Gửi tiền ngân hàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn

11:00 | 26/06/2013

1,131 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro thì gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/5, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 6,59% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn bằng Việt Nam đồng (VNĐ) tăng 7,55%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 0,85%. Đặc biệt, huy động vốn VNĐ tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 11,5%), tổ chức kinh tế (tăng 1,23%). Điều đó cho thấy, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn hiện nay.

Chị Huỳnh Ngọc Lan, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: “Mặc dù lãi suất trong thời gian qua đã giảm mạnh, từ 14 – 15%/năm xuống chỉ còn khoảng 7,5%/năm, thậm chí thấp hơn với tiền gửi ngắn hạn nhưng đi làm công chức có vài trăm triệu tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu nên tôi cũng đành tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Vì tuy lãi suất không cao nhưng theo tôi đây là kênh đầu tư an toàn nhất trong điều kiện hiện nay khi giá vàng liên tục giảm, chênh lệch quá cao so với giá thế giới; chứng khoán lại biến động mạnh, rủi ro lớn và không phải ai cũng hiểu biết về chứng khoán để đầu tư”.

Gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn hiện nay

Ngoài ra, do lãi suất kỳ hạn gửi tiết kiệm ngắn hạn khá thấp nên nhiều người chọn chuyển sang gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên để hưởng lãi suất cao hơn, trung bình từ 8%-11%/năm, thay vì mức 7,5%/năm hoặc thấp hơn cho các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

NHNN đánh giá: Mặc dù lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm nhưng khách hàng vẫn đến giao dịch bình thường, không xảy ra hiện tượng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng. Nguồn tiền gửi của người dân chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VNĐ. Đây là kết quả tích cực của giải pháp chính sách mà NHNN đã điều hành trong thời gian qua, giảm tình trạng vàng hóa và Đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 2,98%, cao hơn 0,56% so với cùng kỳ năm ngoái và đang có xu hướng cải thiện qua từng tháng. Trong đó, tín dụng bằng VNĐ tăng 5,48%, trong khi tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%.

Trong điều kiện huy động vốn tăng cao, tín dụng khó mở rộng, các tổ chức tín dụng đã tăng cường mua trái phiếu Chính phủ để đưa tiền ra nền kinh tế qua kênh ngân sách, đồng thời để tăng dự trữ thanh khoản. Thanh khoản VNĐ của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống.

Những tháng cuối năm 2013, NHNN tiếp tục chủ trương phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VNĐ, hạn chế sự chuyển dịch sang USD.

Mai Phương