Hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những tiến bộ đáng kể trong việc ổn định thị trường tài chính và tiến hành kế hoạch tái cấu trúc cho ngành ngân hàng.

Đưa quan điểm bình luận về việc hoãn thời điểm Thông tư 02, BWG cho rằng, Thông tư sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ xấu, vì vậy, các ngân hàng cần phải “tự giác” tuân thủ các nguyên tắc đề ra Thông tư 02 càng sớm càng tốt.

BWG cũng đánh giá rất cao những quy định được nêu trong Thông tư 02, ví như quy định các tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phải đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng cung cấp danh sách khách hàng thuộc nhóm nợ có mức độ cao nhất. Trường hợp đánh giá của Trung tâm này có mức rủi ro cao hơn thì phải sử dụng kết quả này và việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng phải tuân theo keetr quả phân loại của Trung tâm.

Tuy nhiên, để quy định này có thể mang lại hiệu quả cao hơn, BWG cho rằng,  Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng bảng xếp hạng tín dụng của riêng mình bởi những đơn vị này sẽ có nguồn thông tin cập nhật hơn, chính xác hơn trong việc đánh giá rủi ro; phân loại nợ của khách hàng…

Ngoài ra, việc yêu cầu các tổ chức tín dụng dựa vào bảng xếp hạng tín dụng của Trung tâm thông tin tín dụng là mâu thuẫn với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng tự xây dựng hệ thống phân loại nợ nội bộ;…

Trả lời những vấn đề trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ: Thông tư 02 là một bước tiến lớn nhằm đảm bảo tính minh bạch của hệ thống ngân hàng, đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro, phản anh chính xác chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu… để phục vụ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Ông Hưng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc thay đổi thời gian thực hiện Thông tư 02 là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, tạo mặt bằng lãi suất cho vay vào tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời cũng giúp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thêm thời gian chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để tuân thủ theo các quy định của Thông tư 02.

Nói như vậy không có nghĩa “cái hay”, bước tiến lớn trong Thông tư 02 sẽ bị “lãng quên”. Điều này cũng được ông Lê Minh Hưng khẳng định khi cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định phân loại nợ … và phải xây dựng lộ trình thực hiện Thông tư 02, triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Như đã phản ánh, trong rất nhiều ý kiến phân tích, bình luận được giới chuyên gia đưa ra thời gian gần đây, giới chuyên gia đều đưa quan điểm ủng hộ quyết định lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02. Quyết định này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn mà còn giúp các ngân hàng cải thiện đáng kể vấn đề tăng trưởng tín dụng – một trong những vấn đề nóng, đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các tổ chức tín dụng nước ta.

“Thoát” phân loại nợ xấu cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ không bị tụt bậc trong bảng xếp hạng tín dụng nội bộ của mỗi ngân hàng – một cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết.

Nói như vậy để thấy rằng, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc hoãn thời điểm thực hiện Thông tư 02 vừa “đúng” nhưng cũng lại rất “trúng”. Nó đã tạo nên những điều kiện nhất định để vốn ngân hàng chảy vào nền kinh tế và ngược lại, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng sẽ tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn.

Thanh Ngọc